Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Không gian sáng tạo trong bảo tồn di sản và phát triển du lịch cho các làng truyền thống ở Hà Nội

Sự sáng tạo nằm trong bản chất của cuộc sống, với người Việt, câu ngạn ngữ “cái khó ló cái khôn” chính là thể hiện một triết lý về sự sáng tạo, đó là phải luôn suy nghĩ tìm tòi các giải pháp và sẽ có giải pháp ngay cả trong sự khó khăn nhất.

Với làng Việt truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng, chính sự sáng tạo của nhiều thế hệ làm lụng chịu khó, ứng phó, thích nghi với những khó khăn của vùng đất chật, người đông, luôn rình rập những rủi ro của thiên tai, giặc giã đã tạo nên những giá trị quý giá của di sản làng Việt. Đó là việc tạo nên một môi trường sống tích tụ rất nhiều kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên, với xã hội bên ngoài và bên trong cộng đồng để có thể tồn tại lâu bền (1).
Thủ đô Hà Nội nằm trong trung tâm của vùng ĐBSH, cái nôi của văn hóa Việt có một lợi thế là có nhiều các làng xã truyền thống còn tồn tại xung quanh, đã tạo nên một bản sắc của Hà Nội đậm chất văn hóa. Nhưng chính sự phát triển của Thủ đô gần đây cũng đặt các làng truyền thống vào một thách thức mới. Những tác động của làn sóng lối sống mới, của đô thị hóa, của công nghiệp hóa, của cách mạng 4.0, với sự mở rộng của các khu đô thị mới, khu công nghiệp đang có chiều hướng cuốn đi những kinh nghiệm, những giá trị văn hóa đọng lại trong các làng xã truyền thống. Giữ những gì, bỏ đi những gì, chuyển đổi thế nào, xây dựng mô hình phát triển gì phù hợp một lần nữa lại đặt các làng truyền thống vào những thách thức của một giai đoạn đòi hỏi sự sáng tạo, thích nghi mới. (6).
Nhìn từ tiềm năng di sản văn hóa và phát triển du lịch (2)
Nhiều làng cổ ở Hà Nội chứa đựng những di sản văn hóa của hàng mấy trăm năm phát triển và đó cũng là những tiềm năng để phát triển du lịch theo mô hình du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Các giá trị văn hóa đậm bản sắc của làng ở Hà Nội nằm ở hai nhóm, nhóm làng nghề như Bát Tràng (làm gốm), Phú Vinh (mây tre đan), Bối Khê (Sơn mài), Quất Động (thêu ren)...và các làng có nhiều di sản, nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử như các làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây), làng Cựu (Phú Xuyên), Gia Phúc (Thường Tín), Phù Đổng ( Mê Linh), và còn rất nhiều làng truyền thống đẹp, nhiều công trình kiến trúc có giá trị còn ít người biết đến ở các làng như Hương Ngải, làng Cần Kiệm (Thạch Thất) đang cần được tiếp tục nghiên cứu khám phá. Những giá trị này tóm tắt trong hai nhóm giá trị vật thể và phi vật thể dưới đây.
Giá trị di sản văn hóa vật thể
Tuy các công trình kiến trúc trong làng truyền thống không to lớn, kỳ vĩ như các đền đài ở cung điện Huế, tháp Chăm....nhưng những công trình đó tụ hội lại ẩn chứa trong một ý nghĩa có giá trị lớn khác, đó là giá trị văn hóa của kinh nghiệm xây dựng môi trường, không gian cư trú bền vững hàng trăm, hàng ngàn năm của người Việt. Một số giá trị đã được xác định là:
- Nhiều làng còn cấu trúc cơ bản đã hình thành hàng trăm năm với đầy đủ các thành tố của làng truyền thống như cổng làng, lũy tre, nhà truyền thống, đường làng phân nhánh ngõ xóm.
- Nhiều làng có các công trình kiến trúc đình, chùa, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, có giá trị cao về kiến trúc, nghệ thuật và nhiều công trình khác tuy nhỏ nhưng cũng chứa đựng các dấu ấn lịch sử xây dựng làng rõ nét như cổng làng, ao làng, cầu đá, giếng...
