Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Các làng cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) - Đánh giá giá trị về cấu trúc quy hoạch làng cổ ở Đường Lâm

1. Cấu trúc chung của làng cổ
Các làng cổ ở Đường Lâm được xác định gồm các làng: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp và Cam Lâm. Trong đó chỉ có làng Cam Lâm là có sự tách biệt, nằm cách Đoài Giáp khoảng 350m, có con sông Tích chảy qua giữa 2 làng. Còn lại 4 làng là Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp gắn liền với nhau.
Cụm 4 làng này có một tuyến giao thông từ quốc lộ 32 đi qua Đông Sàng vào Cam Lâm. Đây là tuyến giao thông chính gắn kết giữa các làng. Tuy nhiên lối vào làng của Mông Phụ và Cam Thịnh cũng có đường vào riêng từ quốc lộ 32.
Về lịch sử các làng cổ ở Đường Lâm trước đây là các xã riêng biệt, thời Nguyễn còn có tài liệu về địa bạ của các xã Đường Lâm, Cam Lâm  nhưng do có sự gắn kết về địa lý nên nếu phân tích cấu trúc của các làng cổ Đường Lâm khó có thể chỉ tách riêng Mông Phụ làm điển hình. Các tài liệu về nghiên cứu lịch sử, cũng chưa nói đến sự xuất hiện sau, trước của làng nào. Các tài liệu cho thấy đến trước thế kỷ 19 thì các thành tố xác định cấu trúc của các làng đã đầy đủ. Vì vậy khả năng tồn tại của các làng gắn kết như hiện nay có thể tồn tại từ rất lâu.
Xét về cấu trúc tổng thể, mỗi làng cổ ở Đường Lâm đều có các thành tố cơ bản của cấu trúc làng truyền thống, mặc dù có khu vực chỉ còn dấu tích. Tuy giáp nhau nhưng hệ thống đường làng, ngõ hoàn toàn riêng biệt. Giữa các làng chỉ giáp lưng vào nhau và liên kết với nhau thông qua đường chính của làng (phải qua cổng). Như vậy về cơ bản các thành phần của một làng truyền thống đều tồn tại trong các làng chứng tỏ chúng có sự độc lập nhất định trước khi phát triển gắn với nhau.
Bảng thống kê các thành phần cơ bản của 4 làng truyền thống

 
 
* Sự gắn kết giữa các làng cổ
Thông thường mỗi làng xã truyền thống ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ đều có chùa riêng (khoảng từ thế kỷ 10 dưới triều Lý). Các làng cổ Đường Lâm chỉ có 1 chùa chung cho 5 làng (Cam Lâm không có chùa riêng). Chùa Ón  (Mông Phụ) cần được làm rõ về tên gọi vì hiện nay chỉ là ngôi nhà nhỏ, diện tích khoảng 12 m2, không có tượng Phật, (bàn thờ vẽ hình rồng chầu mặt trời, hàng năm trước sân tổ chức hội thi đấu vật). Tên gọi có sự trùng lặp là hiện tượng thường gặp tại Đường Lâm (Đền gọi là Đình: Đền Phùng Hưng gọi là đình Cả, Đền Đức thánh Tản gọi là Đình Phố)
Có đình Tổng (đối diện chùa Mía) thờ Thành hoàng chung cho các làng.
Chợ Mía tồn tại từ lâu, là chợ chung cho cả các làng. Khu vực chợ Mía cũng gần với Phố Mía đã từng tồn tại trong lịch sử (nằm dọc tuyến đường 32 hiện nay, gần lối vào Đông Sàng)
Có ao làng được sủ dụng chung (thôn Mông Phụ và Đoài Giáp).
Hệ thống đồng ruộng không phân bổ theo cơ cấu thôn mà được quản lý theo cơ cấu xã.
Nghĩa địa: Vừa có khu vực chung vừa có khu vực riêng, phần chôn trên ruộng chủ yếu ở Mông Phụ.
Liên kết đường chính: Mông Phụ muốn đi chùa Mía phải qua đường làng Đông Sàng, từ Cam thịnh muốn đi Cam Lâm có đường nối thẳng qua Mông Phụ.
Như vậy xét về mặt cấu trúc, 4 làng cổ Đường Lâm vừa có tính độc lập, vừa có tính liên kết với nhau, điều này tạo nên sự đặc biệt trong cấu trúc các làng cổ,  việc bảo tồn cần tính toán đến sự thống nhất trong chính sách, không quá tập trung vào Mông Phụ.
