Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) - DI SẢN PHI VẬT THỂ LÀNG HƯƠNG CANH

Danh nhân, truyền thuyết
Theo tích xưa truyền lại, khoảng năm 951 khi đó Kinh đô ở Cổ Loa. Vua lúc đó là Ngô Xương Văn, con trai thứ hai của Ngô Vương Quyền. Vua có tinh thần thượng võ, sau khi dẹp được Bình Vương Dương Tam Kha dành lại ngôi vua, ngài rước anh là Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Xưng là Thiên sách Hoàng đế.
Gặp buổi thái bình, hai vua đem quân vào săn thú rừng ở vùng Đại Lải ngày nay, khi về qua vùng đất Hương Canh có cho quân nghỉ lại ở Miếu Hạ thịt thú khao quân.
Dân làng Hương Canh cảm ơn đức của Ngài xin lập sinh từ ở đó, được Vua đồng ý. Nơi nhà Vua đóng quân hiện còn di tích là gò Ngự, gò Sấm. Khi nhà Vua đi rồi ta lập sinh từ ở Miếu Thượng, miếu Hạ, miếu Mong. Miếu Mong ở trước miếu Thượng, miếu này đã đổ nát từ lâu chỉ còn lại cái đền trước mặt miếu Thượng. “Mong”’ là các cụ lấy ý từ chữ vọng ra, Vua đi dân ngóng.
Làng Hương Canh thờ hai anh em nhà Vua, mẹ vua, một vị tướng, một con dâu phong hoàng hậu, một bà con gái, tổng cộng là 6 vị Thành hoàng.
Một làng cổ ở nơi thôn dã mà trong đó có 3 cái đình lớn, 4 cái chùa, 3 cái miếu cổ, 21 cái điếm, độ 15 cái quán rải khắp đồng. 1 toà chỉ huy là Tự môn sở, 9 cái giếng cổ, 9 cái cổng quanh làng.
Trong vè làng có ghi :
“Miếu từ 3 điện, chùa cao 9 toà”.
“Tuy rằng tiếng ở nhà quê
Mà so với chốn kinh kỳ kém đâu”
 Và:
“Kẻ Chợ băm sáu phố phường
Kẻ Cánh 7 cơ, 21 ngõ”
Những câu vè đã cho thấy làng Cánh xưa rất đẹp, sầm uất sánh với chốn Kẻ Chợ, kinh kỳ. Trong làng có nhiều cây cổ thụ. hai cây đa cổng Hính, cây đề Bạch thạch trước chùa, cât gạo, cây bàng, cây si …
Lễ hội, trò chơi dân gian
Hương Canh xưa là vùng đất có rất nhiều lễ hội truyền thống. Theo bài vè làng Cánh quyển 2 bẳng chữ Nôm của cụ Giáo Phan có niên đại Giáp Thân năm 1884 , có liệt kê các tục lệ lễ hội ở làng Hương Canh xưa. Các lễ hội đã kể đến là:
- Hội đấu sào, mùng 4 tháng giêng:
Mồng bốn có hội đấu sào
Ba ngày chuông trống ào ào như lôi
- Ngày tế đình rằm tháng 2:
Tháng hai có tiệc chay bàn
Cờ bay phấp phới quạt che rườm rà
- Hội bơi chải tháng 7:
Tháng bảy tiệc ấy cũng to
Đại hồng kê phải chọn mưa cho cầu
Trên thì tế lễ linh đình
Dưới sông sáu chải dập dìu chải bơi
 
 Ba ngày gắng sức đua tài
Khi thì giải dật, khi bơi giải đào
- Lễ Hạ Điền: rắm tháng 10
Hạ điền là tiệc tháng mười
Xôi hơn trăm cỗ, lợn vài mươi con.
Hội Kéo song
Lễ hội, trò chơi dân gian đặc sắc nhất tại Hương Canh là hội kéo song. Năm 2014, Hội Kéo song Hương Canh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Kéo song là trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của người dân vùng sông nước. Trò chơi kéo song từ xưa đã được nhiều làng, xã thuộc huyện Bình Xuyên tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân như: Ngoại Trạch, Quất Lưu, Sơn Lôi, Thanh Lãng… nhưng duy trì được đến ngày nay thì chỉ còn lại ở thị trấn Hương Canh. Riêng ở Hương Canh, kéo song là trò chơi dân gian truyền thống của 3 làng: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh.