- Nhiều làng còn nhà cổ, kiểu nhà gỗ truyền thống, nhà mang phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Ngoài giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống còn có khuôn viên nhà ở với sân phơi, vườn rau, ao cá, vườn trồng cây ăn quả, cây thuốc nam, các loại dàn cây leo, hoa, rau thơm... tạo nên hệ sinh thái hộ gia đình V-A-C rất đặc biệt.
- Cảnh quan của làng cũng nhiều nơi còn gìn giữ được bản sắc như các tổ hợp cổng- ao làng - cây đa; tổ hợp đường làng với rào cây xanh, bờ ao, đường ngõ lát gạch, cây xanh hai bên, lấp ló mái nhà ngói nâu, bóng cây cau vươn lên trời; tổ hợp đình làng – ao- cây cổ thụ. Không gian đường làng lúc yên tĩnh, lúc trải rơm vàng sôi động ngày mùa, đường làng cũng là không gian sản xuất, dễ gợi về những hoài niệm, đậm bản sắc cảnh quan nhân văn, cảnh quan sinh thái.
- Bên ngoài làng là đồng ruộng, ao sen, bờ đê, con sông…nhiều cảnh quan có thể khôi phục để tạo dựng lại bản sắc của đồng ruộng, nhiều nơi còn cánh cò bay, còn tôm cá trên đồng, thể hiện lối sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước rất coi trọng sinh thái, nương tựa vào tự nhiên.
Giá trị văn hóa phi vật thể
Văn hóa phi vật thể trong làng xã truyền thống có giá trị không kém nếu không nói là có sức nặng hơn cả những giá trị vật thể.
Văn hóa nghề thủ công, nghề nông truyền thống: Các nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông mang lại những giá trị văn hóa như thể hiện kinh nghiệm sản xuất, tính sáng tạo, khéo léo của tay nghề người thợ…vừa mang lại giá trị kinh tế những cũng là giá trị văn hóa của nghề. Nhiều làng nghề quanh Hà Nội, các làng hoa, cây xanh, đặc sản nông nghiệp như làng hoa Tây Tựu, bưởi Diễn. Những kinh nghiệm trong trồng trọt, dự báo thời tiết liên quan đến mùa màng, phương thức đánh bắt tôm các đều chứa đựng những kinh nghiệm tích tụ từ nhiều đời.
Gía trị văn hóa phi vật thể khác: Làng xã truyền thống có các lễ hội, các phong tục, tập quán tiêu biểu của vùng ĐBSH và của riêng làng. Có ẩm thực, sản vật đặc thù;  có nghệ thuật biểu diễn như múa rối nước, hát chèo, quan họ; có ca dao tục ngữ, sắc phong, văn bản, hương ước, trò chơi dân gian; có các danh nhân, các nhân vật nổi tiếng, khoa bảng còn được kể, lưu giữ qua các hiện vật liên quan, trong nhà thờ, nhà lưu niệm; có truyền thuyết, tâm linh, phong thủy....về sự phát triển của làng.
Cần sự sáng tạo để chuyển hóa tiềm năng di sản thành sản phẩm du lịch (3)
Tuy nhiên không phải cứ có giá trị di sản văn hóa là có thể phát triển du lịch hay giá trị di sản tương đương với giá trị phát triển du lịch. Việc chuyển hóa tiềm năng giá trị văn hóa của di sản làng thành sản phẩm du lịch phục vụ các nhu cầu thăm quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, học tập, khảo cứu...lại đòi hỏi một quá trình sáng tạo nữa.
Trên góc độ phát triển du lịch các di sản đó cần một số điều kiện:
+ Các di sản đủ để có thể phát triển để các sản phẩm du lịch một cách đa dạng, đồng bộ, phong phú, phải có cả cả di sản vật thể và phi vật thể. Làng còn ít di sản khó phát triển hoạt động du lịch.
+ Các di sản văn hóa phải có tính đặc sắc, tạo nên sản phẩm du lịch có tính đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn. Sự đặc sắc, đại diện cho cả một vùng (với khách nội địa) hoặc đặc sắc tầm quốc gia (so với khách quốc tế).
