Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Thanh Hải (Hải Dương) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG THANH HẢI

Sơ đồ vị trí Di sản văn hóa – lịch sử thôn An Liệt, xã Thanh Hải

Đền An Liệt  
Đền An Liệt đã được xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 2233/QĐ- BVHTT ngày 26/6/1995 của Bộ trưởng Bộ văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
Xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương có ba thôn là An Liệt, Tiền Vĩ, Thừa Liệt. Thờ năm vị thành hoàng, gọi là Ngũ vị Đại vương, trước đây được thờ ở Miếu Cả thuộc thôn Tiền Vĩ, tương truyền được xây dựng từ thời hậu Lê, nay di tích còn một chuôi vồ nhỏ. Ngay từ thời ấy, nhân dân thôn An Liệt muốn thờ các vị thành hoàng ngay tại thôn mình nên mới xây đền An Liệt. Đền An Liệt ngày nay qua nhiều lần trùng tu mang kiến trúc thời Nguyễn.
Đền An Liệt nằm ở vị trí trung tâm của thôn. Đền quay hướng nam, qua một con đường làng, đền trông ra một hồ nước rộng, ở giữa nổi lên một gò đất, thế “Quần long hội thuỷ”. Ngày trước ở phía đông ngôi đền còn có đình An Liệt và chùa Minh Khánh, nay không tồn tại, chỉ còn một khoảng đất rất rộng, tiếp giáp với nhà văn hoá của thôn, tạo thành một quảng trường rộng, hết sức thuận tiện cho việc tổ chức lễ hội và mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Đền có diện tích tổng thể là 1.399m2, bao gồm cả các công trình phụ, sân, vườn, ao...Riêng diện tích trong đền bao gồm tiền tế, trung từ, hậu cung rộng 116m2. Ngay ở trước Tam quan hiện có một tấm bia “hạ mã” (xuống ngựa) nhắc nhở mọi người qua lại nơi đây phải tỏ lòng tôn kính nơi thờ các vị thành hoàng. Qua một sân gạch là tiền tế ba gian, tiếp đó là trung từ cũng có ba gian, rộng hơn tiền tế bởi chiều rộng trung từ tới gần 8m.
Ảnh toàn cảnh phía trước Đền An Liệt (nhìn từ cổng UBND Xã)
 
Đền An Liệt (đang trong quá trình trung tu, tôn tạo – Tháng 07/2019)
Trong đền còn đầy đủ các ban thờ. Có long cung và khám thờ sơn son thếp vàng, chạm rồng chầu mặt nguyệt, hoa dây mềm mại, đặt tượng Sĩ Vương, một trong năm vị thành hoàng. Trên xà có bức cuốn thư bằng gỗ sơn son thếp vàng, mang bài châm ca ngợi công đức thành hoàng như sau:
Thừa thời bào đạo túc an biên
Ngã Việt văn minh tự thử tiên
Thiên cổ như sinh do chính khí
Bình nhân mạn thuyết Sĩ vương tiên.
(Thuận thời giữ đạo vững biên cương
Khai sáng văn minh nước Việt cường
Chính khí ngàn năm còn sáng mãi
Dân thường vẫn gọi Đức Sỹ Vương
Do không còn chùa nên trung từ và hậu cung của đền dành để thờ phật. Tất cả có 33 pho tượng cùng khá nhiều hiện vật thờ tự. Tả vu, hữu vu của hậu cung cũng có ban thờ nhỏ thờ phật và lưu danh những người mua hậu có công đóng góp xây dựng chùa.
Trong khu vực di tích, cách đền 20m về phía đông bắc còn một nhà tổ của ngôi chùa cũ, được trùng tu năm 1993. Quanh khu vực đền còn lưu giữ được 10 tấm bia, là những tư liệu quý để tìm hiểu về quá trình vận động dân làng góp công góp của làm đền, chùa, cầu...
Theo 16 đạo sắc phong lưu giữ tại đền cũng như truyền tụng trong toàn dân, đền An Liệt là nơi thờ “Ngũ vị đại vương” (năm vị đại vương) có công với nước, quê tại xã Thanh Hải, được vua phong làm thành hoàng:
1. Đại Minh Chiêu cư sĩ Sĩ Vương (quê thôn Tiền Liệt).
2. Đoàn tướng công đại vương đại thần (tức Đoàn Thượng).
3. Đào Bạt tướng công (quê thôn Tiền vĩ).
4. Vực Lao tướng công.
5. Đặng Lật tướng công (quê thôn Tiền Vĩ).
Tư liệu về thân thế sự nghiệp của từng vị đại vương không còn đầy đủ. Ngoài công tích khái quát của Sĩ Vương ghi trong bài châm nói trên, có thể biết thêm về hai đại vương đã được sử sách nói đến, một tướng võ và một tướng văn.
Tướng võ, đó là Đoàn Thượng. Đầu thế kỷ 13, triều đình nhà Lý suy yếu, các thế lực phong kiến địa phương trỗi dậy âm mưu cát cứ. Với quyết tâm phù Lý trước sự vượt lên chấp chính của nhà Trần, Đoàn Thượng đem quân trú ở hai bên bờ sông thuộc Hồng Châu, trong một địa thế hiểm trở.
Nhà Trần đã dùng Nguyễn Nộn và tì tướng của Nguyễn Nộn là Ma Lôi dùng mưu diệt được Đoàn Thượng. Đoàn Thượng hy sinh lẫm liệt, được thờ ở nhiều nơi và đã trở thành vị thành hoàng của thôn An Liệt.
Tướng Văn là Đào Bạt, ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận (1463) chính là một tấm gương khổ học thành tài và trở thành vị thần được đời đời thờ phụng.
Cầu Gầm
Đất Thanh Hà trước đây sông ngòi hồ ao chằng chịt nên các con đường đều phải đi qua nhiều sông ngòi. Theo nội dung nhiều bia đã cổ trong vùng, từ thế kỷ XVII, nhiều làng đã thay cầu gỗ bằng cầu đá. Vật liệu đá thường đường lấy từ vùng Đông Triều, Kinh Môn rất thuận tiện. Các cây cầu đá trong vùng hầu hết là do tiền của công sức của nhân dân đống góp xây dựng lên. Cây cầu không chỉ dùng để đi lại, giao lưu giữa dân hai bên bở, còn là công trình kiến trúc độc đáo, tô điểm cho cảnh quan làng xóm, là chỗ vui chơi, hẹn hò của người Thanh Hà xưa.
Xưa kia, Thanh Hà có hàng trăm cầu đá. Trong đó, cây cầu đá làng An Liệt nối sang làng Tiền Liệt nổi tiếng là to, đẹp.
Tổng Tiền Liệt trước đây có hai cây cầu lớn bằng đã xanh, mỗi cầu dài 15-20m, rộng 2-2,5m, được bắc qua sông, nối liền làng nọ sang làng kia. Cây cầu nối hai làng An Liệt và Tiền Liệt do đức tổ Chân Nguyên đứng ra xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 19, đời vua Lê Hy Tông. Cây cầu nổi tiếng về kỹ thuật và mỹ thuật. Mặt cầu nhẵn lì như sập, hèm các phiến đá liều với nhau khít kín đến sợi tóc không lọt. Hàng năm hai vụ lúa, dân làng thường đem thóc lên mặt cầu phơi. 
Ngày nay, tuyến đường chỉ còn là một con đường liên thôn nhỏ, mặt cầu, trụ cầu đều đã được gia cố bẳng bê tông vững chắc cho xe cơ giới lưu thông. 
 
