Chùa Đậu là biểu tượng cho một nét văn hoá tâm linh, không những nổi tiếng về lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, cảnh quan ngoạn mục mà còn là nơi lưu giữ những báu vật vô giá và đầy bí ẩn.
Chùa Đậu cách trung tâm Hà Nội chừng 24km về phía Nam; qua ga Thường Tín, sau đó rẽ phải chừng 4km nữa là tới. Ngôi chùa nằm ở một gò đất cao giữa cánh đồng cuối làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) với cây cối um tùm và được bao bọc bởi các hồ nước xung quanh, phía sau là vòng ôm của Sông Nhuệ chảy hiền hòa. Nơi đây được coi là đất trời đắc địa.
Toàn cảnh chùa Đậu nhìn từ trên cao
Chùa Đậu trong giân dan vốn có khá nhiều tên với nhiều lý giải. Theo sách đồng[1] từ thời Sĩ Nhiếp[2] hiện còn cất giữ tại chùa, chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên, cách đây gần 2000 năm. Ngay từ khi mới lập, chùa đã nổi tiếng linh thiêng. Bậc trí sĩ tới cầu, mùa màng tươi tốt, lộc lắm, hoa nhiều, quả đậu trĩu cành… Từ đó, dân gian gọi là chùa Đậu (mang nghĩa “thành đạt”). Chùa này chủ yếu dành cho các bậc Vua Chúa, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày có hội, nên gọi chùa Vua. Tại đây Bồ Tát hiện thân nữ nên gọi chùa Bà. Ngoài ra, chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ trong hệ thống Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nên còn gọi là Pháp Vũ Tự.
Cuốn sách đồng gần 2000 năm tuổi được lưu giữ tại chùa
Chùa được xây dựng với một quy mô lớn. Khuôn viên chùa bố cục theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, "tiền Phật, hậu Thánh" theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật; hình dáng giống chữ công; xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ quốc theo mẫu Hán tự. Cổng vào chùa là Tam Quan, còn gọi là gác chuông đẹp, cao chừng 8m, gồm hai tầng, tám mái, có đao cong vút lên cổ kính. Bốn mặt lan can ở tầng hai của gác chuông, chạm khắc nhiều hình rồng, chim, thú, phượng, hoa lá rất sinh động, đậm nét dân gian. Trên gác chuông treo quả chuông lớn đúc từ thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801).
Cổng Tam Quan - Lối vào chùa Đậu
Khuôn viên chính là một hình chữ nhật, phía trước là Tiền Đường gồm 7 gian, 2 chái. Hai đầu phía sau nối vào 2 dãy hành lang gồm 11 gian, gian đầu một bên thờ Đức Ông, một bên thờ Ông Giám Trai, 6 gian sau đắp tượng La Hán và Kim cương, 2 gian cuối làm phòng ngủ chư tăng.
Tiền đường chùa
Trong lòng khuôn viên là 2 tòa Trung điện và Thượng điện dựng trên nền cao, có nhà Thiên tượng hay ống muống rộng nối vào nhau từ Tiền đường qua Trung điện đến Thượng điện thành thế chữ vương là kiểu đặc biệt của ngôi chùa, mà không nơi nào có được.
Điện thờ Ban Mẫu ở Thượng Điện
Tòa Thượng điện và Trung điện là phần xưa nhất của chùa. Hai tòa này được làm hoàn toàn bằng gỗ, mỗi thanh gỗ đều trang trí bằng những hình chạm nổi hạt ngọc, bốc lửa. Đặc biệt ở đây có hai báu vật đầy vẻ thần bí mà mọi chùa khác hay nhiều bảo tàng trên Thế giới đều không có. Đó là hai pho tượng, được coi như quốc bảo thiêng liêng mà phật tử cung kính như đức Phật sống. Hai pho tượng đó chính là thân xác ướp khô của hai vị thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm (nếu ghép lại sẽ là Chân Tâm).