+ Các di sản phải dễ nhận diện, tiếp cận. Di sản phi vật thể phải được chuyển hóa thành các hình thức giới thiệu, hình ảnh dễ cảm thụ. Ví dụ văn hóa ẩm thực, di sản kiến trúc, cảnh quan là dễ nhận diện, cảm thụ hơn so với phong tục, tập quán.
+ Đặc điểm của di sản làng là dạng di sản sống, nằm trong cộng đồng. Môi trường xã hội phải tạo được sự thống nhất, sự đồng thuận, sự tham gia của cộng đồng làm du lịch.
+ Môi trường không gian phải sạch sẽ, có hạ tầng phù hợp để phát triển du lịch.
+ Điểm thăm quan làng phải nằm trên tuyến liên kết thuận lợi với các trung tâm du lịch lớn, kết nối tua, tuyến. Bởi các làng là điểm du lịch có quy mô nhỏ, rất khó độc lập để phát triển như một trung tâm du lịch ngay từ đầu.
Với những điều kiện đó, phát triển du lịch trong các làng truyền thống còn gặp thách thức. Thách thức nằm ở hai khía cạnh, một là phải chuyển hóa các tiềm năng di sản đó thành sản phẩm du lịch, hấp dẫn đa dạng du khách, tạo nên nguồn thu, hai là phải bảo tồn được các giá trị văn hóa hoặc khôi phục các giá trị đã mất để tạo lập thêm nguồn cho phát triển sản phẩm du lịch. 
Thách thức này chính là cơ hội cho sự sáng tạo và dư địa của nó còn rất lớn. Hà Nội có hàng trăm làng truyền thống và hàng chục làng có thể phát triển mô hình làng nghề- du lịch hay làng di sản – du lịch. Nếu chúng ta nhận thức rõ và quyết tâm xây dựng thành công các làng du lịch thì đây sẽ là một điểm sáng cho sự phát triển của thành phố Hà Nội.
Dưới đây là một số định hướng và giải pháp đế góp phần thúc đẩy sự hình thành các làng du lịch trong các làng nghề, làng có nhiều di sản.
Các giải pháp bảo tồn “ thích ứng”, biến tài nguyên di sản văn hóa thành tiềm năng phát triển du lịch (5)
Cần thực hiện phương pháp “Bảo tồn thích ứng”, biến giá trị di sản tĩnh thành giá trị động, chứa đựng tiềm năng phát triển. Phương thức bảo tồn này được thực hiện trên nền tảng là đánh giá đầy đủ các giá trị, cả các giá trị đương đại, chuyển tiếp giá trị, bổ sung giá trị để vừa bảo tồn, vừa cho di sản “sống” cùng với cuộc sống hiện nay. Không bảo tồn như một di sản “chết”. Việc lồng ghép hoạt động du lịch vào gìn giữ di sản là hướng bảo tồn tích cực, chủ động nhất. Du lịch tạo nên nguồn thu cho việc bảo tồn, du lịch cũng kích thích ý thức gìn giữ di sản vì nó mang lại lợi ích.
Ví dụ không nên bảo tồn các giếng làng theo kiểu tu bổ xong rồi đậy nắp hoặc bịt lưới sắt, cần biến giếng làng thành các không gian thăm quan của khách du lịch, nơi du khách trải nghiệm việc múc nước, gánh nước và tìm hiểu về vai trò của giếng, của nước trong cộng đồng, yếu tố phong thủy của giếng làng.
 
Bảo tồn và gìn giữ sức sống của giếng làng, tạo thành điểm thăm quan du lịch
Ví dụ về cổng làng, không chỉ tu bổ kiến trúc mà còn cần đặt các biển giới thiệu lịch sử xây dựng, dịch nghĩa chữ Hán Nôm trên cổng làng ra tiếng Anh, tiếng Việt cho du khách hiểu về giá trị tinh thần của cổng. Những khóm tre cạnh cổng cần được phục dựng, bờ mềm ven kênh nước bảo vệ được phục hồi, tạo lập lại các bộ cảnh quan truyền thống mang bản sắc của tinh thần nơi chốn.
Hay với đình làng, vẫn cần cho các hoạt động sinh hoạt của người dân mà hiện các nhà văn hóa đang thay thế. Có thể cho phơi thóc, phơi ngô...cho trẻ em chơi, người già tập thể dục...tạo nên sức sống cho ngôi đình, không “thờ hóa” ngôi đình.
