Vị trí
Thuộc địa giới hành chính xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Vị trí:
- Phía Bắc giáp huyện Phúc Thọ.
- Phía Nam giáp xã Canh Nậu, Chàng Sơn.
- Phía Đông giáp xã Canh Nậu.
- Phía Tây giáp xã Phú Kim và thị trấn Liên Quan.
Lịch sử phát triển
Trước đây Hương Ngải là xã thuộc huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Từ năm 1965 thuộc tỉnh Hà Tây, đến năm 1975 thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Từ 1978 đến 1991 nhập vào thủ đô Hà Nội. Từ năm 1991 lại trở về với tỉnh Hà Tây. Từ 1 tháng 8 năm 2008 thuộc Hà Nội, khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội.
Về nguồn gốc tên làng Hương Ngải: “Hương Ngải” là ghép từ “Hương” (hương thơm) và “Ngải” (là cây Ngái đọc chệch thành). Lâu đời hai tiếng Hương Ngải trở thành tên làng như tên gọi ngày nay.
Hương Ngải có từ cách đây 2000 năm. Hương Ngải ngày xưa gọi là làng Ngái. Theo ông cha truyền lại Hương Ngải ngày xưa là một rừng cây, đồi cỏ gianh. Dưới vùng đất trũng mọc đầy lau lác, cây Ngái. Làng được hình thành từ 3 người mang họ Giang, họ Bạch, họ Ngô, ba người đến đây làm nghề đốn củi, bắt cá, cắt cỏ Gianh. Sau này họ mang gia đình và vận động anh em, bà con đến làng Ngái khai khẩn đất hoang thành ruộng đồng để cấy lúa và chăn nuôi. Cư dân làng Ngái thời kỳ đầu có khoảng 100 người, thời Trần, Lê có khoảng 1000 người. Nhà ở còn thưa thớt. Về sau làng có thêm người họ Lê, họ Dương, họ Liêu. Vào thế kỷ thứ 14-15 làng Hương Ngải có thêm họ Đỗ, họ Vương Đình, họ Phí, họ Nguyễn.... Trước năm 1945, làng Hương Ngải có trên 20 dòng họ, ngày nay có trên 50 dòng họ.
Xã Hương Ngải có rất nhiều ao và nhiều tre xanh bao quanh làng, khi dân cư đông, nhu cầu đất ở ngày càng tăng, ao hồ bị lấp để làm nhà, những khóm tre dần dân bị chặt phá, chỉ còn những bụi tre ven làng.
Qua quá trình phát triển, Hương Ngải có nhiều nghề truyền thống như: nghề se tơ, dệt lụa; nghề may, nghề đóng cối xay, nghề rèn cuốc, nghề vẽ sơn mài và nghề mộc. Ngày nay, nền kinh tế phát triển, máy móc hiện đại, nghề truyền thống khác dần bị mai một chỉ có nghề mộc còn tồn tại đến ngày nay.
Xã Hương Ngải trước đây bao gồm 4 thôn: Nậu Thượng, Nậu Trong, Nậu Hạ và Nậu Tư. Nay được phân lại thành 9 thôn, đánh số từ 1 đến 9.
CẤU TRÚC LÀNG HƯƠNG NGẢI
Khu dân cư xã Hương Ngải có một cấu trúc thống nhất, gắn liền cả xã thành một làng. Về thuật ngữ người dân gọi chung khu vực cư trú của xã Hương Ngải là làng Hương Ngải, ranh giới làng truyền thống không thay đổi nhiều, riêng các các thôn quy mô nhỏ, có sự điều chỉnh tách nhập qua nhiều lần.
Nhìn tổng thể xã Hương Ngải có dạng cấu trúc phân nhánh cành cây, có một trục đường chính chạy từ Bắc xuống Nam (chếch Tây Bắc - Đông Nam) và một tuyến chạy từ Tây sang Đông, giao với tuyến Bắc- Nam thành ngã 3 ở khu vực giữa làng, nơi có chợ. Từ trục đường chính của xã phân chia thành các thôn và xóm. Các trục chính thôn nhỏ và ngắn, các đường xóm ít nối trực tiếp với nhau, hầu hết qua trục chính của làng.
Lối vào chính của xã từ phía Tây, đường quốc lộ 420. Đây cũng là lối vào chính lịch sử của làng.
Địa hình dạng mui rùa, làng nằm trên các gò đất cao hơn đồng ruộng xung quanh. Phía Đông và Tây của làng được bao bọc bởi mặt nước ao hồ. Các ao nhỏ chạy liên tục bám vào đất ở. Có một khu vực nhiều ao gọi là Ao Vua nằm xen giữa thôn 9 và 6. Bên trong các xóm ít ao do địa hình cao, đất đá ong.
Đồng ruộng nằm chủ yếu ở phía Tây và Bắc của làng.
CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC
Quán làng Hương Ngải
Giới thiệu di tích
Quán làng Hương Ngải được xây dựng thế kí thứ 2 sau Công Nguyên được chọn là 1 trong 4 hành cung( Hương Ngải, Đại Đồng, Kim Quan, Chi Quan). Quán thờ 3 vị: Chu Cẩn, Chu Đàm, Chu Khiêm làm thành hoàng. Hương Ngải là 1 trong 71 làng của Xứ Đoài xây dựng đền thờ các vị ngay trên khu đất lúc sinh thời đặt làm hành cung. Nơi đây tử hình 4 chiến sĩ cách mạng kháng chiến chống Pháp năm 1945 đồng thời là nơi an dưỡng của thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954 là địa điểm thực dân Pháp trao trả Sơn Tây cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Xưa kia, quán làng là Miếu cổ, nằm trên thế đất hình chữ Tam (三), gồm ba quả gò. Phía trước là gò Nhất Tự (gọi là gò Văn Tinh). Phía sau là gò Hậu Chẩm (còn gọi gò Hội Sơn). Bên tả, bên hữu (bên trái, bên phải) có gò Phong Linh, Triệu Linh.
Ngày 10 tháng 8 năm 2005, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã kí quyết định công nhận Quán làng Hương Ngải là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Mô tả di tích
Quán làng được xây dựng theo chữ lập (立). Các cụ truyền lại chữ “lập” có nghĩa là lập đức. Đức là gốc của con người là trên hết.
Nghinh môn quán( cổng) hai bên là cột trụ cao, hình vuông. Ba bề khắc câu đối. Phần đỉnh là Phượng chầu cách điệu hoa dạnh. Đi qua lối sân lát gạch, hai bên được trồng những cây cau. Bên tay phải là hồ bán nguyệt được thả sen. Bên trái là bia căm thù. Tiếp đến là nhà tiền tế (Đại bái), là một dãy nhà ngang, ba gian hai chái với bốn mái đao cong. Bờ nắp đắp bờ, đầu bờ nắp đắp Makara. Các bộ vì gian giữa được làm thống nhất theo kiểu: “Thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi” trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Phần chân hàng cột được kê chân đá tảng to tạo dáng thắt cổ bồng. Các đường nét kiến trúc và văn hoa, họa tiết được thể hiện đơn giản, chủ yếu là bao trơn, đóng bén, soi gờ chạy chỉ, thiên về độ bền chắc cho di tích. ở gian giữa nhà Đại bái có bức hoành phi: “Mỹ tục khả phong” do vua Tự Đức ban tặng năm 1874. Phía dưới bức hoành phi là bức: “Hiển tự đại thượng”. Bên mái phía phải có bức: “Bắc nhạn dáng thần”; bên mái phía trái có bức: “Nam bang hiển thánh”; mái sau bên phải có bức: “ Vạn cổ lưu hương”; mái sau bên trái có bức: “Ứơc niên chiêm ngưỡng”. Qua khoảng sân lọng rộng chừng 2,5m, đến trugn cung (vọng bái). Nối từ nhà tiền tế (đại bái) vào trung cung (vọng bái) về phía hai dãy hành lang được làm đơn giản để làm nơi cho các cụ cao niên trước khi vào hậu cung lễ Thánh. Kiến trúc và kết cấu của trung cung được làm đơn giản giống như nhà tiền tế. Hậu cung được làm kiểu nhà dọc (dân gian thường gọi là chuôi vồ) với kiến trúc chữ đinh (J), gồm hai gian tường xây ba phía, hồi bít đốc.
Ngoài khuôn viên công trình kiến trúc là hệ thống cây xanh bao bọc với nhiều cây cổ thụ lâu năm như mít, xoài, ...
Giới thiệu di tích
Quán Nghinh Hương (xưa gọi là Cầu đồng Lở) là một công trình mang tính chất vùng miền của người Việt. Quán Nghinh là nơi nghỉ chân của người nông dân khi đi làm đồng về. Nơi đây là nơi nghinh đón vong linh của tam vị đô hộ Đại vường về Đình, về Quán làng khi làng mở hội. Nơi đây cũng là nơi tiễn các sỹ tử lên đường dự thi: thi Hương, thị Hội, thi Đình. Hương sắc, hội Tư Văn và gia đình nghinh đón những người đỗ đạt trở về. Vì vậy, Quán nghinh là một ngôi quán cổ mang đặc trưng của vùng xứ Đoài xưa, của thủ đô Hà Nội ngày nay. Nhân dân còn gọi Quan Nghinh là Quán 7 cây, vì trong khuôn viên quán có 7 cây cổ thụ.
Quán tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 180m2. Kiến trúc Quán Nghinh là “ Nhất biến tam, tam biến cửu” độc đáo và đặc trưng kiến trúc thời Lê Trung hưng, cách đây khoảng trên 500 năm.
