Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Các làng cổ ở Trường Yên (Ninh Bình) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG CỔ TRƯỜNG YÊN

 

 

Sơ đồ vị trí các di sản: Di tích, dấu ấn lịch sử văn hóa

 

 

Sơ đồ các di sản xã Trường Yên

 

Công trình kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc truyền thống, dâu ấn lịch sử (gồm Đình, chùa, miếu, đền, quán, cổng làng, cầu đá, giếng, cổng nhà, kiến trúc nhà ở, khuôn viên, nhà thờ họ, lăng mộ, nhà thờ đạo...)

Hiện tại, các làng cổ Trường Yên còn giữ được một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa phong phú với các chùa cổ, đền, đình, phủ, lăng, thành quách cung điện và các làng cổ, chúng đều thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An. 

 

Cảnh quan khu vực di tích

Hiện trạng cây xanh, mặt nước xã Trường Yên

 

Trên địa bàn xã Trường Yên hiện còn 6 chùa gồm: chùa Nhất Trụ, chùa Am Tiên, chùa Kim Ngân, chùa Cổ Am, chùa Bà Ngô và chùa Duyên Ninh. Tương truyền, Mỗi chùa gắn với một sự tích khác nhau như cầu phúc thì đến chùa Cổ Am, cầu lộc vào chùa Kim Ngân, cầu danh vào chùa Nhất Trụ, cầu thọ vào chùa Bà Ngô, cầu tài vào chùa Am Tiên còn cầu duyên thì vào chùa Duyên Ninh...

   -  Tổ hợp cảnh quan chùa Kim Ngân (chùa Ngần)

Chùa Kim Ngân thuộc khu di tích lịch sử - văn hoá Cố đô Hoa Lư, nằm về phía Đông của thôn Chi Phong – xã Trường Yên – Hoa Lư, toạ lạc trên thửa đất rộng 2000m2, chùa giáp với núi Quèn Vuông (là nơi thông nhau giữa thành ngoài và thành trong của kinh đô Hoa Lư) về phía đông, giáp núi Đồng cốc về phía Tây, núi Thanh Liêu về phía Bắc, giáp núi Quèn Rót và đường làng vào thôn Chi Phong về phía Nam. Chùa Kim Ngân là nơi thờ Phật.

 

Chùa Kim Ngân

Về nghệ thuật - kiến trúc và điêu khắc: Ở cửa võng toà tiền bái có chạm rồng yên ngựa chầu mặt nguyệt, hổ chầu long, mây cụm, nửa lá đề, hoa sen cách điệu. Ngoài ra, các bức mê trang trí, các pho tượng thờ và nột số đồ thờ đều mang phong cách triều Nguyễn nhiều hơn. Chùa nằm ở giữa cánh đồng ngần, bốn bề là núi non bao bọc tạo thế chống đỡ, phía trước là ao hồ rộng tạo thuỷ tụ về.

   -  Tổ hợp cảnh quan chùa Duyên Ninh

Chùa Duyên Ninh (chùa Thủ) thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của Khu di tích Cố đô Hoa Lư, nơi đây được xem là một trong những ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng ở Việt Nam.

 

Chùa Duyên Ninh

Chùa Duyên Ninh là ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thế kỷ X dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Chùa Duyên Ninh cùng với chùa Kim Ngân nằm ở vị trí thành Tây của kinh đô xưa. Cũng như chùa Nhất Trụ, chùa Duyên Ninh là nơi thờ phật và các nhà sư thế kỷ 10 như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.

   

Bên trong chùa Duyên Ninh

   -  Chùa và động Am Tiên

Động Am Tiên

Động Am Tiên nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, xưa kia đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng xây pháp trường, trừng trị kẻ có tội, và đồng thời có ngôi chùa mà Thái hậu Dương Vân Nga tu hành cuối đời. Đường đi đến đây khá hiểm trở bởi phần lớn khu vực động Am Tiên là một thung lũng ngập nước được bao bọc bởi những vách núi đá. 

 

Động Am Tiên, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình

Động Am Tiên ở lưng chừng núi, vị trí địa lý khá hiểm trở, phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi mới được động. Từ xa, động có hình dạng giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng. Ngoài ra trong khu vực còn có hang Muối, hang Tiền... là nơi vua cất giữ lương thực, ngân khố quốc gia thời Đinh Lê.

 

Bốn bề động là núi, tạo thành một thế giới riêng biệt

Chùa Am 

Chùa Am, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình

Điều độc đáo của chùa Am là dựa vào hang động và núi để xây dựng. Con người cách đây trên 10 thế kỷ đã biết vận dụng thiên nhiên để tạo dựng lên 1 ngôi chùa như thế.

   -  Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột) 

Nhất Trụ (còn gọi là Chùa Một Cột) là ngôi chùa cổ có từ thế kỉ X, nằm trong quần thể Khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư.

Chùa Nhất Trụ được tạo lập năm 995, vua Lê Đại Hành đã cho dựng cột kinh (trụ đá) để khắc kinh dâng nhà Phật và xây dựng theo kiểu chữ Đinh, hướng chính Tây, gồm có cột kinh, chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp… Chùa có tên Nhất Trụ vì trước chùa có cột đá cao hơn 3m, tiết diện hình bát giác. Trên thân cột ngoài 3 phần chữ khắc gồm có Lạc khoản, Kệ, Kinh còn có các chữ “Đệ tử Thăng Bình Hoàng đế tả đạo” ("Hoàng đế Thăng Bình" tức vua Lê Hoàn).

