Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Thượng Kiệm (Ninh Bình) - GIỚI THIỆU CHUNG LÀNG THƯỢNG KIỆM

Vị trí

Thượng Kiệm là một xã thuộc huyện Kim Sơn phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 27km nằm trong vùng đất lấn biển từ đầu thế kỷ thứ 19 phía Nam sông Hồng. Phía đông giáp sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng Nam Định; phía tây nam giáp sông Càn, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá; phía bắc và tây bắc giáp huyện Yên Khánh và Yên Mô; phía nam giáp biển với chiều dài bờ biển gần 18 km. Dân số xã Thượng Kiệm tại thời điểm điều tra năm 2011: gồm 1817 hộ gia đình với 7497 nhân khẩu và được chia thành 11 đơn vị thôn/xóm.
Diện tích nghiên cứu quy hoạch 677,34 ha được xác định bởi ranh giới toàn xã Thượng Kiệm Vị trí cụ thể như sau:
+ Phía Bắc giáp huyện Yên Mô.
+ Phía Nam giáp xã Kim Tân và sông Đáy.
+ Phía Đông giáp xã Kim Chính và sông Vạc.
+ Phía Tây giáp xã Lưu Phương.
 

Lịch sử phát triển làng
Xã Thượng Kiệm thuộc huyện Kim Sơn là vùng đất mở ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ Tỵ, 1829. Đây là vùng đất mở, hàng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100 m. Chính vì thế Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi - quai đê lấn biển của vùng nam sông Hồng với các tình Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Gần 200 năm đã tiến hành quai đê lấn biển sáu lần. Về diện tích hiện nay gấp gần 3 lần so với khi mới thành lập huyện.
Vào đầu thế kỷ thứ 19, sau khi đã xem xét địa thế, Nguyễn Công Trứ thấy có thể khẩn hoang để: “Trước là lợi nước, sau thiên điền hoàn”. Ông đã đề nghị: “Cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi làm, mộ dân nghèo các hạt đến khai khẩn, cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu bò, nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo, lương tháng hạn trong 6 tháng. Ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, ba năm thành ruộng đều chiếu lệ tư điền mà đánh thuế”. Sau khi sớ tâu của Nguyễn Công Trứ được vua Minh Mạng phê chuẩn, nhiều người đứng ra chiêu dân lập ấp để phá thảo khai hoang một loạt các ấp ven biển huyện Kim Sơn. 
Triều đình nhà Nguyễn đã có những chính sách ghi nhận công trạng và khen thưởng cho những làng xã, ấp có công khai khẩn ruộng đất bằng các hình thức như cấp thêm ruộng, thuế má và hoa lợi. Các loại ruộng trên không phải đóng thuế và được xem là sở hữu của làng, của hội. Hoa lợi thu được dùng vào việc tế lễ hàng năm và các việc công ích khác. Theo chế độ chung, ruộng đất này được hưởng hết một đời. Sau này nếu người được chia ruộng chết, nếu không có con trai hoặc có con trai nhưng chưa đến tuổi thành đinh thì ruộng đất đó phải trả lại cho làng. Tại các ấp khai khẩn ở Kim Sơn thì sau 5 năm mới phải nộp thuế và lệ thuế năm đầu tiên tương đối ưu ái. 
Từ năm Tự Đức nguyên niên (1848) Nhà nước ban hành chế độ ruộng đất mới ở Kim Sơn: Ruộng đất cấp cho dân đinh chia thành 2 loại: Một nửa là tư điền thế nghiệp và một nửa là tư điền quân cấp. Chế độ này được bổ sung thêm bằng sự phê chuẩn của vua Tự Đức ngày 12 tháng 11 năm Tự Đức thứ 4 (2/1/1852). Với quyết định này con trai đẻ cũng như con nuôi, vợ goá và con gái của nguyên mộ chết trước năm 1848 cũng được chia một phần ruộng thế nghiệp. Tình hình phân phối ruộng đất ở các ấp tại huyện Kim Sơn theo quy định của Nhà nước vào 1852 còn được duy trì một thời gian tương đối lâu ở nửa sau thế kỷ 19. 
Đất Kim Sơn nói chung và đất Thượng Kiêm nói riêng là đất bồi ven biển nên khi nước triều xuống là ruộng, khi nước triều lên bị ngập tràn. Bởi vậy vấn đề quy hoạch ấp cũng như vấn đề xây dựng hệ thống thuỷ lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu và thau chua rửa mặn cho đồng ruộng là công việc hết sức quan trọng. 
