Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Phỏng vấn | Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: "Bảo tồn không gian đặc sắc làng Việt"

Làng xã truyền thống Việt Nam, tiêu biểu là làng xã vùng đồng bằng sông Hồng chứa đựng nhiều di sản quý giá, dù qua thời gian đã mai một nhưng vẫn rất phong phú, cả số lượng và loại hình. Quy hoạch nông thôn mới là cơ hội để gìn giữ di sản ấy. Đó là chia sẻ của PGS.TS. Phạm Hùng Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng.

Chú trọng giữ gìn bản sắc
- Sau nhiều năm tham gia công tác quy hoạch nông thôn và nghiên cứu về làng xã truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng, ông vừa ra mắt cuốn sách "Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng". Tại sao ông quyết định ra mắt cuốn sách vào thời điểm này?
- Hiện nay, công tác quy hoạch nông thôn mới cơ bản tại các xã cơ bản đã hoàn thành, được thực hiện căn cứ theo 19 tiêu chí nông thôn mới. Giai đoạn tới, theo chủ trương của Nhà nước, các địa phương sẽ phát triển các xã theo định hướng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nếu như ở giai đoạn trước, chúng ta chú trọng đến hạ tầng cơ bản, tiêu chí nòng cốt, nói nôm na là "điện, đường, trường, trạm", thì giai đoạn sau này đi vào chất lượng nhiều hơn, chẳng hạn như chất lượng môi trường, nâng cao thu nhập, điều kiện sống của người dân...
 
 
Chúng tôi thấy rằng, ngoài những vấn đề trên, phải đưa gìn giữ bản sắc văn hóa là một trong các nội dung của nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới. Bởi việc gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn là quan trọng và công tác quy hoạch rất có ý nghĩa, đóng góp cho hướng đi này.
Tôi viết cuốn sách trên cơ sở các nghiên cứu của mình để các kiến trúc sư, người quản lý quy hoạch cấp huyện, xã có thể tham khảo. Cuốn sách cũng dành cho công chúng nói chung, vốn có vai trò gần như quyết định trong thực hiện gìn giữ bản sắc văn hóa.
- Quy hoạch nông thôn mới hiện nay có tác động tới việc bảo tồn di sản văn hóa như thế nào, thưa ông?
- Di sản là một phần tạo nên bản sắc văn hóa nông thôn, rất cần được gìn giữ. Thực tế, ở vùng nông thôn hiện nay, di sản được bảo tồn ở nhiều cấp độ. Nhà nước đang tập trung bảo vệ những công trình quan trọng, ví dụ đình, chùa, di tích có giá trị rất cao, được xếp hạng di tích và bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Nhưng còn giếng làng, cổng làng, cầu đá, quán trên cánh đồng, cấu trúc đường làng ngõ xóm, cây đa bến nước, lũy tre... chúng tuy nhỏ nhưng cũng là dấu ấn văn hóa của nhiều làng xã, hầu hết đều có lịch sử mấy trăm năm, tạo nên hồn của làng quê Việt. Những yếu tố truyền thống này chúng ta hoàn toàn có thể giữ được với công tác quy hoạch, không phải đợi công trình được công nhận xếp hạng mới bảo tồn.
 
 
Không "bảo tàng hóa" di sản làng xã
- Qua nghiên cứu của ông, hiện nay di sản văn hóa làng xã đang được bảo tồn ra sao?
- Có thể thấy, khoảng 15 năm trước, việc bảo tồn di sản văn hóa ở nông thôn chưa được quan tâm đầy đủ. Giai đoạn này đã thay đổi nhưng vẫn ở mức độ giữ nguyên, không phá bỏ, chứ ít có điều kiện tu bổ, phát huy giá trị. Phần lớn kinh phí vẫn dành để làm đường, trùng tu công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị, còn không gian cảnh quan chung, như làm lại ao làng, cổng làng... cho sạch đẹp, không phải địa phương nào cũng làm tốt.
Ví dụ trường hợp lập quy hoạch thường sẽ phải có đất ở, làm đường mới, nếu không coi trọng di sản, hoặc đôi khi không để ý, sẽ xóa dấu tích cũ, như cổng làng, giếng nước... làm mất dần bản sắc nông thôn truyền thống. Chẳng hạn, mọi người không còn dùng nước giếng nữa, giếng làng bị bỏ hoang, thậm chí ô nhiễm, nhiều nơi chọn lấp đi, nhưng nếu không gian ấy được bảo tồn sẽ gợi lại lịch sử, lưu giữ quan niệm về gìn giữ nguồn nước, sống hài hòa với thiên nhiên. Hay cổng làng xưa lối vào nhỏ, nhiều người muốn phá bỏ để lấy chỗ rộng cho ô tô đi; lũy tre làng không còn để bảo vệ làng nữa nên chặt bỏ, quán làng không cần dùng làm nơi nghỉ trưa trên đồng nên phá đi… Nhưng nếu cứ nghĩ như thế thì tất cả dấu ấn văn hóa lịch sử thân thuộc đều mất hết; lối sống, tập quán của cộng đồng sẽ phai nhạt.
Nếu người lập quy hoạch có ý thức về giá trị di sản văn hóa, chúng ta có thể tìm cách để giữ chúng, thuyết phục mọi người thấy giá trị họ đang có, từ đó chung tay thực hiện các biện pháp bảo tồn. Có thể nói, giữ khóm tre, giếng làng, ao làng, cổng làng, kiến trúc cộng đồng truyền thống... chính là bảo tồn tinh thần cộng đồng làng quê, lối sống giản dị, hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng… Những điều này đều rất gần với quan điểm quy hoạch hiện đại.
- Theo ông, công tác quy hoạch cần chú ý điều gì để phát triển nông thôn mới nhưng vẫn giữ được di sản, bản sắc truyền thống?
- Cơ quan quản lý cần nghiên cứu bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể hơn nội dung bảo tồn di sản, gìn giữ bản sắc văn hóa trong công tác lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng, các nhà chuyên môn cần được trang bị lý luận về nhận diện giá trị di sản, phương pháp bảo tồn thích ứng để có giải pháp quy hoạch đúng đắn. Bởi di sản làng xã truyền thống không thể bảo tồn theo hình thức "bảo tàng hóa", mà đó là các di sản sống, có giá trị với cuộc sống đương đại và cũng có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống, phải có cách tiếp cận bảo tồn mới.
Tôi cũng thấy rằng, với các làng có nhiều di sản, làng nghề truyền thống, việc quy hoạch theo hướng phát triển du lịch là cách làm chủ động nhất. Người dân có thu nhập từ du lịch thì càng ý thức bảo tồn, phát huy tốt các giá trị di sản. Đây là hướng phát triển có ý nghĩa góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời góp phần bảo vệ di sản và tạo lập bản sắc văn hóa cho làng xã, để nông thôn của chúng ta ngày càng giàu đẹp và luôn mang hồn văn hóa của người Việt.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Thảo Nguyên (Báo điện tử Đại biểu nhân dân) thực hiện