Thống kê di sản kiến trúc
Di tích đã được xếp hạng
- Đình làng Diềm
- Nhà thờ Vua Bà, Thủy tổ quan họ
- Đền Cùng, Giếng Ngọc
Di sản chưa được xếp hạng
- Chùa Hưng Long
- Nhà chứa quan họ
- Nhà chứa cụ Khu
- Miếu thôn
- Chó đá
Đình Diềm
Đền thờ Vua bà - Thủy tổ dân ca quan họ Bắc Ninh
Đền thờ Đức Vua Bà - thủy tổ quan họ tọa lạc trên Khu đất ngã tư giữa hai trục đường làng - từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc. Phía Đông cách Đình Diềm 100m, Phía Tây cách một mặt đường là Chùa Hưng Sơn Tự. Đền được dựng ở Xóm Đền (xóm Chùa) theo hướng Tây, nhìn ra sông Cầu, gồm hai công trình chính là toàn tiền tế và hậu cung. Năm 2001, Đền thờ Vua Bà được tôn tạo, nâng cấp, quy mô được mở rộng thêm thành một hậu bầu, một tiền tế ba gian hai trái, khung gỗ lim và mặt tiền Đền được đổi thành hướng Nam.
Đền Cùng - Giếng Ngọc
Đền Cùng, còn gọi là đền Giếng, thuộc thôn Viêm Xá (tục gọi làng Diềm), xã Hoà Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tục truyền, đền thờ Bà Chúa Giếng linh thiêng nổi tiếng. Đền nằm ở đầu làng Diềm - một làng Việt cổ, nằm dưới chân núi Quả Cảm (còn gọi là núi Kim Lĩnh hoặc núi Thiếp, ngọn núi có hình thế đẹp, được ví như một con rồng đang vùng vẫy giữa một vùng bờ bãi sông nước).
Quần thể di tích đền Cùng hiện nay là những công trình kiến trúc bao gồm: Toà chính đền (phía trước có giếng Ngọc) thờ “Bà Chúa Giếng”, bên phải là 1 gian thờ “các quan”, bên trái là nhà thờ “Mẫu Tam phủ”. Trong khuôn viên của đền vẫn còn nguyên “Cầu đền” - ngôi nhà 3 gian lợp ngói, có cột đá ghi thời điểm dựng nhà cùng với hậu cung đền cũ - năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Trong khuôn viên đền còn có nhà khách, nhà bia (đều mới xây dựng), những cây cổ thụ (đa, duối, cườm cườm)...
Chùa Hưng - Sơn - Tự
Theo lời kể của các cụ già trong làng và những dấu vết để lại thì quy mô của chùa Diềm rất lớn, có kết cấu mặt bằng kiến trúc theo hình nội công ngoại quốc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, chùa Diềm ngày nay là một quần thể kiến trúc nhỏ với mặt bằng chính theo hình chữ Đinh. Cổng chùa hiện nay cũng là một trong hai cổng làng còn được lưu giữ lại. Cổng được trùng tu xây dựng lại từ những năm 1940.
Tương truyền trước đây chùa có trăm gian, tường chùa xây toàn bằng đá. Đôi câu đối còn lại ở chùa này đã ghi lại cảnh đẹp của làng Diềm xưa:
Thạch tai Hưng Sơn thành rác ngạn
Xá hòa phong cảnh đắc viên hoa.
Dịch ý:
Đá chùa Hưng Sơn thành bờ rác ngõ,
Làng chan hòa phong cảnh đẹp như vườn hoa.
Chùa Diềm có khá nhiều tượng, trong đó đa phần có niên đại khá sớm khoảng thế kỷ XVII-XVIII với kỹ thuật tạo tác tinh xảo, giá trị nghệ thuật cao.
Nhà chứa quan họ
Nhà chứa quan họ được xây dựng trên khuôn viên của trường mầm non cũ. Hiện nay, trong khuôn viên nhà chứa là Nhà văn hóa thôn. Nhà chứa hiện nay là một địa điểm quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản quan họ trong đời sống hiện đại.
Các điếm, cổng xóm
Các cổng
Làng hiện nay vẫn còn 2 cổng, được xây dựng vào thời gian năm 1946 dựa trên vị trí và hình dáng của các cổng cũ.
Cổng phía Đình là cổng chính.
Cổng phía chùa là Cổng phụ, hiện nay khuôn viên chùa đã được mở rộng và sử dụng cổng làng làm cổng Chùa.
Miếu
Được chăm nom, thờ phụng chu đáo. Hiện nay miếu vẫn phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân xóm thường xuyên.
