Từ xa xưa Hương Canh đã nổi danh xứ Đoài về sự trù phú và danh giá, từng có câu ca dao cổ đời Lê ca ngợi vùng đất này:
“Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi, Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hương Canh”
Cũng chính bởi thế tại Hương Canh đã có rất nhiều công trình văn hóa với quy mô to lớn dầy về kiến trúc, dầy đặc về mật độ còn được gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX vẫn còn lại 3 đình lớn và 3 ngôi chùa cổ. Nhưng có lẽ trong các công trình ấy được nhắc tới nhiều và ca ngợi hơn cả là Đình Hương Canh.
Bảng thống kê di sản kiến trúc thị trấn Hương Canh
STT Tên di tích Vị trí Xếp loại
1 Đình Hương Canh TDP Đông Mướp Di tích QG
2 Đình Ngọc Canh TDP Vam Dộc Di tích QG
3 Đình Tiên Hường (Tiên Canh) TDP Tiên Hường Di tích QG
4 Chùa Kinh Phúc TDP Chùa Hạ Di tích QG
5 Chùa Ma Hồng TDP Lò Cang Di tích cấp tỉnh
6 Miếu Thượng TDP Cửa Đồng Di tích cấp tỉnh
7 Miếu thờ tổ nghề gốm TDP Lò Cang
8 Giếng cổ Xóm trong TDP Trong Ngoài
9 Giếng cổ Gần đình Hương Canh
10 Điếm ngói Gần đình Hương Canh
11 Cổng xóm Lò Ngói TDP Lò Ngói
Sơ đồ vị trí các di tích văn hóa lịch sử thị trấn Hương Canh
Đình Hương Canh
Hiện nay tại đình không còn niên biểu ghi lại chính xác niên đại , tuy nhiên căn cứ vào nghệ thuật kiến trúc và những khảo tá trong dân gian lại thì đình được xây vào cuối thế kỷ 17- đầu thế kỷ 18 thời Hậu Lê.
Tòa tiền tế Đình Hương Canh
Tòa Đại đình dài 26m, rộng 13,5m có 6 hàng chân - 48 cột gỗ tốt, đại khoa, cột cái có chu vi 2,40m, cao 6m; cột con chu vi 1,80m, cao 4m. Sự tài tình của người thợ ở đây là ngoài việc mộng sàm chặt khít, còn phải tính toán chính xác để phân phối lực đều cho toàn đình, từ đó tạo cho đình một thế cân bằng (nếu không thì đình sẽ bị lật đổ theo kiểu “nặng bồng nhẹ tếch”). Mỗi bộ phận cấu tạo nên đình đều chịu một lực nhất định tương xứng với chức năng của nó. Các xà ngang dọc giằng co với nhau, thu hút lực đưa về ngọn cột để cột chịu lực là chính. Làm được điều đó chắc phải tính toán, đo đạc kỹ lưỡng đến mức nào. ở xó đình bên phải có một đầu bẩy còn cả lỗ sẹo gỗ do người khai thác chặt bằng rìu để luồn dây kéo gỗ về, phần đó thường phải cắt đi nhưng ở đây vẫn được tận dụng hết. Trong tòa đại đình có rất nhiều bức chạm trổ hết sức tinh vi đặc biệt nhất là những bức chạm trên ván gió. Với 15 bức chạm lớn nhỏ được ghép thành 6 mảng lớn ở trong đình, các bức chạm toát lên tinh thần miêu tả không khí vui tươi của ngày hội làng, nhiều bức đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc đình làng Việt Nam. Như các bức: “Bơi chải”, “Đi săn” “Đánh vật”., “Cưỡi long dự hội”…
Không làm kiểu “chồng bồn tứ trụ” như một số đình khác mà kết cấu bộ vì đình Hương Canh làm kiểu “cột đội cảnh sẻ” rất khoẻ và giữ được nóc đình vững bền. Có thể nói, các bộ phận cấu tạo nên đình được bố trí rất hợp lý, từ các thành phần to đến chi tiết nhỏ đều có một tác dụng nhất định, chúng đều phải “làm việc” với hiệu xuất cao. Để nâng một góc đình với bộ đao khá nặng một số xó nhỏ thôi mà phải ăn mộng tiếp xúc với 6 đầu xà ngang dọc…
Như đã nói, đồ sộ nhưng không nặng nề, đình Hương Canh đã được các nghệ nhân giải quyết điều đó bằng kỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, điêu luyện. Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra, các nghệ nhân đều biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật: Những con kìm được chạm lộng sâu hàng gang tay, những nét mác cong đều vút lên hùng dũng, những đầu hoành, đòn tay là chú voi mập mạp như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình. Đặc biệt là các bức cốn, các bức chạm trên ván gió mới thật là tuyệt tác. Với 19 bức chạm tạo thành 6 mảng trang trí lớn khiến cho nội thất đình Hương Canh thêm uy nghi, sinh động. Tiêu biểu là các bức chạm: Đấu võ, đấu vật, bơi chải, bầu rượu túi thơ, đi săn về, người cưỡi rồng, táng mộ vào hàm rồng, bát tiên…Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, nó phản ánh được phần nào sinh hoạt của xã hội thời Lê Trung hưng.
