Bảng thống kê công trình di sản văn hóa - lịch sử trên địa bàn xã Yên Đức
STT |
Tên di tích |
Vị trí |
Được xếp hạng |
1 |
Chùa Cảnh Huống |
Thôn Đồn Sơn |
Di tích QG |
2 |
Đền thờ Đức Thánh Hang Son |
Thôn Yên Khánh |
|
3 |
Núi Canh |
Thôn Yên Khánh |
|
4 |
Núi Đống Thóc |
Thôn Đồn Sơn |
|
5 |
Núi con Chuột |
Thôn Đường Đê |
|
6 |
Núi con Mèo |
Thôn Đường Đê |
|
7 |
Núi Thung |
Thôn Đồn Sơn |
|
8 |
Hang 73 |
Thôn Yên Khánh |
Di tích QG |
Không những có vị trí địa lý khá độc đáo, xã Yên Đức còn được thiên nhiên ban tặng cho phong cảnh kỳ thú, với những dãy núi đá nhấp nhô trùng điệp muôn hình muôn vẻ, gắn với những truyền thuyết dân gian mang đặc trưng của nền văn hoá lúa nước. Đó là Cụm di tích lịch sử - thắng cảnh Yên Đức đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1993.
Xã Yên Đức có hệ thống di tích lịch sử ghi dấu ấn vùng đất cách mạng anh hùng với Núi Canh, núi Đống Thóc, núi con chuột, núi con mèo, Hang 73, chùa Cảnh Huống. Mỗi di tích đều mang một giá trị lịch sử, cách mạng, văn hóa riêng không chỉ có giá trị thắng cảnh tuyệt đẹp mà còn gắn liền với mỗi di tích là một truyền thuyết dân gian có liên hệ khăng khít mật thiết với nhau nhưng không thể tách rời.
Cảnh quan khu vực di tích
Hang 73 Núi Canh
Di tích núi Canh do các ngọn núi của làng Yên Khánh và làng Đồn Sơn tạo thành giống như hình cái cày, tạo thành bức tường thành trấn ải cửa ngõ Đông Bắc của xã. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước đứng trên đỉnh núi Canh có thể bao quát toàn bộ các khu vực xung quanh, các trạm canh gác trên núi được xây dựng nên núi Canh còn có nghĩa là Canh gác.
Tại núi Canh, từ xa xưa Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang lần thứ 2 ( 1285). Thời kỳ chống giặc phương Bắc Yên Đức cũng gắn liền với quá trình dựng và giữ nước của dân tộc. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp núi Canh đã từng là căn cứ kháng chiến của nghĩa quân Yên Thế, là kho dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Cũng từ chiến dịch này các ngõ ngách, hang động trên núi Canh được khơi thông với những tên tuổi sống mãi với non nước như: Hang gốc Bòng, hang gốc Gạo, hang Luồn ... Hang 73 ở phía Tây núi - nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp đã giết và hun chết 106 người, trong đó có 73 chiến sỹ, cán bộ, đồng bào ta chung một mộ. Mỗi hang đều gắn liền với những chiến công hiển hách, đã đi vào lịch sử với những chiến thắng vĩ đại trong lòng nhân dân Yên Đức.
Núi Canh - chiến luỹ đá khẳng định tinh thần và ý chí của du kích Đông Triều trong cuộc kháng chiến chống Pháp
Di tích núi Đống Thóc
Núi đống thóc nằm trong lòng quần thể núi Yên Đức, một bên là núi Thung, một bên là núi Con Mèo. Núi có hình thù như một tam giác cân, với cư dân nông nghiệp nó biểu tượng cho một đống thóc vừa to vừa đầy. Với cư dân nông nghiệp nó là biểu tượng cho sự phồn thịnh, no đủ, sung túc, sự trù phú của làng quê Việt Nam.
Núi Đống Thóc với hình tam giác cân, biểu tượng cho nền nông nghiệp phát triển
Di tích núi Con Chuột
Núi con chuột nằm cuối cùng về phía Nam trong cụm di tích trên bãi nổi giữa ngã ba sông đá Bạch, sông Kinh Thầy, sông Đá Vách, hình thù giống như một con chuột đang rình phá thóc, nhưng bị núi Con Mèo ngăn chặn. Trong truyền thuyết núi Con Chuột biều tượng của thế lực gian tà trên cả nghĩa rộng, nghĩa hẹp. Phá hoại thành quả của con người.