Năm 2009 nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Quán Nghinh Hương được UBND Thành phố Hà Nội đặc cách xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố ( Quyết định số 3545/QĐ-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2009 do Phó chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng ký)
Mô tả di tích
Quán Nghinh Hương là một di tích có giá trị nhiều mặt về lịch sử. Kiến trúc của ngôi quán khá lạ so với các kiểu kiến trúc truyền thống khác, người xưa đã dựa vào sự biến thiên của Dịch học để tạo nên một kiểu kiến trúc độc đáo, dù không đồ sộ, nguy nga nhưng hàm chứa một khát vọng: luôn phát triển (nhất tam biến, tam biến cửu:1 gian thành 3, 3 gian thành 9). Nhìn bên ngoài, quán Nghinh Hương trông như 1 gian nhà, nhưng vào bên trong lại biến thành 3 gian, từ 3 gian lại biến thành 9 gian nhỏ, mà con số 9 còn được gọi là số Lão dương, tượng trưng cho sự bền chắc.
Đặc biệt hơn, theo “Tinh toạ đồ” thì trung tâm của ngôi quán ứng với chòm sao Bắc Đẩu (hay còn gọi là sao Thất Tinh). Chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương, thi hoạ.
Tổ tiên Hương Ngải đã trồng 7 cây linh thụ (4 trước, 3 sau), tượng trưng cho 7 ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu gồm: Tham lang, Cự môn, Lộc tồn, Văn khúc, Liêm Trinh, Vũ khúc, Phá quân. Cũng theo “Tinh toạ đồ” thì rung tâm của ngôi quán ứng với chòm sao Bắc Đẩu (hay còn gọi là sao Thất Tinh).
Chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao sáng nhất trên bầu trời, tượng trưng cho văn chương, thi hoạ.
Đình Đông Thanh
Giới thiệu di tích
Trước đây, đình làng (sau này gọi là đình Đông Thanh) là cảu 4 nậu: Nậu Trung, Nậu Thượng, Nậu Hạ, Nậu Tư (Hạ giáp hay còn gọi là thôn Nội). Do mâu thuẫn cá nhân, Nậu Tư làm Đình Giang. Theo ghi chép: Trước kia cả làng chỉ có một công Miếu (tức là Quán làng bây giờ, một công Đình tức là đình làng trên (đình Đông Thanh bây giờ) và một quán Nghin. Đến thời Hậu Lê, có ông Tiến sĩ họ Đỗ làm chức Đô Đài, vì một giận nhỏ mọn mà Nậu tư làm đình riêng.
Các cụ đại lão cho biết: đình làng ngày xưa to lắm, cột tứ trụ một người ôm không xuể. Đình làm bằng gỗ: đinh, lim, sến, táu, được đục chạm rất cầu kỳ: Long, Ly , Quy , Phượng. Với hướng đình “ vừa phát văn vừa phát võ”. Trước đình có ao, bên bờ ao trồng hai cây đa cổ thụ vươn bóng một vùng. Đình có hậu cung, có đại bái, hai bên có tả hữu mạc. Trong khuôn viên đình có một cái giếng sâu, thành giếng được xây bằng đá ong cao 40cm. Năm 1883. Đình làng cùng Chùa Đại Phúc, chùa Phúc chung (chùa Chuông) đình Giang, Văn chỉ, chùa Kim Lô( chùa Lồ) cầu Uống khoáng bị giặc Pháp đốt cháy. Đến năm 1888, nhân dân làm lại Hậu cung, năm 1952 làng mới có đủ điều kiện để làm lại Đại bái.
Năm 1954, quê hương được giải phóng, Đình làng được gọi là Đình Đông Thanh ( để phân biệt với đình Giang)
Năm 2005, đình Đông Thanh được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiế trúc nghệ thuật ( Quyết định số 1054 QĐ/UB ngày 10/8/2005)
Mô tả di tích
Đình Đông Thanh tọa lạc trên một thế đất đẹp ở giữa làng, nhìn theo hướng Tây Nam. Hiện tại đình gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, tả hữu mạc, Đại Bái và Hậu cung. Nghi môn đình Đông Thanh được xây dựng theo hình thức Nghi môn trụ biểu với 3 lối đi. Lối đi chính giữa là 2 trụ biểu được làm trụ biểu đồ sộ, trên đỉnh biểu đắp đôi nghê chầu mang ý nghĩa kiểm soát tâm linh của khác hành hương, tiếp đết là mặt sập hổ phù, xuống dưới là ô lồng đèn, bên trong có đắp nổi các hình tứ linh. Thân trụ biếu được đắp nổi câu đối bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công trạng của thành hoàng làng và cảnh đẹp của ngôi đình. Giữa 2 cột trụ biểu lớn với hai trụ biểu nhỏ về hai phía là hai cổng pháo được làm theo kiểu vòm mái là giả,có bốn mái đao cong. Hai cột trụ biểu nhỏ có mặt cắt hình vuông, trên đầu trụ đắp tứ phượng chầu kiểu hoa dành. Tiếp đến là ô lồng đèn. Thân trục có đắp các gờ chỉ chạy thẳng từ đầu đến thân trụ. Nối từ hai cột trụ lớn tới hai cột trụ nhỏ về hai phía là một bức tường lửng. Trên tường có trang trí hoa dây, hai bên mặt tường mặt phía ngoài có đắp nổi phù điêu hai ông Hộ pháp nhìn ra đường làng.