Chạm khắc trong tòa đại đình Đình Hương Canh
Đình Hương Canh thờ sáu vị thành hoàng là những nhân thần triều nhà Ngô, gọi là Lục vị thành hoàng trong đó có con cả của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập phong là Thiên Sách Hoàng Đế, con thứ Ngô Xương Văn được phong là Quốc Vương Thiên Tử và Đỗ Cảnh Thạc là tướng của Ngô Quyền, cùng 3 nhân vật khác được phối thờ là Linh Quang Thái Hậu, Khả Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.
Căn cứ vào tài liệu thống kê của Viện Viễn Đông Bác Cổ (1938), đình Hương Canh có 26 đạo sắc phong được phong từ đời Hậu Lê tới cuối đời Nguyễn nhưng do những biến cố lịch sử trong thời gian kháng chiến chống Pháp (1949-1954) nên tất cả những sắc phong nay đã không còn và đáng tiếc không còn bản sao ở các thư viện lưu trữ quốc gia.
Không chỉ thờ thành hoàng làng, hai gian cạnh của đình có hai ban thờ khác. Bên tả thờ những bậc tiên hiền của làng gọi là ban ‘Tiên Hiền Quan’. Bên hữu thờ các nghĩa sĩ của làng đã hy sinh trong hai lần chống giặc Thằng Què (Nguyễn Danh Phương) năm 1750 và quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc năm 1884. Ban thờ bên hữu đó gọi là “Ban Trung Hồn Quan”.
Theo tư liệu sưu tầm tại địa phương, và lời kể bậc cao niên trong làng, xưa kia đình Hương Canh vẫn ở vị trí hiện nay nhưng nền thấp, đình lại ở gần bờ sông Cánh hơn cả so với các công trình khác vì thế nhiều năm nước to đều ngập sàn đình. Chính vì thế, năm 1925, cụ trùm nước ba làng Cánh là cụ Nguyễn Khắc Lâm (1884-1944) đã huy động nhân dân lên táng ngôi đình và đổ đất nền lên cao tới 1.5m vì thế đình có địa thế cao như hiện nay . Trong lần trùng tu này người làng đã sửa gọn tòa tiền tế thành phương đình hai tầng tám mái nguy nga lỗng lẫy. Ngày 14, 15 tháng Hai hàng năm là ngày lễ hội tế thành hoàng tại được tổ chức cùng ngày với các đình tại ba làng Tam Canh .Ngoài ngày đại tế các kỳ tế lễ khác như Rằm Tháng 7 , Hạ Điền và hai kỳ giỗ trận đều được tế lễ các đình với quy mô nhỏ hơn nhưng đều nay đều thất truyền hết cả.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, nghệ thuật kiến trúc đình Hương Canh đã được người Pháp đánh giá là một trong những công trình văn hóa có giá trị. Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành nghiên cứu và chụp ảnh tư liệu tại nơi đây, hiện còn lưu trữ ở thư viện viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội nhưng chưa được sưu tầm hết.
Ngày 18-10-1964, đình Hương Canh được Bộ Văn Hóa xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, riêng phần chạm khắc được liệt vào loại A. Từ năm 2007 đến 2010 đình đã được được Bộ VHTT & Du lịch tiến hành trùng tu với quy mô lớn từ nguồn ngân sách quốc gia đã cơ bản cải tạo vấn đề xuống cấp do thời gian và phục dựng được tòa hậu cung đã bị dỡ bỏ năm 1964.