Lễ hội kéo song được bắt nguồn từ chiến thuật thao lược, luyện quân thủy của các tướng lĩnh thời kỳ chống quân Nam Hán. Chiến thuật sử dụng dây song kéo điều chỉnh tốc độ của chiến thuyền sao cho phù hợp với thời gian dâng, hạ của thủy triều trên sông Cánh. Đây cũng chính là chiến thuật giúp đại quân của Ngô Quyền giành thắng lợi trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Từ đó, trò kéo song được đưa vào tập quán sinh hoạt tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Trò chơi Kéo song đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm của người dân Hương Canh (Bình Xuyên). Ngày hội kéo song ở Hương Canh được tổ chức chính thức vào ngày mùng 3 tháng Giêng hàng năm và là trò diễn trong hội làng Cánh vào dịp rằm tháng hai âm lịch với ý nghĩa tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, cầu một năm mưa thuận gió hòa. Mặc dù trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, nhưng cách thức thực hành và những nghi thức của trò diễn vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, thể hiện tính cộng đồng, rèn luyện sức mạnh bền bỉ và sự khéo léo của người cầm quân.
Trong thời gian tới, huyện Bình Xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tìm hiểu, nhận dạng, tiếp tục làm rõ những nét văn hóa còn tiềm ẩn của trò kéo song trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn phục dựng đầy đủ và lập cơ sở dữ liệu, tư liệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, làm cơ sở cho công tác tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá. Huyện tổ chức truyền dạy kỹ thật kéo song cho thanh thiếu nhi trong thị trấn Hương Canh, có kế hoạch đưa trò chơi vào giáo dục tại các trường phổ thông để bảo vệ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di sản, rèn luyện sức khỏe cho học sinh.
Lễ tế đình và tiệc làng Hương Canh
Tương truyền lúc sinh thời Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập một lần dẫn quân đi tuần thú và săn bắn đã ghé qua làng dừng chân ở gành Hạ rồi lên hạ trại ở gành Thượng để khao quân. Các bô lão trong làng hay tin đã ra tận nơi đón rước nhưng các ngài không muốn vào làng vì sợ làm phiền hà tới trăm họ. Các cụ liền ngỏ ý xin được lập sinh từ hai Ngài ở cả ba làng để được thường xuyên bái vọng và đã được chấp thuận.
Lệ xưa, ngoài những ngày sóc vọng hàng tháng đèn nhang thờ phụng, mỗi năm cả ba đình đều có ba ngày lễ trọng: đại lễ vào ngày 15 tháng Hai, lễ Thượng điền 15 tháng Bảy, lễ Hạ điền 15 tháng Mười. Thường gọi là tiệc làng. Những năm được mùa hoặc có sự kiện đại hỷ, tiệc chính của làng có thể kéo dài đến ba ngày liền, nhà nhà đều làm cỗ, trước là đem cúng tiên tổ, cúng đình miếu sau là mời bạn bè xa gần đến chung vui.
Nghi lễ tế lễ cả ba đình ở đây cũng giống như các nơi khác. Riêng lễ vật phải giữ đúng “hèm” riêng. Ngoài thủ lợn mâm xôi, mà phải là xôi trắng không có đỗ, còn phải có một con lợn thui chín. Con lợn này không cần to lắm nhưng phải là lợn đen tuyền chỉ nặng chừng 30kg trở xuống, vẫn đang thả rông cho giống như lợn hoang càng tốt. Trước khi dâng tế đình, lợn đem ra miếu Hạ chọc tiết rồi khênh lên miếu Thượng làm lông thui vàng mổ moi hết nội tạng, rửa sạch sẽ rồi nướng quay trên bếp than hồng cho thật chín vàng. Sau đó trịnh trọng đặt lợn vào mâm đồng khênh rước vào tế đình.
Cỗ tiệc ở đình mang tính nghi thức là chính lại là cỗ đại trà nên rất giản đơn. Bình quân mỗi người dự tiệc kể cả quan viên, chức sắc, khách mời đều nhận chỉ một nắm xôi to, vài miếng thịt thái mỏng chấm muối. Cũng có vài đĩa rau, củ, quả xào với lòng gan thưa thớt, đôi bát canh loãng nhưng tuyệt đối kiêng hành tỏi.