Quy Nghi môn (cổng đình) vào sân lát gạch. Hai bên là tả hữu mặc, tả hữu mặc là hai dãy nhà dọc với ba gian, lợp ngói mũi. Nhà tả hữu mạc được làm đơn giản theo kiến trúc vì kèo giá chiêng đứng trên quá giang, chàng hàng cột cái, câu, hoành, xà, cột...bào trơn, đóng bén.
Đại đình (đại bái) là một dãy nhà ngang ba gian, hai chái với bốn lá mái cùng các góc đao cong, lợp ngói mũi nhỏ. Nhìn từ bên ngoài đại bái, bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu bờ đắp hai con Kim kiểu rồng lá Makara há miệng bờ nóc gấp khúc, bờ giải đắp nghê. Dầu guột đắp rồng nước. Vào bên trong Đại bái được chia làm ba gian chính không đều nhau. Gian chính bài trí nhiều đồ thờ tự, gian phía trên có bức đại tự: “Thánh chung vạn tuế”. Nổi bật là của võng chạm lộng hình rồng. Nhìn chung toàn bộ nhà đái bái đều được làm bằng tứ thiết, thiên về độ bền độ chắc. Cột hiện làm bằng gỗ mít. Một số các hoa văn họa tiết chỉ tập trung ở một số con rường, kẻ hiên, bẩy hậu. Các phần khác được soi gờ, trạy chỉ.
Từ đại bái qua một khoảng sân lọng đến Hậu cung. Hậu cung đình là tòa nhà vuông làm 2 tầng gồm 8 mái đao cong. Nhìn tổng thể hậu cung là một bông sen nở hình thái cực.
Đình Đông Thanh hợp với Võ Chỉ (mới khôi phục năm 2017) tạo thành quần thể di tích văn hóa.
Đình Giang
Giới thiệu di tích
Đình Giang tọa trên mảnh đất cao sát hai bên: Thôn 7 và thôn 8. Diện tích 473 m2, hợp với văn chỉ, chùa Xuân Vi tạo thành quần thể di tích, cảnh sắc hài hòa. Đình được xây dựng trên 400 năm.
Đình Giang làm sau đình Đông Thanh. Tương truyền cụ Đỗ Thê, sau khi đỗ tiến sĩ về làng, vì có chút mâu thuẫn cá nhân đã tổ chức nhân dân Nậu tự (Hạ Giáp) làng đình riêng. Đình thờ “ Đệ nhị đô hộ Vũ liệt đại vương” (Chu Khiêm), giỗ nhày mồng 9 tháng giêng hàng năm. Tuy làm đình riêng nhưng vẫn thờ chung Thành hoàng làng.
Khi mới làm, đình nhỏ làm bằng tre, lợp rạ, sau lợp gianh nên gọi là đình đụn hay gọi là đình Gianh. Đình Gianh , sau này dân gọi lệch đi là đình Giang. Đình Giang trải qua 5 lần sửa chữa và đổi hướng, ban đầu bằng tre, lợp rạ. Lâu ngày, đình hư hỏng, nhân dân đóng góp công sức, tiền của làm lại đình và xay lại hướng đình như ngày nay.
Hàng năm, tại Đình Giang có tổ chức lễ tuần (mồng 1, ngày rằm hàng tháng), lễ Khai hạ (mồng 7 tháng giêng), lễ vọng lão vào ngày rằm tháng giêng cho các cụ lên lão (49 tuổi), khao lão, lễ nhận cheo (con gái đi lấy chồng pahir ra đình làm lễ và nộp cheo tiền và 100 viên gạch để làng lát đường cái.
Năm 2005, đình Giang được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Mô tả di tích
Trước đây, sau đình Giang có những gò hậu chẩm, bên hữu có ao trồng sen, và giếng khơi trong mát, xung quanh trồng nhiều cây cổ thụ: đa gạo, nhãn. Trước sân đình là cái ao bán nguyệt, có cái gò nhỏ làm án thư.
Hiện tại đình Giang có các hạng mục công trình: Nghi môn, Đại bái, Tả mạc, Hậu cung, có giếng khơi, ao trồng sen hiện nay đã bị lấp một phần.
Nghi môn (cửa đình) được xây dụng theo kiểu kiểu thức Nghi môn trụ biểu. Hai bên lối đi vào sân là hai cột trụ biểu đồ sộ. Thân trụ có tiết diện vuông, đỉnh đắp tứ phượng chầu cách điệu hoa dành, xuống dưới là mặt sập hổ phù, bốn hướng có đầu rồng, tiếp theo là ô lòng dèn bốn mặt có các đường chỉ nổi, bên trong trang trí theo tích tứ linh. Phần thân trụ tạo dáng thắt cổ bồng. Thân trụ có các đường gò chỉ chạy từ trên xuống. Về hai phía của hai trụ biểu là bức tường lửng, bên trên đắp đường hồi văn triện, mặt nước có đắp đọc long hý thủy. Hai bên trước của thềm đại bái là là hai cột trụ biểu nhỏ. Trên đỉnh đắp nghê chầu. Phái dưới là ô lồng đèn để trơn, thân trụ có ghi các câu đối bằng chữ Hán, nội dung ca ngợi công đức của thành hoàng làng và cảnh đẹp của quê hương.