Là công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian, trong thời gian tới đình Hương Canh không chỉ giới hạn ở sự quan tâm nghiên cứu của giới khoa học, mà còn là địa chỉ đỏ trong những chuyến hành hương tham quan thưởng ngoạn của du khách gần xa. Đình còn là nơi sinh hoạt và để lại kỷ niệm của nhiều thế hệ thợ thủ công làng gốm Hương Canh
Đình Ngọc Canh
Cổng đình Ngọc Canh
Cách đình Hương Canh chừng 200m, được khởi dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), đình Ngọc Canh có kiểu thức kiến trúc tương tự đình Hương Canh, rất đồ sộ, cột lớn kết cấu vững chãi. Hiện đình còn nguyên 3 toà kiến trúc bố cục như hình chữ “vương”, tiền tế 5 gian dài 20m, rộng 7,10m; đại đình 5 gian 2 dĩ dài 24m, rộng 15,50m; hậu cung 5 gian dài 10m, rộng 7,30m.
Tòa chính Đình Ngọc Canh
Về nghệ thuật chạm khắc, đình Ngọc Canh cũng có những bức chạm giống đình Hương Canh như: “đấu vật”, “bơi chải”, “đi săn về” hay những hình rồng phượng, con giống... Tuy nhiên nội dung và nghệ thuật chạm trổ ở đây có những điểm khác với đình Hương Canh. Nếu như ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người tạo nên không khí vui nhộn thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về tả cảnh lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Nếu chạm trổ ở đình Hương Canh đẹp trong không khí nhộn nhịp vui tươi thì chạm trổ ở đình Ngọc Canh đẹp trong không gian trầm lắng, suy tư liên tưởng trước thực tế cuộc sống của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 17, như các bức chạm: “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”, “đến hát nhà quan”. Với lối bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét phóng khoáng tự do, chú ý khắc hoạ từng chi tiết thể hiện rõ tình cảm, cá tính của từng nhân vật trong bức chạm để rồi có một tác phẩm hoàn hảo, mang nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện cao độ đề tài định trước. Đó là những thành công nổi bật trong chạm gỗ ở đình Ngọc Canh.
Bên trong đại đình Đình Ngọc Canh
Đình Ngọc Canh, cũng như Hương Canh, Tiên Canh, mỗi đình thuộc một làng, cùng thờ chung 6 vị thành hoàng: Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập - con trai cả của Ngô Quyền, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn - con thứ của Ngô Quyền, Linh Quang Thái Hậu Dương Thị Như Ngọc - vợ Ngô Quyền, A Lữ nương nương Dương Phương Lan - vợ thứ Ngô Quyền, Thị Tùng phu nhân Phạm Thị Uy Duyên - vợ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, Đông Ngạc đại thần Đỗ Cảnh Thạc - tướng và là cháu ngoại Ngô Quyền.
Đình Ngọc Canh và các di tích thuộc thị trấn Hương Canh đã và đang được Nhà nước quan tâm lập dự án trùng tu tôn tạo nhằm bảo quản, gìn giữ kiến trúc cổ truyền và các tác phẩm điêu khắc dân gian cũng như việc khôi phục những sinh hoạt hội hè, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của di tích trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.
1.2.3. Đình Tiên Canh
Kết cấu, kiểu thức kiến trúc, niên đại xây dựng đình Tiên Canh giống đình Hương Canh và Ngọc Canh, tuy diện tích lớn hơn - tiền tế 5 gian dài 23m, rộng 10m, đại đình 5 gian 2 dĩ dài 29,70m, rộng 14m, hậu cung 5 gian 2 dĩ dài 16m, rộng 7m.
Trên bộ khung kiến trúc gỗ đồ sộ, vững chãi ấy, người xưa đã tính toán rồi làm đẹp thêm cho đình bằng việc chạm khắc, trang trí với kỹ thuật điêu luyện, nội dung tinh tế, tả cảnh sinh hoạt của con người, các con vật vũ trụ, tứ linh, kìm nghê và hoa lá cách điệu, như ở cửa võng hậu cung, các bức cốn nách, đầu bẩyĐiểm khác trong trang trí đình Tiên Canh với đình Hương Canh và Ngọc Canh là đề tài về con người ít (chỉ có 3 bức cốn nách tả cảnh: Luyện voi, bơi chải, người múa), chủ yếu là “tứ linh” (long - ly - quy - phượng), trong đó hình rồng xuất hiện hầu hết trong trang trí ở đây. Rồng được thể hiện ở những tư thế khác nhau: Rồng hút nước, rồng uốn, rồng cuốn cột, cá hoá rồngChẳng hạn ở cốn nách gian dĩ đại đình chạm hình rồng cách điệu, mình ẩn, đầu to, tai vểnh, răng nhe. Cốn nách ở tiền tế chạm “tứ linh” với rồng đang hút nước, lân bờm tóc dữ tợn, rùa đang bò miệng ngậm quyển sách, phượng bay cánh xoè rộng lả lướt. Bức “long cuốn thuỷ” tả cảnh một rồng mẹ đang hút cột nước, cạnh có rồng con đang ôm quả cầu. Đặc biệt trên hệ thống cửa võng - hậu cung trang trí toàn hình rồng (cửa võng hậu cung đình Tiên Canh rất độc đáo, là cửa kép, gồm 2 lần cửa). Các cạnh của 3 ô cửa ngoài chạm 7 lớp hình cá hoá rồng, các cạnh của 3 ô cửa trong chạm 8 lớp, mỗi lớp là một hình rồng dài suốt theo chiều cao của cửa (1,50m). Còn ở cột cửa (ô giữa) chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Tính tổng thể ở 6 ô cửa võng có hơn 100 con rồng nằm cùng tư thế song song nhau với cả rừng vây máu trông rất uy nghi. Cùng kỹ thuật đục chạm tỉ mỉ chau chuốt, các hình rồng đều được thếp vàng lóng lánh rực rỡ.
