Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Châu Khê (Thái Bình) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG CHÂU KHÊ

Sơ đồ vị trí di tịc làng Châu Khê
 
Đình Châu Khê
Đình làng Châu Khê có tên chữ là Sỹ công Đại vương từ, ngự trên trên mảnh đất ở trước làng, diện tích 2118m2. Thế đất cao rộng, khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII (1290), đã qua nhiều lần trùng tu, năm bảo Đại 16 (1941) có đợt trùng tu lớn. Đình có cổng tam quan, cổng ngách, sân lát gạch đỏ, tường bao 3 mặt. Trước nhà tiền đình xây 2 nhà giải vũ, diện tích 150,2m2. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh, nhà tiền tế 5 gian rộng 207,48m2, nhà hậu cung 61,2m2. Bia đá, ngựa đá (niên đại thời Lê, thời Nguyễn) ở khu sân đình gần cổng tam quan. Trong khuôn viên đình có cây cảnh, cây ăn quả và vườn hoa. Mái đình lợp ngói vẩy cá, nóc đắp rồng kìm, đắp lưỡng long chầu nhật. Tiền bái có ban thờ đặt hương án, bát hương, cây nến, mâm bồng, bàn đặt lễ vật, hoành phi câu đối chữ Hán Nôm. Hậu cung có bệ thờ, hương án, bát hương, đỉnh đồng, tượng Phạm Sỹ, ngai thờ, hạc, hoành phi, câu đối, bát bửu, long đình, kiệu bát cống, cờ lọng, tán, quạt, tranh Phạm Sỹ, tranh Trần Hưng Đạo Đại Vương, tranh Chu Tam Sương. Những đồ thờ này được bày ở vị trí thích hợp, thể hiện tính thiêng, tính mỹ thuật. Hậu cung còn đặt ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các liệt sỹ làng Châu Khê.
 