Đại bái đình được xây theo kiểu ba gian, hai dẽ, hai mái lợp ngói mũi. Bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai makara ngậm bờ nóc. Bờ giải xây giật cấp. Mặt trước đại bái có mở hệ thống cửa bức bàn tạo sự thoog thoáng và thuận tiện cho những ngày vào đám. Vào bên trong đại bái được chia làm ba gian chính không đều nhau. Với các bộ vì được tạo tác thống nhất theo kiểu: “ Thượng gái chiêng, hạ kẻ ngồi đứng trên quá giang trốn hàng cột cái”.
Nối liền với Đại bái là Hậu cung. Hậu cung đình Giang là hai gian nhà dọc, được tạo tác: tiền đao , hậu đốc. Các bộ vì được làm theo kiểu “Thượng ván mê hạ mê cuốn”. Các mê trạm, các tích cổ truyền thống, đường nét chạm lộng tinh xảo. Chạm ở đây độc Long là nhân vật trung tâm của của bức cốn đang uốn lươn trên mây. Đan xen với rồng là Phượng ngậm cuốn thư, tôm, cá, hoa, lá..
Tóm lại: trang trí trên kiến trúc gỗ của đình Giang chủ yếu là bào trơn đóng bén, soi gờm trạy chỉ thiên về bền chắc. Một số mảng chạm khắc còn sót lại mang dấu ấn cuối nhà Nguyễn. Nơi đây, trải qua thời gian, mặc dù không còn giữ được dáng vẻ thời kỳ đầu xây dựng do nhiều lần đại tu, chuyển hướng nhưng với một vào mảng đục chạm trổ một số hiện vật còn tồn tại đến ngày nay là tài sản vô cùng quý giá của tiền nhân để lại.
Văn chỉ
Giới thiệu di tích
Từ thời Lý, nhà vua đã cho lập Văn miếu ở kinh đô Thăng Long,Văn chỉ ở các địa phương đề thờ đức Khổng Tử và các vị đỗ đạt.
Hội Tư Văn của làng trông nom hương khói ở Văn chỉ. Mỗi năm tổ chức tế thánh, các vị tiên hiền hai lần vào giữa mùa xuân và giữa mùa thu gọi là xuân thu nhị lễ, cầu mong Thánh hiền, các vị tiên hiền phù trợ cho việc học hành của con cháu trong làng được tiến bộ, thi cử hanh thông. Dân làng đến dụ rất dông. Đây là dịp khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Trải qua nhiều năm chiến tranh, Văn chỉ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng khuôn viên bị lấn chiếm. Để giáo dục truyền thống hiếu học, khích lệ thế hệ trẻ noi giương tổ tiên, chính quyền xã đã tiến hành thực hiện đổi đất cho các hộ dân xung quanh để có được khuôn viên Văn chỉ như ngày nay.
Mô tả di tích
Văn chỉ ở Hương Ngải, xưa là một vùng đất rộng, gần đình Giang, phái trong của văn chỉ bây giờ ba bề xây tường bằng đá ong, ghép mạch kẻ chỉ. Phía trước có sân cỏ. Hai bên cổng xây cột trụ bằng đã ong. Phía trên đỉnh cột làm đèn lồng bằng đó ong. Thân cột trụ làm đế thắt cổ bồng trông rất vững chãi. Nhà Văn chỉ xây ba bàn thờ bằng đá ong. Hai bên dựng hai bia, trong đó có bia Hương Hiền. Bia khắc tên các vị tiền nhân đỗ đạ khoa và trung khoa.
Võ chỉ
Giới thiệu di tích
Hương Ngải là quê hương có truyền thống hiếu học.Từ xưa nổi tiếng là làng khoa bảng xứ Đoài. Không những về văn mà còn về võ. Nhân dân tự hào là đất: “Văn đăng khao đệ, võ đổng binh nhung” nghĩa là: Văn thì đỗ đến hàng khoa bảng, võ thì khoảng nhung y. Trong thời phong kiến 8 người có thành tích võ công, được ghi trong sách sử, co hàng trăm người là hàng đội, hàng cơ, ấn tử vụ quân, chánh lãnh binh. Tháng 9 năm 1874, nhân dịp luyện võ nghệ, cụ Nguyễn Tuấn Dị và hàng đội đề xuất xây dựng võ chỉ.
Võ chỉ trước đây được xây trên khuôn đất bằng phẳng, với diện tích 1 sào 1 thước Bắc bộ, cạnh Đình làng (đình Đông Thanh). Ba bề xây tường đá ong, bắt mạch chỉ, trên làm mũ bằng đã nong, hai vạt sương, cao khoảng 1,5m. Võ chỉ xưa có hai cổng ra vào theo hướng cổng đình làng ở giữa hai cổng là mảng tương cao 1,5m, trên đắp con triện. Sân lát gạch. Võ chỉ không làm nhà, có bàn thờ xây bằng đã ong, xây chạy dài theo bờ tường sát đường làng. Hai bên đốc bàn thờ trồng hai cây bàng. Do tác động của thiên nhiên bà biến động của xã hội và do ý thức của người dân nên võ chỉ bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Tường đã được giỡ bỏ mang đo xây dựng và công trình công cộng. Hai cây bàng già bị cặt, khuôn viên Võ chỉ bị san phẳng. Năm 2017 Võ chỉ được khôi phục lại như bây giờ.