Có thể nói chạm trổ ở cửa võng đình Tiên Canh là kiệt tác độc đáo về chạm khắc gỗ cổ dân gian ở Vĩnh Phúc cuối thế kỷ XVIII. Và với đề tài chủ đạo - hình rồng, chạm khắc ở đình Tiên Canh đã phần nào phản ảnh nội dung tư tưởng đa dạng của xã hội Việt Nam đương thời. Có người nói hình rồng hút nước ở đình Tiên Canh là hình tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Cũng có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh với tỷ lệ cao như thế nói lên sự chuyên quyền của chế độ phong kiến Việt Nam khi ấy, luôn muốn đề cao uy quyền của mình để thống trị nông dân. Lại có người nói hình rồng ở đình Tiên Canh, nhất là hình cá hoá rồng phản ánh tình hình thi cử, ước mơ đỗ đạt của các nho sinh thuở trước như câu ca:
“Mồng ba cá đi ăn thề
Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn.”
Ở đình Tiên Canh có nhiều hình rồng và hoá rồng như thế, chứng tỏ từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đạo Nho ở nước ta đã lấn tới chi phối hệ tư tưởng trong xã hội đương thời.
Chùa Kính Phúc
Hương Canh có ngôi chùa lớn mang tên Kính Phúc Tự nhưng từ xa xưa mọi người vẫn quen gọi là Chùa Cả Chùa nằm giữa vùng dân cu đông đúc xưa nay vẫn được coi là nơi giàu có nhất vùng, có thời kỳ cả ba làng đã có tới mười ngôi chùa và chín cái giếng đá cổ.
Kính Phúc Tự được xây dựng khang trang bề thế trên khu đất cao và rộng hơn 400 mét vuông ở giữa làng Hương Canh. Tương truyền, chùa Kính Phúc xuất hiện trước cả thời kỳ có ba đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường của ba làng Cánh. Chùa toạ lạc trên nền đất đắp cao gần ba mét so với đường làng. Toà hậu cung còn được tôn cao thêm hàng mét nữa. Nếu đứng trên gác chuông chùa có thể nhìn ra khắp cánh đồng làng. Khách đến vãng cảnh chùa từ đường làng bước qua tam cấp lên công tam quan, đi vòng qua toà nhà Môn tự sở vào sân chùa dưới, lại bước lên 9 bậc để lên sân chùa trên rồi bước thêm bậc nữa tới hiên rồi tháo dày dép bước vào chùa để thắp nhang toà tam bảo.
Cổng chùa Kính Phúc
Tiền đường là toà nhà 5 gian 2 mái thấp lợp ngói âm dương, bón góc cong lượn đầu đao cùng hai đầu nóc có hình rồng hướng lên trung tâm nơi có lưỡng long chầu vòng tròn luân hồi theo giáo lý nhà Phật. Phía sau là ba gian nhà ngói được nối liền kiểu chuôi vồ vuông góc với toà thượng điện 3 gian liên hoàn ống muống nên nhìn từ trên cao, toà chính ngôi chùa có hình chữ công, các góc mái và đầu nóc đều cong vút các đầu đao. Song song với toà nhà tam bảo là ngôi nhà dài thờ mẫu. Phía sau thượng điện là lầu chuộng khánh đứng độc lập với 8 mái cong cùng cac đầu đâo cao vút hướng lên 4 phương trời. Vậy là trước tiền đường là toà nhà Môn tự sở, sau hậu cung là lầu chuông khánh đối xứng trước sau với tam quan trước mặt cùng nằm chung trên một đường trục cân đối cả chiều dọc chiều ngang. Chùa Kính Phúc mở cửa về hướng nam nhìn ra con sông Cánh như dải lụa đem nước từ vùng núi Tam Đảo về tưới cho các cánh đồng quanh năm xanh mầu no ấm, thật gần với chốn cực lạc như quan niệm của người xưa!
