Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Hành Thiện (Nam Định) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG HÀNH THIỆN

Chùa Keo (Chùa Thần Quang)
Được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962 và Lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019.
Tương truyền, Chùa do Thiền sư Không Lộ xây dựng ở ven sông Hồng từ năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông, tại hương Giao Thủy, phủ Hải Thanh (nay là xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy. Một bộ phận dân cư dời sang phía nam sông Hồng, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, về sau cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Ban đầu, chùa được xây dựng tạm trên nền đất của làng. Năm Hoằng Định thứ 13 (1612), chùa được tu sửa hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay. Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm Cảnh Trị thứ 9 (1671), Chính Hoà thứ 25 (1704), Thành Thái thứ 7 (1896) và đặc biệt từ năm 1962 chùa Keo đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá, nên đã được tôn tạo nhiều lần.
Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo ở Thái Bình. Phía trước chùa có hồ bán nguyệt nước trong xanh, soi bóng tháp chuông mái cong uy nghiêm, thơ mộng. Không gian chùa là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng gồm 121 gian nối tiếp nhau soi bóng xuống mặt hồ lung linh huyền diệu. Hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang, mỗi dãy gồm 40 gian bề thế.
Tuy không có gác chuông chồng diêm 3 tầng 12 mái đồ sộ như chùa Keo Thái Bình, gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm, cao 7m50. Dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn. Phía dưới là 8 đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn cánh hoa sen nở.
Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ XVII thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo. Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ Đại pháp thiền sư Không Lộ
Chùa Keo Hành Thiện là quần thể kiến trúc hài hòa với sinh cảnh. Khu vực ngoài chùa có con đường rợp bóng cây. Gác chuông soi bóng hồ nhật nguyệt.
Nội chùa Keo nằm trong khuôn viên 2000 m2 với tổng thể kiến trúc theo phong cách thời Hậu Lê: khép kín. Hành lang 2 dãy.
Chùa phật phía sau gác chuông.
Chùa Thánh phía sau chùa Phật
Có nhiều cổ vật quý hiếm bằng gỗ, gốm sứ và đặc biệt là những khí tự bằng đồng như chuông, khánh, tượng, đỉnh, bát hương và một trống đồng.
Tiền đường
Tam quan
Bia đá
Gác chuông
Kết cấu chồng rường trên nóc 
Họa tiết chạm trổ gỗ
Đình làng
Đình làng Hành Thiện  nguyên trước chỉ dùng để làm nơi hội họp và tuyên đọc 10 điều của nhà Vua ban huấn cho dân chúng nghe chứ không dùng để thờ Thần như Đình các làng khác. Đây cũng là trường hợp đặc biệt.
Đình ở ngay bên sông con phía giữa làng, giáp với làng trong, lâu ngày bị hư nát, năm Thành Thái thứ 16 (1904) cụ Tổng đốc Đặng Đức Cường và cụ Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn cúng tiền để tu lý lại làm bằng gỗ lim lợp ngói, chung quanh xây gạch.
Trong Đình có treo 1 cái biển khắc chữ Mỹ Tục Khả Phong của triều vua Tự Đức ban cấp năm Tự Đức thứ 16 (1861).
  
Đình làng Hành Thiện
Chùa ngoài (Đinh Lan Tự)
Chùa đặt ở phía cuối làng, chỗ đuôi cá. Quy mô chùa không lớn nhưng được đặt trên cánh đồng nên cảnh quan yên bình.

 

Chùa Dũng Trí
Thuộc xã nhưng không thuộc làng cổ Hành Thiện.

 

Chùa Dũng Trí 
Miếu Tam Giáp
Kiến trúc gốc đã mất, công trình mới được xây dựng lại. Miếu Tam Giáp ở đầu cá, bên chợ nên thường gọi là miếu Chợ, thờ 3 vị thượng đẳng thần của 3 giáp Đông, Nam, Bắc và phụng thờ Cửu Công. Miếu Tam Giáp 5 gian mái ngói Nam, tường gạch, cột gỗ lim kê đá tảng.
Chùa được xây dựng ngay ở đầu Mom cá, là nơi giao giữ các nhánh sông đào, có cảnh quan đẹp.