Mô tả di tích
Võ chỉ được khôi phục ở khu vực võ chỉ trước đây với khuôn viên nhỏ hơn,có tính chất tượng trung. Võ chỉ mới còn lưu lại văn bia võ chỉ, dụng bia khắc tên 8 vị võ công trước đây, bia khắc tên tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần.
Chùa Thượng Phúc
Giới thiệu di tích
Chùa Thượng Phúc, nhân dân thường gọi là chùa Thượng, chùa Trên (vì chùa ở Nâu Thượng).
Theo ghi chép, chùa Thượng Phúc khi mới xây dựng ở ngoài đồng, sau này được chuyển vào trong làng như hiện nay.
Chùa Thượng Phúc tạo lạc trên mảnh đất cao, bằng phẳng với diện tích trước đây là 3 mẫu Bắc Bộ, diện tích hiện nay chỉ còn 400m2. Trước đây chùa Thượng Phúc thuộc cuối địa phận Nậu Thượng, nay thuộc địa phận thôn 3.
Kiến trúc chùa trước đây theo hình chữ nhị (二), gồm hai ngôi nhà song song với nhau. Trong là nhà Thượng tự, nơi thờ Phật. Ngoài là nhà Thượng hạ. Nhà Thượng hạ nằm sát đường làng, dân gọi là Tam quan chùa. Nhà Thượng hạ làm 3 gianm có 3 cửa ra vào, 8 mái lợp ngói mũi, các góc của Thượng tự, Thương hạ đắp đao cong vút đuôi phượng. Giữa nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Tường xây đá ong, bắt mạch đát trộn trấu.
Trải qua thơi gian chiến tranh, biến động xã hội, chùa hư hỏng, không được sửa chữa đã dỡ bỏ để làm kho của Hợp tác xã nông nghiệp. Năm 2000 chùa được khôi phục lại như ngày nay.
Mô tả di tích
Kiến trúc chùa Thượng Phúc gồm: chính diện, Bái đường, Tam quan, bên ngoài có tổng Tam quan. Bên tả vu có gian nhà làm nơi thờ mẫu, thờ Đức thánh Trần. Chính điện, nơi thờ phập của chùa Thượng Phúc có Tam bảo. Tam bảo có 5 tầng. Tầng thứ nhất đặt 3 pho tượng gọi là Tam Thế Phật. Tầng thứ hai có 3 pho tượng gọi là Di Đà Tam Tôn. Tầng thứ 3 thờ Ngọc Hoàng đế. Tầng thứ 4 thờ tượng Cửu Long, Đế Thích, Phạm Thiên, lùi vào trong có bàn thờ Quan Âm Thị Kính và thờ tượng Long thần. Ở ngoài của chính điện có hai tượng Hộ Pháp. Tiếp đến là dãy tượng thập bát vị La Hán, các pho tượng Diệu Thanh, Diệu Âm. Hai bên có hai dãy bàn thờ Thập điện Diêm vương.
Chùa Thượng Phúc cũng với Quán làng, tạo nên một khu di tích văn hóa của làng Hương Ngải.
Chùa Đại Phúc
Giới thiệu di tích
Chùa Đại Phúc thường gọi là chùa Giữa hay chùa Trung. Chùa được xây dựng trên khu đất cao, rộng thuộc Nậu Trong (Nậu Trung), nay thuộc địa phận thôn 4, với diện tích 376m2. Chàu được xây dựng từ lâu đời (khoảng 300 năm).
Lúc đầu, chùa nhỏ, tường xây đá ong, khung nhà chùa làm bằng gỗ và tre ngâm, mái lợp rạ, sau này lợp gianh. Chùa chưa có tam quan, chưa có cổng. Đất chùa rộng (bao gồm đất chùa hiện nay, nhà văn hóa thôn 4 và đất ở các gia đình xung quanh).
Năm 1831 chùa bị xuống cấp và được phục dựng lại
Năm 1883 chùa bị thực dân Pháp đốt và sau đo được phục dựng lại.
Đất chùa dần dần bị thu hẹp lại. Chùa Đại Phúc được đại tu trên 100 năm. Nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Để gìn giữ nơi thờ Phật, đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng, năm 1993, nhân dân đã đồng tu sửa lại chùa với phương châm: hỏng đâu, sửa đấy. Đến năm 2005 chùa được xây thêm tam quan, tả hữu mạc, xây cổng chùa và các công trình phụ. Năm 2016 chàu được tu bổ lần cuối.