Điếm
Trước đây mỗi thôn đều có một điếm riêng, là nơi canh gác, bảo vệ làng. Hiện nay các điếm đã chuyển thành nhà ở. Vị trí các điếm cũ được xác định lại theo trí nhớ cũng các bậc cao niên trong làng Xem phụ lục bản đồ.
Nhà cổ
Hiện nay, trong làng có mốt số nhà lưu giữ được khung nhà bằng gỗ. Trong đó có nhà cụ Hoạch tại Xóm ...., còn lưu giữ được một bộ khung nhà gỗ 3 gian hàng trăm năm tuổi. Theo dân làng kể lại, bộ khung nhà này có từ trước khi xây đình làng Diềm, nguyên là gia đình mua gỗ về với ý định cúng tiến xây đình làng, nhưng do kích thước gỗ chưa phù hợp nên chuyển sang làm nhà ở. Đây là một trong những bộ khung nhà gỗ cổ nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng. Nhà đã trải qua nhiều đợt tu sửa lớn, nhưng bộ khung nhà vẫn còn tương đối hoàn chỉnh. 4 cột cái ở gian chính giữa có đường kính khoảng 45 cm. Toàn bộ hệ khung nhà được trạm trổ tinh xảo, trạm lộng, trải qua hơn 300 năm tuổi, đường nét trang trí vẫn sắc nét.
Làng Diềm là làng quan họ cổ, kiến trúc nhà ở của làng đồng thời cũng là kiến trúc “nhà chứa“ quan họ. Trong làng còn lưu giữ được nhà chứa Quan họ duy nhất ở vùng Kinh Bắc hiện nay vẫn còn giữ được nguyên nếp nhà cổ, nhà của nghệ nhân quan họ Ngô Thị Khu tại xóm Giữa. Khi xưa, ngôi nhà rộng 9 gian, toàn bộ đều bằng gỗ, cửa bức bàn to đẹp với hiên nhà xây thấp. Trải qua thời gian biến đổi lịch sử, thời tiết, mưa nắng, lũ lụt, căn nhà xuống cấp nên con cháu sửa sang, thu hẹp lại còn 5 gian rồi nay chỉ còn 3 gian. Nhưng mọi chi tiết, hoa văn chạm trổ trên các hoành kèo, cột nhà, bộ hoành phi, câu đối cơ bản vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Dưới chân mỗi chiếc cột đều được chôn một bệ đá, các bậc thềm bước lên nhà cũng vẫn còn những tảng đá hình khối được ghép lại với nhau. Dù có bị thu nhỏ dần theo năm tháng nhưng suốt cả trăm năm nay, ngôi nhà chứa của gia đình cụ Khu vẫn luôn rộng cửa đón tiếp Quan họ làng bạn sang chơi và là nơi lui tới của các liền anh, liền chị trong thôn xóm đến luyện tập và hát canh Quan họ.
Các nghệ nhân cao tuổi ở làng Diềm cho biết, xưa mỗi bọn Quan họ có một nhà chứa, có nhà chứa dành riêng cho liền anh và riêng cho liền chị. Cả làng có khoảng 19-20 nhà chứa Quan họ nhưng nay chỉ duy nhất còn nhà cụ Khu nên các nghệ nhân cao niên vẫn thường về đây “hồi cố” một thời học hát Quan họ. Thời gian qua, ngành văn hóa có đề nghị gia đình cụ Khu cho phép để đầu tư sửa sang lại ngôi nhà để làm nhà chứa quan họ cộng đồng, nhưng cụ Khu chưa đồng ý. Hiện nay, làng đã được đầu tư xây dựng mà khu nhà chứa quan họ mới, cũng là nhà văn hóa của làng. Ngôi nhà chứa cổ của nghệ nhân Ngô Thị Khu đã vắng tiếng hát của bọn quan họ, nhưng những giá trị văn hóa trường tồn qua hàng trăm năm vẫn mãi mãi cần được trân trọng giữ gìn.
Chó đá
Chó đá là linh vật thường được thấy ở mỗi gia đình trong làng. Chó đá có kích thước khoảng 25-30, được đặt trước cổng, thường hướng vào phía cửa nhà hoặc hướng ra ngoài đường. Bên cạnh hoặc trước mặt chó đá có lỗ để cắm hương, nhang.
Hiện nay cho đá không có nhiều giá trị trong đời sống hiện tại, gây cản trở giao thông nên một số bị bỏ đi, số khác làm được lấp lên một phần.
Những linh vật tại các vị trí quan trọng như cổng làng, điểm trấn yểm trong làng đặc biệt hơn khi có mắt, mũi.