Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Đánh thức tiềm năng du lịch của làng gốm Phù Lãng

Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là một xã nằm ven sông Cầu, gần quốc lộ 18 và cách Hà Nội khoảng 60km về phía Bắc. Làng Phù Lãng trong xã là một trong những làng gốm truyền thống nổi tiếng với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Vẻ đẹp truyền thống – bình dị, đa dạng của Phù Lãng
Làng nghề gốm Phù Lãng có tuổi đời hơn 700 năm với các sản phẩm truyền thống là chum vại, ấm đất, chậu cảnh, tiểu quách... Ngày nay, với những bàn tay tài hoa không ngừng sáng tạo và phát triển tinh hoa của nghề gốm, các nghệ nhân thế hệ mới như nghệ nhân Vũ Hữu Nhung - với tên quen gọi Gốm Nhung, nghệ nhân Nguyễn Minh Ngọc với tên quen thuộc Gốm Ngọc với nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn họ đã thổi hồn vào đất và tạo ra được nhiều sản phẩm và mẫu gốm mới như: tranh gốm, lọ hoa gốm, ấm chén gốm, gốm trang trí, gốm ốp tường, lư hương... đã và đang được khách bốn phương quan tâm, đón nhận. Những điều này minh chứng cho sức sáng tạo dồi dào của các nghệ nhân Phù Lãng, bắt kịp hơi thở thời đại. 
Đặc thù của gốm Phù Lãng là gốm thô và không dùng đến máy móc, khuôn in. Tất cả đều được làm bằng tay, nước men tự chế. Công đoạn để tạo nên sản phẩm gốm hoàn chỉnh bao gồm năm nhóm chính: chuốt, vẽ họa tiết, lên men, nung lò, làm sạch. Không giống với các làng gốm khác, Phù Lãng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống đó là dùng củi để nung gốm, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm, có vẻ đẹp riêng mà không phương pháp nào có thể thay thế. Gốm Phù Lãng có màu men đặc biệt, còn gọi là men nâu (so với men trắng của làng gốm Bát Tràng, men xanh của làng gốm Thổ Hà) tạo nên một dòng sản phẩm gốm màu nâu đỏ, hơi trầm nhưng có vẻ đẹp mộc mạc và sâu lắng. 
Nhưng không chỉ có như vậy, điều cần nhấn mạnh ở đây là làng Phù Lãng còn chứa đựng những giá trị khác chưa được khai thác, đó là những giá trị văn hóa, cảnh quan với rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Làng Phù Lãng còn đầy đủ các thành tố của làng truyền thống ở Bắc Bộ như đình, chùa, chợ, cây Đa, ao nước, bụi Tre và những đường làng ngõ xóm gấp khúc, thấp thoáng bến đò, bờ đê.
Trong lịch sử, làng Phù Lãng cổ nằm ven sông, sau trận lụt lớn một bộ phận dân cư đã chuyển lên ở khu vực đất cao hơn có địa hình gò đồi như khu vực thôn Đoàn Kết, thôn Thủ Công và một phần thôn Phù Lãng hiện nay. Chính vì vậy cảnh quan làng đặc trưng không chỉ là cảnh quan làng ven sông mà còn là những con đường nhỏ lượn theo địa hình lên gò đồi, nhấp nhô mái ngói, vườn cây. Từ trên đỉnh đồi thôn Đoàn Kết còn bao quát tầm nhìn rộng ra cánh đồng thôn Đồng Sài, An Trạch và sông Cầu. 
Hiếm xã nào có làng nghề gốm còn nhiều ruộng, ao hồ như xã Phù Lãng. Từ đường quốc lộ 18 đi vào làng là qua các cánh đồng rộng lớn với đầm Sen, ruộng lúa, vườn rau đan xen mặt nước tạo nên cảnh quan làng quê rất yên bình.
Đặc trưng nhất của Phù Lãng vẫn là những hình ảnh sản phẩm gốm tràn ngập khắp nơi, trên sân nhà, dưới bờ ruộng, dọc các con đường... Nào tiểu quách, nào chậu cảnh, bình gốm, chum vại... cái đỏ tươi màu đất, cái đã bạc màu rêu phong, thô mộc hoặc lên nước bóng loáng. Điểm thêm những bức tường xây bằng chum vại hỏng, lọ gốm trang trí, những chồng củi cao chất ngất xếp vuông vắn kiểu “toang trâu” rải rác từ đê làng, lối vào làng đến ngõ xóm. Len lỏi là âm thanh lao động với tiếng leng keng xếp gốm trong các nhà xưởng làm nghề, tiếng thợ giục xếp gốm vào lò, tiếng sà lan chạy trên sông Cầu. Từ những sự sắp đặt tình cờ đó, tất cả tạo thành một bức tranh đa dạng, hấp dẫn với các lớp không gian, với cảnh quan khi đóng, khi mở, khi màu nâu vàng rực của gốm, khi màu xanh dịu mắt của đồng lúa, mát mẻ của sông Cầu. Phù Lãng cho những người đến một cảm giác vừa quen, vừa lạ, hấp dẫn, muốn khám phá không thôi.
 
Vẻ đẹp bình dị bên đê làng nghề gốm
  
Gốm và màu nâu đất, mỗi nơi là một khung hình đậm chất làng nghề gốm truyền thống Phù Lãng
Con người Phù Lãng vẫn giữ được nét sinh hoạt văn hóa, những phong tục tập quán của làng. Người Phù Lãng mộc mạc, chân thật và cởi mở. Những câu chuyện làng lấy bình gốm đánh giặc trên sông Cầu, về Đại tướng Trần Văn Trà, người con của Phù Lãng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, về chuyện chạy lụt của làng, về chuyện tìm kiếm thị trường mới cho nghề được nghe kể từ người dân thấm đẫm chất văn hóa của một cộng đồng làng quê Việt.
 
