Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) - VĂN HÓA NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG HƯƠNG CANH

Lịch sử phát triển nghề truyền thống
Lược sử nghề gốm Hương Canh
Giai đoạn tiền sử và Bắc thuộc
Theo cán bộ Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc thì tại khu vực xóm Lò Cang trước đây đã phát hiện được gốm và rừu đá mài thời Hùng Vương ở giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên.
Trong mười thế kỷ đầu công nguyên, mặc dầu bị phong kiến phương Bắc thống trị, nghề làm đồ gốm, sành ở Hương Canh vẫn tiếp tục phát triển và có những yếu tố mới. Những khu lò gốm cổ ở Lũng Hoà và Thanh Lãng với quy mô tập trung hàng chục, hàng mấy chục lò một nơi cho thấy quy mô lớn cùng cấu trúc khá hoàn chỉnh của lò gốm lúc bấy giờ. Lò đã được cải tiến đáng kể, có đủ đỉnh lò, cửa lò và ống khói. Nhiệt độ trong lò nung được nâng cao, cho phép ra đời kỹ thuật tráng men trong giai đoạn này. Ngoài việc sản xuất đồ gốm, sành gia dụng phục vụ đại bộ phận các tầng lớp nhân dân, trong giai đoạn này đã hình thành những khu lò chuyên sản xuất đồ gốm, sành theo phong cách và kiểu dáng đồ gốm Trung Quốc ở Hương Canh, phục vụ cho quan lại Trung Quốc và tầng lớp trên giàu có lúc bấy giờ. 
Nhiều nơi trên đất Vĩnh Phúc ngày nay đã phát hiện được những nồi vò bình bát đỉnh tráng men, một số trang trí văn in ô vuông có con triện tròn hoặc vuông, những mô hình nhà lớp ngói ống, chuống lợn, giếng nước v.v…có nguồn gốc từ Hương Canh, là những đồ gốm điển hình tương tự đồ gốm của thời Đông Hán ở Trung Quốc, hay những hình vò miệng thẳng thành dày, bụng sâu, có nhiều núm ở vai, những bình có hình đầu gà,v.v.. tiêu biểu cho đồ gốm, sành thời Lục Triều, Tuỳ, Đường. Bên cạnh đó, cũng chính trong thời này, đồ gốm kiến trúc ra đời ở Hương Canh với các loại gạch thường, gạch múi bưởi để xây dinh thự và mộ táng.
Giai đoạn phong kiến
Đến thời Lý Trần, đồ gốm, sành trên đất Hương Canh đã có một bước phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của đồ gốm men ngọc và đồ gốm hoa nâu. Những ngọn tháp nổi tiếng trên đất Vĩnh Phúc như tháp Bình Sơn, tháp chùa Chò, tháp chùa Vũ Di là niềm tự hào của người thợ gốm Hương Canh nói riêng và các địa phương khác nói chung.
Đến thời Lê - Nguyễn, Hương Canh nhiều khu lò gốm cũng đã ra đời trong giai đoạn này và cũng có tiếng vang trong vùng, thậm chí khắp nước như Lò Cánh, lò ở xóm Hoa, ở xóm Lá … Đỉnh cao tiêu biểu nhất cho đồ gồm thời Lê Nguyễn ở Hương Canh là gốm hoa lam. Với những đồ gốm thành mỏng, có lớp men sáng bóng, hoa văn đẹp được trang trí trên men và dưới men với nhiều chủng loại khác nhau, gốm hoa lam đánh dấu một thời kỳ phát triển huy hoàng của đồ gốm ở Hương Canh trong quá trình tồn tại của mình. Đồ gốm Hương Canh trong giai đoạn này khá đa dạng nhưng chiếm số lượng không nhiều, các sản phẩm chủ yếu là đồ sành gia dụng như chum, vại, chĩnh, nồi đình, ấm, chõ, chảo rang và cả tiểu sành…. Gốm sành nâu ở đây tuy không tráng men như gốm Phù Lãng nổi tiếng nhưng với chất đất nguyên liệu dẻo quánh lại được nung trong lò có nhiệt độ cao nên sản phẩm làm ra chắc khoẻ, chống ẩm, chống thấm tốt, thậm chí có thể dùng để đựng axit nên đã tồn tại và phát triển suốt mấy trăm năm và trở thành những làng nghề truyền thống.