Mô tả di tích
Các hạng mục chùa Đại Phúc hiện nay gồm có:
Tam quan chùa là cổng vào chùa, có 3 của ra vào. Cửa giữa rộng và cao hơn. Mãi cong có 2 tầng, 8 mái. Bốn cột giữa tròn và ngoài của Tam quan chàu có khắc câu đối. Qua Tam quan chùa, đến sân, giữa sân có Lư hương làm bằng xi măng, cắt để thắp hương. Bước lên bậc ngũ cấp nơi chính diện nơi thờ phật. Chính điện làm theo kiến trúc Thượng đao, hậu đốc. nahf làm bằng gỗ tốt. Cột to, mái chùa cao. Chính điện được mở rộng ra phía trước.
Chùa Xuân Vi
Giới thiệu di tích
Chùa Xuân Vi tọa trên mảnh đất rộng, bằng phẳng sát với ngã ba đường làng, thuộc Nậu tự (nay là thôn 8). Chùa được xây dựng năm 1812, đến nay đã 200 năm. Diện tích 1420m2. Chùa xây dựng trên thế đất: “ Vết rồng vàng uốn lượn”.
Mô tả di tích
Chùa được xây dựng theo hình chữ Đinh. Giữa là Tam Bảo, ngoài là Đại Bái. Bên phải là nhà tổ, nhà khách, khu ao vườn chùa. Chùa có 3 chuông. Chùa có 59 pho tượng và trái động phản ánh kiếp luân hồi. Nơi tiên cảnh người lương thiện được hưởng phúc lành. Nơi địa ngục, kẻ ác phải chịu tội, là những hình ảnh cụ thể nhằm giáo dục con người phải ăn ở lương thiện.
Các ao, Giếng
Khu vực giếng được gìn giữ khá tốt với việc khoanh rõ khuôn viên, giếng đều được xây lại bờ, sạch sẽ. Giếng có lưới thép đậy an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên do không có người dùng nước nên cảnh quan sinh hoạt đầm ấm của cộng đồng quanh giếng không còn.
Hiện có 2 ao nằm trên lối vào chính. Đây là ao do người dân đào sau năm 1954, hiện chưa có đường đi quanh ao, cây xanh thiếu. Có thể cải tạo ao để thành cảnh quan đặc trưng.
Làng Hương Ngải được hình thành cách đây 2000 năm. Từ khi khai phá rừng hoang, san lấp ao đầm thành bờ xôi, ruộng mật” đất ở, người dân đã đào nhiều giếng để lấy nước phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Sau này những chiếc giếng giếng đất được xây xung quanh bằng đá ong từ đáy đến miệng giếng, được gọi là giếng khơi. Hình ảnh “Cây đa, giếng nước, mái đình” gợi lên đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ và đã đi sâu vào tiềm thức sau lắng của con người Hương Ngải.
2 ao nằm dọc lối đi chính
Giếng nước được người dân đào ở ngoài đồng, trong làng. Ngoài đồng có giếng đồng Lở, giếng Trại Mả Lách, giếng đồng Mép. Giếng đồng Mép, Mả Lách hiện nay không còn.
Giếng đồng Lở
Gần quán Nghinh Hương. Ban đầu là giếng đất, sau này được xây đá ong xung quanh. Giếng nhỏ nhưng rất nhiều nước và trong. Quanh năm giếng không bao giờ cạn. Nước giếng được dùng để làm lễ khi làng tổ chức rước kiệu. Hiện nay giếng Đồng lở và Quán Nghinh hương trở thành quần thể di tích văn hóa.
Giếng gò mưa (Giếng xóm Thượng- Kiêng thôn 3)
Đây là giếng khơi được đào đầu tiên trong làng. Giếng được đào từ thời nhà Lê, triều Bảo Thái (1720), cách nay gần 300 năm. Năm 1913, các cụ bô lão và dân trong xóm sửa sang, quây đá ong, lập bàn thờ. Năm 1951-1952 giếng được tu bổ lại. Hiện nay giếng được làm nắp đậy, xây lại bàn thờ, làm lại nền giếng để gìn giữ giếng cổ có tuổi thọ gần 3 thế kỷ.
Giếng Chùa
Giếng ở xóm Chùa, Cạnh Chùa Thượng Phúc, được đào sau giếng xóm Thượng- Kiêng vài năm. Trước đây gọi là giếng Ngọc. giếng có nhiều nước, chiều sâu của nước từ 4 đến 5m. Nước trong và có vị ngọt. Nước giếng được người dân dùng để ngâm ủ tương, dùng chấm rau muống chan với cà nén rất ngon miệng.
Giếng Phượng Ngoại
Thuộc thôn 4. Giếng cung cấp nước cho xóm Phượng, xóm Ngoại. Mấy năm trước, khu giếng làm cửa hàng buôn bán. Năm 2017, nhân dân trong thôn khôi phục lại, dọn đất cát ở đáy giếng, xây lại thành giếng, lát lại nền giếng, xây ban thờ để bảo tồn giếng cổ.
Giếng xóm Giữa
Giếng được đào từ lâu. Là nguồn cung cấp nước cho nhân dân xóm giữa và xung quanh. Năm 2000, giếng bị lấp bỏ để làm nhà văn hóa thôn 5.
