Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Thích Chung (Vĩnh Phúc) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG THÍCH CHUNG

 

Chùa Giao Sam làng Thích Chung

Chùa Giao Sam đang được xây dựng mới, quy mô rất đồ sộ trên khuôn viên đất hạn chế nên cảm giác choán ngợp không gian. Chùa hiện đang xây dựng ngôi Tam Bảo rất to lớn phía trước nhà Tổ đã khánh thành trước đó. Chùa Giao Sam được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chùa tên chữ gọi là chùa Giao Sam cũ làm từ năm Lê Triều Vĩnh Thịnh Bát(1712). Theo một số tài liệu mô tả, chùa làng Thích Chung có ấn tượng đặc biệt với tam quan bằng đá xanh dựng vào năm Bảo Thái thứ 3 (1722) hiếm thấy. Đá màu xanh xám, tròn, cột cao 2,75m với những hoạ tiết hoa văn trang trí hoặc để trơn. Tam quan có mặt bằng hình gần chữ nhật tạo thành hai chái hai bên với khẩu độ các bước gian 2,3m và 1,7m (ảnh). Trong chùa cũng còn lưu giữ cây hương nhỏ được làm từ đá sa thạch màu nâu xám, dựng năm Vĩnh Thịnh thứ tám (1712). Nội dung ghi trên cây hương cho biết đến ý nghĩa của việc dựng cây hương trong khuôn viên chùa, với sự đóng góp công sức của bà con trong làng.

Do công trình chùa Giao Sam đang được xây mới hoàn toàn trên khuôn viên cũ nên không đánh giá được những yếu tố lịch sử còn lại.. Chùa hiện có hai hạng mục là Tam Bảo ở trung tâm thửa đất và nhà Tổ nằm ở phía sau.

Đình Giao Sam

Đình trước kia gọi là miếu nhưng năm 2016 được trùng tu lại thành đình rất lớn. Đình Giao Sam thôn Thích Chung hiện được xây mới trên nền của một ngôi đền cũ (còn gọi là miếu) cạnh chùa Giao Sam do ngôi đình Cả (ở phần đất giáp với thôn bên cạnh) đã bị phá chỉ còn nền, hiện thôn đang xây mới một ngôi chùa trên nền đất của đình Cả. (năm 1036, tổng Bá Hạ bắt đầu cho xây dựng Đình Cả hình chữ quốc bốn bề đâu cũng là gian giữa, đây là ngôi đình hàng Tổng trên đất làng Thích Chung, là niềm tự hào trong các hồi ức của dân làng dù cho đã bị phá hủy chỉ còn nền đất). Thành Hoàng làng được rước về đình mới thờ chung với vị Thần của ngôi đền cũ đã phá để xây đình mới hiện nay.

Mặt bằng tổng thể khu Đình - Chùa làng Thích Chung

Miếu Tây

Miếu được xây mới trên thửa đất hẹp, chỉ có phần sân nhỏ ở phía trước. Miếu được xây dựng gần vị trí cổng làng cũ đã bị phá.

Mặt bằng miếu Tây

Miếu Đông

Công trình tín ngưỡng dân gian được xây dựng mới trên nền đất cũ.

Miếu được xây mới trên thửa đất hẹp tiếp giáp đường làng, không có sân vườn cảnh quan.

 Miếu Đông

Quán

Quán được xây dựng đơn giản có cửa mở về bốn phía, không cánh của, mái lợp ngói đỏ.

Quán làng Thích Chung

Các Ao, Giếng làng

Khu vực giếng của làng được gìn giữ khá tốt với việc khoanh rõ khuôn viên, giếng đều được xây lại bờ, sạch sẽ, giếng vẫn đang được lấy nước để sử dụng.

Giếng làng Thích Chung là một di sản đặc biệt vì thành giếng là những phiến đá sa thạch hình chữ nhật, hình vuông ghép lại, miệng giếng hình vuông, đáy giếng có miếng gỗ lim kè có tác dụng khử độc. Trên thành giếng có khắc chữ ghi lại niên đại của giếng và năm tu sửa.