Nghề làm gốm, sành ở Hương Canh đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn tiếp tục phát triển mạnh, cả xóm Lò Cang hầu như sống về nghề gốm. Người giàu có thì làm đủ các khâu từ làm đất, chuốt gốm, sửa gọt hàng mộc đến đun lò. Những gia đình ít vốn chỉ làm được ba khâu đầu, làm xong hàng mộc rồi đem gửi lò nung. Những người quá nghèo, không có lò, không có cả dụng cụ lao động thì đi làm thuê cho các chủ lò. Những người thợ kỹ thuật cũng như những người thợ gốm bình thường đều theo nghề gốm cha truyền con nối từ đời này sang đời khác nên tay nghệ điêu luyện, làm ra những sản phẩm tốt, có chất lượng, nổi tiếng khắp nơi. Chính nhờ có làng nghề gốm truyền thống này mà Hương Canh trở thành trung tâm của huyện lỵ Bình Xuyên.
Thời kỳ 1945-nay
Trong kháng chiến chống Pháp, sản xuất gốm lại một lần nữa bị đình đốn. Sau năm 1954, các lò gốm lại được khôi phục, hợp tác xã gốm được thành lập, các sản phẩm truyền thống của làng gốm này lại được sản xuất, đồng thời còn sản xuất thêm một số mặt hàng mới như bình đựng hoá chất, ống nước bằng sành...Cuối những năm 80 của thế kỉ 20 cho đến nay, do sự ế ẩm của đồ gốm sành, làng gốm này đã có sự phân hoá và lúng túng trong tìm ra các loại hình sản phẩm mới. Một số gia đình vẫn sản xuất gốm truyền thống, đại đa số đã chuyển sang sản xuất ngói, một số ít chuyển sang làm gốm mỹ nghệ. Vào thời điểm cao nhất, cả xã Hương Canh ( Khi đó gọi là xã Tam Canh ) đã có tới hơn 800 lò nung ngói và hàng chục hộ sản xuất gạch ngói mộc bán cho các lò gốm. Vào thời điểm hiện nay, khi mà đất làm ngói đã cạn kiệt dần, các chủ lò ngói đã phải mua đất từ các xã khác trong vùng, giá đất tăng cao, cung đã vượt cầu, các lò ngói giải nghệ hàng loạt, số chủ lò còn lại làm cầm chừng, chưa có được những giải pháp hữu hiệu. Số hộ sản xuất gốm mỹ nghệ, mặc dù có rất ít.
Đứng trước thực trạng trên, cũng như nhu cầu lưu giữ và phát triển một làng nghề truyền thống quý báu, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của chính phủ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc và chính quyền Hương Canh đã có nhiều biện pháp và chủ trương mới. Trong đó, trước hết phải giải quyết vấn đề nguyên liệu và nhiên liệu. Như các phần trên đã nói, Vĩnh Phúc có nguồn đất sét trắng rất phong phú ở Quất Lưu, Bá Hiến và đặc biệt là ở Đầm Vạc cách trung tâm Hương Canh không xa lại có chất lượng tốt. Đất sét Đầm Vạc có độ mịn cao lại dẻo có thể dùng để sản xuất đồ gốm và gạch ngói rất tốt. Hơn nữa, Vĩnh Phúc lại là một tỉnh giàu đất cao lanh. Các mỏ cao lanh phân bố ở Lập Thạch, Tam Dương và Vĩnh Yên. Trong đó, có trữ lượng và chất lượng cao hơn cả là mỏ cao lanh Định Trung, có thể dùng để sản xuất đồ gốm sứ và gạch chịu lửa. Vĩnh Phúc lại có than nâu ở Lập Thạch, than bùn ở Hoàng Đan, Hoàng Lâu huyện Tam Dương.
Bên cạnh đó, lực lượng kĩ thuật của xã cũng rất đông đảp có thể đáp ứng được nhu cầu khôi phục và phát triển của nghề thủ công truyền thống của địa phương. Những người thợ cũ như cụ Tụ 80 tuổi, bà Mão 85 tuổi, bà Tý Lai 78 tuổi…vẫn rất tâm huyết với nghề; thợ chuốt như bà Lai Long, bà Trung Đào, bà Liên, bà Nhạn Thanh… cũng ngày càng thành thạo và tinh xảo hơm trong quá trình sản xuất hiện nay. 
Như vậy, Hương Canh đã có nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào; lại có sẵn những người thợ tâm huyết, có tay nghề cao, đó là những điều kiện chủ quan cần thiết để phát triển nghề gốm truyền thống nơi đây theo một hướng mới, phù hợp với tình hinh kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện chủ quan cần thiết nhưng chưa đủ trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Muốn triển khai mở rộng được nghề gốm, sành truyền thống cần phải có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và xã hội. 