Đình Châu Khê
Nghè Châu Khê
Nghè Châu Khê hiện nay không còn nhưng theo Bản khai sự tích thành hoàng làng thì nghè được Phạm Sỹ cho tiền làm. Đình sau này mới làm. Nghè kiến trúc hình chữ Nhị gồm 7 gian chính, ba gian hậu cung, có cổng, giếng nước. Nghè tồn tại đến thập niên 70 của thế kỷ XX. Trong suốt thời gian tồn tại nghè được sử dụng làm trường học, nghè là "điểm đến" của hành trình đám rước ngày hội làng.  
Chùa Châu Khê
Chùa Châu Khê được tạo dựng ngay khi có Chu Xá trang, thế kỷ XII, toạ lạc trên khu đất cao cánh đồng Cửa Hàng. Vào lúc cuối đời Lý, đầu đời Trần chùa được chuyển về địa điểm hiện nay. Đất có địa thế hình đoá sen nên đặt tên chùa là Liên hoa tự. Đến đời Lê (khoảng năm 1692), đổi tên thành Sùng ân tự. Chùa có 36 gian, diện tích đất 1.320m2, trong đó diện tích xây nhà thờ tự rộng 657,6m2. Tượng Phật uy nghi, cổng tam quan treo quả chuông đồng nặng 1300kg. Tiếng chuông chùa Châu Khê đã đi vào tâm khảm mỗi người dân thời đó và hình thành nên câu ca:“Chuông Châu, trống Ủng, mõ Đầu” (chuông làng Châu Khê, trống làng Ủng, mõ làng Đầu, ba làng ở gần nhau). Quả chuông này nhân dân Châu Khê đã tự tháo dỡ ủng hộ kháng chiến đúc vũ khí đánh giặc thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Chùa Sùng ân tự còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng của vùng. Cuối năm 2001, đúc lại quả chuông nặng 800 kg, cao1,7m do người châu Khê tại hương tại phố và khách thập phương góp của góp công. Hàng năm chùa đón hàng vạn lượt người tới chiêm ngưỡng, lễ bái. Ngày hội làng, nhân dân, đoàn đại biểu cấp trên (đoàn đại biểu Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Bình Giang, đoàn đại biểu Hội kim hoàn TƯ, đoàn đại biểu Hội kim hoàn thành phố Hà Nội) và du khách sau khi lễ ở đình thường đến lễ chùa. Chùa (tên chữ là Sùng ân tự), cụm di tích này được cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991. 
Lăng Phạm Sỹ
Di tích lăng miếu thờ Phạm Sỹ kiến trúc cổ kính.  Tiểu sử nhân vật được thờ ở 2 tài liệu ghi: "Ngài là nhân thần, họ Phạm, tên Sỹ. Cha là Phạm Tuyên, quê ở động Lôi Nham, Thanh Hoá vốn con nhà thi thư lễ nghĩa, có vợ là bà Trương Thị Đoan, sinh 1 con gái. Vợ mất khi con gái 4 tuổi. Sau ba, bốn năm, ông Tuyên lấy bà kế thất, tên là Nguyễn Thị Phương, quê ở Hậu Trạch, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương. Năm 41 tuổi, ông Tuyên đỗ tam trường (đỗ Tú tài), năm 43 tuổi nhận chức Giáo thụ Kinh Môn, 3 năm sau thăng chức Huyện lệnh huyện Phù Vân đạo Sơn Nam. Lúc ông Tuyên ngoài 50 tuổi, bà Phương ngoài 40 tuổi vẫn chưa sinh được con. Ông Tuyên dâng sớ xin về chí sỹ làm nghề dạy học, làm thuốc giúp dân ở quê Thanh Hoá và Hậu Trạch Hải Dương. Ông bà đến lễ cầu tự ở chùa Quang Minh ở Hậu Trạch. Sau 100 ngày bà có thai, mang thai 13 tháng, sinh hạ 1 nam nhi vào giờ Tý ngày mồng 1 tháng Giêng. Bảy ngày mới mở mắt, mắt sáng như sao trời lóng lánh, tiếng nói như sấm vang. Được 1 năm biết nói, 5 tuổi biết âm luật thơ, 14 tuổi, bách gia chư tử không gì là không biết. Năm 16 tuổi cha mẹ đều mất, lo tang cha mẹ chu đáo. Lúc này gia cảnh nghèo “ruộng đất sạch không, bốn vách gió lùa” nhưng ông chỉ sớm hôm đèn sách. Nghĩ về gia cảnh, ông quyết chí tìm nơi luyện tập. Đến trang Chu Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, thấy nơi đây là đất chân long tú khí, được nhà chùa và nhân dân tiếp đón chân tình, làm trường, mời làm thầy dạy chữ cho bọn trẻ. Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù Ủng, làm quan triều Trần đến chức Thái bảo về quê họp sỹ tử để tập văn chương. Phạm Sỹ sang nộp quyển văn, Phạm Ngũ Lão xem văn thấy văn quảng bác, uyên thâm, kỳ dị vô định. Từ đó Phạm Ngũ Lão coi ông Sỹ như anh em thủ túc chí thân, sớm hôm không rời nhau. Ông được tiến cử gặp Hưng Đạo Vương, gặp Vua Trần Thái Tông. Qua thử tài văn chương võ nghệ, ông hơn hẳn Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Ích Tắc. Ông được Vua phong chức Tham nghị, sau thăng chức Tham tri Bộ Lễ, chức Đô đài ngự sử. Ông được Vua giao nhiệm vụ tuần thú các đạo phủ huyện, giúp người già nuôi người khó khăn. Việc làm của ông, nhân dân đều chịu ơn đức độ. Với quê Thanh Hoá, ông sửa sang nhà thờ, viếng thăm mồ mả, biếu chị gái và họ hàng vàng bạc làm vốn. Ông về Chu Xá, mở yến tiệc mời các cụ phụ lão đến dự. Ông sửa sang trường sở làm hành cung, biếu vàng gia thần, dân làng làm vốn. Năm Vua Nhân Tông lên ngôi, ông được phong chức Thái bảo tướng quân, tước Dực hổ hầu, thống lĩnh đạo Hải Dương, Trần Khánh Dư làm phó tướng, Trương Văn Hổ làm Thống lĩnh hậu quân. Mặt trận do ông chỉ huy có công lớn giúp Vua Trần, giúp Hưng Đạo Đại Vương thắng trận Đông Bộ Đầu, bắt sống Ô Mã Nhi, chém Nguyễn Bá Linh. Thắng trận, ông được Vua giao về Hải Dương chiêu dụ dân phiêu tán, chẩn cấp tiền gạo để dân an cư lạc nghiệp. Ông về trang Chu Xá phát chẩn 5000 quan tiền, 5000 phương thóc, cho dân. Mở hội yến 3 ngày, cấp 10 hốt vàng làm cung quán. Thụ yến xong, lúc ấy là ngày 1 tháng Chạp, ông hoá.  Nơi hoá mối xông thành mộ. Ông được triều đình về làm tang lễ, cấp 3000 quan tiền xây lăng mộ, dựng nơi thờ cúng. Nơi ấy nay là khu lăng mộ. Đời Lê, ông phù hộ Vua Lê dẹp tan quân tướng nhà Mạc, rước Vua về Kinh, lập nên nhà Lê Trung Hưng. Ông được các triều Vua ban tặng nhiều mỹ tự. Từ năm 1710 đến năm 1924, ông được ban tặng 14 sắc phong. Làng Châu Khê suy tôn ông là Thành hoàng làng. Đình làng thờ Phạm Sỹ và Phạm Ngũ Lão,  bản khai sự tích Thành hoàng làng còn ghi ở mục E về nhân vật được thờ "đồng thời với Phạm Sỹ có Phạm Ngũ Lão, đức Phạm Ngũ Lão hiện làng Phù Ủng có thờ". 
  
