Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Các làng cổ ở Trường Yên (Ninh Bình) - KHÔNG GIAN CẢNH QUAN LÀNG CỔ TRƯỜNG YÊN

 

Các cảnh quan nông nghiệp đặc trưng 

Đến năm 2012, tỷ trọng giữa nông nghiệp và dịch vụ ở Trường Yên vẫn chiếm đa số (trên 60%) nên diện tích đất nông nghiệp chiếm 63% tổng diện tích tự nhiên của xã chủ yếu được canh tác lúa nước 2 vụ và một số diện tích sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu đông. Do mật độ cư trú tập trung cao ở khu vực trung tâm và đồi núi chiếm hơn 1/3 diện tích toàn xã nên hầu hết diện tích đất nông nghiệp của xã đều được quy hoạch tập trung về phía Đông Bắc của khu vực dân cư. 

Với đặc trưng là một xã miền núi và có 3 con sông chảy qua nên cảnh quan nông nghiệp đặc trưng của Trường Yên luôn gắn liền với hình ảnh cánh đồng lúa bên cạnh dòng sông và đồi núi.

 

Cảnh quan nông nghiệp đặc trưng

 

Cây xanh đặc trưng

Trường Yên là một xã có cảnh quan sinh phong phú, đa dạng nên mật độ cây xanh vẫn giữ được tương đối cao. Tuy nhiên mật độ cư trú trong làng ngày càng tăng nên mật độ cây xanh đặc biệt là gần các trục đường quốc lộ chạy trong làng đang ngày càng thưa thớt. Cây xanh đang phân bố giải rác không đồng đều giữa trong làng và các điểm di tích lịch sử. Tại các điểm di tích lâu đời đó, vẫn giữ được một số cây xanh lâu năm có giá trị thẩm mỹ cao như cây đa, cây si, cây nhãn, bàng, xà cừ...Thường được trồng trong các khu vực chợ, đền, chùa... Một số cây có tầm thấp hơn, có giá trị đại trà được trồng ở nhiều khu vực dân cư như cây chuối, cây dâu da xoan... Tại các ngọn núi nằm trong khu di tích Tràng An vẫn được phủ xanh với mật độ cao với đa dạng các loại cây như cây lau, cây muồng, nhãn...

   

Nhãn - cây xanh đặc trưng ở Trường Yên

 

Hệ sinh thái, cảnh quan sinh thái

Trường Yên là xã nằm trong quần thể danh thắng Tràng An bao gồm hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, thời gian và lịch sử đã kiến tạo cho vùng đất này nhiều thung lũng, hang động, hồ đầm và nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, chính điều này đã tạo nên một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng cho Trường Yên.

Do cấu trúc địa hình núi đá vôi ảnh hưởng bởi mưa nhiều với nền nhiệt cao và mặt nước phong phú nên thực vật ở đây phát triển xen lẫn với đá trên các sườn dốc và vùng ngập nước tạo ra cảnh quan đặc trưng hấp dẫn.

Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú còn giữ nguyên nét hoang sơ vốn có từ hàng triệu năm qua càng làm tăng thêm những giá trị vật thể, phi vật thể ý nghĩa của Trường Yên.

 

Cảnh quan sinh thái ở Trường Yên

 

Sử dụng vật liệu, phương thức xây dựng truyền thống: gạch, ngói, đất nung, đá và gỗ

Hệ thống những loại vật liệu kiến trúc truyền thống tham gia vào xây dựng kiến trúc ở Kinh đô Hoa Lư, Trường Yên từ thế kỷ X vẫn tồn tại đến ngày nay bao gồm các loại chất liệu gạch, ngói, đất nung, đá và gỗ.

Trong tất cả các loại vật liệu kiến trúc, gạch là loại hình hiện vật có số lượng nhiều nhất, tham gia vào nhiều vị trí kiến trúc từ chân móng thành, tường thành, tường bao kiến trúc, lát nền hoặc lát thềm sân kiến trúc. Về loại hình, gạch có nhiều loại: gạch hình khối chữ nhật xây tường có chữ hoặc không có chữ, gạch hình múi bưởi, gạch lát nền hình khối vuông có trang trí. Gạch hình chữ nhật có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” với một số khác biệt nhỏ trong khuôn in là loại hình chủ yếu, vài viên có chữ “Giang Tây quân”, cá biệt có viên có in chữ “Bình” ở mặt sau. Gạch lát nền hìnhkhối chữ nhật có hai dạng mô típ trang trí chính là trang trí hoa sen và trang trí hình đôi phượng vờn nhau.

Ngói có số lượng nhiều thứ hai trong số hiện vật phát hiện được ở Hoa Lư. Bao gồm các loại: ngói bò nóc, ngói ống, ngói mũi.

Đồ đất nung và đồ đá có số lượng ít. Đồ đất nung chủ yếu là vật liệu trang trí kiến trúc, đều vỡ mảnh. Đồ đá chất liệu xấu, đa phần là đá tự nhiên tham gia vào các vị trí kè móng tường thành hoặc gia cố chân cột. Cũng tìm thấy một số hiện vật có liên quan đến kết cấu kiến trúc của các cũng điện ở Hoa Lư xưa như bệ đá, chân tảng...

Đặc trưng của vật liệu kiến trúc ở Trường Yên là sự xuất hiện phổ biến của nhóm hiện vật gạch, ngói có chất liệu đồng nhất là đất nung màu nâu đỏ, chất liệu khá mịn, chắc nhưng độ nung không cao nên nằm lâu trong lòng đất thường bị mềm, bở và rất dễ bị mùn nát.

Vật liệu kiến trúc ở Hoa Lư, đặc biệt là nhóm gạch ngói, mặc dù người Việt học hỏi kỹ thuật của người Trung Quốc nhưng đã hoàn toàn sản xuất theo tiêu chuẩn riêng của mình. Những mô típ trang trí sen, phượng khô cứng cũng được người Việt điều chỉnh làm mềm mại, phù hợp với văn hóa Việt. Những vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc mới nhanh chóng được người Việt hòa cùng phong cách kiến trúc tre gỗ truyền thống, từ đó tạo nên phong cách kiến trúc và trang trí kiến trúc riêng, đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc.

Đền thờ vua Đinh ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332