Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Các làng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) - Làng cổ ở Đường Lâm

Các làng cổ ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội

 
Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây gồm 9 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Trong đó có 5 thôn có hệ thống nhà cổ, công trình đền chùa, di tích phong phú, bao gồm các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Đây là các làng cổ trước đây thuộc cổ ấp Đường Lâm với lịch sử hàng ngàn năm. Các làng cổ Đường Lâm nổi tiếng là quê hương của 2 vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, có 19 công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử và hàng trăm ngôi nhà cổ, đền, phủ, miếu, giếng cổ. Làng cổ ở Đường Lâm cũng được biết đến là “ làng Việt cổ đá ong” với vật liệu đá ong xây dựng làng xóm tạo nên cảnh quan rất đặc trưng, tiêu biểu cho làng truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng.
Với những giá trị như vậy, năm 2005 Bộ Văn hóa Thông tin đã có quyết định công nhận các làng cổ ở Đường Lâm là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 77/2005/QĐ-BVHTT ngày 28/11/2005. Đây là các làng cổ đầu tiên ở nước ta được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Phạm vi bảo tồn gồm 5 thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Gíap và Cam Lâm trong tổng số 9 thôn của xã Đường Lâm. Diện tích khu vực bảo tồn khỏang 164,2 ha trong đó khu vực thôn Mông Phụ được bảo tồn tòan bộ với diện tích vùng 1 tòan thôn khoảng 14,6 ha.
Dựa trên tư liệu của nhóm Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích các làng cổ ở Đường Lâm, do PGS.TS Phạm Hùng Cường làm chủ trỡ đô án, Viện Bảo tồn Di tích là đơn vị thực hiện năm 2009-2010. Các giá trị di sản văn hóa của các làng cổ ở Đường Lâm được tóm tắt dưới đây.
Cấu trúc quy hoạch làng cổ ở Đường Lâm
Cấu trúc chung của làng cổ
Các làng cổ ở Đường Lâm được xác định gồm các làng: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm. Trong đó chỉ có làng Cam Lâm là có sự tách biệt, nằm cách Đoài Giáp khoảng 350m, có con sông Tích chảy qua giữa 2 làng. Còn lại 4 làng là Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp gắn liền với nhau.
Cụm 4 làng này có một tuyến giao thông từ quốc lộ 32 đi qua Đông Sàng vào Cam Lâm. Đây là tuyến giao thông chính gắn kết giữa các làng. Tuy nhiên lối vào làng của Mông Phụ và Cam Thịnh cũng có đường vào riêng từ quốc lộ 32.
Về lịch sử các làng cổ ở Đường Lâm trước đây là các xã riêng biệt, thời Nguyễn còn có tài liệu về địa bạ của các xã Đường Lâm, Cam Lâm nhưng do có sự gắn kết về địa lý nên nếu phân tích cấu trúc của các làng cổ Đường Lâm khó có thể chỉ tách riêng Mông Phụ làm điển hình. Các tài liệu về nghiên cứu lịch sử, cũng chưa nói đến sự xuất hiện sau, trước của làng nào. Các tài liệu cho thấy đến trước thế kỷ 19 thì các thành tố xác định cấu trúc của các làng đã đầy đủ. Vì vậy khả năng tồn tại của các làng gắn kết như hiện nay có thể tồn tại từ rất lâu.
 Xét về cấu trúc tổng thể, mỗi làng cổ ở Đường Lâm đều có các thành tố cơ bản của cấu trúc làng truyền thống, mặc dù có khu vực chỉ còn dấu tích. Tuy giáp nhau nhưng hệ thống đường làng, ngõ hoàn toàn riêng biệt. Giữa các làng chỉ giáp lưng vào nhau và liên kết với nhau thông qua đường chính của làng (phải qua cổng). Như vậy về cơ bản các thành phần của một làng truyền thống đều tồn tại trong các làng chứng tỏ chúng có sự độc lập nhất định trước khi phát triển gắn với nhau.