Lúc vào mâm, các vị trưởng lão, chức sắc, thực khách được mời lên chiếu trên rồi lần lượt mọi người nhìn nhau mà ngồi vào các chiếu dưới, cứ bốn người một mâm. Các trai đinh còn ít tuổi có thể ngồi ăn cùng nhau trong các nhà tả, hữu vu, nhà giải vũ phía ngoài.
Đặc biệt không ai phục dịch ai. chỉ có anh mõ làng phục vụ các mâm trên mà thôi. Tiệc đình làng thời xưa không có phụ nữ. Các cụ, các bà đã có Chùa Cả để giao lưu với nhau.
Tuy cỗ bàn đạm bạc nhưng tiệc đình rất trang trọng và vui vẻ vì “một miếng giữa làng bằng một sàng nơi xó bếp”. Các mâm rượu ở đình lại rất dồi dào vì có nhiều nguồn cung cấp do các quan khách đến lễ bái thường kèm theo mỗi thẻ hương lại thêm vài chai rượu trắng. Những ngày này các gia đình đều làm cỗ tiệc làng, nhiều nhà đội cỗ ra cúng đình để vầu tài lộc; cúng xong mâm cỗ đội về còn rượu thì để lại, vì thức nhắm thì ít mà rượu lại nhiều nên những ai không biết giữ mình tuy khem ăn nhưng lại tục uống cũng sẽ bị say ngã đổ giữa chốn đình trung để rồi sẽ phải ân hận suốt đời.
Riêng một nửa cái thủ lợn, mâm xôi và con lợn thui đặt trên bàn thờ, ông chủ tế sẽ giao cho anh mõ và chỉ dẫn anh ta có nhiệm vụ chia đều phần và phải đem biếu đến tận nhà các vị chức sắc, trưởng lão, kể cả các vị vắng mặt. Đây là việc tuy nhỏ nhưng rất hệ trọng. Nếu không nhắc nhở và kiểm tra anh mõ sơ ý để thiếu phần của vị nào đó sẽ phát sinh ra khá nhiều mâu thuẫn, từ bé xé ra to rất khôn lường. Bởi vì ngồi giữa chốn đình trung ai cũng bình đẳng như ai về miếng ăn lời nói, chỉ hơn nhau cái chỗ ngồi và gói phần mang kính biếu tới tận nhà. Vì thế vai trò của anh mõ là khá quan trọng. Mỗi làng ở đây đều có từ một đến hai anh mõ, anh nào cũng phải tỏ ra mẫn cán để được lòng tất cả làng, thật khó hơn cả làm dâu trăm họ, nếu không sẽ bị “cách” cả cái “chức mõ”.
Tiệc làng Cánh vào những dịp Thượng điền, Hạ điền thường là tiệc chay. Lễ vật cúng lễ đình chỉ là xôi chè hoặc bánh dày chè kho. Xôi vẫn là cỗ xôi trắng và chè cũng là chè con ong nấu bằng xôi nếp với mật ngọt. Bành dày cúng đình là loại bánh giã bằng xôi cứng và nặn to bằng cả lòng mâm đồng. Bánh cứng rắn như nắm cơm to và không có nhân. Chè kho cũng nấu cho thật khô bằng đỗ đãi cùng mật cái rồi đổ khuôn bằng bát hoặc khay lớn. Bánh dày và chè kho đều có thể cắt miếng mỏng xếp chồng lên nhau, các miếng không dính vào nhau. Dù để lâu hàng tuần sau cũng không sợ bị ôi thiu. Lát bánh dày để khô đem nướng bếp than hồng sẽ trở thành bánh phồng rất thơm ngon.
Dự tiệc chay, sau khi thụ lộc ở đình, các quan viên ngồi chiếu trên cũng được anh mõ đem kính biếu phần lộc thánh đến tận nhà mặc dù có thề đến chậm vài ba ngày vì “lộc chay” dễ bảo quản hơn “lộc mặn”.