Tuyến đường cái đầu làng trước kia và cầu Gầm (đã phủ bê tông hóa)
Giếng cổ
Thanh Hà vốn là vùng đất sa bồi thấp, nước ngập quanh năm, cho nên từ xa xưa cư dân đã chọn cách đào đất lập thổ. Trong quá trình đào, đắp đất, người dân phát hiện ra có nhiều mạch nước đùn dọc lên, nước trong và mát. Dân các làng chọn những mạch nước tốt, đào thành giếng làm nguồn nước sinh hoạt cho làng.
Đất Thanh Hà xưa có hàng trăm giếng cổ, làng nào cũng có vài ngôi giếng, chùa nào cũng có giếng chùa. Giếng làng Thành Hà thường có cấu trúc hình tròn, đường kính từ 30-40m, diện tích từ 400m2 đến trên 1000m2. Cũng có giếng hình chữ nhật như giếng Đúng ở làng Cập Thượng. Mặt nước giếng thường đầy hơn mặt nước bên ngoài vì thường có sức của mạch ngầm đẩy lên. Độ sâu của giếng thường từ 3-4m. Bờ giếng được đắp cao, trên trồng cây có gai, cây ít rụng lá như dứa dại, găng .... Cũng có nhiều giếng xây bờ giếng và tường bao bằng gạch. 
Giếng làng thường có 1 hoặc 2 cầu giếng. Cầu xuống rộng ngang 3-4m xây bằng gạch hoặc đá. Trên bờ cầu giếng có khoảng đất rộng trồng cây bóng mát như đa, đề, si để làm chỗ nghỉ ngơi hóng mát của dân làng. 
Giếng làng đã đi vào hình ảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình” gắn bó thân thiết với bao thế hệ người dân Thanh Hà.
Tại thôn An Liệt hiện còn vài ngôi giếng cổ được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Người dân vẫn sử dụng nước giếng cho một số công việc như xây dựng, chăn nuôi, trồng trọt... nước sinh hoạt ăn uống hiện nay đều đã chuyển sang dùng nguồn nước máy. Giếng còn giữ được hình dáng trong, bờ giếng xây gạch. Tuy nhiên, những gốc cây bóng mát cổ thụ bên bờ giếng hiện đã không còn, cảnh quan mất đi nhiều hình ảnh xưa cũ thân thuộc.
 
Giếng cổ cạnh trục đường trung tâm xã, gần đên An Liệt
Giếng cổ khu dân cư Bờ Giếng, xóm 4 thôn An Liệt

 

 
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332