 
Bảng thống kê các thành phần cơ bản của 4 làng truyền thống
Các thành phần của cấu trúc
Mông Phụ
Cam Thịnh
Đông Sàng
Đoài Giáp
Cổng làng
Còn 1 cổng, có vị trí 4 cổng
Đã mất
Đã mất
Đã mất
Luỹ tre
Đã mất
Đã mất
Còn một đoạn
 Đã mất
Đình
Đình Mông Phụ
Đình Cam Thịnh
Đình Đông Sàng
Đình Đoài Giáp
                         Đình Tổng (chung cho các làng)
Chùa
Chùa Mía (đặt tại Đông Sàng)
Chùa Ón ( Đặt tại Mông Phụ) (trước là miếu thờ Thánh vật đặt tại Cam Thịnh)
Ao làng, giếng
Có (chung với Đoài Giáp)
Có (chung với Mông Phụ)
Đường làng, ngõ độc lập, phân nhánh
Quán, nghĩa địa ngoài đồng ruộng
Đồng ruộng
Còn
còn (ít nhất trong các thôn)
Còn
 Còn
 
* Sự gắn kết giữa các làng cổ
Thông thường mỗi làng xã truyền thống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ đều có chùa riêng (khoảng từ thế kỷ 10 dưới triều Lý). Các làng cổ Đường Lâm chỉ có 1 chùa chung cho 5 làng (Cam Lâm không có chùa riêng). Chùa Ón (Mông Phụ) cần được làm rõ về tên gọi vì hiện nay chỉ là ngôi nhà nhỏ, diện tích khoảng 12 m2, không có tượng Phật, (bàn thờ vẽ hình rồng chầu mặt trời, hàng năm trước sân tổ chức hội thi đấu vật). Tên gọi có sự trùng lặp là hiện tượng thường gặp tại Đường Lâm (Đền gọi là Đình: Đền Phùng Hưng gọi là đình Cả, Đền Đức thánh Tản gọi là Đình Phố)
Có đình Tổng (đối diện chùa Mía) thờ Thành hoàng chung cho các làng.
Chợ Mía tồn tại từ lâu, là chợ chung cho cả các làng. Khu vực chợ Mía cũng gần với Phố Mía đã từng tồn tại trong lịch sử (nằm dọc tuyến đường 32 hiện nay, gần lối vào Đông Sàng)
Có ao làng được sủ dụng chung (thôn Mông Phụ và Đoài Giáp).
Hệ thống đồng ruộng không phân bổ theo cơ cấu thôn mà được quản lý theo cơ cấu xã.
Nghĩa địa: Vừa có khu vực chung vừa có khu vực riêng, phần chôn trên ruộng chủ yếu ở Mông Phụ.
Liên kết đường chính: Mông Phụ muốn đi chùa Mía phải qua đường làng Đông Sàng, từ Cam thịnh muốn đi Cam Lâm có đường nối thẳng qua Mông Phụ.
Như vậy xét về mặt cấu trúc, 4 làng cổ Đường Lâm vừa có tính độc lập, vừa có tính liên kết với nhau, điều này tạo nên sự đặc biệt trong cấu trúc các làng cổ, việc bảo tồn cần tính toán đến sự thống nhất trong chính sách, không quá tập trung vào Mông Phụ.
Riêng khu vực Cam Lâm cấu trúc có tính độc lập hơn, có Đền thờ Đức thánh Tản, ngoài ra còn có đền thờ Phùng Hưng, Đền và Lăng Ngô Quyền.
Xét tương quan giữa các làng thì Mông Phụ còn giữ được cấu trúc cũ nguyên vẹn nhất, là làng duy nhất còn cổng làng, phần đồng ruộng cũng tiếp giáp chủ yếu phía Mông Phụ tạo cho Mông Phụ có được cấu trúc trong và ngoài làng hoàn chỉnh
Cấu trúc làng cổ Mông Phụ
Dân cư và cấu trúc xóm
 Xóm là một nhóm nhà ở nằm trên một tuyến ngõ hoặc vài ngõ gần nhau. Các xóm có sự độc lập về không gian nhất định, có cổng xóm. Các nhà khác xóm có khi giáp lưng nhưng cổng lại cách nhau rất xa vì thế có câu“ gần nhà xa ngõ”.
Thôn Mông Phụ gồm 9 xóm: Xóm Đình, Xóm Giang, xóm Chim, Xóm Sui, xóm Hè, xóm Sải, xóm Hậu, xóm Miễu, xóm Xây. Làng có 376 hộ (1591dân)
Các xóm có đường chính là xóm Đình, xóm Hè, xóm Sui, xóm Sải.
