Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Cơ sở để đánh giá thực trạng công tác Quản lý quy hoạch và Kiến trúc cảnh quan trên địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội

Đánh giá thực trạng là một cơ sở khoa học quan trọng để có thể đưa ra các giải pháp. Đối với công tác quản lý quy hoạch, việc đánh giá thực trạng càng quan trọng bởi nó phản ánh những kết quả của công tác quản lý quy hoạch đã thực hiện, cũng phản ánh những thách thức, các vấn đề mới sẽ phải giải quyết. Đây là một công việc không dễ dàng bởi có rất nhiều tham số, nhiều góc độ đánh giá cũng như cách tiếp cận khác nhau.
Một cách thông thường, có 2 hệ thống cơ sở để đánh giá:
Cơ sở lý luận: Hệ thống và nội dung quản lý, những nguyên lý, yêu cầu, những yếu tố thách thức, dự báo và yêu cầu mới.
Những nội dung này là cần thiết, là thước đo cho mục tiêu, mong muốn đạt được của công tác quản lý.
Cơ sở thực tiễn: Cách làm có tính khoa học là xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá thực trạng, tập trung dựa trên các vấn đề nổi cộm của thực trạng hiện nay. Từ đó tiến hành khảo sát và đánh giá trên các mẫu khảo sát theo tiêu chí, rút ra được các vấn đề cần giải quyết, tránh những nhận định cảm tính, lỗ chỗ kiểu " sờ chân voi" trước vấn đề phức tạp của công tác quy hoạch, dễ dẫn đến đề xuất giải pháp sai lệch.
Bài báo này bàn luận đến một số nội dung của cơ sở thực tiễn, trong đó hướng tới thiết lập một hệ thống tiêu chí đánh giá thực trạng của công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan trên địa bàn vùng huyện của thành phố Hà Nội.
 
 
1. Quan điểm về đánh giá thực trạng
Cần đánh giá thực trạng công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan theo 2 quá trình:
Quá trình 1: Quản lý qúa trình lập đồ án quy hoạch. Trong đó có đối tượng cần đánh giá chủ yếu là đơn vị quản lý như Sở QHKT thành phố, các Phòng quản lý đô thị các huyện và các đơn vị tư vấn quy hoạch.
Quá trình 2: Quản lý triển khai quy hoạch vào thực tiễn. Trong đó không chỉ đánh giá các dự án đã triển khai với vai trò quản lý của sở QHKT, phòng QLĐT, nhà tư vấn mà còn có sự tham gia của các nhà đầu tư, cộng đồng và sự chi phối của nhiều chính sách phát triển đô thị từ trung ương, thành phố đến cấp huyện.
Rất cần phân biệt rõ 2 quá trình này để các cơ sở đánh giá được đầy đủ. Thực tế trong xã hội hiện nay thường đang lẫn lộn giữa đánh giá đồ án quy hoạch với việc thực thi quy hoạch, những lỗi do thực thi quy hoạch cũng bị gán cho lỗi của đồ án quy hoạch.

2. Về phương pháp tiếp cận
Đánh giá trên 2 cách tiếp cận:
Cách tiếp cận từ đặc điểm của công tác quy hoạch: Đặc thù của công tác quản lý quy hoạch từ lập đồ án quy hoạch và quản lý phát triển, các mối liên quan khác.
Cách tiếp cận từ đặc điểm thực tiễn: Tìm hiểu sơ bộ thực trạng, nhận diện các vấn đề nổi cộm để tập trung đánh giá, không đánh giá dàn trải tất cả các vấn đề.
 
