Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng nghề dưới góc nhìn đô thị hóa

Làng nghề vùng ven Hà Nội cũng như nhiều làng nghề khác ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu đời. Chúng vẫn được nhìn nhận dưới góc độ giá trị về nghề truyền thống, cần được bảo tồn như một giá trị văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề hiện nay bao gồm cả làng nghề truyền thống và làng nghề mới đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong sự phát triển, trong đó lợi ích kinh tế mâu thuẫn với chất lượng môi trường, phát triển với bảo tồn các giá trị văn hóa là những mâu thuẫn nổi bật. Những cố gắng của các nhà quản lý hiện nay chưa đủ để thiết lập nên một mô hình làng nghề phát triển hợp lý như mong muốn. Dường như có những yếu tố quy luật còn chưa được phát hiện, những giá trị chưa được nhìn nhận đầy đủ để có thể có những chính sách can thiệp, kiểm soát sự phát triển mang tính chủ động, tích cực hơn.

Trên góc độ đô thị hóa, sự tồn tại và phát triển của làng nghề hiện nay đang phản ánh rõ nét nhất bức tranh biến đổi phức tạp của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với những đặc thù của sự xen kẽ nông thôn - đô thị. Khác với nhiều nước, khi quá trình đô thị hóa phát triển, việc mở rộng hoặc hình thành các đô thị lớn đi đôi với việc giải thể các khu vực dân cư nông nghiệp. Điều này là không xảy ra với khu vực đồng bằng sông Hồng. Toàn bộ dân cư nông thôn không bị xóa mà chúng chuyển đổi song hành với đô thị. Cả hai khu vực đó cùng chuyển đổi, mang cả tính tích cực và tiêu cực, điển hình cho tính hai mặt của quá trình đô thị hóa hiện nay.

Các làng nghề hiện nay có rất nhiều nhân tố mới quyết định đến sự hình thành và tồn tại của chúng, khác biệt với các làng nghề trước đây khi còn nằm trong một vùng nông thôn khá ổn định chưa có các biến động đô thị hóa mạnh mẽ. Đó là những khía cạnh về sự phát triển của công nghê, sự thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, các nhận tố lao động, dịch cư, chuyển đổi lối sống, các hệ quả biến đổi không gian, môi trường, chịu tác động của các bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và cả các yếu tố quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa.

 

Những đặc trưng cơ bản

Các làng nghề hiện nay, yếu tố nghề truyền thống không phải là nhân tố quyết định để làng nghề đó tồn tại. Nếu công nghệ cũ, phương thức sản xuất tạo nên các sản phẩm không cạnh tranh được với thị trường (kể cả chất lượng và số lượng) thì làng nghề cũng không phát triển. Có những làng và nghề không phát triển được như gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), làng gốm Thổ Hà vì chưa tạo ra các sản phẩm mới có thể cạnh tranh với gốm Bát Tràng, Phủ Lãng hay các loại gốm sản xuất công nghệ hiện đại. Hay như nghề tranh Đông Hồ vất vả tìm kiếm thị trường bởi công nghệ truyền thống không thể thay đổi. Việc tham gia vào thị trường rộng mở có sự cạnh tranh cao, công nghệ sản xuất phải thay đổi là những nhân tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại của làng nghề.

Một góc làng nghề gốm Hương Canh - Vĩnh Phúc (Ảnh: Sưu tầm)

Tuy nhiên về sâu xa, con người của làng nghề, sức mạnh văn hóa của làng nghề truyền thống lại là nền tảng xã hội để hình thành nên làng nghề ngày nay. Làng gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà hay gỗ Đồng Kỵ được như ngày hôm nay là có sự sáng tạo của những cá nhân tâm huyết với nghề, có cả những họa sỹ, nhà thiết kế là người của làng đi đầu tìm những hướng mới cho nghề, với bao nhiêu trăn trở, thất bại mới đi đến thành công. Tính cộng đồng, tính tự trị vốn có của làng truyên thống hay sự tự hào về làng đã thôi thúc nhiều cá nhân vươn lên. Các làng nghề thờ ông tổ nghề, ngoài việc thờ người có công đầu còn hàm ý biết ơn những cá nhân vô danh khác đã tâm huyết gây dựng nên một nghề cho làng, cho dù nghề hiện nay có thể đã khác với nghề ban đầu nó hình thành.