Nhưng ở ngay làng gốm Hương Canh, trong quá trình mầy mò tìm lối thoát cho làng nghề cũng đã có những kết quả tốt đẹp bước đầu rất đáng khích lệ. Đó là sự yêu nghề, quyết tâm với nghiệp nhà của vợ chống bác Nguyễn Thanh cùng sự hợp tác làm ăn với nghệ sĩ Lê Duy Ngoạn đã sản xuất thành công một số hàng trang trí nội thất và một số hàng mỹ nghệ độc đáo, được người tiêu dùng chấp nhận, đánh giá cao. Trong số đó có những tác phẩm đã được gửi đi dự triển lãm mỹ thuật tại Nhật Bản như bức tượng “Mướp mèo”, có tác phẩm khá quy mô hoành tráng như “Huyền thoại biên phòng” dài tới 160cm, có tác phẩm đã nhận được giải thưởng trong các cuộc triển lãm trong nước như tượng “Con Rồng” đạt giải ba cuộc triển lãm toàn quốc năm 2000, hay tượng “Điệp khúc con trâu” được giải nhì năm 2001. Tác phẩm “Tuổi già” cũng khá đẹp. Có thể nói những bức tượng đất nung này là những thử nghiệm bước đầu thành công để mở ra một hướng đi mới cho các làng nghề truyền thống nơi đây.
Truyền thuyết dân gian về lịch sử gốm Hương Canh  
Xưa nay dân làng Hương Canh mỗi khi kể về ông tổ nghề gốm cổ truyền của vùng mình, vẫn thường nhắc đến hai vị: một là cụ Đỗ Quang, hai là cụ Đào Nồi (còn gọi là ông Nồi hay Nồi Hầu)…“Truyền thuyết Hùng Vương” (Hội VHNT Vĩnh Phú xuất bản 1981) trang 106, 107 có truyện ông Nồi. Truyện rằng: ở làng Hương Canh, xã Tam Canh (nay thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có một gia đình nghèo, chuyên sống bằng nghề nặn nồi niêu. Hai ông bà hiếm hoi sinh được một mụn con trai, đặt tên là Nồi. Nồi càng lớn, càng thông minh, lại giỏi vẽ, giỏi vật, được An Dương Vương cho làm tướng cai quản quân sĩ Âu Lạc. Ông Nồi kết hôn với cô gái mồ côi làng Chiêm Trạch gần kinh đô Cổ Loa, sinh được 2 trai, đặt tên là Đống và Vực. Ba cha con ông Nồi đã nhiều lần làm cho quân xâm lược Triệu Đà thất điên bát đảo. Khi thấy Triệu Đà dùng kế hiểm, cho con trai là Trọng Thuỷ sang cầu hôn với công chúa Mỵ Châu, ba cha con ông vào triều can ngăn, vua Thục không nghe. Ông Nồi cùng hai con xin từ chức về Chiêm Trạch làm ruộng, nặn nồi. Quân Triệu chiếm được Loa Thành, Triệu Đà sai người dụ ba cha con ông ra làm quan. Thấy ông không nghe, Triệu Đà cho quân bao vây Chiêm Trạch. Cả nhà ông phá vây, chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc bao vây Hương Canh, ông quay về Chiêm Trạch, lúc ấy là nửa đêm, dân làng đã đóng chặt cổng. Giặc đuổi tới nơi, vợ chồng ông rút dao tự vẫn. Đống và Vực chạy đến nơi, thấy cha mẹ đã chết, cũng tự tử theo. Dân làng chôn cất họ ở khu gò rìa làng. Về sau, mọi người gọi đấy là “Gò Thánh Hoá”. Nhân dân hai thôn Ngọc Chi và Vĩnh Thanh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) đã lập đền thờ và ở Hương Canh nhân dân cũng lập đền thờ cúng ba bố con ông Nồi.
“Truyền thuyết các vị thần Hà Nội” (Nhà xuất bản Văn hoá – thông năm 1994) trang 50, 51 kể lại: Xưa có một người quê Hương Canh (Vĩnh Phúc) làm nghề nặn nồi niêu. Hai vợ chồng nhà ấy sinh được một cậu con trai đặt tên là Nồi…
Trong cuốn “Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề” do Giáo sư Trần Quốc Vượng và PTS Đỗ Thị Hảo biên soạn (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc-1996) ở mục Nghề Gốm, trang 92, 93, 94 có ghi: Đào Nồi con ông Đào Hoằng, vốn gốc người Tuyên Quang, ông tổ 4 đời đã chuyển cư về làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) lập nghiệp bằng nghề nặn nồi niêu. Nối được nghiệp nhà, Đào Nồi nổi tiếng khắp vùng là người thợ lỗi lạc, tài hoa. Ông lấy vợ họ Dương, người làng Chiêm Trạch (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) cũng là thợ làm nồi khá giỏi giang. Vợ chồng sinh được 2 con đặt tên là Đống và Vực. Đào Nồi không những giỏi nghề mà còn tinh thông võ nghệ, được Thục An Dương Vương cho làm quan, ban tước Hầu, nên còn gọi là Nồi Hầu. Triệu Đà diệt được Vua Thục, đem quân vây làng Chiêm Trạch bắt Nồi Hầu, Gia đình ông chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc vây làng Canh, ông lại đưa vợ con quay về Chiêm Trạch. Cổng làng chưa kịp mở, giặc đã tới. Vợ chồng ông rút dao tự sát, hai người con trai cũng chết theo. Dân làng thương tiếc, kính phục, chôn cất gia đình ông ở một khu gò, gọi là mộ Thánh hoá (thuộc thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh). Đồng thời lập đền thờ để nhớ ơn người vừa là tổ nghề vừa có khí tiết, không đội trời chung với kẻ thù xâm lược.