Cổng làng, cổng xóm
- Cổng làng: Hiện chỉ còn 1 cổng, 4 cổng đã mất gồm cổng Sui, cổng Chim và 2 cổng nối với các thôn khác (Cam Thịnh, Đoài Giáp)
- Cổng xóm: Hiện chỉ có cổng xóm Hậu
Không gian đình Mông Phụ
Có tính chất như một quảng trường trung tâm, các tuyến đường của xóm này đều gặp nhau tại sân rộng trước cửa đình. (Nếu các đường ngõ xóm như những cành cây thì sân trước đình là gốc cây, tất cả cành nhánh đều quy tụ lại).
Nếu tính từ sân trước của đình thì đây là điểm khởi đầu đi các xóm Giang, xóm Hè, xóm Đình, xóm Sải. Đây cũng là nét độc đáo của làng cổ Mông Phụ, dù là khách lạ cũng khó có thể lạc ở Mông Phụ vì mọi con đường đều quy tụ lại một điểm.
Đường liên kết ngõ xóm
Đường chính xóm Đình, xóm Sải đổ nhựa rộng khoảng 5,5 m , các ngõ rộng 1,8-2,4m . Đường chính các xóm khác lát gạch rộng, đường ngõ rộng 1,8- 2,4 m. Cá biệt có ngõ nhỏ rộng 1,2 m. Đường phân nhánh cành cây là chủ yếu.
Ao làng
Có 2 ao, một nằm ở phía Nam , dưới chân đồi và một cạnh cổng làng.
Giếng chung
Bố trí rải rác theo các đường ngõ chính, phân bố theo các xóm.
Hướng nhà
Nhà ở tại thôn Mông Phụ có 2 hướng chính là hướng Nam và hướng Đông. Các hướng khác chỉ là chếch hướng Đông Nam, Đông Bắc theo điều kiện địa hình hoặc khuôn viên khu đất, không có nhà hướng Tây.
Cây cổ thụ
Hiện có cây Đa khoảng 300 năm tuổi ở vị trí cạnh cổng thôn Mông Phụ.
Các công trình truyền thống
Ngoài Đình Mông Phụ vẫn còn đầy đủ các công trình tiêu biểu của làng xã truyền thống là chùa, miếu, điếm, nhà thờ họ, văn chỉ.
Đồng ruộng, quán, nghĩa địa ngoài làng
Còn đầy đủ các thành tố, có các quán nổi bật trên cảnh quan đồng ruộng, nghĩa địa cổ với việc bố trí mồ mả theo thuật Phong Thuỷ.
Như vậy thôn Mông Phụ về cơ bản là thôn giữ được cấu trúc làng xã truyền thống hoàn chỉnh nhất, chỉ có lũy Tre làng là yếu tố truyền thống bị mất hoàn toàn, tuy nhiên có thể khôi phục được.
Di tích, di sản
Các di tích lịch sử văn hoá tạicác làng cổ Đường Lâm rất phong phú, có 9 di tích và 10 nhà cổ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, ngoài ra còn nhiều công trình di tích, dấu ấn lịch sử khác.
Nhà cổ
Các làng cổ ở Đường Lâm có nhiều nhà cổ có giá trị đang được nghiên cứu đánh giá để xếp hạng. Có 10 nhà cổ tiêu biểu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá  cấp tỉnh (2009), đó là nhà của các hộ gia đình:
- Tại thôn Mông Phụ:
          1. Ông Hà Nguyên Huyến.
          2. Ông Hà Văn Vĩnh.
          3. Ông Nguyễn Văn Hùng.
          4. Ông Hà Văn Lâm.
          5. Ông Đỗ Doãn Dương.
          6. Ông Giang Văn Thụân.
          - Tại thôn Đông Sàng:
          7. Ông Nguyễn Huy Chưởng.
          8. Ông Kiều Anh Ban.
          9. Bà Vũ Thị Ấm.
          - Tại thôn Cam Thịnh
           10. Bà Bạch Thị Na.
Nhà ông Hà Nguyên Huyến
 
Cổng nhà - Mông Phụ
Công trình di tích lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng
Đình
Hầu hết mỗi thôn đều có một đình, riêng thôn Cam Lâm không có đình.