Từ hai khía cạnh sản xuất và xã hội, có thể thấy làng nghề là một tổ hợp khá phức tạp. Trong mọi khía cạnh, yếu tố đô thị - nông thôn, hiện đại - truyền thống đều được pha trộn, gắn kết với nhau.

Làng nghề hiện nay là một tổ hợp sản xuất khá đặc biệt. Vừa tồn tại các quan hệ kinh tế chính quy vừa tồn tại quan hệ kinh tế kiểu phường hội. Mối quan hệ xã hội làng nghề khác với mối quan hệ chủ - thợ, giám đốc - nhân viên đơn thuần như trong các xí nghiệp công nghiệp. Sự tham gia của đa dạng thành phần, người lớn, trẻ em, quan hệ xóm giềng, họ hàng tạo nên các dạng liên kết hết sức đa dạng. Sự liên kết này tạo nên các quan hệ trong sản xuất có thêm tính gia đình, dòng họ, láng giềng mà chữ "tín" mạnh hơn cả những hợp đồng kinh tế.

Việc phát triển kinh tế làng nghề khởi đầu từ hộ gia đình, kể cả khi nó đã phát triển như một hệ thống các doanh nghiệp nhỏ thì sự thoát ra khỏi làng nghề vào một khu vực tập trung riêng với mục tiêu tách rời khu vực sản xuất khỏi làng nghề vào một khu vực tập trung riêng với mục tiêu tách rời khu vực sản xuất khỏi làng nghề vào một khu vực tập trung riêng với mục tiêu tách rời khu vực sản xuất khỏi khu vực ở đã thất bại.

Bài học ở khu sản xuất tập trung của Đồng Kỵ - Bắc Ninh cho thấy chỉ có thể hình thành thêm khu sản xuất tập trung bên cạnh vẫn tồn tại sự sản xuất trong hộ gia đình chứ không tạo được sự rạch ròi khu sản xuất, khu ở riêng biệt, xóa bỏ sản xuất trong hộ gia đình. Bởi nếu như vậy thì cũng không còn tồn tại làng nghề. Thậm chí khi hình thành khu sản xuất tập trung tại Đồng Kỵ, xu hướng hỗn hợp (có yếu tố ở) lại hình thành ngay trong khu vực vốn được quy hoạch chỉ cho sản xuất và dịch vụ.

Làng nghề gỗ Đồng Kỵ - Bắc Ninh (Ảnh: Sưu tầm)

Trong hệ thống sản xuất, việc chuyên môn hóa đang được hình thành. Tùy theo tính chất của từng nghề mà sự phân công lao động có sự khác nhau. Với làng nghề dịch vụ như làm miến, bánh kẹo, dây chuyền khá khép kín thì các nghề mộc, gốm sự phân công nhiều công đoạn mang tính chuyên môn khá rõ nét. Ví dụ với một làng nghề mộc có thể được phân theo các nhóm:

- Nhóm chuyên kinh doanh sản phẩm: Bán hàng tjao làng hoặc các đại lý trong đô thị.

- Nhóm kiêm cả sản xuất - kinh doanh.

- Nhóm hoạt động chuyên theo một số công đoạn: Mua gỗ, pha gỗ, tẩm sấy, nhóm gia công thô, nhóm gia công tinh, nhóm vận chuyển.

Sự phân hóa dần các thứ bậc sản xuất - kinh doanh đã mang rõ nét tính kinh tế thị trường, một thị trường lao động được phân loại rõ theo năng lực. Tại nhiều làng nghề, những người gốc ở làng thường tham gia điều hành hoặc làm trọn vẹn một công đoạn, phần làm công thường là những người từ các nơi khác đến.