Di tích núi Con Mèo
Núi Con Mèo còn có tên là Ngọa Miêu Sơn, có hình thể giống như con mèo đang nằm rình chuột, chặn chuột để bảo vệ đống thóc, bảo vệ thành quả của con người. Và nó cũng là biểu tượng bảo vệ cho sự an bình thịnh vượng sự trường tồn của non sông đất nước. Đây cũng là địa điểm chỉ huy tầm xa chiến trận Bạch Đằng Giang chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2 (1285). Di tích được liệt vào một trong những danh sơn của vùng Đông Bắc. trong vòm hang có một số bài thơ chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ, trong đó có bài thơ Nôm nổi tiếng mang dòng chữ " Nhân tộn Hoàng đế ngự đề. niên hiệu trùng tu bát niên xuân". Tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy nhất vòm hang núi, thân đầu con mèo đã bị tàn phá.
Ngọn núi có tư thế con mèo đang rình chuột
Tổ hợp di tích núi Thung và chùa Cảnh Huống
Núi Thung:
Nằm về phía Tây của quần thể di tích. Thung có nghĩa là cối giã gạo, dưới chân núi là tường đá bao quanh. Xưa kia ở phía Đông ngọn núi có ngôi chùa Cảnh Huống được trùng tu lớn nhất vào năm 1694, nhưng vào năm 1980 - 1982 chùa bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại bài thơ khắc vào đá và một tấm bia tạc ở khe đá núi Thung, đến năm 1994 - 1995 chùa được khôi phục lại.
Phía Đông núi còn lại một ngôi tháp cao ba tầng, phía Nam còn lại một cổng được gọi là cổng Thung, hai tầng xây bằng gạch đỏ. phía Nam chân núi có Chùa Một mái, có một phiến đá rộng tạo thành một cửa hang nhân dân lập ban thờ, phía ngoài xây tường mở rộng trước cửa, bên trong còn có một số pho tượng, đặc biệt chú ý là còn duy nhất một cuốn thư sơn son thếp vàng với 4 chữ Hán nổi: Thị ứng xương kỳ; bên trái chùa Một mái là đền thờ 8 vị thủy tổ có công khai dân lập làng được sửa lại năm 1987, bên phải chùa là một giếng nước ngọt, có bài thơ viết bằng chữ Hán khắc vào vách núi kể về sự kiện năm hạn hán đào cái giếng này, bài thơ khắc niên hiệu: Khải Định tam niên tam nguyệt, cạnh giếng nước là lầu bình thơ được xây dựng vào thế kỷ XIX trên một tảng đá nổi về phía Tây Nam núi, kiến trúc cửa vòm 4 cửa thông, trong có hai bài thơ viết bằng mực tàu trong cuốn thư trên vách lầu.
Di tích núi Thung ngoài ý nghĩa là một danh thắng, tên tuổi gắn với tiềm thức của cư dân nông nghiệp lúa nước mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử văn hóa, lưu giữ nhiều văn bia chữ Hán trải qua quá trình dựng và giữ nước.
Tổ hợp di tích núi Thung và chùa Cảnh Huống
Di tích chùa Cảnh Huống
Tổ hợp công trình tôn giáo chùa Cảnh Huống (chùa Cảnh Huống có vị trí nằm ở phía Đông núi Thung).
Chùa Cảnh Huống (Tên chùa có nghĩa là Chùa cảnh đẹp) là một ngôi chùa ở thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức. Đây là một ngôi chùa cổ có từ thời nhà Trần (Thế kỷ thứ XII – XIV). Chùa gắn liền với sự tích vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược giành chiến thắng lần thứ 2 tại sông Bạch Đằng đã về lập chùa trụ trì tại đây và khắc thơ trên vách núi và là di tích nằm trong quần thể Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Đức
Bên phải chùa một mái là đền thờ tổ, được sửa lại năm 1987. Bên trong: thờ tấm bia ghi tên 8 vị thủy tổ có công khai lập làng. Năm 1993, quần thể danh thắng, di tích chùa Cảnh Huống, Hang 73 đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Chùa Cảnh Huống
Di tích đền thờ Đức thánh Hang Son
Đền thờ đức thánh Hang Son nằm ở phía Tây của làng Yên Khánh. Phía trước cổng đền có 1 cây đa to
Đền thờ đức thánh Hang Son
Nhà truyền thống 200 năm tuổi
Hiện nay làng Yên Đức còn một nhà truyền thống 200 năm tuổi. Làm từ khung gỗ quý, lợp ngói, và xây tường gạch. Nhà đã được đưa vào cho hoạt động tham quan du lịch từ năm 2011. Ngôi nhà gìn giữ các giá trị của gia đình truyền thống Việt Nam, từ đây du khách có thể tìm hiểu được lối sống, văn hoá gia đình Việt được truyền qua nhiều thế hệ.
