Quy hoạch định hướng làng nghề dệt lụa Nha Xá và khai thác các giá trị truyền thống để phát triển du lịch xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
1. Đặt vấn đề
Sau gần 4 năm thực hiện Quyết định 193 của Chính phủ, phê duyệt chương trình rà soát Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cả nước đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch nông thôn mới trên 5.000 xã. Đây là một kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm còn khác nhau giữa các vùng. Tuy vậy vẫn còn những khó khăn và nhiều thách thức. Kinh tế nông thôn vùng ĐBSH chưa có sự phát triển vững chắc, phương thức sản xuất canh tác hiện nay năng suất, hiệu quả chưa cao. Điều này cũng làm cho làn sóng ly hương ra đô thị có xu hướng ra tăng, đồng ruộng không được sử dụng có hiệu quả. Với nguồn lực còn hạn chế, hạ tầng nông thôn khó có điều kiện để đổi mới.
Nhìn từ góc độ tiềm năng của các làng xã hiện nay, nhiều làng xã ĐBSH có ưu thế về tài nguyên văn hóa và sinh thái. Trong đó các giá trị nghề truyền thống, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú. Đây chính là thế mạnh có thể khai thác đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các làng xã, theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.
Nghiên cứu về xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một ví dụ nghiên cứu để làm rõ thêm những hướng đi cho các làng xã truyền thống trong giai đoạn tới. Kết hợp Khai thác giá trị làng nghề- Khai thác các giá trị truyền thống để phát triển du lịch -Lồng ghép xây dựng hạ tầng khung theo hướng Hạ tầng xanh nông thôn là hướng nghiên cứu để định hướng quy hoạch phát triển xã trong tương lai.
2. Những cơ sở khai thác các giá trị truyền thống làng xã
Giá trị làng nghề truyền thống: Làng dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam) được hình thành từ đầu thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi vị Thành Hoàng Trần Khánh Dư. Không chỉ nổi tiếng với chất lượng lụa hàng Á Hậu chỉ sau lụa Hà Đông về thương hiệu mà làng lụa còn có những giá trị lâu đời về quá trình tiến hóa lao động, giá trị minh chứng sự cần cù lao động của người nông dân, giá trị làng nghề đã đi vào những câu ca dao, vào đời sống tinh thần của người dân.