Ngày nay việc cúng tế ở ba đình Hương Canh vẫ được giữ theo lệ cũ. Các thủ tục rườm rà lạc hậu đã được loại bỏ. Tiệc đình ngày nay không chỉ có các lão ông mà còn có cả các lão bà tham dự. Mọi người cùng vui vẻ, cùng nâng chén để thụ lộc thánh giữa chốn đình trung, cùng bàn việc làng việc nước. Không còn cảnh chia phần lộc tận nhà vì anh mõ cũng không còn nữa. Mọi người cùng chung tay “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Hội bơi chải Hương Canh 
Xưa kia cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm là đến mùa nước lớn, nước sông Cánh dâng cao sát luỹ tre làng. Khắp một vùng từ  Bến Ươm,Cầu Sổ, Cầu Treo, Đồng Mong, Đồng Máy là một bể nước mênh mông, cũng là lúc người Hương Canh cày cấy vụ chiêm  đã xong xuôi. Dân ba làng nghỉ cày bừa, chợ búa để tổ chức hội bơi chải.
Theo lệ xưa vào mùa nước lớn khắp Bến Ươm, Cầu Chợ, Cầu Sổ, Đồng Mong, Đồng Máy, Cầu Treo, cả một dải sông Cánh uốn lượn quanh làng, nước dâng lên mênh mông, là lúc người Kẻ Cánh nghỉ cày bừa chợ búa để tổ chức lễ hội thi bơi chải.
Ba làng Kẻ Cánh gồm Ngọc Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh gộp lại. Về mùa nước, quần thể ba làng nổi lên như một hòn đảo, tre bọc kín mít. Mỗi địa phận tha gia lễ hội phải chuẩn bị hai chiếc chải. Họ luyện tập từ hơn một tháng trước ở  Cầu Treo.
Toàn bộ cánh đồng khu vực Cầu Treo mênh mông nước, nối liền với Tân Phong, Thanh Lãng bây giờ, thủa ấy thông suốt tới cống Lồ, hội lưu với sông Nguyệt Đức chảy về xuôi.
Lúc đó Cầu Treo được cấu tạo theo kiểu “thượng gia, hạ trì” có mái lợp ngói vẩy rồng, lồi đi giữa ngựa xe qua lại được. Hai bên cầu đóng bệ cao, dựa vào lan can. Khi mở hội cầu Treo biến thành khán đài, nơi chấm giải của ban giám khảo. Lúc hết hội, cầu ại là nơi đi lại nối liền hai bờ, vừa lại được sử dụng làm quán bán hàng chủ yếu là hàng xén, với những vật phẩm lạ mắt, xinh xinh rẻ tiền.
Một số thái lão cho rằng ngày xưa vua thưởng công cho cả làng có công. Hương trưởng được phép rắc trấu xuống sông, trấu trôi đến đâu, dân được nhận ruộng đến đấy.Người ta dùng chải bơi đuổi trấu theo, cũng là một mẹo để lùa trấu trôi nhanh mà cắm mốc định ranh cho rộng ra. Một số túc nho lại cho rằng  ba làng Cánh có thuỷ lưu bao bọc, mùa mưa lũ hay gây ngật lụt, giặc cỏ thừa cơ quấy nhiễu, cướp bóc. Nếu dân không thạo nghề sông nước thì khó lòng trụ nổi với thiên tại, đich hoạ.
Chải là một loại thuyền đóng bằng gỗ Nhừ hoặc chò chỉ, hình thoi, phần giữa thân rộng 1.5m. Dọc theo lòng chải nối từ mũi đến lái là một xà gỗ hình hộp, mỗi mặt dầy 25cm như xương sống cá chia làm 16 khoang. dầm gắn chặt vào hai bên mạn chải, hệ thống xà và dầm này đều làm bằng gỗ sa mu cho nên chải rất kiên cố, chịu được va chạm mạnh.
Mũi chải làm bằng gỗ mít hoặc gỗ thừng mực, thớ mịn và xoắn, khó nứt vỡ. Làng Tiên Canh làm chải đầu rồng, mũi vút lên lướt rất nhẹ. Ngọc Canh làm chải đầu phượng, mỏ nhọn và sắc. Hương Canh làm chải đầu kỳ lân rất oai phong.
Chải có 32 thuỷ thủ, chia làm 16 cặp, ngồi ở 16 khoang, cần giầm bơi đều tăm tắp. Tất cả  đều cởi trần đóng khố chít khăn trên đầu.