Đình Mông Phụ: Di tích cấp quốc gia. Là đình tiêu biểu với kiến trúc thời Nguyễn, dạng đình sàn, có vị thế đẹp, đình đặt ở khu vực trung tâm của làng Mông Phụ. Đình mới được tôn tạo lại hoàn chỉnh.
Trước đình là Xích Hậu, là nhà bày lễ trước khi vào đình. Chỉ duy nhất đình Mông Phụ còn giữ được hạng mục này.
Đình Mông Phụ
 
Đình Đoài Giáp: Di tích cấp tỉnh, đặt ở phía Nam của làng, hướng ra ao làng. Đình chưa được tôn tạo, trong khuôn viên đình có một số công trình mới xây dựng, trong đình có 1 giếng cổ.
Đình Cam Thịnh: Di tích cấp quốc gia, nằm tại trung tâm của thôn Cam Thịnh. Công trình đã được tôn tạo.
Đình Đông Sàng: Nằm cạnh trục đường chính của làng, cạnh chợ Mía và Chùa Mía. Cảnh quan bị ảnh hưởng bởi sự lộn xộn của chợ Mía.
Đình Tổng: Đình thờ Thành hoàng chung cho cả cụm các làng cổ, chưa được tôn tạo. Đình chứng tỏ sự liên kết lịch sử của các làng. Đình nằm đối diện chùa Mía.
Đền
Đền Phùng Hưng: Di tích quốc gia, nằm ở thôn Cam Lâm, (người dân thường gọi là đình Cả). Đền nhìn ra cánh đồng, có cây xanh mọc um tùm cổ kính.
Đền Đức thánh Tản: (còn gọi là Đình Phố), nằm tại thôn Cam Lâm, kiến trúc đơn sơ do người dân mới phục dựng lại, kiến trúc gốc đã mất. Bên cạnh hiện đang xây nhà văn hóa thôn.
Đền và Lăng Ngô Quyền: Là nơi thờ và lăng mộ của Ngô Quyền. Là di tích quốc gia, đã được tôn tạo. Công trình nằm trong một quần thể thuộc thôn Cam Lâm. Hướng nhìn ra phía cánh đồng Vũng Hùm, cảnh quan đẹp.
Đền Ngô Quyền
 
Am nữ tướng (Đền Mẫu): Thờ nữ tướng Lê Thị Lan, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Nằm tại khu vực đồi cạnh vũng Hùm, nhìn ra cánh đồng, có cây cổ thụ um tùm.
Đền phủ Bà Chúa Mía: Thờ bà phi của chúa Trịnh Tráng, người đã có công xây chùa Mía và góp phần xây dựng làng. Thuộc thôn Đông Sàng, công trình hướng ra phía ao làng.
Chùa
-Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự): Là ngôi chùa chính cho cả 5 thôn. Di tích cấp quốc gia. Nằm ở trung tâm thôn Đông Sàng, đã được tu bổ tôn tạo. Là di tích có kiến trúc và điêu khắc đặc sắc. Đuợc trùng tu vào thế kỷ XVII.
-Chùa Ón: Là ngôi chùa đặc biệt vì không có tượng Phật. Kiến trúc đơn sơ, chỉ là ngôi nhà khoảng 12 m2. Tuy nhiên là di tích lâu đời với truyền thống tổ chức vật hàng năm tại sân chùa.
Chùa Mía
Miếu
Miếu thờ thần, được đặt trong các xóm, trên các trục chính của ngõ. Mỗi thôn thường có một vài miếu tùy theo số ngõ. Số miếu còn lại khá nhiều. Kiến trúc đơn giản, quy mô nhỏ khoảng 3- 9m2. Tên miếu thường gắn với tên xóm.
Văn Chỉ
Công trình công cộng, hội họp của những người đỗ đạt, có chức tước hoặc bằng cấp, thường là nơi thờ Khổng Tử.
- Văn chỉ thôn Mông Phụ: Nằm trong cùng khuôn viên với thư viện xã. Nhà 1 tầng, mái ngói, không phải là công trình nguyên gốc.
- Văn chỉ thôn Đông Sàng: Nằm cạnh đường chính vào Đông Sàng. Nhà 1 tầng mái ngói xây kiểu mới, không phải là công trình nguyên gốc. Hiện còn có một số bia.
