1. Giá trị các công trình kiến trúc cấu thành tổng thể các làng cổ ở Đường Lâm
1. Các làng cổ ở Đường Lâm có nhiều công trình di tích lịch sử phong phú. Có 9 công trình công cộng, 10 nhà cổ được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá, hơn 60 di tích lịch sử khác cần được bảo tồn tôn tạo và một số di tích đã mất cần đuợc khôi phục. Các di tích bao trùm hệ thống đình, chùa, miếu, đền, phủ, nhà ở, cổng, giếng, ao…tiêu biểu cho các công trình tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở, văn hóa tổ chức đời sống, tổ chức môi trường cư trú truyền thống.
2. Các công trình kiến trúc công cộng, tôn giáo tín ngưỡng như Đình, chùa Miếu có giá trị về kiến trúc, xây dựng, sử dụng vật liệu, có giá trị thẩm mỹ và văn hóa, gắn với việc lưu giữ các giá trị văn hoá phi vật thể.
3. Hệ thống nhà cổ ở Đường Lâm (tiêu biểu là thôn Mông Phụ) còn nhiều về số lượng, kiến trúc nhà ở, khuôn viên sân vườn tiêu biểu cho nhà ở truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, có các giá trị đặc sắc về sử dụng vật liệu địa phương và sự hòa hợp với điều kiện địa hình tự nhiên.
4. Cổng thôn Mông Phụ có giá trị kiến trúc và cảnh quan đặc sắc, các cổng làng, cổng xóm là một phần quan trọng trong cấu trúc làng truyền thống còn được lưu giữ.
5. Giếng cổ xây đá ong là một thành tố đặc biệt trong cấu trúc làng cổ, với hệ thống giếng chung nhiều và gắn liền với các truyền thuyết.
6. Các công trình tín ngưỡng dân gian (miếu, đền), công trình phục vụ, bảo vệ cộng đồng (quán, điếm), gắn kết dòng họ (nhà thờ họ) tuy quy mô công trình không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, gắn với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.
7. Nghĩa địa ở làng cổ Đường Lâm cũng là một ví dụ điển hình trong quan niệm về lựa chọn nơi chôn cất của người Việt. Nhiều vị trí được lựa chọn kỹ càng với việc vận dụng thuyết phong thủy, xứng đáng được lưu giữ và nghiên cứu.
2. Giá trị cấu trúc quy hoạch và không gian, cảnh quan truyền thống làng cổ ở Đường Lâm
1. Làng cổ ở Đường Lâm và tiêu biểu là thôn Mông Phụ còn giữ hầu như đầy đủ các thành tố của cấu trúc không gian tiêu biểu cho cấu trúc làng truyền thống vùng Đồng Bằng sông Hồng. Tiêu biểu cho một cộng đồng cư trú có tính khép kín, tính tự trị, bảo vệ cộng đồng và thể hiện quan điểm về tín ngưỡng, văn hóa, lối sống của cư dân vùng đồng bằng sông Hồng.
2. Làng cổ ở Đường Lâm là cụm làng vừa có tính độc lập, vừa có tính liên kết chặt chẽ với nhau. Trong đó các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp đã có mối gắn kết chặt chẽ về mặt cấu trúc có tính lịch sử (chức năng, không gian, tín ngưỡng, văn hóa). Tạo nên một quần thể các làng cổ đặc sắc ở vùng Đồng bằng Bắc bộ.
3.Vị trí của Đình làng Mông Phụ là một hình mẫu tiêu biểu của việc tổ chức không gian Đình là trung tâm của làng truyền thống. Sân chung trước Đình vừa là nút giao thông vừa là quảng trường sinh hoạt của không gian làng, làm tăng thêm giá trị tinh thần của ngôi đình đối với cộng đồng.
4. Khu vực cổng làng Mông Phụ là không gian cảnh quan đặc sắc với sự tổ hợp của cổng làng, cây Đa, ao làng, đường làng. Cổng làng Mông Phụ đã trở thành hình ảnh biểu trưng của làng Việt.