Giếng ở đây không sâu, cốt mặt nước sâu khoảng 1,5m trong khi đáy giếng sâu khoảng 4m đến 5m. Địa tầng nơi đây gồm đất thịt tự nhiên khoảng 1m tiếp đến khoảng 1,5m đất đá ong tiếp đến 1,5m sỏi cuội và đến tầng đất sét... Giếng ở đây thường đào đến tầng sỏi cuội là nước trong.

Theo TS Nguyễn Văn Đoàn – Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì về cơ bản các giếng làng có cấu tạo khá đồng nhất với tang (thành trên) hình vuông, được tạo bởi 4 phiến đá sa thạch hình chữ nhật màu xanh và vàng xám xếp khít dựng đứng bằng cách cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết, kích thước dài khoảng từ 1,3m đến 1,54m, rộng khoảng từ 0,7m đến 0,96m. Trên một trong số 4 phiến đá ấy có ghi rõ niên đại xây dựng. Trên miệng giếng đều thấy dấu vết dây kéo lấy nước hằn những đường rãnh sâu. Cũng có người cho rằng, miệng giếng hình thành những đường lượn sóng là dấu tích của việc mài dao kiếm từ hàng trăm năm trước.

Người dân ở Vĩnh Phúc vẫn giữ thói quen sử dụng nước ở giếng cổ để sinh hoạt thường nhật

Phía dưới thành giếng hình tròn, được tạo bởi những viên cuội sông suối (dạng thỏi) xếp quay ngang cắm vào làm cho thành giếng lô xô rất lạ mắt.

- Giếng Đông (nằm ở giữa đường liên thôn thôn Thích Chung)

Giếng cổ thứ 2 là giếng Đông làm sau 3 năm năm Hồng Đức Nhị Thập Tứ Niên (1493).

- Giếng Tây cạnh miếu Tây đã bị lấp miệng, trong nền một quán quà vặt nhỏ của một người dân trong làng lấn chiếm trước đây. Dân làng đang có ý đòi lại để khôi phục lại giếng này.

- Giếng Chùa nằm gần cổng chùa Giao Sam.

Giếng cổ nhất là giếng Chùa năm Hồng Đức Nhị Thập Nhất Niên (1490) Năm thứ 21 đời vua Lê Hồng Đức.

Duy nhất là ở giếng Chùa (Thích Chung), người xưa đã dùng cách khoét trực tiếp trên nền gò đối cấu tạo đá ong sạn cứng để tạo thành giếng. Đáy giếng khá sâu (khoảng trên dưới 5 m) được xử lý lọc nước bằng cách tạo các cũi gỗ xếp đều hoặc các phiến đá dẹt xếp nằm. Đây là cách xử lý kỹ thuật thường thấy trong các giếng do người Chăm Pa xây dựng.

 

Giếng làng Thích Chung

- Làng Thích Chung có một ao làng hình tròn tại trung tâm của làng nhưng thuộc sở hữu của một hộ gia đình, còn lại có khoảng mười ao khác trong khuôn viên của làng.

 Ao làng Thích Chung

Nhà cổ

Nhà cổ truyền thống trong làng không còn nhiều. Một số hộ có kế thừa kiểu kiến trúc cũ trong xây dựng nhà mới như nâng cao nhà, tường xây, chỉ giữ lại một số cột và mái lợp ngói.

Nhà anh Trần Văn Môn:

Ngôi nhà cổ làm hoàn toàn bằng đá ong, có tuổi đời hơn 100 năm của gia đình anh Trần Văn Môn, thôn Thích Chung còn lại duy nhất ở làng

Nhà cụ Dương Thị Bạo, 75 tuổi

Những tư liệu, hình ảnh kiến trúc sưu tầm

- Tư liệu về đền cũ nay là đình mới xây. (trang tin Kiến Việt , Hội KTS Việt Nam đăng 10/10/2014)

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332