Tóm tắt: Di sản kiến trúc và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, trường hợp nghiên cứu xã Trường Yên, tỉnh Ninh Bình cần được đánh giá trên góc độ khu vực làng và hộ ở. Các yếu tố cần được đánh giá là kiến trúc công trình tôn giáo tín ngưỡng, công trình nhà ở, công trình công cộng truyền thống. Về cảnh quan cần đánh giá cả trên phạm vi đồng ruộng ngoài làng, cảnh quan tự nhiên và cảnh quan bên trong làng. Việc đánh giá giá trị dựa trên cả yếu tố lịch sử và phương pháp bảo tồn phù hợp. Việc đánh giá cũng dựa trên góc nhìn khả năng thiết lập tối đa các sản phẩm du lịch để có thể tạo lập mô hình Làng du lịch - Di sản cho xã Trường Yên.
Từ khóa: Di sản kiến trúc và cảnh quan nông thôn, du lịch nông thôn, làng di sản - du lịch
Nhận diện vấn đề
Việc phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp là một định hướng đúng. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Ninh Bình, khu vực nông nghiệp, nông thôn chứa đựng những giá trị văn hóa nhiều mặt rất quý giá, là tiềm năng để phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho địa phương.
Việc đánh giá giá trị kiến trúc, cảnh quan để phát triển du lịch là công việc quan trọng. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng được đánh giá đầy đủ, thường tách bạch công tác bảo tồn công trình kiến trúc khỏi yếu tố cảnh quan, hoặc đánh giá trên các góc độ giá trị để bảo tồn mà không đứng trên khía cạnh để làm du lịch. Việc nhận diện những giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan với trường hợp xã Trường Yên cần có quan điểm:
- Nhận diện các giá trị của di sản kiến trúc và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn không chỉ dưới góc độ của lát cắt kiến trúc – cảnh quan hiện tại mà còn cần nhìn nhận trong quá trình biến đổi lịch sử, khả năng phục hồi, đánh giá vai trò của di sản trong đời sống đương đại.
- Giá trị của di sản kiến trúc và cảnh quan không đánh giá tách biệt với các giá trị phi vật thể lồng ghép trong đó.
- Việc nhận diện giá trị để đưa vào phát triển du lịch thực hiện theo góc nhìn để hình thành các sản phẩm du lịch, nằm trong hệ thống phát triển sản phẩm du lịch của khu vực, theo một mô hình phát triển du lịch nhất định.
Bài viết này đưa ra một số ý kiến về đánh giá di sản kiến trúc, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, sơ bộ nhận điện với trường hợp xã Trường Yên dựa trên những góc nhìn này.
Di sản kiến trúc cảnh quan nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển mô hình Làng du lịch – di sản
Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hình thành ở nước ta nhưng phát triển chưa như kỳ vọng, chưa đúng với tiềm năng mà nó chứa đựng, cần phải thiết lập các mô hình du lịch mới. Trong kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng nghề- Du lịch và làng Di sản- Du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới” năm 2020 (3) đề tài đã đề xuất mô hình Làng di sản – Du lịch áp dụng cho vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), mô hình này hình thành dựa trên một hệ thống tổng thể các giá trị di sản từ vật thể đến phi vật thể của các làng truyền thống.
Trong kết quả nghiên cứu, qua đánh giá 80 làng truyền thống, đã lựa chọn được một số làng tiêu biểu, trong số đó có các thôn (làng) trong xã Trường Yên tiêu biểu có tiềm năng để phát triển thành mô hình: Làng Di sản - Du lịch. Mô hình du lịch được hình thành trên hệ thống các sản phẩm du lịch được thiết lập đầy đủ từ hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng truyền thống vùng ĐBSH, có mô hình quản lý phù hợp với sự tham gia của cộng đồng, là mô hình phát triển có tính chất bền vững. Kinh tế du lịch sẽ trở thành kinh tế chủ lực của xã, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Như vậy các nghiên cứu về di sản ở xã Trường Yên nên thực hiện theo định hướng của mô hình này.