Võ Chỉ
Hiện chỉ còn dấu tích tại Vườn Binh .
Nhà thờ họ
Công trình tín ngưỡng quan trọng gắn kết cộng đồng theo huyết thống.
Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh: Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nằm cạnh sân trước đình Mông Phụ
Nhà thờ họ Phan: Đặt cạnh sân đình Mông Phụ
Nhà thờ họ Nguyễn: Mông Phụ
Nhà thờ họ Hà: Mông Phụ
Nhà thờ họ Đỗ: Đông Sàng
Nhà thờ họ Cát: Đoài Giáp
 
Nhà thờ họ Giang
Các di tích lịch sử khác mang dấu ấn làng xã truyền thống
Điếm
Nơi trực tuần tra bảo vệ làng, thường được xây dựng gần cổng làng. Hiện nay còn điếm xóm Sui (Mông Phụ) và vị trí điếm xóm Đình (Mông Phụ) đang làm nhà để xe tang.
Quán
Là công trình xây dựng trên đồng ruộng, làm nơi nghỉ chân khi làm đồng.Các quán còn lại: Quán Rô (Mông Phụ) đặt cạnh bãi đỗ xe, quán Lồ Bươu (Mông Phụ), quán Đồng Nẳng (Đoài Giáp), quán Giang ( Phụ Khang). Tên quán thường gắn với tên xứ đồng.
Quán Rô - Mông Phụ
Cổng làng
Theo cấu trúc của làng truyền thống, các thôn xưa đều có các cổng riêng. Mỗi thôn có nhiều cổng bố trí ở tất cả các lối ra vào nhằm bảo vệ an ninh cho cộng đồng.
Hiện còn duy nhất cổng thôn Mông Phụ (di tích xếp hạng cấp tỉnh). Kiến trúc kiểu cổng có mái “ thượng gia hạ môn”, bên cạnh có cây Đa khoảng 300 tuổi, là một trong những cổng đẹp, biểu tượng của cổng làng Việt.
Các cổng khác đã bị phá huỷ, phần lớn phá trong thời gian sau 1954 nên người dân còn lưu giữ trong trí nhớ. Hiện đang xây dựng lại cổng Đông Sàng.
Thôn Mông Phụ: Trước đây có 5 cổng, chỉ còn 1 cổng, 4 cổng đã mất là cổng xóm Sui, xóm Chim, xóm Hậu, xóm Sải.
Thôn Đông Sàng: Theo lời kể có 1 cổng chính (cổng cái) to , cao hơn cổng Mông Phụ và 3 cổng con. Cổng cái đặt tại vị trí đầu lối vào làng Đông Sàng đang được phục dựng.
Thôn Cam Lâm: Theo lời kể có 1 cổng chính đặt tại dốc sau cầu qua sông Tích. Các cổng này sẽ được xem xét khả năng phục hồi tuỳ điều kiện vị trí và việc phục dựng các tài liệu, cơ sở khoa học.
Thôn Đoài Giáp trước còn có cổng Chim.
Cổng làng Mông Phụ
Giếng
Khác với các làng vùng đồng bằng thường chỉ có 1 giếng làng, các làng cổ Đường Lâm có rất nhiều giếng chung, vị trí phân bố khá đều trong các làng. Tục lệ không khuyến khích mọi người đào giếng riêng vì sợ ảnh hưởng đến long mạch. Một số giếng còn có bàn thờ đặt bên cạnh.
Các giếng cổ hiện vẫn còn nhiều, tuy nhiên ít sử dụng vì mọi nhà đã có nước giếng khoan riêng.
Mông Phụ: Còn 6 giếng, bố trí ở các xóm (xóm Đình, xóm Miễu, xóm Xây, xóm Giang, xóm Sui, xóm Sải). Giếng xóm Chim và xóm Hè đã mất.
Đông Sàng: Còn 3 giếng cổ. Giếng nước trong nổi tiếng là giếng xóm Phan (Người dân Đông Sàng gọi là giếng Hè). Một giếng cổ đã lấp.
Cam Thịnh có 3 giếng cổ.
Đoài Giáp có 4 giếng: Giếng Đình, giễng xóm Lem ( 2 giếng), giếng xóm Hớm.
Ngoài ra còn một số giếng cổ khác đã bị lấp không còn thấy dấu tích tại Cam Lâm.