 
Bảo tồn kiến trúc cổng làng đi đôi với tái hiện lại cảnh quan truyền thống như bụi tre, bờ cây mềm ven sông, cảnh sinh hoạt của thôn quê.
Phương pháp sáng tạo biến tiềm năng văn hóa thành sản phẩm du lịch
Đây là công việc sáng tạo hấp dẫn còn chờ đợi những nhà thiết kế, chuyển hóa giá trị văn hóa phi vật thể thành hình hài thông qua các thủ pháp;
+Thủ pháp mô phỏng hóa: Các hoạt động làm cỗ ngày Tết, mâm cỗ Trung thu, ngày giỗ họ, hát chèo, quan họ…cho du khách thưởng thức và trải nghiệm.
+ Thủ pháp nghệ thuật hóa: vẽ tranh tường, tượng, bố cục xếp đặt.
+ Kết nối, xâu chuỗi các không gian và nội dung hoạt động, sản phẩm du lịch theo các chủ đề, các câu chuyện xuyên suốt về lịch sử phát triển làng. Dựa trên các chủ đề, câu chuyện mà việc tổ chức không gian, cảnh quan lồng ghép với các giá trị văn hóa phi vật thể trở thành đặc trưng riêng của làng.
Ví dụ với làng Cựu, huyện Vân Từ, câu chuyện mô tả là quá trình phát triển của nghề may đo comple gắn liền với lịch sử phát triển của làng với dấu ấn thay đổi dưới thời thuộc Pháp. Sự kết nối văn hóa Đông Tây trong hơn 100 năm. Thương hiệu của làng du lịch sẽ là làng nghề may đo.
 
Sáng tạo nghệ thuật bằng các chất liệu văn hóa truyền thống, hình ảnh bông lúa từ đó đánh bắt tôm cá kết lại làm đèn chiếu sáng ban đêm
+ Thủ pháp tái hiện, trình diễn: 
Theo kết quả khảo sát, các làng hiện nay cũng đã mất một số thành tố về đặc trưng làng truyền thống trước đây, khó có thể phục hồi. Vì vậy để giới thiêu cho khách hiểu rõ hơn về di sản làng, một số đặc trưng của làng truyền thống cần tái hiện hoặc làm rõ hơn lịch sử, quá trình phát triển của làng, nên tập trung vào giai đoạn trước 1954, hoặc cuối thế kỷ 19 vì còn có tư liệu. Đây cũng là cơ hội để tạo những đặc điểm riêng của mỗi làng du lịch. Những không gian tái hiện có thể là:
Không gian ao làng, cầu ao, cổng nhà, giếng... Có thể bố trí trâu đi trên đường làng, có cây rơm, xe bò kéo...
Không gian sân đình, cây Đa, khóm Tre.
Các chủ đề về vườn cây, ao cá, hệ sinh thái V-A-C.
Không tái hiện những không gian mà bên trong làng vẫn còn nguyên gốc. Kết hợp trưng bày những công trình hiện đã không còn ở hộ gia đình như chỗ cối xay, cối giã gạo, trâu kéo mía, chỗ để cày, bừa.
Ví dụ làng Cựu, những cảnh sinh hoạt thời Pháp với lúc ngành may Comple đang phát triển có thể được tái hiện với các ngôi nhà may mặc, cảnh xe kéo thời Pháp...
 
Minh họa cảnh xe kéo trên con đường làng Cựu, tái hiện không gian có hoạt động sản xuất truyền thống.
Ví dụ thiết kế công trình lưu trú từ các đặc trưng văn hóa làng
Sự sáng tạo trong thiết kế kiến trúc công trình du lịch luôn đòi hỏi tính sáng tạo. Một số ý tưởng thiết kế từ các chất liệu văn hóa là:
*Kiến trúc công trình lưu trú dạng nhà nghỉ, chòi nghỉ: Phục vụ nghỉ thời gian ngắn, theo buổi hoặc 1 ngày. Kiến trúc nhỏ, thân thiện, khai thác vật liệu địa phương như rơm, rạ, tre, đất. Hình thái có thể giống nhà ở hoặc các hình thái đặc biệt, kế thừa hình thái của các đặc trưng làng nghề.