Những giá trị về kiến trúc, cảnh quan của nông nghiệp, nông thôn trong vùng
Gía trị kiến trúc, cảnh quan cần được đánh giá theo các nhóm tiêu chí sau:
- Giá trị về cấu trúc làng cổ (Tiêu chí A)
Các làng truyền thống ở trong vùng ĐBSH có lịch sử khoảng từ 400 năm – 700 năm. Có nơi đến 1000 năm. Cấu trúc truyền thống đã ổn định cũng khoảng từ 400 năm trở lại đây. Đó là một cấu trúc không gian có tính khá tương đồng trong vùng ĐBSH, có đặc trưng riêng biệt khác với các làng ở các vùng khác ở nước ta. Cấu trúc có cổng làng, lũy tre bao bọc, đình, chùa, miếu, đường ngõ phân nhánh, có ao làng giếng làng…hệ thống đồng ruộng, ao hồ, sông ngòi tự nhiên xung quanh, dân cư sống tập trung cơ bản làm nông nghiệp trồng lúa nước, lối sống “tự trị”, tính cộng đồng cao. Cấu trúc có sự ổn định hàng trăm năm, mới chỉ có biến động lớn từ khoảng năm1986 sau Đổi mới trở lại đây, mới đây nữa là công tác quy hoạch nông thôn mới (từ 2010 đến nay). Nhìn chung còn có thể khảo cứu để phục hồi theo những dấu tích còn lại.
Qua các nghiên cứu cho thấy các làng truyền thống vùng ĐBSH hiện nay trong cấu trúc mất nhiều là lũy tre, cổng làng, ao hồ trong làng bị lấp dần, mất các công trình công cộng như quán trên cánh đồng, điếm canh, quán đầu làng, cổng làng…phần lớn vẫn còn cấu trúc đường phân nhánh, đi bộ, ngõ hẹp.
Các thôn trong xã Trường Yên cơ bản cũng trong bối cảnh như vậy. Cấu trúc làng cũ cũng đã mất mát một số thành tố như cổng làng, lũy tre.... Từ những yếu tố đánh giá chung này, cũng cần khảo cứu để rõ hơn đối với xã Trường Yên, tìm ra trong 16 thôn hiện nay, thôn nào là mới phát triển, thôn nào thuộc các làng cổ trước đây để lựa chọn phục hồi về cấu trúc. Sơ bộ có thể thấy thôn Trường Yên còn cơ bản giữ được hình thái kiểu làng cũ, còn có khả năng tôn tạo, phục hồi.
Để phục hồi cấu trúc cần có khảo sát rộng hơn về cấu trúc của các làng truyền thống lân cận trong khu vực huyện Hoa Lư để tìm những yếu tố nào là yếu tố gốc vốn có, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phục dựng hoặc tu bổ.
- Giá trị kiến trúc truyền thống (Tiêu chí B)
Hệ thống công trình kiến trúc truyền thống vốn có trong các làng rất phong phú. Có 3 nhóm chính:
+ Nhóm công trình tôn giáo, tín ngưỡng: Gồm Đình, Chùa, đền, miếu, phủ, quán thờ…
+ Nhóm công trình nhà ở truyền thống: Nhà cấu kiện gỗ, nhà cấu kiện xây gạch nung, nhà đất…
+ Nhóm công trình công cộng truyền thống: Cổng làng, ao làng, giếng làng, cầu đá, quán, điếm…
Nhóm công trình này cần được đánh giá trên cả khía cạnh kiến trúc công trình và tổ hợp hoặc quần thể. Với Đình, chùa, phủ…còn đánh giá cả cách tổ hợp của hệ thống sân vườn, ao, cây xanh trong khuôn viên đình, chùa, phủ đó. Đánh giá cả những giá trị về vận dụng Phong thủy trong tổ hợp kiến trúc cảnh quan.
Với nhà ở, không chỉ đánh giá về kiến trúc nhà chính (nhà cấu kiện gỗ) mà còn cần đánh giá về cách bố trí sân vườn, trồng cây xanh, bố trí nhà phụ như bếp, chuồng trại.