Từ thời kỳ sơ khai, hệ thống kênh mương thường được bố trị chạy song song với các ấp vừa để giữ nước ngọt nhằm phục vụ việc tưới ruộng khi nước triều lên, vừa có thể lợi dụng để tiêu nước khi gặp úng; lại vừa thau chua rửa mặn cho đồng ruộng. Những kênh mương này đồng thời cũng là hệ thống giao thông đường thuỷ rất thuận lợi cho việc vận chuyển lúc thời vụ và khi thu hoạch mùa màng. Ngoài ra sau khi khai hoang, vấn đề xây dựng làng ấp cũng được xây dựng một cách khoa học dựa trên đặc điểm của địa hình với mạng lưới kênh mương và đường sá dọc và ngang cắt góc vuông với nhau và luôn có sự tuần hoàn, không có ngõ cụt. 
Cư dân đến khai hoang lập ấp đầu tiên đều là những người cùng quê, cho nên chỉ 5 năm sau, khi làng đã ổn định thì đền thờ thành hoàng của làng cũng được dựng lên. Chân nhang thành hoàng của quê cũ là “Thần đèn” được rước về để thờ phụng. Để có thể đứng vững được ở nơi mới khai hoang, mọi người phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau và thành hoàng chính là nguồn động viên về mặt tinh thần để giúp mọi người vượt qua được những gian khổ và trụ được ở nơi đất mới.
Bên cạnh việc thờ thành hoàng, sau khi các chiêu mộ mất dân ấp Thủ Trung còn phối thờ hai cụ chiêu mộ trong miếu của làng. Điều này thể hiện lòng tôn kính đối với những người đã có công đầu trong khai hoang lập làng mới. Ngày giỗ chiêu mộ, dân trong làng đều đến miếu thắp hương tưởng niệm ở miếu rồi mới về nhà thờ tổ của dòng họ để cúng tế. Cư dân trong ấp đều coi đó là ngày giỗ chung và ngày hội của cả làng. Ngoài việc thờ thành hoàng và các chiêu mộ, miếu tại các làng ấp còn còn thờ nhà Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - là người Tổng chỉ huy công cuộc khẩn hoang lập nên huyện Kim Sơn. Ngoài ra, Thượng Kiệm ở sát thị trấn Phát Diệm là trung tâm Công giáo của cả một vùng rộng lớn nên số lượng giáo dân cũng đáng kể. Hầu như ở mỗi xóm đều có một nhà thờ giáo họ với quy mô nhỏ để thờ một thầy tu được phong thánh trong Công giáo và thường không có linh mục trụ chì mà do người dân tự trông coi cai quản. 
Trong những năm đầu thế kỷ 20, người dân Thượng Kiệm chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là được biết đến với tinh thần lao động cần cù và tinh thần cách mạng quật cường tham gia chiến đấu chống lại phát xít Nhật, đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954 phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn được phát huy, là đơn vị có cánh đồng 5 tấn/ha đầu tiên của huyện Kim Sơn. Xã Thượng Kiệm rất yêu văn hóa văn nghệ, có đoàn chèo Nam Dân nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình. Đã được Đài tiếng nói Việt Nam về ghi âm nhiều lần. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thượng Kiệm đã thành lập được 01 Trung đội trực chiến đánh máy bay Mỹ và đã bắn rơi 02 chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ. Năm 1973 được nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
 Trong cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ luôn được Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện chọn làm điểm công tác xây dựng đảng - xây dựng chính quyền - xây dựng lực lượng dân quân, công an đặc biệt là xây dựng HTX Nông nghiệp theo cơ chế mới. Do có nhiều thành tích đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 1, hạng hai. Đặc biệt năm 2015 được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.
Cơ cấu làng, xã, thôn
Thượng Kiệm có 11 thôn/xóm với hệ thống khu dân cư lâu đời và tương đối ổn định. Trong số 11 thôn/xóm thì có 9 xóm được đánh số từ 1 đến 9 và xóm còn lại có tên là xóm An Cư và Vinh Ngoại. Xóm có dân số cao nhất là xóm 4. 
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332