Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Bách Thuận (Thái Bình) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG BÁCH THUẬN

 

 

Sơ đồ vị trí các di sản: Di tích, dấu ấn lịch sử văn hóa

Làng vườn Bách Thuận là ngôi làng nằm dọc theo khúc cua sông Hồng được quy hoạch với một hình thái độc đáo, với các con ngõ và trục chính song song.

Về tổng thể, làng có hình dáng của một chiếc lá, được tạo hình rõ nét bởi một bên là sông Hồng và một bên đê bao quanh khép kín. Với trục chính chạy xuyên suốt từ đầu đến cuối làng, các ngõ song song tạo thành gân lá.

Làng có đầy đủ các công trình công cộng của làng Việt truyền thống như chùa và nhiều công trình kiến trúc như Đình, Miếu, nhà thờ họ, nhà cổ truyền thống vẫn còn được lưu giữ….

Trải qua hơn 5 thế kỷ, cấu trúc của ngôi làng vẫn còn gần như nguyên vẹn. 

Làng Bách Thuận là làng nghề hoa và cây cảnh nên khuôn viên từng ngôi nhà rất lớn, nhà này cách nhà kia một khoảng vườn lớn, nên mật độ phân bố nhà ở làng rất thấp và hầu như rải đều trên diện tích toàn làng. 

Cấu trúc Làng, tuyến đường chính và các di tích.

Công trình kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc truyền thống, dâu ấn lịch sử 

Đình làng: 

   -  Giá trị lịch sử, văn hóa

Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa là nơi sinh hoạt hội họp chung của làng, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Theo thần tích và lịch sử còn ghi lại, tại ngôi chùa của làng thờ “ Thập bát long thần Quan Thế Âm Bồ tát” và ngôi đình thờ “ Thiên thần hiển thánh Nguyên súy Đại Vương”. 

Trong thời kỳ kháng chống Pháp, Đình- Chùa Bách Tính là nơi họp bàn của các văn thân, sỹ phu yêu nước ủng hộ phong trào duy tân; là nơi tuyên truyền cách mạng, luyện tập quân sự, cất giữ vũ khí, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ hoạt động cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đình- Chùa Bách Tính là địa điểm hội họp của xã viên hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể; là nơi hướng dẫn khoa học kỹ thuật nông nghiệp; nơi đưa tiễn các thanh niên của làng lên đường nhập ngũ, và cũng là nơi tổ chức lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ của làng đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc.

Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, Đình- Chùa Bách Tính đã được xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Hai cây gạo và cây muỗm trong khuôn viên khu di tích được hội sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa.

   -  Giá trị kiến trúc:

Quy mô của Chùa khá lớn, gợi nhớ cho những ai ưa hoài niệm về những ngồi chùa Bắc bộ xưa cũ với lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên. Hiện nay chùa đã được trùng tu tôn tạo nên khá mới mẻ, các không gian kiến trúc đã được thể hiện sinh động hơn, mà qua đó con người thể hiện những ý niệm của mình mong muốn cuộc sống thánh thiện, thoát tục.

Đình- Chùa Bách Tính toàn cảnh - Di tích LSVH cấp tỉnh 

Chùa Từ Vân

   -  Giá trị lịch sử, văn hóa:

Chùa Từ vân xã Bách Thuận là một trong những dấu ấn lịch sử huyền thoại giữa Phật pháp tâm linh và hiện thực con người. Nơi đây thờ nữ sư Phúc lai(Chính hiệu là Nguyễn Thị Uyển Trà- Là con gái Tú tài Nguyễn Công của triều Cảnh Hưng hâu Lê thế kỷ 17. Là chị gái của Nguyễn Kim Nho. Bà đã đứt gánh xuất gia tu hành và đặt tên nhà mình ở là Lầu Cô Vân, và xuất gia thế quất tại chùa Quan Âm(Nay là Chùa Từ Vân). Bà là vị nữ sư đầu tiên trên đất làng Thuận vi. Tuy là một nữ sư trong thời loạn lạc song nữ sư Phúc lai rất quan tâm chăm lo đến cảnh thanh bình của muôn dân trăm họ. Người dã nhiều lần tổ chức quyên góp phát chẩn cứu đói nhân dân nhiều năm liền, giáo hóa quan quân làm những điều ý nghĩa.

Đặc biệt vào những năm Tân Mão(1771) trong lần phân tranh Trịnh- Nguyễn, Chúa Trịnh kéo Quân truy quét, khi chiến thuyền của Trịnh Sâm về đến đất Thuận Vy, thì thấy nơi đây nhà cửa hoang tàn, vườn không nhà trống, tịch không một bóng người, nhưng lại thấy một ngôi chùa ngay đầu làng có một nữ sư vận cà sa, đeo tràng hạt đứng trang nghiêm trên gác Tam Quan, không cử động….Thái Phi đi cùng chiến thuyền với Trịnh Sâm đã đích thân lại gần, và không biết nữ sư đã rỉ tai Thái Phi những gì…mà lập tức Thái Phi và Trịnh Sâm ngay sáng hôm sau đã thiết triều tại làng Thuận vi ban chiếu chỉ muôn dân trăm họ ai về nhà nấy làm ăn, những nhàc ủa nào trót bị đốt phá sẽ được bồi hoàn, miễn thuế 10 năm…..Sau đó Thái Phi và Trịnh Sâm kéo quân về kinh lập đàn chay, sửa sang chùa Nghi Tâm để tu hành. Nhân dân quanh vùng đã lập thờ tôn bà là vị Nhân Thần để ghi nhớ công ơn.