Riêng khu vực Cam Lâm cấu trúc có tính độc lập hơn, có Đền thờ Đức thánh Tản, ngoài ra còn có đền thờ Phùng Hưng, Đền và Lăng Ngô Quyền.
Xét tương quan giữa các làng thì Mông Phụ còn giữ được cấu trúc cũ nguyên vẹn nhất, là làng duy nhất còn cổng làng, phần đồng ruộng cũng tiếp giáp chủ yếu phía Mông Phụ tạo cho Mông Phụ có được cấu trúc trong và ngoài làng hoàn chỉnh
2. Cấu trúc làng cổ Mông Phụ
2.1. Dân cư và cấu trúc xóm
 Xóm là một nhóm nhà ở nằm trên một tuyến ngõ hoặc vài ngõ gần nhau. Các xóm có sự độc lập về không gian nhất định, có cổng xóm. Các nhà khác xóm có khi giáp lưng nhưng cổng lại cách nhau rất xa vì thế có câu“ gần nhà xa ngõ”.
Thôn Mông Phụ gồm 9 xóm: Xóm Đình, Xóm Giang, xóm Chim, Xóm Sui, xóm Hè, xóm Sải, xóm Hậu, xóm Miễu, xóm Xây. Làng có 376 hộ (1591dân)
Các xóm có đường chính là xóm Đình, xóm Hè, xóm Sui, xóm Sải.
2.2. Cổng làng, cổng xóm
- Cổng làng:  Hiện chỉ còn 1 cổng, 4 cổng đã mất gồm cổng Sui, cổng Chim và 2 cổng nối với các thôn khác (Cam Thịnh, Đoài Giáp)
- Cổng xóm:  Hiện chỉ có cổng xóm Hậu
2.3. Không gian đình Mông phụ
Có tính chất như một quảng trường trung tâm, các tuyến đường của xóm này đều gặp nhau tại sân rộng trước cửa đình. (Nếu các đường ngõ xóm như những cành cây thì sân trước đình là gốc cây, tất cả cành nhánh đều quy tụ lại).
Nếu tính từ sân trước của đình thì đây là điểm khởi đầu đi các xóm Giang, xóm Hè, xóm Đình, xóm Sải. Đây cũng là nét độc đáo của làng cổ Mông Phụ, dù là khách lạ cũng khó có thể lạc ở Mông Phụ vì mọi con đường đều quy tụ lại một điểm.
2.4. Đường liên kết ngõ xóm
Đường chính xóm Đình, xóm Sải đổ nhựa rộng khoảng 5,5 m , các ngõ rộng 1,8-2,4m . Đường chính các xóm khác lát gạch rộng, đường ngõ rộng 1,8- 2,4 m. Cá biệt có ngõ nhỏ rộng 1,2 m. Đường phân nhánh cành cây là chủ yếu.
2.5.Ao làng
Có 2 ao, một nằm ở phía Nam , dưới chân đồi và một cạnh cổng làng.
2.6. Giếng chung
Bố trí rải rác theo các đường ngõ chính, phân bố theo các xóm.
2.7. Hướng nhà
Nhà ở tại thôn Mông Phụ có 2 hướng chính là hướng Nam và hướng Đông. Các hướng khác chỉ là chếch hướng Đông Nam, Đông Bắc theo điều kiện địa hình hoặc khuôn viên khu đất, không có nhà hướng Tây.
Việc bố trí hướng nhà theo tính khu vực rõ rệt:  Toàn bộ nhà nằm phía dưới tuyến đường Đông- Tây (xóm Hè- xóm Đình), phía Nam Mông Phụ nằm quay về hướng Nam. Có một phần lớn nhà ở nằm ở phía Bắc làng (xóm Hậu, xóm Miễu, xóm Đình, xóm Sải) quay theo hướng Đông. Xóm Sải, Hậu có hướng nhà hướng Đông chiếm tới 58%, hướng Nam 41%. Xóm Đình và xóm Miễu nhà hướng Đông chiếm tới 83,7 %, nhà hướng Nam chỉ có 16,27%. 
Tổng thể toàn thôn Mông Phụ: Nhà hướng Nam (hoặc chếch Đông Nam) chiếm khoảng 54,6 %. Nhà hướng Đông (hoặc chếch Đông Bắc) chiếm khoảng 45,4%.
2.8. Cây cổ thụ
Hiện có cây Đa khoảng 300 năm tuổi ở vị trí cạnh cổng thôn Mông Phụ.
2.9. Các công trình truyền thống
Ngoài Đình Mông Phụ  vẫn còn đầy đủ các công trình tiêu biểu của làng xã truyền thống là chùa, miếu, điếm, nhà thờ họ, văn chỉ.