 

Cổng tam quan chùa Nhất Trụ

Thạch kinh chùa Nhất Trụ là một minh chứng cho nền nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Năm 973, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng  ở Hoa Lư 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà la ni. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam. Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng). Sau nhà Đinh, vua Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật

Cột kinh phật cổ nhất Việt Nam nằm trong lầu tứ giác tại chùa Nhất Trụ

 

Giếng đá cổ trong khuôn viên chùa Nhất Trụ

   -  Chùa Bà Ngô

Chùa Bà Ngô là tên dân dã của chùa Đàm Lư, một di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, chùa được xây từ khoảng thế kỷ X, sát bên phải bờ đê sông Hoàng Long và liền kề khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Vị trí của chùa nằm gần bến đò Trường Yên và di tích núi Cắm Gươm, nơi gắn với giai thoại rồng vàng chở Đinh Bộ Lĩnh từ phía Gia Viễn sang huyện Hoa Lư và gây dựng sự nghiệp đế vương.

 

Chùa Bà Ngô

Trong các ngôi chùa cổ ở Cố đô Hoa Lư, chùa Bà Ngô là ngôi chùa nằm độc lập, tách biệt khỏi khu dân cư. Khung cảnh chùa khá yên bình núp dưới những tán lá cây xanh mướt.

   -  Đình Yên Trạch 

Nằm trong vùng đất Cố đô Hoa Lư xưa, nhân dân làng Yên Trạch đã tôn vinh những vị vua của cả hai triều Đinh và Tiền Lê là những phúc thần che chở cho cuộc sống của dân làng.

 

Đình Yên Trạch là nơi thờ cúng, tưởng niệm người anh hùng của dân tộc là vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên sáng lập ra nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta năm 968. Lê Đại Hành kế nghiệp ngôi báu nhà Đinh, có công đánh Tống bình Chiêm, giúp đất nước được thái bình thịnh trị.

 

   -  Đình Yên Thành

Đình Yên Thành nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, cách đền vua Đinh – vua Lê khoảng 500m, thuộc làng cổ Yên Thành - nơi trung tâm nhất của cung điện Hoa Lư xưa. 

Được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, cổ xưa dựa trên những nguyên tắc của thuật phong thủy, đình nằm ở trung tâm làng, sân được lát gạch đỏ, phía trước có giếng khơi tạo thành thế “tụ thủy” –  thế được người xưa quan niệm là mang lại điềm thịnh mãn cho làng.

 

 

Ngôi đình dài 20m, rộng 11m, có 36 cột gỗ lim, chu vi cột cái 1m, 4 mái uốn cong mềm mại, các bờ giải có hình con sấu, trên đỉnh đắp nổi hình rồng chầu nguyệt theo thể thức đăng đối. 

   -  Đền Vực Vông

Đền Vực Vông là một di tích lịch sử văn hóa nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, bên dòng sông Hoàng Long, thuộc thôn Chi Phong - Trường Yên - huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

Đền Vực Vông ở cố đô Hoa Lư

 

Đền được xây dựng từ thế kỷ 16 và được trùng tu xây dựng lại nhiều lần. Kiến trúc tổng thể đền theo kiểu chữ Công gồm ba phần: Bái đường, Trung đường và chính cung. Bái đường thờ Quan Giám Sát, chính cung thờ bà Nguyễn Thị Niên, nhân dân địa phương tôn thờ bà là Mẫu Thoải vì đã có công trong việc trị thuỷ, xoá bỏ tục lệ cúng người cho thuồng luồng, đem lại bình yên cho người dân đất cố đô. 

   -  Đền Phất Kim

Đền thờ Công chúa Phất Kim (còn gọi là phủ Bà Chúa) là ngôi đền nhỏ, thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền nằm trong khu dân cư làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên. Đền nằm chính giữa, cách đều đền Vua Lê Đại Hành và phủ Vườn Thiên 300m.

 

Đền thờ công chúa Phất Kim ở Hoa Lư, Ninh Bình

   -  Đền Vua Đinh

 

Cổng đền Vua Đinh

Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh. 

Khuôn viên bên trong Đền- Cặp long sàng Đền thờ vua Đinh

Đền Vua Đinh được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, trục chính đạo hướng đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa. 

Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối

Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối trên trục thần đạo. Bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở Chính cung. Hồ bán nguyệt là một hồ nước xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình xưa. Trong hồ thả hoa súng. Sau Minh Đường - Hồ Bán Nguyệt là bức bình phong. Theo thuật phong thủy, bình phong để án ngữ gió độc. Ở giữa bình phong là bông gió với họa tiết kiểu hoa cúc, ý nói lên sự trường tồn. Ngọ môn quan là cổng ngoài dẫn vào đền. Trên vòm cửa cong là hai con lân vờn mây. Phía trên cổng là hai tầng mái che với tám dao mái cong vút. Cổng ngoài có ba gian lợp ngói, mặt trong cổng ghi bốn chữ "Tiền triều phụng khuyết".

Đền Vua Đinh cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký.

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332