Công trình kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc truyền thống, dâu ấn lịch sử
- Di tích lịch sử Quốc gia: chùa Gìa Du
Chùa Già Du xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng từ những năm 1470 – 1490, theo lối kiến trúc cổ, đẹp nổi tiếng trong vùng. Chùa có cấu trúc tiền Phật hậu tổ, gồm 4 phần là Tam quan, Gác chuông, Thượng điện và 3 dãy nhà hình chữa U. Đặc biệt, khu thượng điện thờ Phật ở chùa có hàng trăm pho tượng được điêu khắc tinh xảo độc đáo, đa dạng về ngoại hình, kích thước, mang đậm nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng thế kỷ thứ XVIII – XIX. Ngoài ra, Chùa Già Du còn lưu giữ được nhiều di vật như: Chuông đồng, khánh đồng, bia đá, cây hương đá…
Trải qua gần 500 năm và 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Già Du bị sự tàn phá của bom đạn, thời tiết khắc nghiệt khiến công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ phần kèo, cột, mái chùa đều bị mối mọt, dột nát và hư hỏng nặng. Trước thực trạng trên, địa phương đã phải di chuyển tượng phật về ngự chung ở đình, tạo thành quần thể di tích đình – chùa trong khuôn viên 872m2.
- Đình Vĩnh Sơn
Đình Vĩnh Sơn thờ ba vị Thánh: Thánh Lân Hổ Đại Vương - quan võ mưu trí có tài thao lược và võ nghệ cao cường, Thánh Quý Minh Đại Vương - quan võ có lòng dũng cảm nhiệt huyết và Thánh Bạch Quan Đại Vương - quan tài về y thuật.
Ngôi đình Vĩnh Sơn được khởi dựng cách đây gần 300 năm. Những cao niên trong làng kể lại, khi đó để tưởng nhớ các vị thành có công với địa phương, những người dân trong vùng đã bàn nhau lập đình, cụ thể làng Hai Nước và làng Sơn Tang đã “nhị ấp đồng tôn” (hai làng cùng nhau xây dựng ngôi đình). Qua thời gian, cùng nhiều biến cố của lịch sử nhưng đình Vĩnh Sơn cũng không thay đổi nhiều về kiến trúc so với lúc mới khởi dựng.
Khuôn viên đình rộng khoảng 1.000m2. Đình được đặt ở vị thế phong thủy, trước Đình là một ao rộng lớn, sân đình rộng trên 300 m2. Kiến trúc ngôi Đình hình chữ công và đồ sộ, trong ngôi Đình được chia thành hai khu là Đại Đình và Hậu cung. Đại Đình có chiều dài là 30m, chiều rộng 11m gồm 5 gian và hai trái được dựng bởi 4 bộ vì kèo trong đó 2 vì kèo gian giữa được làm theo kiểu chồng bồn con lợn.
Tòa Hậu cung rộng khoảng 200m2 gồm 2 gian, dài 9m. Giữa Hậu cung được dựng thành hai tầng gỗ và được trạm trổ một cách tinh tế. Tầng hai làm khám thờ nên tòa Hậu cung rất bề thế, cổ kính và uy nghi.
Đình Vĩnh Sơn đã 2 lần trùng tu, lần trùng tu thứ nhất cách đây 18 năm và lần trùng tu thứ 2 cách đây 16 năm, khi trùng tu đình chỉ thay một số cột bị hư hỏng, còn cơ bản vẫn giữ được nguyên vẹn.
Hiện ngôi đinh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 06/2000-QĐ/BVHTT ngày 13 tháng 4 năm 2000.
Di sản phi vật thể, lễ hội
Dân làng cho biết, theo lệ của vùng thì đình Vĩnh Sơn mỗi năm tổ chức 4 ngày lễ hội lớn bao gồm:
Ngày mùng 6 tháng Giêng: Lễ Khai xuân, tổ chức tế lễ và gieo hạt
Ngày 15 tháng 3 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thánh Lân Hổ
Ngày 20 tháng 8 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thành Quý Minh
Ngày 10 tháng 9 (âm lịch): Tiệc giỗ đức thánh Bạch Quan
Ngày 15 tháng 11 (âm lịch) là ngày mừng lúa của dân làng
Mười ngày trước khi tổ chức lễ hội, những cao niên trong làng cùng với ban khánh tiết sẽ họp bàn chuẩn bị chu đáo cho ngày lễ.
Nét đặc sắc của lễ hội Khai xuân (ngày mùng 6 tháng Giêng) được lưu truyền từ khi dựng đình đến nay không mấy thay đổi. Lễ hội tổ chức để cầu mong một vụ mùa xanh tốt, bội thu nên hình thức tế lễ và hội cũng thể hiện mong muốn đó. Cụ thể, ở giữa sân đình sẽ được chia làm 2 bên, có đục 2 lỗ cắm hai chiếc cột (được chạm chữ “ Nhất” và cột kia chạm hình “Thập”).
Người chủ lễ đình sẽ dùng một viên đá tượng trưng cho hạt giống để đưa vào các lỗ cột. Sau đó lần lượt những người cao niên trong làng sẽ gieo hạt cho đến khi hết đá.
Người dân quan niệm, gieo hạt đúng nơi sẽ giúp vụ mùa năm đó được mưa thuận gió hòa, cây trồng tươi tốt. Trước đây lễ gieo hạt thường được tổ chức 3 ngày đến nay dân làng thống nhất tổ chức một ngày mùng 6 tháng Giêng.
Người dân trong vùng coi đình là nơi thành kinh tâm linh, từ việc cưới hỏi, công danh, cầu tài lộc, sức khỏe mọi người đều ra đình để thành tâm khấn lễ. Lễ vật dâng lên thành cũng là tùy tâm, lễ thủ lợn, gà, bánh kẹo đôi khi chỉ là hoa quả và hương.
Kiến trúc dân gian cổ truyền
Trong làng Vĩnh Sơn còn có một vài nhà ở nông thôn truyền thống có niên đại trên dưới 100 năm. Hiện trạng bộ khung kết cấu gỗ được bảo tồn khá tốt, nhưng các chi tiết kiến trúc và khuôn viên nhà (sân, vườn, ao ...) đã cải tạo, xây dựng mới.
Nhà ở dân gian cổ truyền
Nhà ở dân gian cổ truyền
Phía Nam của làng còn lưu giữ được 1 giếng nước cổ, thành giếng được xây bằng đã. Hiện nay, khu vực xung quanh giếng được xây tường rào bảo vệ, khuôn viên bên trong có sân rộng lát gạch. Nước giếng không được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như trước đây, trên mặt giếng có nắp bảo vệ.
Giếng cổ