Toàn cảnh chùa Kính Phúc (Nguồn: Facebook Hư Không)
Chùa Kính Phúc hiện còn lưu giữ được 1 chuông đồng, 1 khánh đồng lớn nặng khoảng 300kg chế tạo từ năm Tự Đức thứ 24 tức là năm 1871. Trước sân chùa còn 1 cây hương cổ bằng đá xanh hình trụ vuông cao gần 2 mét, bốn mặt đều khắc chữ nho ghi các bài kệ của nhà Phật và danh sách các vị đã công đức xây dựng nhà chùa. Qua đó được biết chùa được khởi dựng lại vào năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (1706). Qua nhiều năm ton tạo và mở rộng, ngày 13 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761) mới chính thức đặt thượng lương toà thượng điện. Trong danh sách các vị công đức xây dựng chùa, có nhiều người ở rất xa. Có ông bà Ngô Quang Toàn và Nguyễn Thị Tích ở tận vùng Từ Liêm gần Kinh Thành Thăng Long đã hằng tâm hằng sản nhiều tiền của khi xây dựng, và còn cúng cho nhà chùa mấy sào ruộng để có hoa lợi đèn nhang về sau.
Trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ. Một vài ban thờ còn có số tượng gấp đôi bình thườngg, nguyên do những năm phong trào bài trừ mê tín dị đoan, chùa Ngọc Sơn tục gọi là chùa Bèo của làng Ngọc Canh bị dỡ đi để lấy chỗ xây sân kho của hợp tác xã. Thấy nhiều pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp không ai nỡ đem đốt lò gạch nên phải gửi vào chùa Cả đến tận ngày nay. Chùa không có sư nhưng rất đông các vãi vào ngày rằm mùng một hàng tháng. Trước tiền đường chùa Kính Phúc còn có toà nhà to đẹp xây dựng trên nền đất cao với 4 mái lớn bên dưới và 4 mái bên trên bao gồm 2 mái to 2 mái nhỏ theo kiểu lật mái chồng diêm, tất cả các góc đều có đầu đao long phượng với lối kiến trúc rất độc đáo. Đó là toà nhà Môn tự sở. Đây là sự đặc sắc không ngôi chùa nào có được. Sở Môn Tự cũng chính là trụ sở của các hội đoàn của cả ba làng Cánh, nơi các vị trưởng lão họp bàn việc hàng tổng. Mỗi khi có việc lớn các cụ Chánh hội, trùm nước, tộc biểu, đại diện các danh gia vọng tộc của 3 làng sẽ tụ tập đến đây họp bàn và kết luận những công việc hệ trọng.
Cũng chính từ nơi đây, các cụ đã cho ra nhiều bản hương ước để xây dựng nếp sống mới, bỏ bớt những hủ tục và giữ lại những mỹ tục như bỏ lệ thách cưới nộp cheo quá nặng nề. Việc sêu tết quà cáp cho bố mẹ vợ hoặc thầy học không quá cầu kỳ tốn kém. Cấm hẳn việc dùng và đốt nhà táng giấy, cả làng phải dùng nhà táng bằng gỗ sơn son thếp vàng với tám đòn khiêng vừa trang trọng lại dùng lâu dài cho cả làng cả tổng, tránh tốn kém cho tang chủ. Quy định rõ ma chưa ra đồng, trong nhà chưa được bầy cỗ, cỗ cũng phải hạn chế số mâm, chỉ người trong họ nội ngoại thật gần mới về dự cỗ. Việc khao thọ và mở tiệc yến lão cũng có quy định rõ ràng và bình đẳng với mọi tầng lớp trong dân chúng.