Nhà cổ 200 năm tuổi ở Yên Đức
Cầu đá cổ
Cầu đá cổ làng Yên Đức chưa rõ niên đại, nhưng nơi đây trở thành chỗ người dân tụ tập khi đi làm đồng về, nơi trẻ con chơi đùa mỗi buổi chiều.
Di sản cảnh quan truyền thống
Cảnh quan của xã Yên Đức khiến chúng ta cảm nhận được vẻ thanh bình của vùng quê nông thôn Việt Nam. Sự gần gũi thân thuộc được thể hiện qua từng con ngõ, góc làng.
Cảnh quan khu vực cổng làng, lối vào làng
Lối vào chính là lối vào từ thôn Yên Khánh có cổng tam quan được xây mới rộng rãi vững chãi với mái ngói, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Đường trục chính của làng rộng 5m, 2 làn xe ô tô đi lại thuận tiện. Các đường trong thôn rộng từ 1,8-4m.
Cổng làng Yên Khánh
Đường làng, ngõ xóm
Những con đường làng sạch sẽ, những bức tường đá độc đáo.
Hệ thống đường làng và ngõ xóm ở Yên Đức rộng rãi, thông thoáng. Người dân nơi đây cũng luôn ý thức giữ đường làng ngõ xóm sạch sẽ, tạo diện mạo nông thôn xanh, sạch, đẹp. Tuyến đường làng nối từ tỉnh lộ DT333 vào được lát bê tông, lưu lượng giao thông cơ giới trên tuyến đường khá thấp và cây xanh hai bên tuyến đường được người dân ý thức tận dụng và chăm sóc tạo cảnh quan trục đường chính của làng xanh, sạch và hấp dẫn.
Lối vào làng sạch sẽ, được trồng cây xanh
Kiến trúc cảnh quan dọc trục đường chính được người dân dặc biệt để ý. Dọc trục đường là những bức tường đá được trang trí độc đáo từ những nguyên vật liệu đặc trưng sẵn có của địa phương như tre, trúc, khóm mạ gieo trên các trậu gốm. Thấp thoáng bên trong là những mái nhà tranh, nhà ngói đỏ.
Những con đường được trang trí bằng vật liệu tái chế bắt mắt
Các ngõ xóm dẫn trong làng được được đầu tư lát bê tông kiên cố, rộng rãi. Với chiều rộng đường từ 1,8 -4m và đặc biệt ở đây người dân ít sử dụng giao thông cơ giới. Các bức tường hai bên đường phần lớn là tường đá. Mật độ xây dựng ở trong làng không cao, đằng sau các bức tường đá là vườn cây, hoặc các dàn cây xanh nên cảm giác đi lại trong đường làng ngõ xóm ở Yên Đức rất trong lành, mát mẻ.
Tại các điểm di tích lịch sử lâu đời, có một số cây xanh lâu năm có giá trị thẩm mỹ và bóng mát cao như cây đa, cây si, nhãn... thường được trồng trong các khu vực chùa, đền... Đặc biệt đến Yên Đức rất rễ bắt gặp những hàng cau thấp thoáng xa gần từ ngoài đường làng cho đến các khu dân cư trong làng, cau trồng trong vườn nhà, cau trồng ngoài chùa, cau trồng dọc tuyến đường vào khu du lịch mang đậm bản sắc của làng quê Việt Nam.
Cây đa trước đền thờ thánh Hang Son Hàng cau dẫn vào khu múa rối
Vật liệu, phương thức xây dựng truyền thống
Hiện nay người dân và doanh nghiệp của xã Yên Đức đang có xu hướng sử dụng phương thức và vật liệu xây dựng truyền thống như nhà tre mái tranh, nhà truyền thống năm gian làm từ khung gỗ, lợp ngói và xây tường đỏ tái hiện trong các điểm du lịch tại làng. Không gian của xã đã sạch đẹp, lại đậm bản sắc của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng.
Nhà gạch ngói, nhà mái tranh ở khu du lịch
Sử dụng chum, vại làm thùng rác Tường bao bằng đá
DI SẢN LÀNG VIỆT
Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com
Mobile: 0913542332