Với xã Tràng An, sơ bộ cho thấy hệ thống đình, đền gắn với lịch sử phát triển của giai đoạn triều Đinh, Lê là rõ nét và có giá trị nhất. Kiến trúc nhà cổ vẫn còn tuy không nhiều. Các công trình công cộng như giếng, quán, điếm đã mai một, cũng cần điều tra xem xét đã từng có cổng làng, lũy tre bảo vệ không, những giếng, ao nào đã bị lấp, có khả năng khôi phục không…
Cần đánh giá những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, xây dựng, cách sử dụng vật liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, hài hòa với môi trường sống, hài hòa với tập quán sinh hoạt…Bên cạnh đó còn cần đánh giá những công trình này trên nhiều khía cạnh khác như ý nghĩa gắn kết cộng đồng (vai trò của quán, điếm canh), sự chia sẻ trong cộng đồng, thể chế quản lý, tính tự trị (đình làng, cổng làng), tín ngưỡng thờ thành hoàng ở các ngôi Đình (là người có công với nước, danh nhân, nhân thần…)
Gía trị sử dụng vật liệu, kinh nghiệm xây dựng bản địa cũng cần được xem xét như là một giá trị trong công trình kiến trúc. Việc dùng rơm rạ lợp nhà, làm nhà bằng đá, trồng cây lấy gỗ, nhà tre, đá gạch làm đường…cũng cần được khảo cứu.
- Giá trị cảnh quan truyền thống (tiêu chí C)
Cần đánh giá các giá trị cảnh quan tại các khu vực:
+ Cảnh quan trong làng: Gồm cảnh quan đường làng, ngõ xóm, cảnh quan của các khu vực công trình công cộng như cổng làng, ao làng, lũy tre. Xác định các tổ hợp cảnh quan đặc trưng, ví dụ như tổ hợp cây Đa- ao làng, tổ hợp lũy tre- cổng làng…(1). Những tổ hợp này cũng được xác định vẻ đẹp theo mùa, theo điều kiện thời tiết để phù hợp tổ chức du lịch.
+ Khu vực ngoài làng (quy mô xã): Gồm cảnh quan đồng ruộng, ao hồ, sông ngòi tự nhiên, bờ đê, bến thuyền, đầm…
Cần đánh giá cảnh quan cả trên các tuyến nhìn đi bộ và cảnh quan từ trên cao. Cần đánh giá giá trị cảnh quan theo vị trí quan sát có thể cảm thụ được tốt nhất cảnh quan.
Khu vực xã Tràng An có thế mạnh về cảnh quan ngoài làng, những cánh đồng lúa đan xen với núi đá vôi, những con sông len lỏi trong khu vực tạo nên đặc trưng khác biệt với cảnh quan ngoài làng ở các khu vực khác. Một số vị trí đình, chùa, am có cảnh quan đẹp do địa hình, mặt nước tổ hợp đa dạng, không gian nhiều lớp cảnh. Rất cần khai thác thế mạnh cảnh quan khi nhìn từ trên cao như từ các đỉnh núi.
Tại Ninh Bình đã bước đầu tạo nên thương hiệu du lịch “ mùa vàng Tam Cốc” chính từ đặc trưng cảnh quan này.
Với khu vực trong làng, các đặc trưng cảnh quan đẹp còn ít, tuy nhiên vẫn có thể phục hồi, chỉnh trang. Ví dụ các ngõ với các bức tường xây đá có thể tạo nên đặc trưng riêng. Rất cần chú ý trồng cây bóng mát, cây ăn quá, giàn leo đặc trưng của vùng (cây Mít, cây Cau, cây Xoan, giàn Trầu…) để tham gia tạo cảnh quan ngõ. Những cây rơm gợi nhớ cảnh quan nông nghiệp xưa có thể được tái hiện. Các hàng rào bằng cây Duối, Ôrô cũng có thể được khôi phục thay thế hàng rào gạch mới xây.
Cảnh quan khi đánh giá cũng cần xác định những giá trị tinh thần kèm theo như cây cổ thụ gắn liền với tín ngường thờ thần,”thần cây Đa, ma cây Gạo”, mặt nước, địa hình gắn với quan niệm phong thủy…Cảnh quan ao làng có thể gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, giếng làng gắn với việc gắn kết cộng đồng, trao đổi thông tin.
Nhược điểm về cảnh quan xã Trường An là ở một số trục đường chính người dân đã xây nhà dạng lô bám theo mặt đường, không còn dấu tích của cảnh quan truyền thống. Hệ thống đường gạch của làng đã thay thế hoàn toàn bằng đường bê tông.
Tổ hợp cây cổ thụ- mặt nước- đồi núi phía xa là tổ hợp cảnh quan đặc trưng
Cây xanh truyền thống như Cau, Mít, cây cảnh vườn nhà vẫn còn trong nhiều hộ gia đình.