Sản phẩm truyền thống gốm Hương Canh
“Sứ Móng Cái, vại Hương Canh
Ai lên mình gửi cho anh với nàng”
Sản phẩm truyền thống của làng gốm Hương Canh trước đây là các loại đồ sành như : vại thuổi, vại tít, máng to, chum ngang ( Lọai chum chứa được cỡ 30 lít nước), lọ, lọ hoa, bình vôi, cang, chĩnh, tiểu sành, ống đóm, chậu giặt, nồi, ấm, tượng con giống bằng sành, trang trí kiến trúc trong đình chùa, miếu, như tượng nghê, đầu đao, lá lan đằng...
Chum, chĩnh, vại của Hương Canh nổi tiếng, không chỉ vì màu sành lên đẹp và có độ bền khi dùng mà quan trọng hơn cả là những đồ ẩm thực đựng bên trong sẽ không bị hỏng. Tương, cà, dưa, mắm...được làm trong chum, vại, chĩnh sành của Hương Canh sẽ ngon hơn, không bị váng, mốc. Bí quyết nằm ở lớp da mầu xanh trong lòng của đồ vật. Người sành mua thế nào cũng phải chọn những đồ sành có lớp da xanh trong lòng. Để tạo được lớp da xanh đó, độ nung của món đồ sành này thường có nhiệt độ cao gấp 2 lần loại đồ sành có lớp da mầu đỏ. Nhưng quan trọng hơn cả là để tạo được màu xanh đó, người thợ gốm có những bí mật riêng. Ví dụ khi nung vại, người ta đã để một số loại lá vào lòng phôi gốm. Khói của loại lá này, kết hợp với độ nung cao đã tạo nên mầu xanh trong lòng vại sành. 
Các tên gọi những sản phẩm sành, cùng một số loại hình sản phẩm cũng đã mai một đi nhiều. Ví dụ như chĩnh sành đã từ lâu nay không còn được sản xuất nữa. Ca dao cổ có câu:
“Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài búi tre.”
Chỉ vài chục năm nữa thôi, các thế hệ con cháu chúng ta có lẽ sẽ không hiểu được chĩnh sành là loại đồ sành như thế nào.
Sành Hương Canh hầu như không trang trí hoa văn, ngoại trừ tiểu sành. Hoa văn trang trí trên tiểu sành ở các thế kỉ 19- thế  kỉ 20 được làm riêng bằng khuôn sau đó mới dán lên tiểu. Các mô trang trí là hình chữ thọ tròn, chữ thọ vuông và chữ thọ hình chữ nhật, bao xung quanh  chữ thọ là các loại hoa cúc, sen có nhiều cánh, hoặc hoa lá cách điệu. Ngoài chữ thọ còn có các mô típ trang trí rồng, phượng, dơi, bướm, kì lân...