Làng nghề có quan hệ khăng khít với đô thị, nhất là các đô thị lớn lân cận bởi đó là thị trường tiêu thụ chủ yếu, là đầu mối xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế. Các làng gỗ Hữu Bằng (Thạch Thất), Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có hàng chục cửa hàng đại lý tại nội thành Hà Nội. Người làng không chỉ sản xuất, bán tại làng mà đang tham gia sản xuất, làm dịch vụ ngay trong đô thị. Như vậy làng nghề còn có vai trò rất lớn trong hệ thống dịch vụ tại đô thị, kể cả điều phối sản phẩm lẫn lực lượng lao động dịch vụ của đô thị.

 

Những mâu thuẫn nổi bật

Làng nghề cũng phản án đúng quy luật phát triển kinh tế giai đoạn đầu đô thị hóa ở các nước phát triển, đó là sự phát triển lấy mục tiêu kinh tế làm hàng đầu, coi nhẹ yếu tố môi trường. Tình trạng ô nhiễm nặng nề ở nhiều làng nghề hiện nay phản ánh sự chậm trễ của các cơ quan có chức năng, dù đã thấy trước vấn đề có tính quy luật nhưng gần như không can thiệp, chỉ đến khi tình trạng nghiêm trọng mới tìm cách khắc phục.

Những biến đổi xã hội về lối sống, nhu cầu ở tất yếu làm biến đổi các ngôi nhà truyền thống, dân cư đa dạng tạo nên các loại hình nhà ở đa dạng. Các lô đất được phân nhỏ không quy hoạch, tất cả đã tạo nên sự phát triển kiến trúc lộn xộn.

Các không gian mới được hình thành như không gian tập kết nguyên vật liệu, chỗ đỗ xe, khu vực giao dịch tập trung, khu vực chứa rác... Những chức năng này không hình thành sẵn có từ làng nghề truyền thống. Cấu trúc cũ của làng xóm được cấy ghép các chức năng mới thiếu quy hoạch, trở thành sự phát triển tự phát, tùy tiện.

Các không gian truyền thống như Đình, Chùa, ao làng, giếng làng được gìn giữ ở những mức độ nhất định. Các làng vùng ven, ý thức gìn giữ các không gian truyền thống tốt hơn các làng đã lọt vào nội đô.

Hoạt động sản xuất cùng với việc tăng dân cư trên một cấu trúc cũ với hệ thống giao thông phân nhánh không phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Mạng lưới đường khó cải tạo kéo theo các vấn đề về hệ thống thoát nước mưa, nước thải.

Thực tế tất cá các vấn đề của làng nghề cũng là các vấn đề của làng xã đô thị hóa, chỉ có điều nó được đẩy lên một mức cao hơn, xuất hiện sớm hơn so với các làng thuần nông ở cùng một vị trí khu vực.

 

Vai trò của làng nghề trong quá trình đô thị hóa

Trên góc độ đô thị hóa, làng nghề có vai trò rất tích cực, làm giảm thiểu các nhược điểm của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam.

Trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, mặt trái của đô thị lớn ở các nước đang phát triển như Việt Nam chính là sự dư thừa các lao động dịch vụ, lao động phổ thông bởi sản xuất công nghiệp hiện đại hướng tới các thị trường lao động có trình độ cao.

Việc thu nhận những người làm công từ các nơi khác đến làm việc tại alfng nghề làm cho làng nghề có ý nghĩa lớn với quá trình đô thị hóa. làng nghề là nơi dung nạp những thành phần lao động phi chính quy, lao động nông nghiệp mới chuyển đổi nghề. Sự đào tạo kiểu truyền nghề, bắt chước làm theo đơn giản nhưng hiệu quả cho mọi người lao động ở nhiều trình độ khác nhau có cơ hội có được việc làm. Đây chính là môi trường đào tạo nghề thu hút được nhiều nhân lực trình độ thấp, hiện khó thích ứng được với sản xuất hiện đại.