Giếng Bùi
Giếng nằm cạnh ao, quanh năm nhiều nước và trong. Giếng do phe Bùi đào, đến nay có trên 200 năm. Hiện nay là điểm di tích lịch sử. Đây cũng là nơi ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBKC bị giặc giết và ném xác xuống giếng vào năm 1947. Ngày nay, tại địa điểm này, nhân dân đã lạp bàn thờ Liệt sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa.
Giếng Đông
Thuộc xóm Đông, miệng giếng rộng chừng 2m. Giếng sâu, nhiều nước, cung cấp nước cho nhân dân xóm Đông, xóm Thanh Tĩnh, xóm Hạ. Giếng Đông là di tích lịch sử của làng, nơi đây là nơi hi sinh của liệt sỹ Đặng Văn Thưởng khi vừa tròn 25 tuổi.
Giếng Đình Giang
Giếng nằm cạnh đốc đình Giang, nhân dân đào giếng để cung caaos nước cho nhân dân xóm Chùa, xóm Đồng Trúc, xóm Hương Liên... Giếng có nhiều nước, nước trong và ngon. Vào năm 1960 giếng bị lấp đi, đến măn 2016 giếng được nhân dân khôi phục lại như ngày nay, thành giếng được xây cap, có nắp đậy để bảo vệ giếng cổ.
Giếng Trung
Miệng giếng rộng trên 1m, sâu khoảng 7m, nằm trước cổng nhà thờ họ Đỗ.
Giếng Méo
Gọi là giếng Méo vì giếng đào méo. Cạnh giếng có cây dàng dàng rất to. Dân làng có câu: “ Đình Giang, giếng méo, có cây dàng dàng”. Tương truyền đây là điểm giấu của của vị khách người Tàu. Xưa có người chết đuối trong giếng nên giếng bỏ hoang. Năm 1952 được vét dọn nhưng không ai dùng nên lại lấp bỏ.
Giếng Đình Đông Thanh
Trước đây ở đốc đình Đông Thanh có một cái giếng. Trong một năm có đám dân mời “ả Đào” đến hát, trong lúc ra giếng lấy nước chẳng may ả Đào rơi xuống giếng và chết đuối. Sau đó người dân lấp bỏ.
Hiện nay, toàn xã có 8 giếng cổ. Ngoài đồng có giếng đồng Lở gần quán Nghinh. Trong làng có giếng Chùa, giếng Thượng- Kiêng, giếng Phượng Ngoại, giếng Bùi, giếng Đông, giếng Đình Giang, giếng xóm Trung. Năm 1957-1960, nhân dân đào thêm giếng xóm Trại, Đồng Phần, xóm Dược. Năm 2015, nhân dân thôn 9 đã khôi phục và tu bổ lại giếng Xóm Trại, làm thêm nhà chờ. Còn giếng xóm Dược bị lấp để lấy mặt bằng làm nhà văn hóa.
Các điếm, cổng xóm
Các điếm
Ở Hương Ngải, mỗi xóm đều có một điếm xóm. Có nhiều điếm xóm, cũng có điểm xóm hình thành từ rất lâu, có những điếm xóm mới hình thành. Tùy theo quy đất công của xóm mà khuôn viên của mỗi điếm là khác nhau. Hầu hết các điếm xóm được làm cạnh lối đi chính trong xóm. Mỗi xóm có từ 1 đến 2 điếm. Điếm xóm được làm bằng gỗ, dạng kèo cầu, bào trơn, đóng bén. Mái lợp ngói ri. Tường xây đá ong hai đốc và tường hậu. Điếm xóm làm 3 gian, rộng hẹp tuy mặt bằng của đất công. ở gian giữa làm bàn thờ lững, thờ thổ thần của xóm. Nền điếm xóm là nền đất đập nhẵn.
Khi thành lập HTX nông nghiệp, vì thiếu nhà kho, một số điếm đã được lấy làm nhà kho chứa vật tư nông nghiệp. Đến thập niên 90, một số điếm bán cho nhân dân làm đất ở.
Hiện nay toàn xã còn lại 2 điếm: điếm xóm Trung được tôn tạo lại vào năm 2016 là nơi thờ cũng thổ thần. Điếm xóm Hương Mới là nơi họp của xóm Hướng Mới. Các nền điếm còn lại trở thành nền đất Nhà văn hóa thôn xóm.
Ngoài ra, tại Hương Ngải còn có 5 điểm điếm tích: Cầu Xa, xóm Chùa, gần Chùa Xuân Vi....Điếm tích làm bằng gỗ một gian. Mái lợp rạ, có sàn gỗ, là nơi thờ thổ thần. Đây là nơi thanh niên làng thay nhau ra tuần phòng, giữ gìn trật tự, an ninh cho làng. Sau này này hình thành điếm Phiên thì các điểm này trở thành điểm tuần phòng mới. Điếm phiên được bố trí tại vị trí 4 cổng của làng. Điếm phiên tồn tại đến năm 1960.
DI SẢN LÀNG VIỆT
Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com
Mobile: 0913542332