5. Hệ thống đường làng, ngõ xóm của Mông Phụ tiêu biểu cho dạng cấu trúc giao thông phân nhánh truyền thống dạng cành cây, điểm gốc là sân trước Đình, điểm cuối nhánh chính là cổng ra đồng ruộng, tạo nên các không gian cư trú vừa có tính độc lập (ngõ xóm), vừa có tính hội tụ (hướng về đường chính, về sân đình). Cảnh quan đường ngõ với các bức tường đá ong vàng sậm, cổng nhà cổ kính, đường ngõ gấp khúc tạo nên một vẻ đẹp riêng biệt của ”Làng Việt cổ đá ong”.
6. Không gian ngoài khu dân cư làng cổ Đường Lâm rất phong phú: Ao, sông Tích, ruộng, rộc, vườn, đồi, rừng, các công trình ngoài làng (cầu, quán). Đây là một phần không tách rời khỏi cấu trúc của làng truyền thống, là không gian sản xuất, môi trường sống hòa đồng với thiên nhiên, tạo nên các cảnh quan đẹp.
7. Khu vực Cam Lâm với đền, lăng Ngô Quyền, đình Phùng Hưng, đền Mẫu (Am nữ tướng), rặng Duối cổ, giếng Sữa, đồi Hổ Gầm, vũng Hùm là khu vực đặc biệt quan trọng bởi giá trị lịch sử và giá trị cảnh quan. Tạo nên tính riêng biệt đặc sắc cho làng cổ Đường Lâm, làng Việt cổ duy nhất là quê hương của 2 vị vua có công dựng nước và giữ nước. Giá trị này của làng Cam Lâm phải được đánh giá xứng tầm và có chính sách bảo tồn tôn tạo tương đương với làng Mông Phụ.
3. Giá trị sử dụng vật liệu, phương thức xây dựng truyền thống
1.Các làng cổ ở Đường Lâm là một bảo tàng phong phú về việc sử dụng các vật liệu truyền thống cho các loại hình kiến trúc khác nhau: vật liệu gỗ, đá ong, gạch nung, gạch đất, tre, mái ngói, mái rạ, đá xanh…trong đó nổi bật nhất là việc sử dụng đá ong.
2. Qua kiến trúc công trình cho thấy một phương thức sử dụng vật liệu truyền thống hoàn chỉnh, đa dạng. Sự phối kết giữa các vật liệu đá ong, gạch đất, gạch nung, cách sử dụng vật liệu kết cấu tre, gỗ kết tinh những giá trị về kinh nghiệm sử dụng vật liệu địa phương trong xây dựng không gian cư trú, đại diện cho phương thức xây dựng làng xã truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng.
4. Giá trị về sinh thái
1. Mặc dù đã có những biến đổi nhưng các làng cổ ở Đường Lâm vẫn giữ được các thành tố quan trọng của hệ sinh thái làng xã với sự có mặt của đồng ruộng, ao hồ, rộc, sông, gò, đồi, hệ thống cây xanh phong phú. Có khả năng khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên.
2. Các làng cổ ở Đường Lâm có giá trị về sinh thái nhân văn, có sự gắn kết giữa hệ sinh thái tự nhiên với hệ thống xã hội. Cách ứng xử tôn trọng, hài hoà với thiên nhiên của cộng đồng là những giá trị cần được gìn giữ, phát huy.
5. Giá trị phi vật thể
Làng cổ Đường Lâm là vùng đất sinh trưởng của 2 vua có công với đất nước và nhiều danh nhân, anh hùng có công với đất nước. Đây là giá trị để tuyên truyền phát huy giá trị tinh thần dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Làng cổ Đường Lâm còn lưu giữ những phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống với nhiều mặt tích cực. Lối sống nhân hậu, tôn trọng cộng đồng, quan hệ dòng họ, láng giềng, gắn bó với thiên nhiên vẫn còn rõ nét. Các giá trị văn hoá phi vật thể khác như văn hoá ẩm thực, nghề thủ công, lễ hội … còn rất phong phú.
Những giá trị phi vật thể này vừa đại diện cho văn hoá truyền thống làng xã vùng Đồng bằng sông Hồng, vừa có những nét đặc sắc riêng biệt của vùng Sơn Tây, cổ ấp Đường Lâm rất đáng được gìn giữ.