Cảnh quan ngoài làng, các lối đi giữa thiên nhiên có nước, đồi, núi đá vôi là một đặc trưng.
Cảnh quan ngõ, các bức tường xây đá, cây xanh trong nhà tham gia vào cảnh quan.
Tích hợp các tiêu chí để lựa chọn thôn phát triển mô hình “ làng Di sản- Du lịch”
Sau khi đánh giá dựa theo các tiêu chí này sẽ thực hiện lựa chọn thôn có nhiều lợi thế nhất để phát triển mô hình làng Di sản – Du lịch. Nên phát triển ở quy mô thôn (làng) trước để thí điểm rồi mới nhân rộng toàn xã nếu có thể. Bởi việc bảo tồn tu bổ tôn tạo sẽ tác động đến đời sống của người dân, không nên làm rộng. Toàn bộ người dân trong thôn phải tham gia mới có ý nghĩa và tránh xung đột trong quá trình hoạt động của mô hình.
Giá trị sinh thái của cảnh quan và môi trường nông thôn
Gía trị này được đánh giá trên phạm vi quy mô xã, cả trong và ngoài làng.
+ Các cảnh quan đẹp gắn với việc gìn giữ giá trị sinh thái, coi trọng cây xanh, mặt nước tự nhiên, sự kết nối với tự nhiên. Sử dụng nhiều cây xanh bản địa, kể cả cây hoang dại.
+ Sự đa dạng sinh học: Đánh giá qua sự đa dạng của các loài động, thực vật, của các hệ sinh thái. Các động vật hoang dã như chim cò, ếch, tôm cua cá trên cánh đồng, bướm, côn trùng…chứng tỏ một môi trường tự nhiên trong lành. Các hệ sinh thái đồng ruộng, đồi núi, mặt nước thấp…đều cần được giữ gìn.
Đây đang là thế mạnh của khu vực Danh thắng Tràng An. Hệ sinh thái tự nhiên còn tốt, đa dạng, còn thấy nhiều chim cò bay trên cánh đồng. Tuy nhiên càng gần khu vực có điểm dân cư, yếu tố này càng suy giảm. Vì vậy phải chú ý khôi phục lại.
Giải pháp là phải tăng cường diện tích cây xanh che phủ, giữ mặt nước tự nhiên, mặt nước thấp, có các khu cho động vật hoang dã phát triển. Không săn bắn động vật hoang dã.
Việc sản xuất nông nghiệp phải chuyển đổi theo hướng xanh, không dùng phân hóa học, thuộc trừ sâu bằng hóa chất.
Khi hệ thống sinh thái được khôi phục, có thể tổ chức thêm các tua du lịch sinh thái tại khu vực này.
Cảnh quan đồng ruộng, cảnh quan tự nhiên và sản phẩm du lịch nghề nông truyền thống:
Đồng ruộng và cảnh quan ngoài làng không chỉ mang lại giá trị về cảnh quan để thăm quan du lịch. Đây là nơi có thể phát triển sản phẩm du lịch về nghề nông truyền thống.
Nghề nông truyền thống ở vùng ĐBSH tuy không mang lại giá trị cao ở quy mô lớn, năng suất lao động cao mà có giá trị ở phương thức sản xuất biết nương tựa vào tự nhiên, biêt tôn trọng tự nhiên. Người dân có truyền thống coi trọng nghề nông. Người dân chịu khó cần cù lao động, biết tận dụng sức trâu bò, biết sử dụng phân bón từ động thực vật rất bền vững với môi trường, biết tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để lợp nhà, đun nấu. Những cảnh lao động như “ tát nước đêm trăng”, làng xóm vào mùa gặt, mùa hoa cải tháng Ba…đã đi vào thơ ca, ca dao tục ngữ của người Việt.
Đây là một thế mạnh của Tràng An vì có thể tổ chức được sản phẩm du lịch này do sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn theo kiểu truyền thống. Các hoạt động trồng rau, gánh lúa, bắt tôm cá, đặt đó…có thể tổ chức cho du khách nước ngoài, các em học sinh trải nghiệm để hiểu về văn hóa nông nghiệp, nghề trồng lúa nước ở Việt Nam.