Nghe trống chiêng khua, rồi pháo lệnh nổ, các chải lao vút ra giữa dòng sông Cánh. Giầm bơi khua rào rào, bọt nước tung toé. Mỗi làng có hai chải thi đấu. Các chỉ huy giỏi dùng chải thứ nhất cắt đường bơi của đối phương, ép chặt không cho đi thoát để mở lối cho chải thứ hai của bên mình có đường bơi ngắn nhất không gặp vật cản phăng phăng về đích, giật lấy giải thắng cuộc do ban giám khảo là các cụ Trùm nước từ cầu Treo thả xuống.
Nói về lễ hội này người Hương Canh xưa để lại câu ca dao:
“Có cầu Treo hình như bán nguyệt
Ở trên cầu trai gái vui chơi
Ở dưới sông hơn mười chải bơi
Quan Chánh khảo ra tay cờ phất
Lúc đang thi ai biết nhì nhất”
Ngày hết hội chải được khiêng về kê trên mễ cao đặt ở gian chái đình, làng Ngọc thì cất ở chùa Ngọc Sơn, đến mùa thì sơn thếp lại cho mới để chuẩn bị vào hội. Đến đầu thế kỷ XX thì làng bỏ lễ hội này. Không biết rõ vì sau làng bỏ lễ hội bơi chải. Theo cụ Nguyễn Khắc Miễn có kể:
“Mỗi làng còn có 2 cái chải, mỗi cái dài độ 10 mét, trai tráng thi bơi rất vui . Có một năm hội Tây, bọn quan lại bắt dân ta phải lên phục vụ chúng tại Đầm Vạc, rất tốn kém và vất vả .thế là các cụ về bỏ chải nát không sửa chữa nữa. Lứa tuổi tôi (sinh năm 1919)  chỉ biết cái chải chứ không được xem bơi.”
Có người lại cho rằng, từ những năm 1920, hệ thống thuỷ lợi người Pháp làm đã làm cho lượng nước dồn về sông Cánh không còn nhiều như xưa. Lễ hội bị bỏ nhưng chải vẫn được giữ lại để ghi nhớ về phong tục này. Mãi những năm sau này chải mới bị mất. Chải làng Hương bị giặc Pháp phá mất năm tạm chiếm, chải làng Tiên thì bị đốt cùng với hạc thờ thời hợp tác  Chải làng Ngọc bị mất thời đình làm sân kho. Vì thế ngày nay không ai còn biết chải ba làng hình dáng như thế nào. Hình ảnh duy nhất có ấn tượng ngày nay là  ở đình Hương Canh và đình Tiên Hường đều có các bức chạm miêu tả cảnh bơi chải  ở Hương Canh rất tinh xảo.
 

Chạm khắc cảnh bơi chải tại đình Hương Canh (phải) và đình Tiên Canh (trái)
Ẩm thực, sản vật đặc thù
Bánh hòn, cháo se:
Từ nhiều đời nay, ở vùng đồng bằng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc đã lưu truyền hai món ăn dân dã nhưng rất nổi tiếng được làm ra từ hạt gạo tẻ. Đó là cháo xe và bánh hòn. Cái tên nghe thật mộc mạc nhưng luôn để lại ấn tượng khó quên cho những người thưởng thức.
Theo dân gian truyền lại, cháo xe - bánh hòn xuất hiện vào những năm  cuối của cuộc chiến  giữa dân làng Hương Canh chống quân khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1741-1750). Vào những năm cuối cùng chống quân Nguyễn Danh Phương, dân làng Hương Canh lâm vào tình trạng thiếu lương thực vì 7 vụ lúa liên tiếp bị quân của Phương về gặt đem đi mất. Số gạo trong làng còn lại rất ít ỏi, tình thế ngày càng lâm vào khó khăn. Hội đồng kỳ mục và cụ già cho rằng số gạo còn lại trong làng cần giã nhỏ ra làm bánh sẽ được nhiều hơn và khi chia phần để nuôi quân cũng sẽ đều nhau hơn, số bột còn lại sẽ đem nấu cháo để húp chống đói. Bánh hòn xưa nặn to thì càng có cảm giác ăn nhiều, càng rỗng và mỏng vỏ thì càng ít tốn bột gạo hơn. Do đó bánh luôn được nặn rỗng và cho nhân đầy. Nhân bánh là hành tươi hoặc mộc nhĩ trộn với muối, những thứ gia vị ấy luôn có sẵn có trong vườn nhà.
