Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Ninh Vân (Ninh Bình) - GIỚI THIỆU CHUNG LÀNG NINH VÂN

 

 

Vị trí

Xã Ninh Vân nằm ở phía Nam huyện Hoa Lư, cách trung tâm huyện khoảng 14 km, có vị trí địa lý như sau:

- Phía Bắc giáp xã Ninh Hải, Ninh Thắng;

- Phía Nam giáp thành phố Tam Điệp;

- Phía Đông giáp xã Ninh An và huyện Yên Mô;

- Phía Tây giáp thành phố Tam Điệp.

Tổng diện tích tự nhiên 1264,14 ha, gồm 13 thôn là Chấn Lữ - Đồng Quan – Dưỡng Hạ - Dưỡng Thượng – Hệ - Phú Lăng – Tân Dưỡng 1 – Tân Dưỡng 2 – Thượng – Vạn Lê – Vũ Xá – Xuân Phúc – Xuân Thành.

Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư là một xã có giao thông thuận lợi, nằm ngay sát tỉnh lộ 491 và quốc lộ 1A cho nên hoạt động sản xuất, giao thương dễ dàng và tạo nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nơi có nguồn nguyên liệu đá rất phong phú; vì vậy từ xa xưa đã hình thành nên nghề truyền thống chế tác đá. Về địa thế, Xã Ninh Vân nằm ở vùng đồng chiêm trũng ven núi đá với trữ lượng lớn núi đá vôi. Vùng đất này có núi Thiện Dưỡng nổi tiếng, đây được coi là 1 trong 7 linh sơn tụ khí của An Nam.

Lịch sử phát triển làng

Qua kết quả khảo sát thực tế và tài liệu thu thập được, làng Ninh Vân là một làng quê truyền thống lâu đời có từ thời xa xưa. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào khẳng định chính xác về thời gian xuất hiện của nó, chỉ có truyền thuyết về vị tổ nghề đá ở xã Ninh Vân đã được các cụ cao niên kể lại; Qua đó, nghề đá làng Ninh Vân có trên 400 năm. Theo Phạm Thị Loan: “Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ thế kỷ X đã có kinh đô Hoa Lư được mệnh danh là kinh đô đá với những công trình kiến trúc cùng những sản phẩm bằng đá nổi tiếng, nhiều đồ thờ bằng đá ở động Thiên Tôn hay ở đền Thái Vi (xã Ninh Hải) thờ các vua nhà Trần có những bức y môn, cửa võng rất đẹp được làm bằng đá, chẳng khác gì các bức chạm trên gỗ. Rõ ràng nghề chạm khắc đá ở kinh đô Hoa Lư từ thời Đinh, tiền Lê đã phát triển, Ninh Vân vốn thuộc vùng đất kề cận kinh đô, vì vậy nghề chế tác đá ở Ninh Vân có thể đã có từ khi ấy. Những người thợ chạm khắc đá thời Đinh, tiền Lê dù là người gốc ở Hoa Lư hay từ nơi khác đến thì đều là những người có công lao làm ra những công trình, sản phẩm bằng đá tuyệt tác, lại vừa có công truyền dạy nghề này trong vùng. Căn cứ vào thần tích hiện còn lưu giữ tại đình làng Xuân Phúc và truyền thuyết từ xa xưa kể lại thì nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ thời hậu Lê (khoảng thế kỷ XVII), ông tổ nghề chạm khắc đá có tên là Hoàng Sùng, người ở làng Nhồi (Thanh Hóa) đã sang đây truyền nghề. Làng Nhồi vốn thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa có nghề chạm khắc đá nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn vang khắp cả nước. Nghề chạm khắc đá ở núi Nhồi được cho là có từ thời nhà Lý”. Các nghệ nhân làng Nhồi, từ xưa đến nay, đã tạo ra nhiều loại hình sản phẩm như: đồ thờ cúng, tượng đá, bia đá, các tác phẩm điêu khắc đá ở khu điện miếu Lam Kinh đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ như các tượng rồng, tượng người, tượng thú... những tác phẩm độc đáo này đã góp phần quan trọng hình thành nên dòng chảy và đặc điểm qua mỗi thời kỳ của nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống ở Việt Nam. Trên bình diện văn hóa, nghệ thuật, chạm khắc đá dân gian truyền thống xứ Thanh đem lại sự đa dạng về các nghề thủ công và diện mạo văn hóa dân gian truyền thống trên đất Cửu Chân xưa. Cũng có thể do vị trí địa lý (Ninh Bình giáp Thanh Hóa) và nguồn tài nguyên dồi dào (Hoa Lư là huyện có nhiều núi đá) nên nghề chạm khắc đá từ Thanh Hóa đã lan truyền sang Ninh Vân và đã được người dân tiếp nhận và phát triển. Mặc dù có tuổi đời khá lâu như vậy, nhưng làng nghề chỉ thực sự thịnh phát khoảng 20 năm trở lại đây, khi nhu cầu về các sản phẩm bằng đá của người dân tăng cao. 

Ban đầu làng nghề đá Ninh Vân được hình thành bởi hai thôn: Thôn Hệ và Thôn Xuân Vũ và lúc đó có tên là làng Côn Lăng. Nghề đá Ninh Vân trước kia theo hình thức Cha truyền Con nối, từ khi lên 8-9 tuổi trẻ em Ninh Vân đã sớm được chỉ dạy cầm búa cầm đục để tạo nên những sảnh phẩm đầu tay phục vụ cuộc sống hàng ngày, như: hòn tảng phong dầu, tảng gương, tảng chỉ, cối xay, trục lăn…. Thấm đấm trí tuệ, công sức và mồ hôi của thợ làm đá. Ngày nay, để phát huy nghề đá thủ công mỹ nghệ truyền thống, địa phương kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện mở các lớp đào tạo thợ làm đá không chỉ cho con em trong vùng mà còn cho các vùng lân cận và những cá nhân, tổ chức có nhu cầu học nghề.

Cơ cấu làng, xã, thôn

Làng Ninh Vân, xã Ninh Vân, thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Làng Ninh Vân ngày nay có 13 thôn. Làng Ninh Vân có cấu trúc không rõ ràng thể hiện quá trình phát triển mở rộng mang tính hướng tiếp cận chủ yếu từ tuyến đường Tỉnh lộ 491 và Quốc lộ 1. Cấu trúc Làng hiện nay gồm các thôn liên kết với nhau bởi hệ thống liên thôn đã được bê tông hoá. Làng Ninh Vân được giới hạn bởi các yếu tố tự nhiên: phía Bắc là sông Vân, phía Tây và Tây Nam là dãy núi đá. 

Với chủ trương phát triển mặt hàng thủ công đá mỹ nghệ, diện tích các cơ sở sản xuất nghề đã ngày càng được mở rộng. Với chủ tương giảm dần không gian sản xuất trong khu vực ở, năm 2017, xã đã đầu tư mở rộng 11ha diện tích cho 70 hộ dân làm nghề tập trung tại cực Bắc của xã, năm 2019 mở rộng thêm 18 ha khu vực lân cận để mở rộng quy mô cũng như di chuyển các hộ sản xuất phân tán trong các thôn. Đến 2020, dự kiến đất sản xuất và kinh doanh phi nông nghiệp đạt khoảng 198,04 ha tương đương 15,66% tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã. Trong ranh giới xã có trại giam Ninh Khánh nằm phía Tây xã có diện tích 173,22 ha, chiếm 13,7% tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Đây là khu biệt lập với hoạt động của nhân dân trong xã. Ngoài ra, diện tích núi đá không có rừng cây có diện tích 62,25 ha chiếm 4,92%.

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332