Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Nôm (Hưng Yên) - ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI SẢN LÀNG NÔM

Tổng hợp các giá trị văn hóa, lịch sử của làng Nôm

Là làng có cấu trúc đường phân nhánh nhưng bao quanh ao lớn, nằm cạnh sông Nguyệt Đức. Còn đủ các thành tố tiêu biểu của làng truyền thống: 2 cổng làng, đình, chùa, ao, chợ, cầu đá, giếng, đường đi bộ lát gạch. Trong làng chỉ có đường đi bộ, không có xe ô tô.  Còn thấy bóng dáng các khóm Tre bao quanh, nhiều nhà cổ và hộ ở mang đặc trưng truyền thống. Đây là cấu trúc làng truyền thống điển hình, còn cơ bản chưa biến đổi.
Các công trình kiến trúc của làng đều là những công trình kiến trúc đặc sắc, cỏ vẻ đẹp nghệ thuật, có giá trị về lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu là cổng làng, cầu đá, Đình, chùa, chợ, hệ thống nhà thờ họ. Những công trình như chợ kiểu truyền thống cũng là hiếm thấy.
Là làng có cấu trúc điển hình của vùng ĐBSH thấp với việc tổ chức một ao lớn ở giữa, làm trung tâm không gian của làng, có giá trị văn hóa về phương thức xây dựng làng. Ao có vai trò trữ nước mưa, thoát nước và tạo môi trường cảnh quan, tôn đất nền cao cho khu vực xây nhà ở. Ao làng (giả thuyết nghe kể) đã từng là đoạn mương đào nối từ sông Nguyệt Đức vào đến đình để vận chuyển vật liệu xây dựng đình.
Là làng có quần thể không gian xung quanh ao còn giữ các đặc trưng hình thái kiến trúc, cảnh quan của làng truyền thống: Hệ thống nhà thờ họ, đình làng, đường lát gạch đi bộ quanh ao, nhà ở thấp tầng, cây bóng mát, cây Cau…Tất cả cùng hòa quyện soi bóng xuống ao làng tạo nên mặt đứng kiến trúc cảnh quan rất đặc sắc. Vào những dịp lễ hội, giỗ họ, bóng đoàn người rước lễ, đi lại xung quanh ao tạo nên một hình ảnh đậm chất truyền thống văn hóa của làng.
Là làng có các giá trị văn hóa phi vật thể hòa quyện với không gian làng như tục lệ giỗ họ, coi trọng quan hệ dòng họ, các câu chuyện về nghề đồng nát thu gom phế liệu đồng cũ cho làng nghề đúc đồng Lộng Thượng trước đây, các câu ca dao, tục ngữ về người làng Nôm rất phong phú.
Với một không gian tương đối khép kín, đậm đặc các giá trị di sản. Còn nhiều đồng ruộng, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng bên cạnh. Làng Nôm có rất nhiều tiềm năng để phát triển thành điểm đến du lịch nếu được bảo tồn, nâng tầm các giá trị và tạo các sản phẩm du lịch thăm quan, trải nghiệm tốt.
Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2020 đã có Quyết định xếp hạng Quần thể di tích làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên năm là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Điều này đã khẳng định giá trị của làng Nôm.
 
 
 
Thách thức
Với làng Nôm thách thức lớn nhất là gìn giữ được cảnh quan kiến trúc xung quanh ao làng. Có quy chế quản lý chặt chẽ để sự phát triển mới không làm biến dạng về tỷ lệ, hình thái kiến trúc hiện hữu. Nếu để nhiều nhà xây 4-5 tầng , mái tôn, bình I nox trên mái dọc theo ao chung (kể cả lớp kiến trúc sau nhà thờ họ) thì không gian, hình ảnh đặc trưng có giá trị ao làng Nôm cũng sẽ bị biến đổi. 
Không gian kết nối giữa cổng làng với cầu đá, chợ, chùa , dọc sông Nguyệt Đức cũng cần được thiết lập, cải tạo cảnh quan. Cần cải tạo môi trường nước sông Nguyệt Đức, hiện khá ô nhiễm.
Hiện nhiều nhà đã lấp đi ao riêng, để tách hộ,  xây nhà. Đây cũng là xu hướng đang làm mất đi các đặc trưng của làng Nôm.
Để có thể trở thành điểm đến du lịch, cần nghiên cứu, đầu tư để phát triển các tiềm năng di sản thành các sản phẩm du lịch văn hóa, bổ sung hệ thống dịch vụ du lịch. Ngoài cảnh quan và đình, chùa, các giá tị di sản khác như dòng họ, nhà ở , tập quán lối sống…mới chỉ là tiềm năng, phải đầu tư để trở  thành sản phẩm du lịch, thành mô hình Làng di sản – Du lịch.
PGS.TS. Phạm Hùng Cường
 
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332