   -  Giá trị kiến trúc:

Quy mô của Chùa không lớn, nhỏ nhắn mà cổ kính, gợi nhớ cho những ai ưa hoài niệm về những ngồi chùa Bắc bộ xưa cũ với lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên. Hiện nay chùa đã được trùng tu tôn tạo nên khá mới mẻ, các không gian kiến trúc đã được thể hiện sinh động hơn, mà qua đó con người thể hiện những ý niệm của mình mong muốn cuộc sống thánh thiện, thoát tục. Từng họa tiết trang trí ở chùa đều thể hiện tấm lòng cởi mở,vị tha và sự Từ - Bi- Hỉ- Xả của Đức Phật. Đường nét họa tiết Tứ linh Long - Ly- Quy - Phượng thể hiện vẻ nghiêm trang và mềm mại , uy vũ và bao dung tại Ngôi đại hùng bảo điện, Tại Tòa Thánh Mẫu và toàn bộ khuôn viên Chùa.

   -  Giá trị cảnh quan:

Giữa một vùng quê phẳng lặng Chùa Từ Vân nổi bật như một điểm nhấn, cùng hòa sắc với trời mây,cây, cỏ, bóng nước……tô điểm cho không gian cảnh quan Làng vườn Bách Thuận từ xưa đến nay. Chùa được xây dựng trên thế đất mang nét Sơn- Kỳ- Thủy- Tú tự nhiên, hài hòa giữa các yếu tố Thiên- Địa- Nhân.

Nhà ở truyền thống: 

Nhà ở truyền thống: Nhà truyền thống ở Bách Thuận vào năm 1945, phần lớn là tranh tre vách đất hay mái tranh tre, cột gỗ tường gạch, tường gạch cột gỗ lim; Sau 3 thập kỷ ít được nâng cấp, nhà cửa bắt đầu được cải thiện từ năm 1976. Nhà gạch mái ngói Tây cao ráo tộng rãi đã từng bước thay thế phần lớn nhà tranh tre vách đất thấp bé. Phong trào “gạch ngói hóa” thịnh hành trong thập kỷ 80 thế kỷ XX, giảm dần rồi kết thúc vào cuối thập kỷ 80 rồi dần trở thành phổ biến từ giữa thập kỷ 90 với việc sử dụng xi măng và sắt thép.

Hiện tại chỉ có 13 nhà cổ có niên đại lâu nhất tại làng Bách Thuận được giới thiệu trong du lịch làng cổ và số nhà khai thác được giá trị du lịch còn ít hơn. Số nhà cổ còn lại không được bảo tồn và cũng ít được hỗ trợ nên công tác bảo tồn gặp khá nhiều khó khăn và mâu thuẫn trong quản lý.

Từ đường: họ Phạm Văn chi 2 thôn Thuận Nghiệp: 

Từ đường Chi 2 dòng họ Phạm Văn là nơi thờ các bậc tiền nhân của dòng họ có công lập làng và lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, đấu tranh chống  kẻ thù xâm lược như: Cụ Phạm Thời Bình, Phạm Thời Tiết, Phạm Văn Thành…Từ đường được xây dựng giữa thế kỷ thứ 19, qua sự biến đổi thăng trầm của lịch sử, đến nay, Từ đưởng chỉ còn gian Cổ lâu và cung Trung. Năm 2014 con cháu chi 2 dòng họ Phạm Văn đã đóng góp để nâng cấp tu bổ nhà thờ, xây mới gian mái đường và tam môn, Từ đường có kiến trúc Tiền đế, Trung Đường, Hậu đường và tắc môn có phù điêu họa tiết. 

Từ đường chi 2 họ Phạm Văn -  toàn cảnh 

 Không gian cảnh quan 

Xã Bách Thuận có địa hình gần sông, khí hậu thoáng mát, trong lành điển hình của dạng địa hình cảnh quan đồng quê vùng đồng bằng châu thổ, thích hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

 

  Xã Bách Thuận là vùng đất đặc thù có địa hình thổ mô, nhà ở xen canh mang đầy đủ đặc điểm của một vùng sinh thái trong lành, xanh tươi, trù phú. Khí hậu quanh năm ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của mưa bão và các hiện tượng thiên nhiên tiêu cực khác. Hệ thống đường giao thông nội bộ sạch sẽ, thoáng mát thuận lợi cho giao thông đi lại và ngắm cảnh. Hệ thống đê bao 7.200m vững chắc, cung cấp tầm nhìn bao quát trải rộng phù hợp với mục đích đạp xe, vãn cảnh của du khách. 

 Tỉa cây cảnh tại vườn nhà 

 
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332