Tự Môn Sở (Nguồn ảnh: Hiếu Trần - 2002)
Vậy là ba làng có ba đình lớn để bàn việc làng, lại có Môn tự sở của chung ba làng là trụ sở cùng bàn việc hàng tổng. Môn tự sở lại cùng nằm trong khuôn viên Chùa Cả. Đó cũng là nét độc đáo mang bản sắc của dân Kẻ Cánh xưa. Theo các vị thái lão cho biết thì Môn tự sở nguyên là ngôi miếu Hạ ở ngoài cánh đồng Hạ, trước đây hay bị lũ về làm ngập lụt nên đầu thế kỷ 20 gia đình cụ Bá Thao vận động dân làng đứng ra đóng góp phần lớn ngân sách để di chuyển miếu Hạ về sân chùa Cả, sửa sang mở rộng nâng cao thành Môn tự sở vừa là nơi thờ thánh vừa là nơi trung tâm bàn việc hàng tổng. Vậy là trong khuôn viên chùa Kính Phúc, chùa Cả có nơi thờ Phật, nơi thờ Mẫu, nơi thờ Thánh, nơi bàn việc làng việc nước. Vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có tính thực dụng, cùng tốt đời đẹp đạo. Tự Môn Sở đã từng được dùng làm lớp học bình dân học vụ, lớp mẫu giáo, nhà giữ trẻ, trụ sở hợp tác xã và là nơi tổ chức văn nghệ quần chúng nhỏ. Rất thoáng mát và tiện dụng.
Chùa Kính Phúc, chùa Cả Hương Canh đã được xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc Gia từ năm 2000. Tương lai sẽ được tôn tạo ngày càng to đẹp hơn để luôn xứng đáng là ngôi chùa Cả của cả vùng và của thị trấn Hương Canh.
Chùa Ma Hồng
Chùa Ma Hồng gọi theo tên chữ của chùa là Ma Hồng Tự, tọa lạc trên một giải đất cao ráo thuộc xóm Lò Cang xưa, nay là TDP Lò Cang, thị trấn Hương Canh. Trước đây, Lò Cang là vùng đất hoang, mang tên gò Dinh, gò Giữa, gò Cắt. Đến thời Cảnh Hưng và Nguyễn Sơ (1742 – 1802) nơi đây nổi tiếng với nghề Gốm sành và sáp nhập vào lãnh thổ Hương Canh. Căn cứ vào các tài liệu và lời kể của nhân dân địa phương thì lịch sử xây dựng Chùa Ma Hồng gắn với sự kiện quan nội hầu Trịnh Xuân Biền và bà thiếp Bùi Thị Ái đến vùng đất này mở xưởng gốm sành năm 1742. Ngày 6/8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 năm 1742 vua Lê Hiển Tông của quan hầu Trịnh Xuân Biền về Hương Canh tặng danh hiệu Trung Nghĩa Dân cho 3 làng kẻ cánh khen ngợi công lao dẹp giặc cỏ, bảo vệ quê hương. Nội hầu Trịnh Xuân Biền vốn sinh ra và lớn lên ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lạc (Thanh Hóa), dòng dõi chúa Trịnh, tinh thông nghề gốm cổ truyền Thanh Hóa, lại có bà thiếp Bùi Thị Ái quê ở Thổ Hà (Bắc Ninh) cũng rất am tường nghề gốm. Tới vùng đất Hương Canh thấy vùng này rất nhiều loại đất sét lại tiện củi nấu nên bàn bạc với ái thiếp mở công trường sản xuất gốm sành. Bà Bùi Thị Ái cũng nhận thấy và xin xây một ngôi chùa lấy tên là Ma Hồng cổ tự (có nghĩa là chùa cổ chuốt nung) để kỷ niệm buổi sơ khai của nghề gốm sành mà hai vị đem từ Thanh Hóa, Thổ hà tới vùng đất này. Đến đời vua Minh Mệnh triều Nguyễn, ngôi chùa được xây dựng lại ở xóm Lò Cang giữ nguyên tên cũ là chùa Ma Hồng cổ tự. Trải qua một thời gian dài Chùa Ma Hồng đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, gần đây nhất vào năm 2003, song với những dấu tích kiến trúc hiện còn thì chùa Ma Hồng mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Cổng chùa Ma Hồng
Ngày 26/1/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 311/QĐ-UBND xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa chùa Ma Hồng, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ảnh chụp các Di tích: Miếu Thượng, Miếu thờ tổ nghề gốm, giếng cổ, điếm ngòi, cổng xóm Lò Ngói
Miếu Thượng (trùng tu năm 2008) và hoành phi “Trác lập đế vương“
Miếu thờ tổ nghề gốm. TDP Lò Cang
Giếng đá cổ. TDP Trong Ngoài
Giếng cổ (Đã xây bê tông hóa), gần đình Hương Canh
Cổng cũ (1926-1995) và cổng mới xóm Lò Ngói