Làng Việt hiện nay đang đối mặt với nguy cơ bị biến dạng tự phát trước những tác động nội tại từ điều kiện kinh tế, xã hội và từ các tác động của quá trình đô thị hoá.
Sự biến đổi cấu trúc không gian, xã hội trong làng xã đang xảy ra không chỉ ở một vài làng mà đang diễn ra trên diện rộng, trong đó các làng xã vùng ven đô thị biến đổi rõ nét và nhanh chóng nhất. Đó là sự biến đổi toàn diện về quy hoạch, nhà ở, hạ tầng, môi trường và các yếu tố kinh tế, xã hội như chuyển đổi nghề nghịêp, lối sống... Điều này đang làm tăng nguy cơ làm mất đi các giá trị truyền thống và hình thành môi trường cư trú mới thiếu tính bền vững.
Hiện chưa có những chính sách phát triển hợp lý để đảm bảo cho làng xã thích ứng với các biến đổi kinh tế xã hội mới. Các biến đổi tự phát đang chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực cả về khía cạnh bảo tồn và khía cạnh phát triển.
Không thể để những đình, chùa bị xâm hại, ao làng bị lấp, bỏ hoang phế, cây xanh bị đốn ngã, dòng sông thanh bình trở thành những con kênh ô nhiễm, người làng rời bỏ quê, đồng ruộng bỏ hoang chờ dự án. Cả một hệ thống giá trị văn hoá của ông cha để lại đang đứng trước nguy cơ mai một.
Các giá trị của Di sản làng Việt là to lớn và hoàn toàn có thể phát huy các giá trị đó, tiếp tục vận dụng những kinh nghiệm trong xây dựng môi trường cư trú làng truyền thống của ông cha để kế thừa, thực hiện trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.
"Hãy chung tay để bảo vệ các giá trị di sản văn hoá làng xã truyền thống, bảo vệ các giá trị văn hoá Việt Nam". Đó là thông điệp của nhóm nghiên cứu muốn gửi đến tất cả mọi người.