Từ vài thế kỷ trước, dân Thái Bình, dân xứ Ðông, xứ Ðoài, dân mạn ngược đã biết đến làng Cổ Khúc, tên nôm là Khuốc, xã Phong Châu, huyện Ðông Hưng, Thái Bình. Nơi đây có những gánh chèo nối tiếp nhau đi hát, đào kép thiện nghệ mấy chục người. Mỗi mùa xuân đến, các gánh chèo lại có dịp “trổ tài”, thể hiện tình yêu đối với loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời. Người dân có câu ca: “Hỡi cô thắt bao lưng xanh. Có nghe chèo Khuốc với anh thì về”.
Chiếng chèo làng Khuốc ra đời từ rất sớm, một thời đã từ sân khấu dân gian bước vào phục vụ trong cung đình của các vương triều phong kiến. Cho đến nay, những người sành chèo, mê chèo vẫn còn ghi nhận nhiều ấn tượng tốt đẹp về những đào, kép: Đào Thị Na, Vũ Văn Phụ, Quách Văn Khởi, Hà Quang Bổng, Phạm Văn Điền, Cao Kim Trạch... ở làng Khuốc. Có thời, làng Khuốc có tới 14 gánh hát chèo đi biểu diễn ở khắp nơi trong cả nước.
Theo cuốn Hí phường phả lục do Lương Thế Vinh biên soạn từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thì làng Khuốc là một trong 7 cái nôi chèo của đất Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chiếng chèo làng Khuốc vẫn tồn tại, phát triển và có sự kế thừa.
Qua tìm hiểu, từ năm 1980 đến năm 2000, làng Khuốc thưa vắng hát chèo. Người dân vì bận làm ăn để có nhiều tiền, vì trai tráng túa đi tứ xứ kiếm tiền, đoàn chèo của tỉnh đi diễn chẳng có người xem. Các nghệ nhân chèo buồn bã, không làm sao để khán giả trở về với sân khấu chèo. Dẫu vậy, trong lòng mỗi người dân Khuốc tiềm tàng một dòng máu nghệ thuật chảy. Từ năm 2000, nhờ tâm huyết của các nghệ nhân quyết tâm khôi phục, chèo Khuốc hồi sinh nhanh chóng. Nhiều dự án quốc gia, tỉnh, hợp tác quốc tế đổ tới chiếu chèo, dân Khuốc mừng rỡ hãnh diện. Cũng từ đó, nhiều dự án nhằm phát triển chiếng chèo làng Khuốc được thành lập và đi vào hoạt động như: “Xây dựng nhà thờ Tổ chèo làng Khuốc” của Quỹ Việt Nam - Ðan Mạch, phát triển “Sân khấu học đường” do Sở Giáo dục và đào tạo tài trợ. Tỉnh cũng xây dựng quỹ “Hỗ trợ xây dựng điểm du lịch chiếu chèo làng Khuốc”.