Danh nhân
* Các vị hiền tài của làng Phương Để lập thành tích cao trong Triều đình:
Bùi Viết Tuân: Hương cống khoa Quí mão triều Lê, làm quan đến Tri huyện Vĩnh Khang.
Phạm Hanh: Hương cống khoa Quí hợi triều Lê, làm quan đến Tri phủ Tĩnh Gia.
Bùi Viết Thuật: Hương cống khoa Quí hợi triều Lê, làm quan đến Tri huyện Đông Yên.
Vũ Dịch: Hương cống khoa Kỉ mão triều Lê, làm quan đến Giáo thụ phủ Trường Khánh.
Nguyễn Giản: Hương cống khoa Đinh dậu triều Lê, làm quan đến Giáo thụ phủ Nghiã Hưng.
* Cử nhân triều Nguyễn có 23 người, trong đó có 9 người xã Phương Để (xã Phương Định ngày nay):
Phạm Điển: Hương cống khoa Đinh Mão Gia Long 6, làm quan đến Tri phủ Kiến Xương, vâng mệnh đi sứ Tàu.
Nguyễn Tứ: Hương cống khoa Quí Dậu Gia Long 12,làm quan đến Tuần phủ Quảng Trị.
Bùi Tuyển: Hương cống khoa Quí Dậu Gia Long 12, làm quan đến Đốc học Nghệ An.
Vũ Hạo: Hương cống khoa Kỉ Mão Gia Long 18, làm quan đến Đốc học Hà Tĩnh.
Vũ Tự: Cử nhân khoa Bính ngọ Thiệu Trị 6, ở nhà dạy học rồi mất.
Nguyễn Huyên: Cử nhân khoa Đinh Mùi Thiệu Trị 7, Làm quan đến Giám sát sứ đạo Thuận Khánh.
Nguyễn Luyện: Cử nhân khoa Giáp Tí Tự Đức 17, làm quan đến Giáo thụ phủ Xuân Trường.
Phạm Phan: Cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức 20, làm quan đến Tri huyện Tiên Lữ. Ông là con của Phạm Điển.
Vũ Đức Hoằng: Cử nhân khoa Đinh Mão Tự Đức 23, làm quan đến Huấn đạo Gia Viễn.
Lễ hội
Hội làng thường tổ chức vào 6/3 Âm lịch hàng năm, quanh 3 thôn Phú Ninh, Nhự Nương và Cổ Chất.
Ẩm thực, sản vật đặc thù
Qua quá trình thực tế khảo sát, nhóm điều tra không thấy địa phương có ẩm thực hay các sản vật đặc thù, chủ yếu là các nếp sống phục vụ đời sống hàng ngày của các hộ gia đình.
Nghệ thuật biểu diễn
Qua quá trình thực tế khảo sát, nhóm điều tra không thấy các dữ liệu hay sự kiện về nghệ thuật biểu diễn của khu vực.
Các phong tục tập quán tiêu biểu (cưới hỏi, lễ hội, hương ước, quan hệ dòng tộc, láng giềng...)
Các phong tục tập quán tiêu biểu:
Sùng trọng nền nho học: Các xã Ngọc Giả, Cát Chử, Phương Để, Dịch Diệp, Văn Lãng, Nam Lạng, Đàm Cát, Trừng Hải, Cổ Lễ, Quĩ Đê... đều có một toà Văn chỉ riêng. Hàng năm vào mùa xuân, mùa thu nhân dân hội họp cúng tế. Các xã Ngọc Giả, Cát Hạ, Hàn Xuyên, Yên Lạng có lệ: Hễ người nào đi học thì được miễn trừ binh, giao, tạp dịch; Ai thi đỗ thì được cả xã rước mừng. Riêng xã Cát Hạ còn cấp tiền tốn phí cho học trò đi thi, nếu thi đậu sẽ được tiền thưởng và công bố cho mọi người biết. So với các xã thì xã Cát Hạ lại càng hậu hĩnh hơn. Các xã Liễu Đề, Cát Chử, Ninh Cường xưa nay đề ham văn học, thường mời thày về dạy cho con em mình noi theo (xã Liễu Đề có một nhà học, xã Ninh Cường có hai nhà học) hoặc chia hạng ra khảo hạch để cho lớn bé đều biết tranh đua. Xã Cát Chử thường mở kì thi vào mùa xuân, chia làm ba hạng đại, trung, tiểu và mời các nhà khoa mục về chấm thi. Đó đều là tập tục tốt cả, nhưng từ ngày xảy ra nhiều vụ việc tới nay, xã Cát Chử đã thôi việc khảo khoá, xã Liễu Đề nhà học cũng bỏ hoang, học điền cũng rút đi để cung cấp vào việc khác. Chỉ có xã Ninh Cường đến nay vẫn giữ được tập tục cũ. Hai sở nhà học và hai sở nhà thờ đều giữ lấy sự giáo dục của mình, chưa rõ bên nào sáng, bên nào mờ.