Bảo tồn nhà cổ và nhà ở khác
Giá trị nhà cổ và việc bảo tồn nhà cổ
Nhà ở cổ, kiểu nhà gỗ truyền thống tại Tràng An theo khảo sát sơ bộ có 25 nhà. Là cấu trúc gỗ tương tự như cấu trúc nhà gỗ vùng ĐBSH, loại 3 gian đến 5 gian, niên đại khoảng 100-200 năm. Đây là những di sản có giá trị.
Tuy nhiên, về giá trị không chỉ nhìn nhận về bản thân kiến trúc, nghệ thuật của ngôi nhà chính mà cần đánh giá cả cấu trúc của hộ ở, xem xét tính truyền thống của nó còn lại trên góc độ hộ ở. Ví dụ cấu trúc phải đầy đủ các thành tố: nhà chính, bếp nhà phụ (làm nghề phụ nếu có), chuồn lợn gà, trâu bò, ao nhà, sân phơi, cây thuốc vườn nhà, cây trồng lấy gỗ (xoan), bụi Tre…
Việc bảo tồn nhà cổ hiện nay mới chỉ được thực hiện ở những nơi có dự án bảo tồn quy mô làng, ví dụ như làng cổ Đường Lâm, làng cổ Phước Tích, làng cổ Lộc Yên vì có mục tiêu rõ ràng là có thể đưa các di sản này vào trong hoạt động du lịch của làng. Bảo tồn phải gắn với tổ chức hoạt động du lịch thì mới thành công. Thực tế nhà nước không thể đầu tư ngân sách để bảo tồn những ngôi nhà cổ riêng lẻ ở những làng thông thường vì thiếu nguồn vốn và chưa thấy rõ hiệu quả.
Như vậy việc bảo tồn nhà cổ ở Trường Yên cũng cần phải được thực hiện trên quan điểm đi từ bảo tồn và phát huy giá trị của làng cổ thông qua hoạt động du lịch ở làng (cấp độ khu vực) rồi mới đến bảo tồn nhà ở (cấp độ công trình) thì mới có hiệu quả.
Việc bảo tồn nhà cổ cần dựa trên các nghiên cứu về các phương pháp bảo tồn để vận dụng phù hợp, trong đó có phương pháp “ bảo tồn thích ứng” (4) để áp dụng đối với các loại hình di sản nhưng chưa phải là các di tích, các di sản “sống” phù hợp với mục tiêu bảo tồn, bối cảnh bảo tồn.
Việc bảo tồn nhà ở truyền thống gắn liền với mục tiêu phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch về nhà ở truyền thống tại Trường Yên sẽ thiết lập ở cả 2 loại hình nhà ở;
+ Hộ có nhà cổ:
. Kiến trúc nhà cổ: Đây là sản phẩm được hình thành dựa trên kết quả của công tác bảo tồn kiến trúc nhà cổ. Các kiến trúc nhà và đồ đạc kiểu cũ được giữ gìn hoặc khôi phục tối đa so với di tích gốc (giai đoạn phong kiến, trước 1954)
. Sân vườn: Với hộ có nhà cổ và còn sân vườn cần khôi phục để giới thiệu về cấu trúc của hộ ở truyền thống, có bếp, sân vườn, cách trồng rau, nuôi cá, trồng cây thuốc, mô hình V-A-C kiểu truyền thống nếu còn. Nhà ở cũng như một đơn vị sinh thái.
. Bảo tồn, phục dựng và giới thiệu gía trị văn hóa sử dụng vật liệu bản địa để xây dựng nhà: sử dụng gỗ, tre, cây tự trồng, gạch đất, rơm rạ…
. Các giá trị phi vật thể: Các thờ cúng, quan hệ dòng họ, quan hệ gia đình. Ẩm thực ở gia đình, các tục lệ, tập quán Tết, cưới hỏi…Các dấu ấn, câu chuyện của gia đình như trải qua chiến tranh chống Mỹ, Pháp, qua thiên tai, biến cố gắn với làng xóm…
Như vậy việc bảo tồn nhà cổ không chỉ bảo tồn kiến trúc ngôi nhà chính mà còn bảo tồn các giá trị văn hóa khác, có thể không cùng một lắt cắt lịch sử mà là thể hiện chuỗi giá trị lịch sử.
