Vị trí
Làng nghề thêu Quất Động thuộc xã Quất Động, nằm ở bên trái quốc lộ I (theo hướng đi từ Hà nội) , thuộc huyện Thường tín-Hà nội, cách trung tâm Hà nội khoảng 20km.
Làng nghề thêu Quất Động bao gồm thôn Quất Động 1 và thôn Quất Động 2, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp, dân số 2145 người, giới hạn bởi:
- Phía Bắc giáp thôn Đô Quan
- Phía Nam giáp thôn Nguyên Bì
- Phía Đông giáp đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
- Phía Tây giáp đường quốc lộ 1A (cũ)
Làng nghề thêu Quất Động có vị trí trung tâm của xã Quất Động, được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Lịch sử phát triển làng
Thời Nguyễn, xã Quất Động là một trong chín xã thuộc Tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Đông là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo ghi chép ở đình Ngũ Xã, Quất động và đền Tú Thị, Hà nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc Trung Nam là tiến sỹ Lê Công Hành, tên thật là Bùi Công Khái, sống ở thế kỷ 17 tại làng Quất Động.
Làng Quất Động có truyền thống Cách mạng. Thời chống Pháp, vì là nơi có nhiều phong trào kháng chiến mạnh nên giặc Pháp đã tràn về đốt đình chùa, nhà dân, và giết nhiều người vô tội. Ngày mồng 9 tháng 11 năm Mậu Tý 1948 đã trở thành ngày giỗ trận của làng. Đặc biệt có sự kiện giết sư trụ trì chùa cùng nhiều nhà sư và người dân làng tại chùa Quất Động.
Làng Quất Động cũng là đất hiếu học. Tại Văn Miếu (Hà nội) còn ghi tên 2 vị trong văn bia là Phạm Thế Hồ (1565) đỗ tiến sỹ năm Canh Tuất 1610 và Trần Khải đỗ tiến sỹ năm Đinh Sửu 1637.
Người làng Quất Động khéo tay hay làm, ruộng đất tuy ít nhưng nhờ có tay nghề tinh xảo, đến nay nhà đã ngói hóa, có điện thắp sáng và nước sạch. Trường học, nhà trẻ mẫu giáo, đường đi lại khang trang, sạch đẹp. Đình chùa của làng được tu tạo giữ gìn, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Làng được tỉnh công nhận là làng nghề năm 2001
Cơ cấu làng, xã, thôn.
Xã Quất Động có diện tích 4,83km2. Vị trí của xã ở gần giữa 2 ga xe lửa xuyên Việt, cùng là nơi có 2 chợ lớn của vùng: chợ Vối và chợ Tóa. Có thể thấy từ xưa đây là nơi có đường giao thông rất thuận lợi cho sự phát triển làng nghề.
Xã Quất Động hiện có 8 thôn: Quất Động (Quất Động 1 và Quẩt Động 2), Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đức trạch, Đô Quan, Nguyên Bì, Hướng Xá, Liêu Xá. Trước tháng 8/1945, các thôn của xã Quất Động ngày nay thuộc tổng Bình Lăng (gồm các xã Đô Quan, Quất Động, Tam Xá) và tổng Hà Hồi (gồm các xã Đức trạch, Quất Lâm, Quất Tỉnh). Đầu năm 1946, các xã thuộc Quất Động ngày nay được hợp nhật thành 2 xã lớn là Minh Châu (Quất Động, Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đô Quan, Đức trạch, Hòa Lương) và xã Quang Trung (Lưu Xá, Bì Xá, Nguyên Xá). Tháng 2/1949, cá xã Minh Chấu, Quang Trng, Hà Hồi Khê Hồi, Phú Cốc hợp nhất thành xã mới, gọi là xã Hồng Phong. Tháng 7/1956, xã Hồng Phong tách thành 2 xã Hồng Thái (Quất Động, Quất Lâm, Quất Tỉnh, Đô Quan, Đức trạch, Nguyên Bì, Bì Hướng) và Hồng Phong (Hòa Lương). Năm 1968, thôn Hướng Xá từ xã Thắng lợi nhập về Hồng Thái. Năm 1976, xã Hồng Thái được đổi tên thành Xã Quất Động gồm 8 thôn như ngày nay.