Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Cổ Chất (Nam Định) - VĂN HÓA NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG CỔ CHẤT

Lịch sử phát triển nghề truyền thống
Xưa kia làng Cổ Chất sống nhờ vào nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, quay sợi. Theo khảo sát lịch sử phát triển nghề tồn tại ở làng Cổ Chất khoảng vài trăm năm, nhiều gia đình đã trải qua hàng chục đời sinh sống bằng nghề thủ công này.
“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ”
Đã từ lâu, nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã đi vào câu ca, bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam. Với lợi thế có vùng đất bãi sông Ninh Cơ rộng gần 100ha, thôn Cổ Chất đã tận dụng để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi.  Từ triều Lê, tại huyện Trực Ninh, cụ thể là các xã Phương Để (Phương Định ngày nay), Lộ Xuyên, Lộng Khê, An Trung đã có khoảng 20 mẫu dành cho việc trồng dâu nuôi tằm. Thời Pháp thuộc, nhờ sự nghiên cứu của P.Gourou trong ‘‘Người nông dân vùng châu thổ Bắc kỳ‘‘ đã khiến người Pháp chú ý tới nghề ươm tơ, dệt lụa ở xã Phương Định, để sau đó bỏ vốn xây dựng một nhà máy dệt lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Từ đó, Cổ Chất nói riêng và Trực Ninh nói chung đã trở thành vùng vành đai nguyên liệu cung cấp cho công ty bông vải sợi Bắc Kỳ. Tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh.
Suốt chiều dài lịch sử hơn 400 năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về Kinh thành Thăng Long. Năm ấy, ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ. 
Nguồn cung cấp kén chính cho làng Cổ Chất xưa kia, nằm ở thôn Hợp Hòa nằm cạnh bên bờ đê sông Ninh Cơ, cùng thuộc xã Phương Định. Diện tích đất trồng dâu của thôn hiện nay không còn nhiều, nghề chăn tằm nai (tằm dệt) cực khổ hơn nhiều lần so với tằm ré (tằm ta, nuôi lấy nhộng làm thực phẩm), giá thành bán ra cũng không cao bằng. Nhiều năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều dẫn đến kết quả trồng dâu nuôi tằm đạt kết quả kém, tằm bị lẫn nhiều cặn. Từ đó địa phương chuyển đổi mô hình từ đất nuôi dâu tằm sang canh tác thủy sản và trồng cây ăn quả, diện tích đất sử dụng để nuôi dâu tằm giảm xuống còn khoảng 20 ha, nên hầu hết hộ dân ở thôn Hợp Hòa buộc phải chuyển sang nuôi tằm ré. Giờ đây, làng Cổ Chất phải thu mua kén tằm ở khắp các vùng lân cận, từ Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam, Bảo Lộc, Gia Lâm... Phương thức sản xuất những năm gần đây bắt đầu áp dụng các máy móc theo mô hình công nghiệp hóa.
 
Các dây chuyền xe tơ được người dân sử dụng trong quá trình sản xuất
Đặc trưng của sản phẩm nghề
Các loại sản phẩm truyền thống
Ngày nay, ngoài nghề ươm và xe tơ, hoạt động sản xuất chủ yếu của làng vẫn là nông nghiệp. Nghề dâu tằm ở làng Cổ Chất ngày xưa rất đơn sơ, người dân chỉ ươm tơ, lấy tơ đan lưới, dùng đánh bắt cá trên vùng sông Ninh Cơ. Rồi từ đó, nghề ươm tơ dệt lụa qua nhiều thế kỉ trở thành làng nghề tơ Cổ Chất như hiện giờ.
Làng Cổ Chất ươm cả tơ vàng lẫn tơ trắng, nhưng tùy theo mùa. Vụ ươm tơ đầu tiên bắt đầu từ khoảng tháng 2 – 3 âm lịch cho đến tháng 9 âm lịch hàng năm, hoặc có thể làm thêm vụ tằm ép cuối năm vào tháng 12 dương lịch nếu có kén. Thời điểm cuối tháng 4, tìm đến làng Cổ Chất chỉ thấy những bó tơ trắng phơi trên những thanh sào tre cuối chợ. Sản phẩm đầu ra trước kia của làng là tơ thô.
Hình ảnh các cuộn tơ trắng và vàng được người dân mang đi phơi
 