Các kĩ thuật làm gốm cổ truyền ở Hương Canh 
Luyện đất
Các cụ Trần Trọng Quế, Trần Văn Dược ở xóm Lò Cang đều cho rằng, gốm Hương Canh sở dĩ trở nên nổi tiếng cũng phần nào phụ thuộc vaò chất liệu đất. Xưa kia các cụ làm gốm rất kén đất. Nếu làm gạch thì lấy đất sét mịn mầu nâu hoặc đất sét đỏ ở khu Đồng Bẽ. Đất làm gốm sành ở Hương Canh cần phải có 2 loại : Đất sét xanh thì chỉ có ở các khu đầm chiêm trũng. Đất thường được lấy ở độ sâu 3 mét – 10 mét. Đất làm vại, cang, chĩnh phải lấy đất sét xanh. Trước đây các cụ lấy đất sét xanh ở đầm Mát. Ưu điểm của loại sét xanh nguyên chất có độ mịn và độ dẻo rất cao, là loại sét có chất béo, dẻo, khi chuốt gốm mới dễ kéo lên, không bị nứt, sành có độ bóng giống như đã được tráng men dân làng gốm gọi là cườm da. Đất sét xanh có độ chịu nhiệt cao. Đất sét xanh ở Hương Canh có độ kết màng tốt mà theo cách gọi dân gian ở đây là đất có nhựa. Độ co ngót của đất cao. Gốm mộc có thể co tới 17%. Ví dụ nếu làm một chiếc vại có chiều cao là 40 cm, nếu chỉ dùng riêng đất sét xanh thì phải làm cao tới 48 cm. Đó là chưa kể đến khi nung gốm, phôi gốm sẽ bị biến dạng, đặc biệt là đối với những đồ gốm mỏng, đồ gốm dễ bị co ngót làm nứt nẻ sản phẩm. Để tránh được nhược điểm đó, người ta phải pha thêm loại đất thứ hai, đó là đất sét móng trâu có mầu nâu nhạt ngả vàng. Loại đất này chịu nhiệt kém hơn nhưng rất dai, làm giảm bớt độ co ngót, tăng cường thêm tỉ lệ ô xít sắt và độ bóng của đồ gốm. Đất sét nâu cũng được lấy ở đồng chiêm trũng, nhưng chỉ ở độ sâu khoảng 0,60m. Tỉ lệ trộn đất tuỳ thuộc vào loại sản phẩm định làm ra. Để làm đồ sành bình thường, màu nâu xẫm, bóng thì tỉ lệ pha trộn là 50% đất móng trâu + 50% đất sét xanh. Để làm các đồ sành có chất lượng cao thì tỉ lệ pha trộn là 70% đất sét xanh + 30 % đất sét nâu. Đất được trộn sẽ làm cho việc chuốt gốm được nhẹ nhàng và dễ dàng hơn, giảm được giá thành mua đất. Khi trộn nhuyễn, đất làm được có màu xám nhạt, lẫn nâu nhạt và vàng đất. Cách luyện đất trước đây cũng rất cẩn thận. Đất lấy về để thành đống, phơi cho dãi dãi dầu sương nắng. Người thợ gốm gọi là để cho ải ra, tối thiểu là 6 tháng, còn tốt nhất là 1 năm.Thực chất của quá trình này là làm mất đi một số thành phần không cần thiết cho việc làm gốm như các khí mê tan, ti tan ...bay đi. Tỉ lệ ô xít sắt tăng lên.
Đất  đủ thời gian để ải được đem vào sử lí tuỳ theo loại sản phẩm định sản xuất ra :
 -  Cách sử lí đất làm các loại gốm truyền thống:
Đất được thái ra thành các củ bằng nắm tay, vốc tay, rồi lại tiếp tục được băm, ủ cho ngấu. Trước khi làm, đất được tưới nứoc ủ chừng 20 giờ, rồi thỉnh thoảng lại tưới nước để nước có thể ngấm hết vào các thành phần của đất, sau đó mới dùng mai giã đất, sang mai nhiều lần ( Tức là sắn mỏng, đổ từ đống này sang đống kia ) quá trình này được gọi là lộn đất. Sau đó tiếp tục dùng kéo chải thành quả đất cao chừng 1,20 mét, rồi lại cắt, xéo nhào liên tục cho đất đủ độ nhuyễn.Trong khi làm đất sạn, sỏi , cỏ rác lẫn vào được nhặt ra. Đất vừa làm, không nhả, không cứng thì gọi là đất chín. Khi dã có đất chín rồi thì việc nhào đất cho nhuyễn có ảnh hưởng rất lớn đến khâu chuốt tiếp theo. Quả đất được xéo, tước mỏng bằng cạnh dọc của bàn chân từ các phía xung quanh vào dần đến giữa. Lúc này quả đất trông tự như một đoá sen nên việc xéo nhuyễn đất được gọi là nảy hoa sen. Một sản phẩm bị lẫn nhiều màu cũng là do đất làm không đều, không nhuyễn vào với nhau. Nguyên tắc là đất làm ngày nào thì xéo ngày ấy, đất để qua đêm sẽ bị cứng lại.
 - Đất làm đồ sành có giá trị kinh tế cao :
Những đồ gốm đòi hỏi chất lượng cao, gốm có hoa văn trang trí bằng các phương pháp đắp nổi, in nổi hoa văn, khắc vạch, đổ khuôn như : tượng gốm, con giống, gạch lát nền trang trí hoa văn, phù điêu treo tường, các chi tiết trang trí trên tiểu sành gốm....đói hỏi đất làm gốm phải cực mịn, do đó cách làm đất phải giống như cách của gốm tráng men. Đất phơi ải đủ thời gian, được thái nhỏ cho vào bể lọc thứ nhất ngâm, thỉnh thoảng phải khoắng lên, xả nước cho dung dịch đất chảy xúông bể thứ hai, ngâm một thời gian, khắng đều liên tục, lọc đựơc các tạp chất, cỏ rác, sạn...lúc này đất đã khá mịn,  rồi cho sang bể thứ ba. Tại bể này, khi đất được hoà tan trong nứơc thành thứ bột đất rất mịn thì tháo nước, vớt đất ra nhào, dẫm, chải vài lần rồi mới mang ra chốt hoặc đổ khuôn. Trước đây đổ khuôn gỗ phải dùng gio bếp rắc lên cho khỏi dính. Bây gìo thì người ta dùng khuôn caolin. Khi đổ khuôn có dùng thêm hoá chất.