Về việc thờ thần: Nhân dân các xã đều có lệ thờ thần, đình miếu bốn mùa bát tiết, mùa nào thức ấy kính dâng phẩm vật. Hoặc một năm tế cầu phúc một lần, hoặc ba năm một lần. Hễ đến kì thì rước kiệu ra đình hát xướng cung phụng. Việc mở hội tế thần thì lệ ở mỗi làng mỗi khác. Các xã Phượng Tường, Thủ Trao, Trí Kinh, Hàn Xuyên... thì mở hội đánh vật giành giải hơn thua. Cát Chử mở hội đấu cờ người, trai gái ăn mặc màu áo khác nhau.
Lệ khánh lão: Lệ khánh lão ở các xã Cát Chử, Quĩ Đê, Trừng Hải, Diên Bình, Yên Lạng, Liễu Đề, Quần Lạc đều theo lối phong hậu, đều có ruộng đất để làm cỗ, đều có đình sở để dọn yến tiệc. Hàng năm sau lễ tế xuân đều có cỗ mừng. Từ 60 tuổi trở lên thì được dự yến. Người 70, 80 tuổi trở lên mỗi người còn có một cỗ riêng. Xã Quĩ Đê còn có tiền mừng mỗi cỗ 3 quan. Gậy 32 làng sau trước chén xuân mặc tỉnh say, hớn hở cùng nhau chung vui nên xuân cõi thọ. Do đó thấy được cái nền giáo dục hiếu đệ của bản triều ta vậy. (Theo lễ "Hương ẩm tửu" trong sách "Lễ kí" đến tuổi 60 thì được chống gậy đi dự lễ làng).
Lệ hôn nhân: Trai lấy vợ bản xã thì phải nộp tiền cheo như sau : Cát Chử 3 quan, Hàn Xuyên 5 quan một mạch, Cống Khê 1 quan hai mạch. Nếu lấy người xã khác thì phải nộp gấp đôi.
Lệ tang: Tang gia xin hội văn và bản giáp giúp làm việc tang lễ. Các xã có sự khác nhau.
Sùng trọng đạo giáo: Xã Trung Lao có 5 nhà thờ. Các xã Ninh Cường, Liễu Đề, Yên Lãng, mỗi xã có 2 nhà thờ. Các xã Đại Đê, Sa Đê, Nam Lạng, Nhuế Tây, Trung Hoà, Tam Nhạc mỗi xã đều có một nhà thờ. Mỗi khi đến ngày lễ, già trẻ, trai gái không hẹn mà tập trung kể có hàng trăm hàng nghìn, theo vào hai cửa bên phải bên trái ngồi theo hàng lối mà nghe giảng kinh, nghiêm trang làm lễ. Đạo giáo đại để cũng khuyên mọi người bỏ ác theo thiện, trong thì giữ 10 điều răn, ngoài thì bỏ 3 mối thù để được siêu thăng lên thiên đàng. Cũng hơi giống như đạo Phật. Nếu theo đạo giáo thì tín đồ sáng tối phải đọc kinh, đói khổ đều được giúp đỡ. Vì vậy tục ngữ có câu :"Đi đạo lấy gạo mà ăn". Dạy chuyên mà ơn rộng, bọn thất phu thất phụ đi theo ngày càng nhiều. Họ tôn thờ linh mục như thần linh, gọi linh mục là "Đức Cha". Nếu hàng ngày có làm gì tội lỗi thì đến kì xưng tội đều phải thú nhận để được khoan tha, không giám dấu diếm.
Ca dao, tục ngữ, câu chuyện truyền miệng về lịch sử phát triển
Những câu ngạn ngữ, tục ngữ:
Hàn Ninh Cường, đường Cát Giả (tức Cát Chử), mã Quần Anh (đều chê là nhỏ hẹp).
