Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Khuốc (Thái Bình) - DI SẢN PHI VẬT THỂ LÀNG KHUỐC

Danh nhân: Trong các Đình, chùa/ Cán bộ Văn hóa xã
Dẫn tra cứu từ sách Hý phường phả lục do Trạng nguyên Lương Thế Vinh viết từ đời vua Lê Thánh Tông cách đây sáu thế kỷ cho biết, khu vực làng Khuốc (còn gọi là Cổ Khúc) chính là một trong bảy cái nôi chèo Việt Nam. Nghệ nhân già nói: "Tôi cũng không rõ chèo Khuốc có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thời tổ tiên, chèo làng tôi đã nức tiếng khắp nơi. Chẳng thế mà đất này đã sinh ra những ông tổ nghiệp chèo như Trùm Ðào, Trùm Thương, Huyện Ðoàn, Kép Mục. Nói đến chèo là phải nhắc đến Khuốc". Hồi đầu thế kỷ trước, làng Khuốc đã góp những bậc tiền bối cho nghệ thuật chèo nước nhà như các cụ Bùi Kim Trạch, Phạm Văn Ðiền, Bùi Văn Ca, Vũ Văn Phụ, Ðào Thị Na, Hà Quang Bổng... Trong đó, hai cụ Trạch và Ðiền được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Dân gian. Nay các cụ đã về với tổ tiên, kể cả cụ bà Ðào Thị Na, nguyên mẫu cô Lý trong vở Cô gái làng chèo nổi tiếng do NSND Lê Huệ dàn dựng.
 
Các di sản phi vật thể
Làng Khuốc được mệnh danh là một trong 7 cái nôi sản sinh ra chèo đất Việt. Người dân nơi đây rất đỗi tự hào vì làng Khuốc là làng văn hiến, từng được triều đình ban tặng danh hiệu “mỹ tục khả phong” và “thuần phong mỹ tục”.
Những danh hiệu này được khắc vào bia đá đặt tại cửa đình làng. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chèo làng Khuốc ra đời từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ 17. Xưa kia, nghệ nhân làng Khuốc đã từng được các triều đại vua chúa mời vào cung biểu diễn. Lúc ấy, đứng đầu 3 chiếu chèo đại diện cho làng Cổ Khúc có cụ Thương, cụ Thi, cụ xã Lục.
Xưa, vùng bắc sông Trà Lý vẫn truyền câu ngạn ngữ "Ăn làng Ngói. Nói làng Khuốc. Thuốc làng Nguyễn". Làng Khuốc là làng chèo, hát hay nói cũng hay. Người làng Khuốc nói chuyện với nhau, với người ngoài đều ví von, điệu đà, nhất tự đa nghĩa. Làng Khuốc không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều làn điệu Chèo độc đáo, mà hầu như tất cả người dân trong làng đều có thể hát Chèo cách thuần thục. Các nghệ nhân Chèo Khuốc đã sáng tạo, đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật Chèo, hiện làng còn giữ được 18 làn điệu chèo độc quyền mà không phải làng nào cũng có được như Tình thư hà vị, Đắp chăn giời, Hề đơm đó, Con trai xinh, Duyên phận chẳng thuận chiều, Vãn non mai, Tuyết dạt sông Thương, Ván cờ tiên… Trong tổng số 151 làn điệu và ca khúc Chèo được biết đến thì riêng các phường Chèo Thái Bình với hai vở Chèo "Từ Thức gặp tiên", "Phan Trần" và trích đoạn “Tuần Ty - Đào Huế” đã bao gồm 30 ca khúc và bốn kiểu hát nói. Trong số 155 nghệ sỹ Chèo gốc Thái Bình tham gia các đoàn Chèo trên cả nước thì người làng Khuốc đã chiếm đến gần 60. Người xưa vẫn gọi “làng chèo Khuốc” bởi trong những năm đầu thế kỷ XIX, trong làng có lúc hiện diện đến 15 gánh hát Chèo chuyên nghiệp. Từ sân khấu dân gian, chiếng Chèo làng Khuốc đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến. Các thế hệ nghệ nhân đã mang gánh Chèo làng đến nhiều vùng trong tỉnh, biểu diễn ở các đình đám hay hội hè. Cho đến nay, những người sành Chèo, mê Chèo ở Việt Nam và cả ở nước ngoài đều có ấn tượng tốt đẹp về những đào, kép ở chiếng Chèo Khuốc, nhiều nghệ nhân tên tuổi được biết đến như Vũ Văn Phụ, Bùi Văn Ca, Đào Thị La, Hà Quang Bổng, Nghệ sĩ ưu tú Thu Hiền, Phạm Thị Ruyến, Nghệ nhân dân gian Cao Kim Trạch, Phạm Văn Điền… Chèo Khuốc từ lâu đã đi sâu vào lòng mọi người, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều vùng nông thôn Thái Bình. Cho dẫu làng Khuốc hôm nay vẫn còn nhiều hộ đang sống trong cảnh khó khăn nhưng tinh thần yêu mến Chèo ở đâu và lúc nào cũng có. Không lạ gì khi Chèo Khuốc luôn nhận được sự mến mộ cổ vũ của nhiều tầng lớp.
 