Giếng cổ thường được xây bằng gạch đá ong, có giếng là đào trực tiếp trên đất đá ong không xây thành, lòng giếng rộng, bên trên xây thu lại. Có giếng lát đá xanh xung quanh (giếng xóm Lem) . Nước rất trong, mát. Từng nổi tiếng với các câu: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm” hay “nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường.”
Giếng Hè nổi tiếng trong ca dao là giếng xóm Hè thuộc Mông Phụ.
Giếng Sữa: Nằm ở Cam Lâm, từ lối rẽ vào Am nữ tướng đi thêm khoảng 50m. Tuy không nằm trong ranh giới bảo tồn vùng 2 nhưng đây là giếng gắn liền với truyền thuyết mang tính nhân văn (những phụ nữ mất sữa khi đến lễ và uống nước giếng sẽ có sữa trở lại). Giếng nhỏ nằm ngay gần bờ ao nhưng mực nước cao hơn mặt nước ao khoảng 1,5m. Nước còn rất trong, mực nước cách thành giếng khoảng 90 cm.
Giếng xóm Giang - Mông Phụ
Nhà thờ Đạo
Nhà thờ được xây dựng khoảng thế kỷ 19, kiến trúc kiểu nhà thờ châu Âu, trùng tu năm 1953. Tuy không phải là dấu ấn của làng cổ truyền thống thời phong kiến nhưng cũng phản ánh tính lịch sử phát triển của các làng xã cho tới ngày nay với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.
Các dấu ấn, cảnh quan lịch sử
Rặng Duối cổ
Rặng Duối có tuổi khoảng 500 năm. Tương truyền là nơi buộc voi của Ngô Quyền. Có khoảng 15 khóm cây cao 9-12 m tạo thành dãy dài 170m trên địa hình đồi thoải dốc dần ra phía Vũng Hùm. Rặng Duối cổ là cảnh quan đặc sắc của Đường Lâm cần bảo tồn.
Rặng Duối cổ - Cam Lâm
Luỹ tre
Theo lời kể của người dân trước những năm 70 thế kỷ trước vẫn còn luỹ tre rất dày. Hiện chỉ còn lác đác một số bụi tre trong xóm và duy nhất một dãy luỹ tre dài khoảng 40m bao bọc làng tại khu vực vườn Binh, thôn Đông Sàng.
Gò Vọng Cảnh
Là gò đất cao, (cốt cao độ khoảng +10m đến +11m), diện tích khoảng 4500m2 nằm bên cạnh sông Tích, giữa thôn Đoài Giáp và Cam Lâm. Gò khá bằng phẳng nhìn ra phía đường từ Mông Phụ vào Cam Lâm (đường qua Kho xăng quân đội), bên phải là sông Tích. Cảnh quan đẹp khi nhìn từ trên gò. Theo lời kể của người dân đây là nơi nhân dân thường đợi đón đoàn quân của Bố Cái Đại Vương chiến thắng trở về (còn gọi là gò Bố về). Hiện có nhiều mộ trên gò.
Lăng và mộ trên cánh đồng
Các ngôi mộ cổ, lăng xây rải rác trên cánh đồng. Tập trung nhiều nhất ở 2 khu vực Lồ Cang và Áng Độ (tên xứ đồng). Đây là khu vực địa hình đồi dốc thoải, ruộng bậc thang hướng ra phía sông Tích. Về mặt phong thuỷ, chất đất là nơi thích hợp để chôn cất. Người dân có câu: “Sống ở làng, chết Lồ Cang, Áng Độ.”. Vẫn còn những ngôi mộ của các nhân vật quan trọng như mộ cụ thân sinh Phan Kế Toại và mộ tổ của nhiều dòng họ.
Ao làng
Ao làng nằm ở rìa làng, sát với đồng ruộng, một phần do điều kiện địa hình. Các ao làng ở Đường Lâm có hình thái tự nhiên, thường làm ao thả cá.
Cây cổ thụ
Có 3 cây Đa cổ thụ tại các vị trí quan trọng về cảnh quan: Cổng làng Mông Phụ (cây Đa 300 tuổi), ngã ba lối vào làng Phụ Khang, ngã ba lối vào làng Cam Lâm.