Những con đường nhỏ quanh co dốc lên đồi
Về thực trạng du lịch tại làng gốm
Nằm ven quốc lộ 18, trên đường Hà Nội đi Vịnh Hạ Long và trong vùng Kinh Bắc với nhiều điểm du lịch văn hóa. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh, làng nghề gốm Phù Lãng được nhận định là một trong những điểm du lịch chính của tỉnh, đây là điểm mạnh để khai thác, đầu tư phát triển du lịch làng. Bước đầu đã có những hoạt động.
Điển hình là hộ gia đình anh Nguyễn Đức Thịnh tại xóm Chùa, thôn Phù Lãng. Anh là họa sỹ, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội, được phong nghệ nhân từ năm 2016, gia đình chủ yếu là làm tranh gốm, tượng với thương hiệu “Gốm trang trí- nghệ thuật Đức Thịnh”. Năm 2019 hộ gia đình đã tham gia làm du lịch với việc thành lập “Trung tâm bảo tồn văn hóa Việt – làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng” đi vào hoạt động từ tháng 2/2019. Đối tượng chủ yếu là học sinh của các trường phổ thông trong tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội, nằm trong hoạt động ngoại khóa chính thức của các trường theo “ Chương trình hướng nghiệp”.
Chương trình hướng nghiệp tại Trung tâm đã tạo được một lượng khách đều đặn. Trung tâm bước đầu hoạt động tốt, có tiếng vang đóng góp cho việc phát triển du lịch ở làng. Đến cuối năm 2019 đã đón hơn 20.000 lượt khách. 
Một số gia đình khác như hộ gia đình “Gốm Ngọc” cũng thường xuyên đón khách đến thăm quan, tìm hiểu về sản phẩm mới, đặt hàng. Cũng đã có các du khách biết tiếng làng tự tìm đến thăm quan, nhất là các bạn trẻ, các khách “ phượt”.
  
Xưởng Gốm Ngọc
Có thể thấy với chỉ riêng Trung tâm du lịch của gia đình anh Thịnh hay “gốm Ngọc”, tiềm năng phát triển du lịch của làng Phù Lãng vẫn chưa được khai thác hết. Lượng khách đến “Trung tâm bảo tồn văn hóa Việt – làng nghề truyền thống gốm Phù Lãng” tuy đã có nhưng chưa phải là đối tượng khách du lịch thông thường, có sự chi trả cao. Đối tượng là học sinh phổ thông nên hoạt động dịch vụ cũng chỉ vào một khoảng thời gian nhất định, còn nhiều khoảng thời gian trống không có khách nên chưa thật hiệu quả.
Cần khơi dậy tiềm năng để phát triển du lịch
Làng gốm Phù Lãng với giá trị văn hóa nghề cao, cảnh quan đẹp hoàn toàn có tiềm năng để xây dựng mô hình làng nghề - du lịch, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa. Nếu phát triển tốt du lịch sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của làng, cả cho kinh tế nghề gốm, nghề nông và dịch vụ.
Làng cần cải tạo lại cảnh quan để khai thác các thế mạnh về địa hình. Các tuyến đường đi thăm quan ven sông, các bến đò xưa, con đường gốm...cần được tạo lập bản sắc riêng của làng nghề. Cả các tuyến thăm đồng, đi xe đạp dọc bờ đê ngắm cảnh sông Cầu cũng cần thiết lập. Các ao làng cần được cải tạo sạch sẽ để có tuyến đi bộ xung quanh, có hàng cây xanh mát soi bóng. 
Tiềm năng đất đai nông nghiệp cũng giúp Phù Lãng có thể tạo lập cả các sản phẩm du lịch nông nghiệp như các trang trại, các trung tâm trải nghiệm nghề nông truyền thống, các tua du lịch “mùa lúa chín”, tua du lịch sông Cầu...Chính sự tích hợp cả văn hóa nghề gốm và văn hóa nghề nông sẽ thu hút khách đến Phù Lãng lưu trú dài ngày hơn, cho cả khách du lịch quốc tế và trong nước.
  
Cải tạo lại cảnh quan bến đò xưa phục vụ du lịch
   
Chỉnh trang các con đường làng đậm bản sắc cảnh quan làng gốm ven sông Cầu
Để biến tiềm năng thành các dự án phát triển rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền tạo lập một định hướng phát triển du lịch tổng thể cho làng Phù Lãng, đầu tư các tiện ích tối thiểu như khu vực đỗ xe, chỗ đón khách. Đặc biệt là rất cần lập mô hình “Hợp tác xã du lịch” để vận động người dân cùng thiết lập các sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghê gốm, dịch vụ ăn uống hay nhà nghỉ homestay.
Con đường phát triển của các làng nghề không phải là con đường thương mại hóa, công nghiệp hóa sản phẩm, xa rời sản phẩm thủ công để chạy theo số lượng. Đó phải là con đường khai thác giá trị tinh hoa của nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển xanh, sạch. Hoạt động du lịch sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm làng nghề ra quốc tế và cũng tạo ra nghề mới, giá trị kinh tế mới cho làng. Phát triển du lịch chính là con đường để làng gốm Phù Lãng vừa bảo tồn văn hóa nghề, văn hóa làng và phát triển bền vững.
Phạm Hùng Cường