  

Miếu Tam Giáp

Giếng mắt cá
Giếng Mắt cá bố trí ở gần chợ, xét về hình thái là đúng ở vị trí mắt của hình con cá, hình thái chung của cả làng. Giếng nông, ít nước, người dân chỉ lấy nước để thờ cúng chứ ít lây về dùng sinh hoạt.
Giếng mắt cá theo truyền thuyết là do thầy địa lý Tả Ao chọn đất xây dựng. Từ khi có giếng, người làng có nhiều người đỗ đạt. Đây là tiêu biểu của giá trị tinh thần ( Phong thủy) mà giếng làng mang lại
 
Giếng mắt cá
Chợ làng
 
Chợ làng Hành Thiện
 
Cổng xóm
Làng Hành Thiện không có cổng làng mà chỉ có cổng xóm, với 14 dong xóm, mỗi xóm có 2 cổng nên số lượng cổng tại Hành Thiện cũng có số lượng lớn so với các làng khác.
Cổng trước xóm 6 có lầu trên mái âu mang dòng chữ Hán “Hữu Mục Lân” là xóm Hữu Mục.
Cổng sau xóm 6 có lầu trên mái âu mang dòng chữ Hán “Phúc Thiện Lân” ở mặt ngoài cổng và chữ số 1943 ở mặt trong cổng.
Cổng trước xóm 10 không có mái âu để 2 chữ Hán “Duyên Thọ” ở mặt ngoài cổng và chữ số 1939 ở mặt trong cổng.
Cổng trước xóm 12 có mái âu để chữ Hán “Nhân Thọ” và dòng chữ nhỏ “Bảo Đại Bính Tý niên đông nguyệt trùng tu” ở mặt ngoài và chữ số 1937 ở mặt trong cổng.
Cổng trước xóm 9 và cổng sau xóm 10 không có mái âu và không có niên đại xây dựng lại sau năm 1945.
Cổng xóm mới xây dựng lại trong mấy năm qua là 5 cái:
Cổng trước xóm 4 xây dựng lại năm 2002, phỏng theo mẫu cổng xưa, có mái âu. Kinh phí do ông bà Đặng Văn Đang ở Hoa Kỳ tài trợ.
Cổng trước xóm 11 xây dựng lại năm 1999 không có mái âu, xây lại lần nữa vào năm 2005, phỏng theo mẫu xưa, có lầu trên mái âu. Kinh phí do ông bà Nguyễn Ngọc Nhàn ở xóm Phố Ngọc Tiên tài trợ.
Cổng sau xóm 11 cùng xây dựng lại trong năm 2005 không có mái âu, do dân xóm đóng góp công của.
Cổng trước và cổng sau xóm 7 xây dựng lại trong năm 2006. Kinh phí trong dự án tôn tạo nhà lưu niệm cố tổng bí thư Trường Chinh.
Niên đại ghi bằng chữ số ở các cổng xóm nói trên không phải năm xây dựng mà là năm tu sửa. Các cổng xóm ở Hành Thiện xây dựng vào đầu thế kỷ XX (cổng xóm Hữu Mục xây dựng năm Bính Thìn – 1916), có giá trị cao về lịch sử cần được bảo tồn tu tạo, chỉ còn 5 cái là 2 cổng xóm 6, cổng trước xóm 10 và 2 cổng xóm 12.
Các cổng xóm cũ và mới chỉ rộng chừng 2,0m, riêng cổng mới là cổng sau xóm 11 rộng 2,3m, cổng sau xóm 7 rộng 2,4m, cũng đều trở ngại cho xe cộ vào ra nên nhiều người không muốn phục hồi nguyên mẫu cổng xưa; Nếu xây dựng lại, cổng xóm phỏng vấn theo mẫu xưa, nhưng phải rộng trên 3,0m; yêu cầu này khó thực hiện nhất là các cổng lối trước vì vướng nhà cửa, đường ống nước sạch và rãnh tiêu nước thải.
Cơ sở in báo dân cày: Di tích cách mạng

Trước đây là cơ sở ông Trường Chinh in tài liệu

Nhà ở 
Nhà ở của gia đình cố tổng bí thư Trường Chinh là ngôi nhà cổ tiêu biểu của làng. Nhà được xây dựng khoảng 1896 và 1902. Nhà khung cột gỗ Lim, tường gạch, mái ngõi. Nhà phụ tường gạch lợp mái rạ kiểu truyền thống của vùng.
 