Việc tôn tạo, phục dựng các kiến trúc phụ như bếp, chuồng trại và sân vườn thì tùy theo điều kiện còn hoặc khả năng khôi phục lại của từng hộ gia đình thì phục dựng về gốc những giai đoạn trước bao cấp 1986 hoặc vẫn giữ theo các thời kỳ còn dấu ấn. Có thể chỉ chọn một vài hộ phục dựng lại hoàn chỉnh để có cái nhìn tổng thể về kiến trúc nhà ở trong quá khứ (giai đoạn phong kiến). Không cứng nhắc một khuôn mẫu bảo tồn đối với tất cả nhà cổ.
+ Hộ không có nhà cổ nhưng nhà và khuôn viên mang tính chất nhà ở nông thôn truyền thống
Là những nhà nằm trong khu vực thôn dự kiến phát triển du lịch cộng đồng. Loại hình này còn khá phổ biến và đây chính là lợi thế của xã Tràng An.
Là những nhà có điều kiện sân vườn còn rộng rãi, còn các giá trị về cấu trúc hộ ở truyền thống, có vườn cây, vườn thuốc nam, ao cá nằm trong thôn làm làng du lịch.
Các hộ không có nhà cổ vẫn có thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng dựa trên những giá trị văn hóa khác của ngôi nhà vẫn còn, ngoài yếu tố kiến trúc. Các hộ này cũng cần được thực hiện tôn tạo để hình thành các sản phẩm du lịch.
Lợi thế của các hộ này là đất rộng, nhà ở hiện tại có thể tham gia làm home stay, tạo các dịch vụ du lịch (ăn uống, trải nghiệm văn hóa). Cần thống kê đủ những hộ gia đình này, với sự đồng thuận tham gia làm du lịch để có định hướng tổ chức.
Cần có quan điểm rõ về việc huy động cộng đồng tham gia làng du lịch không chỉ những người có nhà cổ, tránh sự đầu tư cục bộ, cần tạo lợi ích chung công bằng cho cộng đồng trong thôn làm du lịch.
Kết luận
Xã Trường Yên có lợi thế, tiềm năng để phát triển thành mô hình “Làng DI SẢN – DU LỊCH”. Việc đánh giá giá trị, bảo tồn cần thực hiện theo định hướng này.
Việc đánh giá các giá trị kiến trúc, cảnh quan cần được thực hiện trên quy mô xã (không gian ngoài làng) và không gian làng(điểm dân cư). Các giá trị qua khảo sát sơ bộ cho thấy Trường Yên có nhiều giá trị về kiến trúc, cảnh quan, có thể chuyển đổi thành các sản phẩm du lịch. Có thể lựa chọn một thôn tích hợp các giá trị cao nhất để phát triển mô hình làng di sản- du lịch (có thể là thôn Trường An)
Các giá trị cần được đánh giá là : Cấu trúc không gian toàn làng; kiến trúc công trình tôn giáo tín ngưỡng, công trình công cộng truyền thống và nhà ở; kiến trúc cảnh quan trong và ngoài làng; không gian hộ gia đình. Có các giá trị văn hóa phi vật thể lồng ghép trong đó.
Gía trị sinh thái và văn hóa nông nghiệp truyền thống cũng là yếu tố quan trọng trong đánh giá giá trị của cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan ngoài làng.
Hộ ở gia đình cần nhìn nhận giá trị không chỉ ở kiến trúc nhà cổ còn ở các ngôi nhà khác tuy không có kiến trúc cổ. Đó là các giá trị văn hóa đương đại và các dấu ấn lịch sử, tinh thần của ngôi nhà, của con người, đó cũng là giá trị để khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch.
PGS.TS. Phạm Hùng Cường
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
0913542332- cuongph@huce.edu.vn
---
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Hùng Cường (2014). Làng Việt và những giá trị di sản kiến trúc cảnh quan. Tạp chí Kiến trúc số 5-2009.
2. Phạm Hùng Cường (2020). Phát triển mô hình các làng di sản - du lịch ở ven đô Hà Nội và vùng phụ cận. Tạp chí Quy hoạch đô thị , số 39-40. Năm 2020.
3. Đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng nghề - Du lịch và Làng Di sản – Du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới . Thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Chủ trì TS. Lê Quỳnh Chi, Trường Đại học Xây dựng thực hiện.
4. Phạm Hùng Cường (2019). Bảo tồn thích ứng các di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch nông thôn mới. Tạp chí kiến trúc. Số 10.2019.