Nhà lưu trú mang hình thái đặc biệt
Nhà lưu trú sử dụng vật liệu địa phương
*Kiến trúc công trình lưu trú dang khách sạn, resort 2- 3 sao: Phục vụ thời gian nghỉ từ 1 đên 3 ngày, cho các nhu cầu cao. Có 2 phong cách:
- Kiến trúc kế thừa các dạng kiến trúc nhà gỗ truyền thống dạng 3 gian, 5 gian kết hợp nhà tranh tre kiểu truyền thống. Lưu ý sự tái hiện không chỉ là công trình mà còn cả ở khuôn viên nhà ở với vườn cây, ao, hàng rào cây xanh Ô rô, Duối xén tỉa, cây ăn quả như Mít, Ôỉ, Chuối, dàn Bí, Bầu ...đan xen.
Minh họa không gian lưu trú nhà 5 gian truyền thống ở khu du lịch làng quê
- Kiến trúc dạng sinh thái, gần gũi vơi thiên nhiên. 
Ví dụ công trình lưu trú trên cánh đồng, lấy cảnh quan đồng lúa, hương vị của mùa lúa làm đặc trưng, lưu ý cần cánh đồng chuyên sử dụng cho mục tiêu du lịch. Kiến trúc sử dụng vật liệu địa phương như tre, gỗ. Có thể sử dụng nhiều cây xanh, cây che phủ.
Ví dụ về kiến trúc công trình lưu trú bố trí trên cánh đồng lúa.
*Kiến trúc có phong cách độc đáo, lạ mắt: Có thể áp dụng cho dạng nghỉ ngắn ngày, buổi hoặc một vài ngày. Phong cách này dựa trên các ý tưởng của nghề, của văn hóa làng để tạo dựng. Nhà nghỉ ở làng gốm có thể làm hình bình gốm, mô phỏng lò gạch cũ hoặc tận dụng lò gạch bỏ đi để làm nơi nghỉ. Có thể làm chòi nghỉ hình cây rơm,  hình nơm úp cá...
Phong cách này hấp dẫn du khách ở sự độc đáo, nhất là với các du khách trẻ. Góp phần tạo bản sắc cho làng du lịch.
*Nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch (home stay)
Nhà ở dịch vụ dạng home stay được phát triển khi khách có nhu cầu ở lại thăm làng 1-2 ngày. Có thể dùng nhà cổ hoặc nhà mang đặc trưng nông thôn Việt Nam, không cần kiến trúc nguyên bản cổ. Quan trọng là còn giữ cấu trúc khuôn viên hộ truyền thống, có khu vệ sinh phù hợp.
Qua khảo sát kinh nghiệm từ các làng có hoạt động du lịch cho thấy mô hình xây nhà cho khách thuê bên cạnh nhà ở của chủ nhà, trong cùng khuôn viên là hợp lý nhất. Có một số hộ gia đình chỉ xây cho khách, thực sự gia đình không ở đó, chỉ cử người trông nom.
Kiến trúc nhà xây cho khách thuê chú ý khai thác các yếu tố truyền thống, sử dụng vật liệu địa phương. Có thể tạo lập các kiến trúc mới, không hoàn toàn là kiến trúc nhà gỗ dạng nhà 1 tầng, mái ngói, mang phong cách địa phương những năm 1986 về trước. 
Lưu ý khía cạnh văn hóa của ngôi nhà. Đối với du khách quốc tế, các yếu tố mang đặc trưng về lối sống của gia đình, tranh ảnh, kỷ vật...luôn là điều quý giá vì nó tạo nên hồn của ngôi nhà. Đối với lịch sử phát triển có nhiều biến động của Việt Nam, đặc điểm này cần được gìn giữ để giới thiệu cho khách.
Ví dụ nhà nghỉ homestay gìn giữ các đặc trưng lối sống gi đình (làm tương, trồng cây cảnh...)
Các công trình phục vụ ăn uống, dịch vụ
Các công trình ăn uống, dịch vụ cà phê, giải khát đón tiếp du khách cần tạo những không gian thoáng mát, nhiều cây xanh, có cảnh quan xung quanh. Khai thác các vị trí ven ao, hồ nước, trên đầm Sen, dưới các khóm cây Tre, Trúc. Nhà thấp tầng, sử dụng vật liệu địa phương, mái lợp rơm rạ...