2.10. Đồng ruộng, quán, nghĩa địa ngoài làng
Còn đầy đủ các thành tố, có các quán nổi bật trên cảnh quan đồng ruộng, nghĩa địa cổ với việc bố trí mồ mả theo thuật Phong Thuỷ.
Như vậy thôn Mông Phụ về cơ bản là thôn giữ được cấu trúc làng xã truyền thống hoàn chỉnh nhất, chỉ có lũy Tre làng là yếu tố truyền thống bị mất hoàn toàn, tuy nhiên có thể khôi phục được.
3. Giá trị cấu trúc các thôn Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm
3.1. Thôn Đông Sàng
Đường tiếp cận chính từ quốc lộ 32, đường chính của làng nối với đường đi Cam Lâm. Cấu trúc giao thông cơ bản dạng răng lược phân nhánh. Từ một trục chính, các nhánh ngõ nối vuông góc vào bên trong. Chiều rộng đường chính 7,5 m, chiều rộng ngõ 1,5- 2,5m.
Có một không gian trung tâm là chùa Mía, nằm trên ngã tư, một hướng đi Cam Lâm và một hướng vào Mông Phụ.
Trung tâm của Đông Sàng đóng vai trò là trung tâm dịch vụ của khu vực 5 xã, có chợ Mía và các cửa hàng dịch vụ xung quanh chợ  Mía, bán kính phục vụ tới Mông Phụ, Đoài Giáp hợp lý (khoảng 500m tối đa), tới khu vực Cam Lâm khá xa (1200m).
- Công trình di tích lịch sử chính: Chùa Mía, đình Tổng, đình Đông Sàng. Cổng Đông Sàng đang được xây dựng lại (tháng 10/2008).
Thôn Đông Sàng với cổng làng đang được xây dựng lại cơ bản còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc của một làng truyền thống. Tuy nhiên đây cũng là khu vực không gian cảnh quan đang biến đổi mạnh nhất.
3.2.Thôn Cam Thịnh
Nằm sát với Mông Phụ, đường chính đi vào từ quốc lộ 32, qua sân vận động (hiện đang có kế hoạch xây nhà văn hoá thôn). Cấu trúc làng phân nhánh dạng sang 2 bên trục đường chính. Có đình Cam Thịnh đã được xếp hạng di tích. Không còn cổng làng và luỹ tre làng. Có đường nối với Mông Phụ. Khu vực thôn đường ngõ hầu hết là đường đất. Có một số đoạn ngõ khá sâu, phía Bắc thôn là đất ruộng trũng hiện trồng màu, giáp với ao Đông Sàng.
3.3. Thôn Đoài Giáp
  Nằm 2 bên đường từ chùa Mía vào Cam Lâm, giáp với thôn Đông Sàng và Mông Phụ. Phần lớn thôn nằm một bên đồi có độ cao tương tự cốt cao của Mông Phụ. Tuyến đường ô tô đi xuyên qua thôn từ Đông Sàng sang Cam Lâm là trục đường chính của thôn, từ đó phân thành nhánh vào các xóm. Có Đình Đoài Giáp đã được xếp hạng di tích, không còn cổng làng và lũy tre, ao làng chung với thôn Mông Phụ, có một số khu vực dân cư mới  (xóm Thương nghiệp)
3.4. Thôn Cam Lâm
Thôn khá độc lập, nằm ở phía Nam, Tây Nam của xã. Tuy quy mô không lớn (29 hộ – 522 người), ít dân hơn cả Cam Thịnh nhưng đây là làng có lịch sử lâu đời, gắn với nhiều truyền thuyết và di tích.
Có Đền thờ Đức Thánh Tản.
Di tích: Đền Ngô Quyền, Lăng Ngô Quyền, Đình (đền) Phùng Hưng, đền Mẫu, rặng Duối cổ.
Các dấu tích: Cổng (còn được xác định qua lời kể), cầu qua sông Tích.
Cấu trúc đường làng phân nhánh, lượn theo địa hình.
Nhìn chung cả 4 làng đều vẫn giữ được cấu trúc chức năng, giao thông và không gian truyền thống tuy nhiên không hoàn chỉnh như làng Mông Phụ. Chủ yếu là mất đi cổng làng, luỹ Tre và sự biến đổi không gian do xuất hiện các công trình kiến trúc và chức năng mới.
Phạm Hùng Cường – Di sản làng Việt. Nghiên cứu năm 2009
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332