Lễ hội và nghệ thuật biểu diễn
Trước đây, các gánh chèo Khuốc lang bạt biểu diễn quanh năm, suốt tháng. Nhưng hàng năm đều tụ hội về làng vào ngày giỗ tổ thắp hương lễ tạ tổ tiên, 18 tháng 8 âm lịch và ngày mùng 6 Tết cũng là ngày hội làng. Mùng 6 Tết âm lịch, cả làng tưng bừng trống phách. Các gánh chèo được phen thi sức, thu hút hàng nghìn người trong vùng về tham dự, cờ hoa rợp một vùng. Người xem được dịp thưởng thức các làn điệu, giọng ca hay nhất của chèo, còn người thi được dịp trổ cũng là dịp động viên khích lệ nhau một mùa vụ làm ăn mới. Các nghệ nhân chèo Khuốc đã sáng tạo và đóng góp cho nghệ thuật chèo cả nước hai vở chèo “Từ Thức du tiên” và “Phan Trần”.
 
Ẩm thực, sản vật đặc thù
Mỗi một vùng đất đều ẩn chứa trong mình một món đặc sản mà không nơi nào có được. Về Thái Bình, du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản nối tiếng nhất của miền quê này với tên gọi Bánh cáy. Ngọt lành, mang vị thơm đượm của gạo nếp cái hoa vàng, lại quyện mùi ngậy của mỡ, vị cay của gừng … bánh cáy Thái Bình là một món ăn mang nét độc đáo của miền quê lúa. Đặc biệt làng Khuốc nằm giáp ranh với Nguyên Xá, nơi có làm Nguyễn, làng nghề làm bánh cáy nức tiếng gần xa. 
 
 
 
Về giữ gìn và phát huy giá trị Làng chèo truyền thống
Còn đến ngày nay, với sự phát triển chung của xã hội, làng Khuốc cũng đã chuyển mình thay đổi, kiến trúc đã khác xưa nhiều. Đặc biệt, làng Khuốc giờ đây không còn ngôi đình cổ ngày xưa, dân làng xây một ngôi đình nhỏ ở gần cuối làng. Kiến trúc làng Khuốc ngày nay đã không còn nhiều không gian dành nuôi sống Chèo, những buổi hát Chèo có chăng chỉ còn biểu diễn ở nhà văn hoá. Hiện nay, làng Khuốc không còn nhiều các gánh Chèo, đa phần chuyển sang hình thức sinh hoạt CLB. Trong đó có CLB thiếu nhi làng Khuốc do nghệ nhân Cao Thị Bấc làm chủ tịch CLB, mới được hình thành không lâu những đã đạt được những đóng góp không nhỏ trong việc lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ tại làng Khuốc. Lớp học cứ đều đặn diễn ra một tuần 1 buổi vào ngày chủ nhật hàng tuần, thu hút từ 25 đến 30 em từ lớp 2 đến lớp 9. Ngày nắng, cũng như ngày mưa, lại không một đồng thù lao nhưng những thành viên câu lạc bộ vẫn say sưa dạy các trò của mình. 
Hiện tại, CLB thiếu nhi làng Khuốc có tổng cộng là 18 em tham gia. Khảo sát thực tế, CLB có tới 14 em là con nhà nòi, có từ 3 đời hát chèo, làm chèo chuyên và không chuyên. Trong số các em theo học hát Chèo tại CLB này, trong đó chỉ có 3 em là dưới 7 tuổi, còn 16 em tuổi từ 13 đến 15. Có 6 em nam và 12 em nữ. Chúng đều cao lớn hơn so với tuổi, thích hát dân ca, nhất là hát chèo, thích vui đùa, thích được đón khách về thăm, xem CLB Chèo của chúng.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có về nguồn học sinh có tiềm năng, không gian văn hoá truyền thống... trên thực tế CLB thiếu nhi làng Khuốc có nhiều vấn đề hạn chế còn tồn đọng, ví dụ như: cơ sở vật chất, nội dung chương trình chuẩn hoá, phương pháp dạy học...
Chính vì vậy cần có những giải pháp kịp thời nhằm khắc phục phần nào những hạn chế đã và đang tồn tại trong thời gian qua.
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332