Hình ảnh xá lợi thiền sư Đạo Chân và Đạo Tâm
Pho tượng thi hài của nhà sư Vũ Khắc Minh được đặt trong lồng kính để trên bệ xây gian bên phải nhà tổ. Tượng này nhỏ, trông hệt người thật đang trầm tư mặc tưởng. Tượng ở tư thế ngồi thiền đầu hơi ngả về phía trước, cao 57cm. Cả pho tượng nặng bảy cân. Trên đầu có một vết nứt, mắt thường có thể nhìn thấy hộp sọ. Trên sống lưng cũng có một lỗ thủng nhỏ có thể thấy rõ đốt sống. Cách đây 300 năm, thiền sư mang vào am một chum nước để ngồi thiền. Người dặn lại với các phật tử, sau 100 ngày không nghe thấy tiếng mõ nữa thì hẵng mở cửa am ra. Nếu thấy thiền sư ngồi im thì cứ để như thế, lấy sơn ta bả lên người, nếu có mùi hôi thối thì dùng nước am xấp lên.
Xá lợi thiền sư Đạo Chân (Vũ Khắc Minh)
Còn pho tượng thi hài nhà sư Vũ Khắc Trường được đặt trong lồng kính để trên bệ ở gian bên trái nhà tổ. Tượng ở tư thế ngồi, cao 70cm. Toàn thân được quét một lớp sơn trắng, hình dáng phảng phất tượng Phật. Tượng này mới bị hỏng và được đắp lại bằng thạch cao. Nay phần thạch cao ở đầu gối và khuỷu tay vỡ ra để lộ xương chân và xương tay.
Xá lợi thiền sư Đạo Tâm (Vũ Khắc Tường)
Đầu năm 1993, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã được giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và thi công trùng tu hai pho tượng này. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: Không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc, các khớp xương nối với nhau tự nhiên. Như vậy, đây là hai vị thiền sư đắc đạo tại chùa, viên tịch để lại xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.
Về việc trùng tu chùa, chùa đã được tôn tạo qua bao đời. Vào thời Lê - Trịnh chùa được sửa sang mới hơn do cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên, vợ của Trịnh Tráng đứng ra làm chủ và cho khởi công 2 tòa Tiền đường và Thiêu hương, bồi đắp lại chỗ hư hỏng. Sau 2 năm, công việc hoàn thành, chùa trông rất nguy nga, khang trang, có họa tiết chạm khắc tinh xảo ở Tam Quan và Tiền đường. Bệ đá được làm bằng đá vôi màu xám trắng, xung quanh tranh trí hoa văn rồng yên ngựa và hoa, lá. Đây được coi là lần tu sửa lớn nhất.
Bệ đá vôi của chùa
Năm 1947, công trình bị thực dân Pháp phá hoại, đốt cháy, hư hỏng và mất nhiều hiện vật quý giá như quạt ngà, quạt tê giác Vua Lê, Chúa Trịnh ban. Tuy nhiên, ngoài cuốn sách đồng, vẫn còn giữ được một khánh đồng to thời Lê Cảnh Hưng đời thứ 33 (năm 1772), một chuông đồng to thời Tây Sơn, Cảnh Trịnh thứ 9 (1801), hai tấm gỗ tứ thiết sơn son thiếc vàng chạm hai bài thơ của Vua Lê Hy Tông (1680-1705) cùng Vua Lê Dụ Tông (1705-1719), một số bia đá cổ thời Mạc Sùng Khang (1566-1577), Dương Hòa (1635-1643), Thịnh Đức (1653-1657), Cảnh Hưng (1740-1786),...
Năm 1950, để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chính quyền và nhân dân địa phương đã cho đúc lại tượng Thánh Pháp Vũ, tượng đúc bằng đồng ở tư thế ngồi, cao 45cm. Năm 1964, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật loại A và tu sửa tiếp vào 1966.
Đến năm 1986, chính quyền và nhân dân địa phương lại cho dựng tạm trên nền cũ một kiến trúc nối thông từ Long Đình đến giữa nền nhà Chính điện, theo dạng hình ống, mà nhân dân gọi là Thượng điện.
Chùa đang có phần sửa sang lại
Hiện chùa Đậu được coi là một trong những di sản văn hóa lâu đời và quý báu của Việt Nam. Tuy nhiên, chùa đã bị xuống cấp và cần được tiếp tục tôn tạo, bảo tồn theo đúng nguyên bản giá trị lịch sử vốn có.
Thạch Phương Dung (Sưu tầm và tổng hợp)
________________________________________
[1] Cuốn sách bằng đồng có từ đầu thế kỷ thứ III (năm 200 - 210), một hiện vật lịch sử của chùa Đậu
[2] Bậc hiền tài được nhân dân kính trọng tôn như Vua nên tôn là Sĩ Vương, cũng là người cho lập nên chùa Đậu
DI SẢN LÀNG VIỆT
Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com
Mobile: 0913542332