Chiêng Sòng, cồng Đáy (tức Phương Để), mõ Trung Khê (một thôn của xã Lộng Khê)
Quần Anh cắm chốt, Cát Giả nút thuyền.
Chết dâu, chết rể không bằng Phương Để đến nhà.
Văn bản cổ, thư tịch, sắc phong, ghi chép trên bia đá, chữ trên cổng nhà, cổng làng
Tiểu sử Đức Thành Hoàng: “ ...Nhằm ngày 06 tháng 3 năm Bính Thân 1056- Tức là năm thứ 3 Thánh tôn Hoàng Đế, niên hiệu Long Thụy Thái Bình- vợ ông Nguyễn Công Xương ở Trang Dịch Diệp huyện Tây Chân, đạo Sơn Nam là bà Võ Thị sinh được 2 người con trai và bà Quang Nương, em nuôi của ông bà Công Xương cũng sinh được 1 trang nam tử. Cả 3 đều “ Hàm én mày ngài“, khí vũ hiên ngang, dung khí tươi tốt, khác hẳn người thường. Mấy tháng sau, và Quang Nương không bệnh mà qua đời. Linh cữu được đưa về an táng ở quê nhà là xã Sài Sơn, huyện An Sơn, đạo Sơn Tây. Từ đấy ông bà Công Xương nuôi dạy cả 3 trẻ và lần lượt đặt tên là:
Nguyễn Công Tham (Con bà Võ Thị)
Nguyễn Công Văn (Con bà Võ Thị)
Nguyễn Công Phạn (Con bà Quang Nương)
Ngày qua tháng lại, thấm thoát thoi đưa, đến tuổi trưởng thành, ông bà Công Xương đã đón Thầy về tư gia cho các con theo học. Chỉ không đầy 10 năm, cả 3 người đều đã làu thông kinh sử, văn võ toàn tài.
Vào năm Quý Sửu (1073) - Tức năm Thái Ninh thứ 2 đời Nhân tôn Hoàng Đế- Nhà vua hạ chiếu cầu hiền, và sức cho Quan lại ở địa phương tiến cử những người giỏi văn, giỏi võ, hiền lương, liêm chính ra giúp dân giúp nước. Các ông nghe tin siết bao mừng rỡ, cùng bạn bè đồng môn lai kinh yết bảng.
Khi bệ kiến thềm rồng, các Ông đều tỏ rõ là những người nhân tài xuất chúng, trụ cột nước nhà.
Ông Công Tham được phong là “Ngự Kế Công Thừa“
Ông Công Văn được phong là “Thái Sư Bác Sĩ”
Ông Công Phạn được phong là “Trung Lang”
Từ đó các ông đều dốc một lòng phò Vua, giúp nước, tạo nên cảnh thái bình thịnh trị.
Khi có giặc Chiêm Thành quấy rối ở phương Nam và giặc Tống lăm le xâm chiếm ở phương Bắc, các ông đều được phong làm Tướng, dẫn quân xông trận, nhiều lần lập được kì công. Khi thu quân hồi Triều luận công ban thưởng, ông Công Văn được thăng là “Tư Lệ Hiệu úy”, ông Công Phạn được thăng là “Điện Tiền Chỉ Huy Sứ“. Riêng ông Công Tham đã tử chiến nơi sa trường, được truy phong là “Lâu Khê Đại Vương”. Nhà vua còn sức cho Trang Dịch Diệp lập đền thờ đời đời hương khói.
Chưa đến 50 tuổi, ông Công Phạn xin từ quan, xuất gia tu hành, lấy đạo hiệu là “Đại Pháp Thuyền Sư” rồi đi lại sửa sang trông coi cả 2 Chùa ở Trang Dịch Diệp và Trang Cổ Hiền ( Cổ Chất ngày nay).
Ông mất ngày 07 tháng 3 năm Bính Thân (1116) khi vừa tròn 60 tuổi. Được nhà Vua ban sắc phong là “Phạn Công Đại Vương” lại sức cho nhân dân Dịch Diệp và Cổ Hiền lập đền phụng thờ, bốn mùa cúng tế.
Sau này khi ông Công Văn mất cũng được Triều đình phong là “Chương Tẩu Đại Vương“, bài vị được thờ chung trong đền Dịch Diệp...”