Các loại sản phẩm kế thừa, mới
Các cuộn tơ được xe xong có thể được nhuộm hoặc giữ nguyên màu tự nhiên, được đóng vào túi nilon để mang đi xuất khẩu. Trước kia, tơ sau khi xe được nhuộm bằng các loại màu lấy từ tự nhiên như lá cây, củ dền,... Nhưng hiện tại, khi công nghệ đã phát triển hơn, các loại màu công nghiệp được người dân đưa vào sử dụng để thuận tiện hơn trong quá trình nhuộm và giúp sản phẩm đầu ra được bền màu hơn.
Bó tơ sau khi xe và chưa nhuộm
Các bó tơ sau khi đã được nhuộm
Quá trình sản xuất truyền thống:
Để tạo ra các sợi tơ thành phẩm, người làm nghề cần phải trải qua các công đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị vật liệu
Dụng cụ cần có: Máy hơi và máy kéo tơ.
Kén màu trắng
Kén màu vàng
Chọn kén là một bí quyết quan trọng để người dân tạo ra được những bó tơ có chất lượng tốt nhất. Kén có 2 loại, loại tốt và loại xấu. Loại tốt thì kén thường to, trắng phau hoặc vàng ươm, khi sờ vào cảm thấy tổ cứng và khô. Còn loại kén xấu thì thường bị dập, màu chuyển thành thâm đen, không có độ cứng của kén, loại này thường bị loại bỏ, không đủ tiêu chuẩn để đưa vào công đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Xử lý vật liệu
Ươm tơ chính là việc kéo sợi tơ từ kén thành sợi tơ tằm, từ khi bắt tằm chín lên né khoảng 7 ngày sau, thì bắt đầu ươm tơ, trong khoảng 5 ngày phải ươm tơ hết các kén đã đóng, bởi nếu chậm tằm sẽ biến thành con ngài, ngài sẽ cắn kén chui ra, làm sợi tơ bị cắn đứt, không ươm được tơ nữa.
Để ươm tơ, đầu tiên kén được thả vào chậu nước sôi và công đoạn kéo tơ bắt đầu. Kén được người dân đảo liên tục và đều tay làm lớp keo sericin tan ra một phần, kén mềm, lớp áo kén ngoài bong ra thì mới tìm được mối tơ gốc để rút sợi tơ, khoảng 10 sợi tơ được người thơ ươm tơ kéo rút từ 10 cái kén chập lại với nhau thành một sợi chỉ tơ.
Người dân trong công đoạn ươm tơ
Sợi chỉ tơ được quấn vào những con suốt giống như lõi ống chỉ xếp thẳng đứng thành hàng ngang rồi cho chạy vào những guồng tơ tròn bẳng gỗ nằm bắt ngang trên nồi nước sôi để cuộn thành các vỏ tơ sống.
Sau khi kéo tơ xong, thành quả thu được là nhộng tằm, bã kén và các cuộn tơ sống. Cả 3 đều được tái sử dụng theo những cách thức khác nhau. Nhộng tằm một lần nữa được người dân phân loại, con nào vàng ươm thì giữ lại để ăn hoặc bán, con nào bị thâm đen thì bỏ đi. Bã được phơi khô và xuất khẩu. Còn các sợi tơ trắng và vàng sau khi được se vào khung quay gỗ sẽ được mang đi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
 
Người dân đang phân loại nhộng tằm
 
Các bó tơ sau khi cuộn được đem đi phơi
Việc sản xuất phụ thuộc 90% vào thời tiết. Sản phẩm sẽ bị hư nếu không phơi nắng, thậm chí loại tơ chất lượng cũng sẽ bị hư nếu thời tiết xấu. Những cuộn tơ sống sau khi được phơi khô, sẽ được đem đi xe sợi cho sợi mềm hơn.
Cuối cùng là công đoạn nhuộm màu. Theo truyền thống, các sợi tơ được nhuộm bằng các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như vỏ cây, lá cây, các loại củ như củ nâu… Ngày nay, kỹ thuật nhuộm hiên đại với phẩm màu công nghiệp, các bó tơ sợi đã được khoác lên mình những màu sắc đa dạng, sắc nét và rực rỡ hơn. 
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332