Số bột còn lại đã giã nhỏ nấu thành cháo chia cho mọi người, vì đã đem đươc giã nhỏ nên thứ cháo nấu lên ấy trở nên sánh như hồ loãng. Tuy nấu được nhiều nhưng ăn lại nhanh đói. Các cụ nảy ra ý định cho thêm bột  gạo vào cháo loãng kia và cũng là để có cảm giác được ăn nhiều “cái” hơn nên không thể nấu nhuyễn. Số bột ít ỏi sau khi làm bánh thừa được cán mỏng  rồi xiết thành những thớ bột nhỏ và dài cho thêm vào nồi cháo bột loãng. Tuy nhiên, khi sợi bột ấy khi vào nồi cháo nóng thường vón cục lại mà không đều cả nồi cháo. Các cụ xưa bèn thêm nước vào phần bột ấy, nhào trộn cho đều, rồi để lên hai  tay se lại cho chảy xuống từ từ. Khi lăn nhẹ hai tay bột ướt dần dần chảy từng sợi nhỏ giữa hai lòng bàn tay vào nồi cháo đang sôi nên xuống đến đâu bột chín đến đó, không chìm, mà lửng lơ trong nồi cháo.
Với cách làm ấy dân làng Cánh đã nấu, cùng nhau ăn ăn và đã sống qua những ngày gian tháng gian khổ nhất trong những ngày tháng bị vây hãm. Các tráng đinh được tiếp tế từng nắm bánh nhân hành rỗng ruột mà thơm ngon, những bát cháo nóng ăn  được nhiều nên không bị đói. Vì bánh được nặn tròn mà to lại rỗng bên trong nên người ta gọi là BÁNH HÒN, cháo phải dùng hai tay để xe bột thành sợi nên gọi là CHÁO SE.

 

Nặn bánh Hòn (Nguồn: Cơ sở bánh hòn Hưng Thinh)

 

Ngày nay ở Hương Canh làm bánh hòn nhỏ hơn xưa rất nhiều, nhất là bánh được làm để bán. Tuy nhiên ở trong làng, nếu làm tự làm bánh để ăn, người ta thường nặn theo lối cổ truyền. Bánh to, vỏ mỏng, ruột bánh vẫn phải rỗng và  được cho đầy nhân hành.

Cháo xe Hương Canh phải ăn bằng đũa
Vó cần (nộm rau cần)
Rau cần Hương Canh giòn và thơm hơn các vùng khác rất nhiều nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp ở Bình Xuyên. Rau cần có thể xào, xấu canh vô cùng ngon, nhưng món ngon nổi tiếng của Hương Canh là vó cần (nộm rau cần).

Vó cần Hương Canh
Chế biến nộm rau cần không khó, quan trọng nhất là phải có nguyên liệu thật tươi ngon. Rau cần trắng sau khi hái về được mang đi rửa sạch rễ, lá, rửa thật sạch, thái vát theo ống cần thành từng miếng dài khoảng chừng hai đốt tay. Với những cọng cần to, ta có thể chẻ đôi trước khi thái vát cho vừa miếng. Nguyên liệu độc đáo khác chỉ riêng vùng Hương Canh sử dụng cho món vó cần là bánh đa mật đường. Sử dụng bánh đa chưa nướng này cắt thành từng miếng dài cỡ ngón tay. Mang bánh đa đã cắt rán giòn thành từng cọng quăn lại. Thịt ba chỉ (cả bì) đem luộc chín thái mỏng, vừng rang, lạc rang giã dập. Tất cả các thứ trên cho vào trộn đều, cho thêm giấm, đường, nước mắm, nếm vừa khẩu vị.
Bày lên đĩa, trên mặt nộm rắc thêm rau thơm. Nhìn đĩa nộm đã thấy hấp dẫn. Khi ăn thấy có đủ hương vị thơm giòn của cọng cần, bùi béo của vừng lạc, ngọt ngọt của đường, chua chua của giấm, giòn tan, béo, ngọt của bánh đa quyện với dẻo thơm của bì, thịt mỡ ba chỉ lại điểm một chút rau thơm, ăn không biết chán.

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332