Hệ thống cầu
Cầu cống bắc qua dòng sông nhỏ lượn quanh khu dân cư Hành Thiện vào năm 1945 là 8 cái (số 1 đến 8) gồm 2 cầu đá và 1 cầu gạch gắn kết cố định mặt cầu với mố cầu, 4 cầu khác có mặt cầu bằng các tấm gỗ lim dầy 10cm và 1 cầu khỉ bằng tre; Mặt cầu gỗ và tre có thể kéo sang một bên mố cầu khi cần thiết. Trong 60 năm qua (1945-2005), Hành Thiện xây dựng thêm 8 cầu mới (số 9 đến 16) bằng gạch và bê tông. Thêm 3 cầu bê tông mới xây dựng năm 2006.
Cầu Đá 1 có mặt cầu, mố cầu và chân cầu đều bằng đá, trên đường cái lối trước Làng Ngoài, bắc qua con mương nhỏ vào khuôn viên chùa Keo, không rõ năm xây dựng. Vào năm 1945 mặt cầu và mỗi bên dốc đều rộng 1,8m, dài 2m, cả cầu dài 6m, ghép bằng 9 phiến đá to (rộng 0,6m dài 2m và dày 10cm). Mặt cầu mở rộng thành vào năm 1959 cũng bằng đá phiến cùng kích thước như trên, lấy từ cầu đá Sãi đã dỡ bỏ. mặt cầu mở rộng lần nữa thành 4,5 m vào năm 1992, cũng bằng đá phiến dày và dầy như đá cuc nhưng hẹp hơn đá phiến cũ. Cầu mới rộng giao thông thuận tiện hơn nhưng rất tiếc không còn dáng vẻ thanh thoát của cây cầu đá cổ xưa, nhất là từ năm 1997 nhựa trải đường đã phủ trùm lên đá phiến ở hai bên dốc cây cầu, chỉ còn lộ mặt cầu đá rộng 4,5m mà chỉ dài 2m.
Cầu 2 Đá Sải cách cầu đá mấy mét về phía cuối làng, bắc qua dòng sông con sang bờ hữu nối vào đầu con đường nhỏ ra sông Ninh Cơ, do các sãi chùa chi trả kinh phí, không rõ cầu xây dựng năm nào. Vào năm 1945 cầu dài hơn 8m, rông 1,2m; Mặt cầu và dốc cầu hai bên ghép bằng 6 phiến đá to, lát mặt 2 mố cầu bằng 6 phiến đá nhỏ (dài hơn 1m, rộng 0,4m). Dỡ bỏ cầu năm 1959 khi mở rộng lòng sông.
Cầu 3 ở đầu xóm 2 lối trước thông sang cánh đống Tiền làng do cụ Nguyễn Công Lương xuất tiền xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Vào năm 1945 mố cầu đá, mặt cầu rộng 0,8m ghép bằng 3 tấm gỗ lim. Cầu xây dựng lại năm 1959 bằng gạch cuốn vòm, mặt cầu rộng 2,5m, xây lại lần nữa năm 2005 bằng bê tông rộng 6,5 m. Kinh phí nhà nước.
Cầu 4 sau Đình làng nối thông với Nội khu do cụ Lang Tài (Nguyễn Hữu Tài) và các con cụ xây dựng năm 1863. Vào năm 1945 mố cầu đá, mặt cầu rộng 0,8 m ghép bằng 3 tấm gỗ lim. Cầu xây lại bằng gạch cuốn vòm năm 1959 rộng 2,5m, mố cầu có rãnh để bỏ phai gỗ điều tiết nước, nâng cấp bê tông rộng 3m vào năm 1997, có cảnh cống bằng kim loại rộng 2,6m để điều tiết nước. kinh phí xây dựng cầu do hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả.
Cầu 5 Phủ ở gần đầu xóm 10 thông sang phố Ngọc Tiên, phủ lỵ Xuân Trường xưa nên thường gọi là cầu Phủ. Vào năm 1945 mố cầu gạch, mặt cầu rộng gần 2m bằng 7 tấm gỗ lim. Quân Pháp xây dựng lại cầu năm 1950 bằng bê tông rộng 3m, Cầu xây dựng lại lần nữa năm 2002 bằng bê tông rộng 9m, khoảng cách giữa 2 mố cầu là 3,4m. Kinh phí cầu mới 300 triệu đồng do ngân sách.
Cầu 6 trước chợ Hành Thiện thông sang phố Ngọc Tiên di cụ bà Lang Tài và các con xây dựng năm 1863. Vào năm 1945 mố cầu gạch, mặt cầu rộng 0,8m bằng 3 tấm gỗ lim. Xây lại mố cầu gạch, mặt cầu bê tông rộng 2,2m vào năm 1959; nâng cấp bê tông năm 2004 rộng 9m, khoảng cách giữa hai mối cầu 3,4m. Kinh phí xây cầu mới trong kinh phí tổng thể của dự án cầu kè xã Xuân Hồng.