Tạo men:
Trước đây, đồ gốm truyền thống của Hương Canh là không có men, những năm xây dựng hợp tác xã đã có thêm mặt hàng sành có men. Gốm sành tráng men  có 2 mầu:
 - Men màu da lươn
Công thức của loại men này là : Thổ hoàng + vôi + trấu. Tỉ lệ = 10 trấu + 3 vôi. Trấu và vôi trộn với nhau, rồi đốt cho đến khi thấy tàn trắng, sau đó ngâm nước và lọc lấy nước trong. Thổ hoàng mang về phơi thật khô, rồi ngâm lọc lấy nước trong, hoà lẫn với, tàn của vôi trấu.Thổ hoàng có tác dụng làm giảm độ chảy của men.
 - Men mầu nâu xẫm
Đây là loại men dễ chảy nhất. Công thức của loại men này là: Vôi + trấu + phù sa sông. Công thức này tương đối phổ biến đối với các làng gốm cổ. Chỗ khác nhau chỉ là tỉ lệ các thành phần trong men. Người thợ gốm Phù lãng thì quan niệm rằng màu tím máu đỉa mới là mầu đẹp của đồ sành. Còn người Hương Canh thì cho rằng màu đẹp là màu nâu ánh của lớp da sành do các khoáng chất tự chảy ra.
Tạo dáng
Gốm Hương Canh chỉ được dùng kĩ thuật chuốt trên bàn xoay đối với những đồ gốm sinh hoạt, còn khi làm tiểu thì người ta dùng khuôn. Các hoa văn trang trí trên tiểu cũng được đổ khuôn sau đó được dán lên tiểu.Nguyên tắc tạo dáng gốm truyền thống ở Hương Canh cũng giống như ở các làng gốm Việt khác. Người ta phải tạo đáy đồ gốm trước, sau đó đến thành và miệng đồ gốm. Trước đây ở Hương Canh hay làm các loại đồ sành lớn nên công việc chuốt tạo dáng cần phải có hai người. Một người đứng đạp bàn xoay, đồng thời chuẩn bị xe đất thành đòn dài khoảng 1,1m – 1,2 m. Người chuốt gốm ngồi, vừa chuốt vừa sửa phôi gốm.
Gốm đã tạo dáng xong mang phơi trong bóng dâm, chỗ thoáng gió nhưng không lộng gió để cho gốm khô từ từ khỏi bị nứt nẻ, sau đó mới được cạo sửa, bập vân, quét hồ tẩy xoá, che lấp các vết lồi lõm.
Lò nung gốm
Nung gốm là khâu cuối cùng trong sản xuất gốm và cũng là khâu quyết định chất lượng của sản phẩm, sau khi các khâu trước đã làm tốt. Nhưng để nung được gốm thì việc đầu tiên phải có phương tiện để nung gốm- Đó là các lò nung gốm. Dưới đây là các kĩ thuật xây lò ở Hương Canh.
Lò nung gốm của Hương Canh đều là loại lò cóc và chia làm 2 kiểu: lò cóc có một ngăn và lò cóc có nhiều  ngăn.
 
Lò gốm tại gia đình nghệ nhân Trần Văn Hải
Mặc dù là kiểu lò nào thì kĩ thuật xây dựng lò đều giống nhau: Thơì xưa, các lò gốm đèu được bằng đất, còn ngày nay thì đậi đa số được xây bằng gạch.  Đất đắp lò đều phải chọn loại đất ở đồng Lương Quan. Đất ở đây là loại đất mầu pha cát, dùng để xây và trát. Khi làm vòm lò, người ta cho thêm cả gạch non vào giã nhỏ, hoặc đất từ các lò nung cũ đã bỏ đi trộn với đất đồng Lương Quan. Để làm vòm, người ta làm cốt tre. Chỗ bầu đốt thì trát dầy hơn, phía sau trát mỏng. Chân các tường dọc, gọi là tường mế đắp dày khoảng 0,70m để giữ nhiệt.