Ngoài ra còn các cây cổ thụ trong đình, chùa (đình Phùng Hưng, đền Mẫu, chùa Mía). Những cây Duối , Ô rô cổ rải rác trong Cam Thịnh.
Cảnh quan tự nhiên
Các cảnh quan tự nhiên cũng gắn bó với lịch sử phát triển của khu vực Đường Lâm, tiêu biểu là sông Tích, đồi Hổ Gầm, vũng Hùm, các gò đồi khác.
 
Đồi Hổ Gầm
Đánh giá giá trị di sản phi vật thể
Các giá trị phi vật thể là hệ thống giá trị không tách rời khỏi hệ thống giá trị vật thể của các làng cổ ở Đường Lâm. Toàn bộ các Giá trị di sản phi vật thể ở Đường Lâm là hết sức quý báu đều cần thiết phải bảo tồn.
Danh nhân
Đường Lâm là quê hương của lịch sử có công với đất nước với các phẩm chất anh hùng, tài năng.
Vai trò của 2 vị vua Ngô Quyền và Phùng Hưng xuất thân ở Đường Lâm đối với đất nước là rất to lớn. Vua Ngô Quyền người đã chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở ra cho đất nước một kỷ nguyên mới dựng nước và giữ nước. Vua Phùng Hưng, người đã dựng lên nước Đại Việt, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường.
Chỉ với 2 danh nhân này, nổi danh “ một ấp hai Vua” cũng đủ để giá trị tinh thần của làng cổ ở Đường Lâm vượt khỏi tầm những giá trị phi vật thể của một làng mà nâng tầm quốc gia.
Thám Hoa Giang Văn Minh tài giỏi và bất khuất, tấm gương của ông rất có ý nghĩa trong việc giáo dục các thế hệ trẻ Việt Nam.
Bà Phi của chúa Trịnh Tráng Nguyễn Thị Ngọc Liệu, người có nhiều công trong việc xây dựng, phát triển các làng cổ, được tôn vinh là Bà Chúa Mía. Đây cũng chứng tỏ sự tôn kính của cộng đồng với những người có công xây dựng vùng đất của họ.
Quê hương của bà Triệu Thị Trinh (còn mộ của bà), quê hương của các nữ tướng đã theo bà khởi nghĩa,
Nơi sinh trưởng của Phan Kế Toại, người 2 lần làm bộ trưởng của 2 chế độ, nơi sinh trưởng của nhiều người đã từng đỗ đạt , làm quan trong các triều.
Dòng chữ tại cổng làng“ Đời nào cũng có người tài giỏi” đã nói nên niềm tự hào của người dân Đường Lâm. Có thể nói giá trị tinh thần của các danh nhân từng sinh trưởng ở Đường Lâm là giá trị phi vật thể lớn nhất ở các làng cổ Đường Lâm, khác biệt với các làng Việt khác.
Văn hóa truyền thống, lễ hội

 
Các lễ hội đình, hội chùa, hội đền hàng năm phong phú, gắn liền phần Lễ với phần Hội (hội vật Chùa Ón) là những nét văn hoá mang tính chất chung của vùng. Phần Lễ bày tỏ lòng tôn kính với các vị thần, cầu nguyện các vị thần thánh che chở, phù hộ cho thời tiết thụân hoà, mùa màng tươi tốt và sự bình yên của mọi nhà trong làng xóm. Phần Hội gắn kết cuộc sống cộng đồng, thể hiện nhịp sống làm việc- vui chơi hài hoà trong năm. Các hoạt động văn hoá biểu diễn nghệ thuật mang nét chung của vùng ĐB sông Hồng.
Tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán
Tôn giáo tín ngưỡng ở Đường Lâm tiêu biểu cho tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt vùng ĐBSH. Đồng thời cũng có những yếu tố riêng biệt của vùng Kẻ Mía, cổ ấp Đường Lâm xưa:
+ Thờ thần, người có công với đất nước. Trong đó thờ thánh Tản Viên là 1 trong 4 vị thánh “ Tứ bất tử” của người Việt. Thờ các anh hùng, danh nhân của vùng đất: vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, các nữ tướng Hai Bà Trưng.