Làng nghề là nơi tập dượt của quá trình chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Các cá nhân và nhóm xã hội rõ ràng rất có lợi thế trong việc tiếp cận thị trường lao động đô thị. Đã có nhiều doanh nghiệp hình thành, phát triển nên từ các làng nghề.

Làng nghê có xu thế ít xáo trộn xã hội trong quá trình đô thị hóa cưỡng bức (trường hợp đất nông nghiệp bị thu hồi), bởi các thành viên của làng đã có một con đường thứ hai để tồn tại. Thậm chí việc phát triển các dự án đô thị bên cạnh sẽ là cơ hội tốt cho các hoạt động nghề phát triển.

Khi ruộng đất bị thu hồi, các làng nghề cũng có khả năng duy trì một mối quan hệ xã hội cộng đồng truyền thống chặt chẽ hơn do vẫn cùng tham giá hoạt động, làm việc trong cùng hệ thống sản xuất hoặc phân phối. Trong khi với các làng thuần nông, nếu mất đất nông nghiệp, các hộ gia đình nhanh chóng bị hạn chế các cơ hội giao tiếp và quan hệ cộng đồng làng xã đô thị hóa có sự giảm sút rõ nét.

 

Nhìn nhận làng nghề như là một mô hình đặc thù của vùng đô thị hóa tương lai. Một cách tiếp cận đô thị hóa chủ động

Làng nghề vùng ven Hà Nội là một tổ hợp kinh tế - xã hội đặc thù. Nếu như các mô hình mới đô thị như đặc khu kinh tế, "business park" hướng tới lợi thế của sự liên kết giữa kinh tế nội địa + kinh tế nước ngoài  hay kinh tế công nghiệp + kinh tế tri thức + môi trường thì các làng nghề tạo nên các mô hình liên kết kinh tế + xã hội + văn hóachặt chẽ. Có khả năng giải quyết các xung đột văn hóa trong quá trình đô thị hóa hiện nay.

Làng nghề hiện nay chính là lời giải cho sự phát triển ở các khu vực nông thôn đang chuẩn bị đô thị hóa, là bước đệm cần thiết cho quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi nông thôn - đô thị. Là một mô hình thích hợp của sự chuyển đổi cộng đồng xã hội nông thôn chuyển dần theo lối sống đô thị.

Đây là một cách tiếp cận đô thị hóa chủ động rất cần được nghiên cứu phát huy để hạn chế tối đa tác dộng của các dạng đô thị hóa bị động, đô thị hóa cưỡng bức như với các làng thuần nông.

Nếu quan niệm làng nghề là một mô hình phát triển đặc thù như các mô hình phát triển đặc thù của đô thị khác thì các chế tài kiểm soát và hỗ trợ cũng phải có tính chất riêng biệt. Tránh đem những tiêu chuẩn, quy chuẩn của đô thị nói chung áp dụng máy móc trong kiểm soát phát triển làng nghề.

Làng nghề hiện nay cũng phản ánh bức tranh của các làng xã sẽ đô thị hóa trong tương lai. Nó như một mô hình đi trước để chúng ta có thể tìm cách kiểm soát. Nếu thực hiện việc tái cấu trúc, quy hoạch và kiểm soát ở làng nghề thành công thì có thể áp dụng cho các làng xã tương lai.

Và một câu hỏi đặt ra: Có thể chủ động để một làng thuần nông trở thành một làng nghề được không? Có thể thực hiện bước này đi trước cho toàn vùng sắp đô thị hóa như một sự chuẩn bị chủ động, hạn chế những mặt tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa tương lai?

Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, nhưng làng nghề rõ ràng đã là những mô hình hé mở cho một hướng phát triển tích cực của khu vực nông thôn Việt nam trong quá trình đô thị hóa.

 

PGS.TS Phạm Hùng Cường