Cầu 7 sau chợ Hành Thiện thông sang xã Xuân Thượng là cây cầu có lịch sử phức tạp nhất, mấy lần dỡ bỏ, mấy lần phục hồi và nâng cấp. Vào năm 1945 nơi đây chỉ có cầu khỉ, cả mố, trụ và tay vịn bằng tre, thân cầu ghép bằng 2 cây tre, quân Pháp phá bỏ trong thời tạm chiếm. Cầu phục hồi năm 1945 là cấu khỉ mố đất, nâng cấp năm 1959 với mố cầu gạch, mặt cầu rộng 0,7m bằng tre kết bè hai mảng, lại dỡ bỏ năm 1976; Phục hồi, nâng cấp năm 1997 với mố cầu gạch, có cánh cửa cống bằng kim loại rộng 3m để điều tiết nước, mặt cầu bê tông rộng 3m. Kinh phí cầu mới do hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả.
Cầu 8 ở Nội Khu thông sang đường cái làng Ngọc Tiên do cụ bà Tú Chấn (Nguyễn Văn Chấn) cùng các con xây dựng không rõ năm nào. Vào năm 1945 cầu gạch xây cuốn đã xuống cấp nhiều; quân Pháp phá bỏ năm 1950.
Cầu 9 ở đầu làng từ phía Tây Bắc chùa Keo đi ra đê sông Ninh Cơ, xây dựng năm 1963: mặt cầu bê tông rộng 3,5m, mố cầu gạch có rãnh để bỏ phai điều tiết nước. Đây cũng là cống đầu mối lấy nước ngay ở hạ lưu cống cái (trên đê sông Ninh Cơ) vào nhánh sông con lối trước làng ngoài, phục vụ thủy lợi và môi sinh. Cầu xây dựng lại năm 2005 bằng bê tông rộng 6,5m, khẩu độ cống 2,5m. Kinh phí cầu trong tổng thể của dự án cầu kè xã Xuân Hồng.
Cầu 10 ở xóm 5 lối trước thông sang cánh đồng Bia xây dựng năm 1959: mố cầu đất, mặt cầu bằng tre kết bè rộng 0,7 m; Xây mố cầu gạch năm 1960, nâng cấp mố cầu và mặt cầu bê tông rộng 2,5m năm 1975, mở rộng mặt cầu thành 3,6m năm 1982. Hợp tác xã dệt Hành Thiện chi trả kinh phí xây dựng và nâng cấp cầu.
Cầu 11 ở bờ hữu sông con lối trước, cũng là cống dẫn nước sông con vào cánh đồng Tiền Làng và Điền Lạch. Cầu gạch xây cuốn rộng 0,8m vào năm 1959, mở rộng thành 2m năm 1975, nâng cấp bê tông rộng 2,5m năm 2002. Hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả kinh phí nâng cấp cầu.
Cầu 12 ở đầu cá cuối làng Hành Thiện thông sang phố Ngọc Tiên xây dựng năm 1975 bằng bê tông rộng 6m, dài 10m. Huyện Xuân Thủy chi trả kinh phí. Cầu xuống cấp nhiều, dỡ bỏ năm 2004.
Cầu 13 ở cuối đường Ngang sang cánh đồng Xuân Thượng xây dựng năm 1974: mố cầu gạch có rãnh để bỏ phai điều tiết nước, mặt cầu rộng 1,3m bằng gạch xây ghép trên dầm sắt. Nâng cấp cầu năm 1986 với mố gạch, mặt bê tông rộng 3,4m. Hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả kinh phí.
Cầu 14 gần miếu Bách Linh thông sang cánh đồng Xuân Thượng xây dựng năm 1974: mố trụ cầu bằng gạch, mặt cầu rộng 1,2m bằng gạch xây ghép trên dầm sắt. Hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả kinh phí.
Cầu 15 ở đường cái Nôi Khu thông sang trường trung học phổ thông Xuân Trường (đất phủ lỵ Xuân Trường xưa) xây dựng năm 1961: mố cầu gạch có rãnh để bỏ phai điều tiết nước, mặt cầu rộng 3m bằng gạch xây ghép trên dầm sắt. Hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả kinh phí. Cầu sập năm 1990 không khôi phục.
Cầu 16 ở đầu xóm 1 lối sau thông sang cánh đồng lúa, chỗ ráp ranh ruộng Hành Thiện với ruộng Xuân Thượng, xây dựng năm 2005 với mố cầu gạch, mặt cầu bê tông rộng 1,5m. Hợp tác xã nông nghiệp Hành Thiện chi trả kinh phí.
Trong số 16 cây cầu trên, đã bỏ 2 cây cầu cũ (số 2, số 8) và 2 cầu mới (số 12, số 15).

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332