Nền lò phaỉ đầm nện chặt đảm bảo không được lún. Đất Lương Quan được đổ cát lên rồi đầm kĩ. Trên lớp cát chọn loại sỏi son to bằng ngón tay ( Lấy trên các quả đồi ) rải lên trên mặt, tạo thành lớp dày 2-3cm, đổ xong phải đầm thật êm. Việc đổ lớp sỏi vừa để tạo độ cứng, vừa tạo độ xốp để giữ nhiệt.
Lò gốm tại gia đình nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang
Lò cóc có 1 ngăn
Lò cóc ở Hương Canh có nhiều loại kích thước. Kích thước, quy mô của lò gốm một phần cũng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của người thợ. Các bộ phận trong lò phải có kích thước tỷ lệ với nhau. Ví dụ một lò gốm dài 6,3 mét thì bầu đốt dài 1,2 mét, vòm cao 2,8 mét, hộp đậu ( ngăn nhỏ nối với các ống khói) dài 60cm. Nếu lò có kích thước lớn như vậy thì có cửa cời than ở  một bên sườn lò. Cửa ra vào lò cũng chính là cửa đun gốm. Nền lò bằng, thậm trí hơi dốc về phía sau. Lò đun khoảng 100 tiểu thì thân lò thường dài 4 mét, chỗ rộng nhất ở giữa thân là 2,5- 2,6 cm, hoặc 2,4- 2,5 cm, cao 2,3- 2,4cm, chỗ giáp với bầu đốt chỉ rộng 1,8- 2 m. Chúng tôi đã khảo sát chiếc lò nhà ông Nguyễn Thanh Nhạn thì thấy chiều dài của lò là 2,5 mét, chiều rộng là 1,2 mét. Như vậy chiều dài gấp 2 lần chiêù rộng của lò .
Lò cóc có 3 bộ phận: Bầu đốt ( hay còn gọi là bầu đun ), thân lò và hệ thống các ống khói ở phía sau lò.
Bầu đốt gần với hình phễu. Phía trước bầu đốt là cửa lò.Hiện nay các lò gốm ở Hương Canh đều nung bằng than nên bộ phận  cửa lò chia làm 2 phần, có gác các ghi sắt để đỡ nhiên liệu. Phần ở dưới ghi gọi là lòng than, phần bên trên gọi là đầu ròn. Lòng than là nơi nhóm lò, nơi chứa xỉ than. Trong lòng than có các trụ dọc xây bằng gạch, cách đều nhau tạo thành các khe rộng để có thể nhóm lửa được từ nhiều chỗ. Khi nhóm than thì dùng củi, cỏ, rác. Các lò cổ đun bằng củi chồm ( Cành củi khô nhỏ của các loại cây sim, mua lấy từ vùng núi Tam Đảo ) thì không có ghi sắt, trong trường hợp đun các lò gốm không ghi, người ta gọi là đun ệp.
Thân lò và các ống khói
Giữa bầu đốt và thân lò được ngăn cách nhau bởi một bậc cấp gọi là đầu dờn. Giữa thân lò và ống khói có một khoang hẹp nối với các ống khói gọi là hộp đậu. Tường ngăn giữa hộp đậu và thân lò gọi là tường bịch. Các lỗ thoát khói đặt ở chân tường gọi là các cửa mà hay lỗ giáp mào. Các lỗ của ống khói gọi là lỗ trấn dương.
Vòm lò gọi là mui luyện. Mui luyện càng dốc thì độ cháy càng lớn. Nếu mui luyện nằm ngang thì lửa trong lò sẽ không cháy.Trên vòm lò, khoảng vòm bên trên đầu dờn gọi là màn đầu dờn, khoảng vòm giữa lò gọi là màn vại thuổi. Ơ những vị trí này, vòm lò đều phải đắp dày hơn và cong lồi vào phía trong lò để khi nung lửa sẽ hắt xuống lòng lò. Cuối thân lò, vòm lò cũng được đắp dày hơn và cong lồi về hướng lòng lò để lửa tiếp tục được hắt xuống. Bộ phận này gọi là quạt vả.
Lò cóc chỉ đun từ phía cửa chính mà không có cửa phụ. Với kết cấu của lò cóc kiểu này, đồ gốm nung ở lò cóc sẽ chín từ phía trên xuống bởi vì đường lửa trong các  lò cóc Hương Canh sẽ buộc phải đi theo hướng dích rắc: lửa táp lên vòm sẽ bị dằn xuống rồi lại vọt lên, dằn xúông vài lần trước khi thoát ra các ống khói. Thợ gốm Hương Canh gọi hướng đi của lửa do lò cóc tạo ra kiểu này là ngọn lửa đảo. Nếu các lò cóc có cầu lò thì gốm sẽ chín từ dưới lên.