+ Thờ thành Hoàng làng. Ngoài Thành hoàng theo sắc phong còn thờ Thành hoàng theo tín ngưỡng riêng của mình (Thờ đầu người chết trôi- Thành hoàng Đông Sàng)
+ Thờ Phật (Chùa), thờ Khổng Tử (Văn Chỉ), thờ Mẫu. Hiện tượng tam giáo đồng quy cũng thể hiện qua các hình thức thờ (trong chùa Mía có miếu).
Các phong tục, tập quán còn được thể hiện khá rõ nét:
+ Tôn trọng âm phần, vận dụng thuyết Phong Thuỷ trong việc chọn đất xây mồ mả.
+ Không mang người chết vào làng, không đưa ma qua đình, tục thờ nước (có bàn thờ cạnh giếng- truyền thuyết về giếng Sữa)…mang yếu tố tín ngưỡng. Tôn trọng các cây cổ thụ ( thờ cây)
+ Giữ gìn các dấu tích liên quan đến các nhân vật đã được thần thánh hoá: Khu vực gò Vọng Cảnh ( gò Bố Về), Vườn Binh còn được gọi là vườn Chùa không ai xây dựng…
Quan hệ cộng đồng
Quan hệ láng giềng, quan hệ xã hội ở Đường Lâm còn tiêu biểu cho quan hệ xã hội ở vùng nông thôn truyền thống, có mối quan hệ xã hội nhiều chiều, đan xen. Mỗi một cá nhân chịu ảnh hưởng của nhiều hệ xã hội khác nhau. Điều này đã tạo nên mối quan hệ khá phức tạp nhưng cũng vì thế mà sự bảo vệ cộng đồng được bền vững. Tuy một số mối quan hệ cũ đã mất đi (Các hội Tư văn, tư võ) nhưng các mối quan hệ cơ bản vẫn được duy trì.
Truyền thuyết, các văn bản cổ
Truyền thuyết, ca dao, ngữ văn truyền miệng và các văn bản cổ (gia phả, thư tịch) phong phú.
Các truyền thuyết, câu chuyện về lịch sử về sự phát triển vùng đất, về các danh nhân, về nề nếp, lối sống của làng là những giá trị văn hoá thể hiện quan niệm của người dân về mọi mặt đời sống tinh thần đã được đúc kết và truyền khẩu từ đời này qua đời khác.
Hơn 2000 văn bản Hán Nôm, gia phả, trên bia đá… là những tư liệu quý, qua đó có thể tìm hiểu được sự phát triển của làng xã Đường Lâm nói riêng và những biến đổi văn hoá xã hội của Việt Nam nói chung qua các thời kỳ. Đây cũng là các kho tàng văn hoá để cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, khảo cứu.
Ẩm thực
Hiện nay chỉ còn một số món ăn đặc sắc như Chè tươi, kẹo bột, gà Mía, tương, chè lam, mía Re, gạo Rí… mang tính chất đặc sản riêng của Đường Lâm. Cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao giá trị của các món ăn khác mang tính chất vùng, món ăn của người nông thôn xưa kia.
Cần quan niệm lại các giá trị về ẩm thực. Có thể các món ăn thông thường trước đây của người nông dân (khoai, sắn, cá đồng, tôm tép, bánh dợm, bánh nếp..) là phổ biến của vùng nhưng hiện nay do các vùng xung quanh đã bị đô thị hoá nên những món ăn dân dã này hoàn toàn có thể trở thành những đặc sản, mang tính chất ẩm thực nông thôn truyền thống.
Ngành nghề truyền thống
Nghề tiểu thủ công truyền thống: Có nghề làm tương và làm kẹo, bánh. Có thể khôi phục lại các nghề cũ: Nghề làm mật mía, nghề dệt, đánh đá ong…
Phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống: Làng Đường Lâm vẫn cơ bản là làng sản xuất nông nghiệp với các phương thức sản xuất truyền thống còn tồn tại. Cần nhìn nhận đây là một giá trị văn hoá cần được bảo tồn. Các nông cụ, phương thức canh tác sản xuất đang có xu hướng thay đổi, hiện đại hơn sẽ làm mất đi các phương thức sản xuất truyền thống. Tuy nhiên do sự gắn kết giữa không gian sản xuất với không gian sinh hoạt- đời sống xã hội là rất mật thiết nên không thể bảo tồn các giá trị về không gian, kiến trúc, nhà ở như trong một cơ thể sống… nếu không bảo tồn được phương thức sản xuất nông nghiệp .
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332