3. Những nội dung cần đưa vào tiêu chí đánh giá
3.1. Nhóm tiêu chí đánh giá quản lý việc lập đồ án quy hoạch
Sơ bộ tìm hiểu thực tiễn công tác quy hoạch giai đoạn vừa qua, đang nổi lên 4 vấn đề là thời gian lập đồ án quy hoạch; sự chồng chéo giữa các đồ án quy hoạch, các giai đoạn quy hoạch; chất lượng đồ án quy hoạch; chất lượng đội ngũ tư vấn quy hoạch.
* Về thời gian lập đồ án:
Qua sơ bộ tìm hiểu ở nhiều đơn vị tư vấn quy hoạch thấy rằng hầu hết tiến độ lập các đồ án quy hoạch đều chậm so với mong đợi. Ví dụ thời gian lập Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện (lập giai đoạn 2014, 2015, từ lúc lập nhiệm vụ đến khi phê duyệt quy hoạch có thể kéo dài khoảng 2 năm. Trong khi mong muốn thời gian là 12 tháng. Thời gian lập đồ án quy hoạch chi tiết là 6 tháng nhưng thường kết thúc cũng phải 12 tháng hoặc hơn. Vậy đâu là lý do, có thể rút ngắn được thời gian, quy trình làm đồ án quy hoạch được hay không? 
Tiến độ lập quy hoạch chậm đang ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai các dự án.
* Về tính tương tác giữa các đồ án, giữa các giai đoạn quy hoạch:
Công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội được thực hiện qua 3 loại hình đồ án chủ yếu là: Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Quy hoạch chung đô thị (các thị trấn, đô thị loại V), Quy hoạch nông thôn (Quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn). Mỗi một loại hình đồ án sẽ có vai trò, nhiệm vụ đối với công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan khác nhau và cũng có sự tương tác với nhau.
Xét về tính tương tác, đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện có 3 mối quan hệ:
+ Tương tác giữa các cấp quy hoạch, quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.
+ Tương tác mang tính kế thừa, đồ án thiết lập phải có tính kế thừa các đồ án đã thiết lập ở giai đoạn trước.
+ Tương tác đồ án trên địa bàn huyện với các đồ án cấp cao hơn như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, QH vùng Thủ đô, QH vùng Đồng bằng sông Hồng hoặc quy hoạch ngành.
Các mỗi tương tác này hiện có khá nhiều mẫu thuẫn. Ví dụ đồ án cấp dưới (quy hoạch nông thôn) được thực hiện rồi mới thực hiện đồ án cấp trên (quy hoạch xây dựng vùng huyện). Đồ án cấp trên trình duyệt lâu, không có cơ sở triển khai đồ án cấp dưới…cũng tác động đến tiến độ, chất lượng của đồ án.
Vậy thế nào là các đồ án có tính tương tác tốt, thế nào là các đồ án có xung đột, cần có tiêu chí, chỉ số để đánh giá sự tương tác trong hệ thống các đồ án trên địa bàn huyện.
* Về chất lượng đồ án quy hoạch:
 Hiện có nhiều đánh giá trong nhận định của các lãnh đạo, nhà quản lý là chất lượng các đồ án quy hoạch hiện nay yếu. Cơ sở để đưa ra ý kiến này là nhiều đồ án phải điều chỉnh ngay sau khi phê duyệt thời gian ngắn, đồ án nhanh lạc hậu, thiếu tầm nhìn…Vấn đề này là có tuy nhiên việc phải điều chỉnh đồ án quy hoạch sớm không hẳn là tiêu chí đúng duy nhất để đánh giá chất lượng, có thể có những nguyên nhân khách quan khác, ví dụ ở khía cạnh nguồn lực, đầu tư mới…
Mỗi một loại hình đồ án việc đánh giá chất lượng cũng sẽ có tiêu chí khác nhau, dựa theo nhiệm vụ mà đồ án phải giải quyết, thời gian thực hiện.
Đây là vấn đề phức tạp, tuy nhiên cũng cần được lượng hóa thành tiêu chí để có thể đánh giá chất lượng đồ án quy hoạch một cách khách quan.
* Quản lý chất lượng của đội ngũ tư vấn: 
Đây cũng là vấn đề nổi cộm nhưng là tiêu chí khó đánh giá và giải quyết. Với nhà quản lý quy hoạch cần chú trọng đánh giá kết quả việc lựa chọn được nhà tư vấn phù hợp, tuân thủ luật pháp trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng tư vấn về gốc còn phụ thuộc vào công tác đào tạo, môi trường hành nghề kiến trúc sư quy hoạch…
 