Lò cóc có nhiều ngăn ( Còn gọi là lò bầu )
Là loại lò gồm nhiều lò cóc nối nhau kéo dài, thông thường người ta chỉ làm 2 ngăn. Thời xưa, người Hương Canh đã đắp những lò gốm kiểu này với 3- 5 ngăn. Khi đó người ta gọi là lò bầu. Lò bầu chỉ có chung một bầu đốt, chung ống khói nhưng có nhiều phần thân lò. Cấu trúc của loại lò này có thêm các lỗ dòi ở phía sau tường hậu, lỗ nghé ( Lỗ quan sát gốm trong lò ) ở chân tường dọc của thân lò.
Nung gốm
+ Chồng gốm: Kĩ thuật chồng gốm cổ truyền ở Hương Canh được bắt đầu chồng từ cuối lò cho đến phần đầu dờn.Trong một lò, người ta thường chồng nhiều loại phôi gốm lẫn với nhau. Nếu chồng vại, người ta chồng ngửa theo nguyên tắc : đáy của chiếc bên trên chồng lên miệng của chiếc bên dưới. Hàng vại trên cùng thì úp máng ( là loại nắp đậy hình tròn, thành thấp, sau đó đựoc tận dụng làm máng đổ thức ăn cho gia súc ), hoặc chum vừa với miệng vại để giữ độ tròn của miệng vại. Các loại phôi gốm như bình vôi, ấm tích, lọ nhỏ thì mỗi một chiếc được bỏ vào một bao nung sành nhỏ để cho khi chồng lò dễ xếp thành hàng. Những bao nung sành loại này được làm từ chất liệu đất xấu hơn. Bao nung cũng được tạo dáng như vại với kiểu truyền thống thượng thu hạ thách. Loại bao nung nhỏ đó ( mà chúng ta vẫn thường gọi là non sành ) được đưa vào lò từ gốm chưa nung. Sau khi nung xong, loại bao nung này được tận dụng làm các vại cỡ nhỏ, giá bán rẻ hơn các loại vại sành khác.
+ Nung gốm: Quá trình nung gốm bằng củi chồm cổ truyền  ở Hương Canh trước đây trải qua 3 giai đoạn : Dân om, gộc dân và gộc chặn (còn gọi là xả khói ).
- Dân om: Là giai đoạn đầu của quá trình nung gốm. Giai đoạn này mất 1 ngày và 1 đêm, đun nhỏ lửa, làm cho nước trong gốm bay hơi từ từ, tránh co ngót và nứt nẻ. Người ta nhóm lò bằng cỏ, rác, lá cây khô, sau đó phải giữ cho lửa cháy đều.
- Gộc dân: Giai đoạn này đun bằng củi to, củi phải khô, thời gian đun là 1 ngày hoặc 2 đêm. Kết thúc giai đoạn này nhiệt độ trong lò đạt được khoảng 600 0 C- 7000C, gốm trong lò sáng lên, có màu hung.
- Gộc chặn: Là giai đoạn cuối cùng của quá trình nung gốm. Giai đoạn này kéo dài từ 5- 6 giờ, nhiệt độ trong lò đạt đựơc khoảng trên 10000 C. Trong giai đoạn này, người ta phải dùng củi thật cháy nỏ và đun to lửa.
Sau khi nung xong phải lấp tất cả các cửa lò và lỗ ống khói lại để om gốm trong lò. Nếu lò ở nơi thoáng gió thì ủ lò từ 2- 3 ngày, nơi kín gió thì mất 3- 4 ngày.Khi lấp lò không được dùng đất thuần mà phải dùng gạch hoặc đất trát với các mảnh sành để chống nứt nẻ. Khi dỡ gốm trong lò ra phải theo nguyên tắc dỡ từ cửa vào và từ trên xuống.
Trải bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh một thuở nổi tiếng cả nước đã có lúc đi vào quên lãng và dần mai một.
Những nghệ nhân trong làng cũng đã lần lượt qua đời. Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân, những thanh niên trẻ yêu nghề được tiếp sức, được nuôi dưỡng hy vọng đã từng bước thổi luồng gió mới cho nghề cổ truyền của làng gốm Hương Canh.
Đầu những năm 2000, một số hộ dân Hương Canh đã quyết tâm đầu tư tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm, khôi phục lại nghề gốm và đến nay có 7 gia đình tiếp tục theo nghề sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ. Tiêu biểu hiện có: cơ sở gốm của anh Nguyễn Hồng Quang; 3 anh em nghệ nhân: Trần Văn Tám, Trần Văn Hải, Trần Văn Hồng; nữ nghệ nhân gốm Giang Thị Nhạn.
 
Cơ sở gốm của Nghệ nhân Trần Văn Hải
 
Cơ sở gốm của Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332