Cần kết hợp giữa công trình ăn uống dạng mở với dạng nhà kín, sử dụng kính để phục vụ khách trong điều kiện thời tiết quá lạnh (mùa đông) hoặc quá nóng (mùa hè).
Ví dụ dạng công trình ăn uống trên hồ Sen
Dạng công trình dịch vụ cà phê, quán giải khát với hình thái đặc trưng của làng nghề gốm
Các làng nghề rất có ưu thế để tạo nên các công trình dịch vụ có đặc trưng riêng, phát triển từ hính thái của sản phẩm hay đặc điểm sản xuất của làng nghề.
Ví dụ với làng gốm là hình ảnh từ các lò gốm, ống khói, lò nung gạch và các vật liệu đặc trưng của làng có thể tạo nên những công trình đặc biệt mang dấu ấn cho du khách.
Công trình bán đồ lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp đặc thù:
Với là nghề, đây là chức năng quan trọng để bán các đồ lưu niệm phát triển từ các sản phẩm nghề truyền thống, mang lại nguồn thu cho người dân. Các hàng hóa như nón, rổ rá, đó, đồ mây tre mỹ nghệ, gốm...đều có thể bán ở đây. Kiến trúc nhà thấp tầng, phong cách kiểu quán chợ quê.
Không gian đồ lưu niệm giản dị, phong cách của kiến trúc truyền thống, kiểu chợ quê.
Công trình giới thiệu về nghề, lịch sử, trưng bày sản phẩm đặc trưng.
Với các làng nghề, có thể tổ chức nhà trưng bày chuyên về lịch sử phát triển của nghề riêng của làng hoặc cả sự phát triển của nghề trong toàn vùng ĐBSH và giới thiệu những khía cạnh tinh hoa của nghề. Tốt nhất là có một công trình riêng, dễ tạo bản sắc riêng của làng, có nội dung văn hóa lịch sử hấp dẫ du khách.
 
  
Minh họa tổ chức không gian khu trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm
Kết luận
Qua các phân tích và ví dụ trên đây có thể thấy việc phát triển các làng du lịch từ các làng xã truyền thống cho Hà Nội là một cơ hội để Hà Nội có thể ghi nhận thêm những yếu tố phát triển sáng tạo. Với các giá trị văn hóa được đưa vào trong hoạt động du lịch làng, thương hiệu một thành phố Hà Nội ngàn năm càng được nhấn mạnh, càng có bản sắc.
Có thế những lợi ích kinh tế của việc phát triển các làng du lịch chưa được đánh giá cao so với các dự án phát triển nhà ở, bất động sản nhưng bù lại những giá trị văn hóa mà các làng truyền thống du lịch mang lại cho Hà Nội là các giá trị bền vững. Cho Hà Nội trở thành đô thị là đầu tàu trong cả nước có định hướng phát triển kinh tế xanh, văn hóa và tăng trưởng xanh bền vững.
 
Phạm Hùng Cường
--
Tài liệu tham khảo
1. Trần Từ: (1984). Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc Bộ, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Phạm Hùng Cường (2018). Nhận diện giá trị Di sản trong công tác bảo tồn. Tạp chí Kiến trúc - Số 10-2018
3. Phạm Hùng Cường (2019). Bảo tồn thích ứng các làng xã truyền thống trong quy hoạch nông thôn mới. Tạp chí Kiến trúc. Số 10/2019.
4. Lê Quỳnh Chi (2014). Nhận diện giá trị giao thoa văn hoá Đông - Tây trong không gian kiến trúc quy hoạch và thách thức cho công tác bảo tồn Làng Cựu, Phú xuyên, Hà nội. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, Số 19/5-2014. 
5. Phạm Hùng Cường. Cách tiếp cận mới trong việc xây dựng mô hình Làng nghề - du lịch trong các làng truyền thống khu vực Đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Quy hoạch xây dựng. Số 103+104. Năm 2018.
6. Cám ơn sự tài trợ của đề tài « Nghiên cứu xây dựng mô hình làng nghề- du lịch và làng di sản – du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ».  Thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Do Trường Đại học Xây dựng thực hiện.