3.2. Nhóm tiêu chí đánh giá qúa trình quản lý thực hiện quy hoạch
Đây là quá trình phức tạp, mang tính chất quản lý phát triển. Từ quá trình hình thành mô hình phát triển, dự án đến vận hành, chuyển đổi hay lụi tàn. Có nhiều mối tương tác phức tạp.
Qúa trình thực hiện quy hoạch diễn ra rất khác nhau ở các huyện. Có huyện tốc độ xây dựng nhanh, chỉ tiêu vượt quá quy hoạch, có huyện tốc độ chậm hơn quy hoạch dự kiến. Các huyện có yếu tố tác động của quy hoạch cấp cao hơn cũng khác nhau. Các mô hình phát triển ở các huyện cũng rất khác nhau, có huyện có đô thị vệ tinh, công nghiệp, có huyện ít mô hình mới. 
Vì vậy có thể chia nhóm đánh giá các huyện theo tốc độ phát triển. Hoặc chia nhóm các mô hình phát triển để lập tiêu chí đánh giá công tác quản lý.
+ Các huyện có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh do gần với nội đô. Đang chuyển đổi từ huyện sang quận.
+ Các huyện có nhiều mô hình phát triển mới, có các tác động lớn như đô thị vệ tinh, Khu công nghệ cao, khu du lịch…
+ Các huyện có những mô hình phát triển đã gây xung đột, các vấn đề xã hội: Ví dụ môi trường, đất đai làng nghề; Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gây ô nhiễm; Ví dụ các mô hình phát triển sân golf và quan hệ với cộng đồng dân cư.
Mỗi một mô hình quy hoạch phát triển cần được đánh giá theo 4 khía cạnh: Không gian và môi trường - Kinh tế - Quản lý - Xã hội.
 
 
Sơ đồ các khía cạnh đánh giá các mô hình phát triển đô thị
 
Muốn có được bộ tiêu chí đánh giá đầy đủ cần thống kê các dạng phát triển có mô hình quy hoạch khác nhau,  đánh giá việc triển khai chúng như thê nào dưới tác động của các yếu tố chính sách phát triển và công tác quản lý. 
a. Nhóm tiêu chí về khía cạnh quản lý không gian, môi trường
Thực tiễn cho thấy mặc dù đã có nhiều đổi mới liên tục về chính sách phát triển và công tác quản lý nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Ví dụ:
+ Công tác quản lý xây dựng tại khu vực điểm dân cư nông thôn chưa chặt chẽ, tình trạng lộn xộn là rõ ràng.
+ Công tác quản lý bảo tồn kiến trúc cảnh quan, di sản cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa ở nông thôn còn chưa được quan tâm.
+ Quản lý không gian phố làng nghề.
+ Quản lý môi trường sản xuất làng nghề, phát triển cụm công nghiệp chưa hiệu quả…
+ Quản lý các không gian xanh, hành lang xanh.
Cần có tiêu chí đánh giá vấn đề này.
b. Nhóm tiêu chí về chính sách quản lý
Cần rà soát từng mô hình, các mô hình này đã có chính sách phủ kín cả các khía cạnh quản lý phát triển chưa: không gian, môi trường, kinh tế, đầu tư, vận hành, công bằng xã hội, văn hóa…
Thực tế hiện nay còn có nhiều mô hình còn thiếu chính sách quản lỹ phát triển:
+ Chính sách quản lý cấp phép xây dựng tại khu vực nông thôn chưa chặt chẽ.
+ Các tiêu chuẩn quy chuẩn ở khu vực nông thôn còn sơ sài, nhất là về đất ở,
+ Các mô hình cụm xã, trung tâm tiểu vùng vẫn còn thiếu các chính sách, các quy định đưa thành tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng. 
+ Các mô hình đô thị chưa phải là thị trấn.
+ Những chính sách cần ban hành để cụ thể hóa cho các ý tưởng pháp triển trong quy hoạch như phát triển Hành lang xanh, đô thị sinh thái, làng sinh thái… 
+ Các chính sách quản lý một số khu vực như làng xã ngoài đê sông Đáy, sông Hồng còn chưa rõ ràng, di dời hay ở lại, nếu ở lại thì chính sách đầu tư thế nào? là vấn đề đã đặt ra đã lâu những chưa giải quyết dứt điểm.
Tiêu chí này rất quan trọng, cần giúp để làm rõ các mô hình nào đang thiếu chính sách về quản lý không gian, môi trường, sẽ phải bổ sung vào quá trình lập đồ án quy hoạch.
c.Tiêu chí về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các mô hình phát triển: 
Cần có tiêu chí để đánh giá những mô hình, dạng dự án nào còn thiếu chính sách về quản lý đầu tư, quản lý vận hành, tạo điều kiện cho đồ án quy hoạch được triển khai.
Thực tế đã bắt đầu có những vấn đề manh nha xuất hiện, phải dự báo để đưa ra tiêu chí như quản lý vận hành các khu du lịch- nghỉ dưỡng liên quan đến bất động sản, dự án trạng trại Farm stay liên quan đến quản lý đất ở trong mô hình sản xuất, trường hợp các dự án du lịch lại phát triển chùa chiền lồng ghép yếu tố tâm linh…tiềm ẩn các rủi ro trong công tác quản lý trên địa bàn huyện.
Nếu quy hoạch không đi kèm với các định hướng về đầu tư, quản lý vận hành rõ ràng thì không phát triển được, hoặc cản trở, hoặc gây xung đột, bị vi phạm các luật.
d. Tiêu chí đánh giá tính bền vững xã hội của các dự án triển khai theo quy hoạch
Tuy chưa phải là những vấn đề thường xuyên xuất hiện nhưng thực tế đã luôn ẩn chứa trong các dự án triển khai theo quy hoạch. Ví dụ vấn đề người dân phản đối công tác giải phóng mặt bằng. Vấn đề đẩy giá đất lên cao, lừa đảo; Vấn đề người dân đòi tiền thêm các dự án sau khi đã nhận đền bù, vấn đề dự án bỏ hoang…
 
 
e. Tiêu chí đánh giá tác động tương tác của công tác triển khai quy hoạch giữa các ngành, theo các cấp đồ án.
Sự tương tác các đồ án quy hoạch không chỉ xảy ra ở quá trình lập đồ án mà còn ở quá trình triển khai. Công tác quản lý phát triển theo quy hoạch không chỉ chịu sự chi phối của luật xây dựng. Tại quy mô quy hoạch vùng huyện đã có sự tác động của các ngành khác theo hướng quy hoạch tích hợp. 
Thực tế đã cho thấy có nhiều dự án quy hoạch treo là do tác động của các dự án cấp cao hơn. Ví dụ việc chậm xây đường cao tốc, đường trục kinh tế làm cản trở việc triển khai thực hiện đồ án quy hoạch ở các huyện như Phú Xuyên, Ứng Hòa. Các tuyến đường kết nối vùng theo đồ án cấp cao hơn chưa rõ khi nào triển khai cũng làm cho công tác quy hoạch chi tiết bị động, việc thu hút đầu tư bị hạn chế…
Hiện quy hoạch vùng huyện mới tích hợp với phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, hạ tầng, kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch. Tuy nhiên còn nhiều mảng khác chưa có tính tích hợp cao. Ví dụ quy hoạch nông nghiệp, thủy sản, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Những chính sách có liên quan đến đất đai là rất quan trọng, tác động mạnh như giải phóng mặt bằng, thu gom đất…Cần phải có sự đồng bộ để thúc đẩy triển khai quy hoạch.
 
Kết luận:
Việc đánh giá thực trạng công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan là công tác phức tạp, quan trọng, cần được đánh giá có cơ sở, có hệ thống tiêu chí. Tuy khó có thể lượng hóa hết được các chỉ tiêu nhưng cũng sẽ cho một cái nhìn toàn diện và tương đối khách quan về thực trạng và các vấn đề của công tác quản lý quy hoạch hiện nay.
Việc đánh giá quản lý quy hoạch cần được thực hiện cả ở quá trình lập đồ án quy hoạch và quá trình thực thi triển khai quy hoạch.
Đánh giá quản lý quy hoạch cần được đánh giá theo các tiêu chí của quản lý phát triển, dựa trên 4 khía cạnh chính và yếu tố tương tác. Đây là đánh giá kết quả để phản hồi và điều chỉnh công tác lập đồ án quy hoạch.
 
PGS.TS Phạm Hùng Cường