Lăng Phạm Sỹ
Hệ thống di tích kiến trúc cổ
Các di tích như, nghè, văn chỉ, giếng làng (gồm: giếng cổng Đông, giếng Nghè), nhà cầu ba, nhà các giáp (gồm: Giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Trung, giáp Đông, giáp Tây Xuyên), luỹ Gia tô, gò cái cân, cổng làng (gồm: cổng Đông, cổng Bến, cổng Nghè, cổng Tây Xuyên) đã từng là niềm tự hào của người Châu Khê. Thật tiếc, nay còn 2 giếng làng và 1 nhà giáp đã xuống cấp.
 
Nhà Giáp
Văn chỉ
Là nơi thờ Khổng Tử và ghi công những khoa bảng tiến sĩ và thầy giáo của làng các thời. Thời xưa, làng đã lập thành hội gọi là hội “Tự Văn", hàng năm tổ chức tế lễ một lần vào lúc trời chưa sáng. Tuy nhiên, vào những năm 1960 Văn chỉ làng đã bị tháo dỡ, đất chia cho dân ở (nhà ông Vinh, bà Ưu)
Cổng làng
Cổng làng xưa có: cổng Bến, cổng Nghè, cổng Đông, cổng Tây Xuyên, được xây theo 4 hướng của làng.
- Cổng Bến: Xưa có cổng ngoài 2 tầng có chòi canh chính. Hiện nay công này là công chính vào làng.
- Cách đó lùi vào làng khoảng 50 mét, xưa còn một cổng nữa xây một tầng có nhà nhỏ cho tuần canh nghỉ, nay cổng này không còn.
- Cổng Nghè : Đã bị phá bỏ từ những năm 1960. Cổ ng lúc đó ở ngay lối bậc giếng nghè đi lên, bên cạnh đó là cây si già rễ buông tua tủa xuống ao làng, nơi cho trẻ em cả làng bám rễ si đu nhẩy khi bơi tắm tại đó .
- Cổng Đông: Từ nhà đòn - giếng Cổng Đông men phía Nam làng đi ra Quán độ tử - ra tha ma Thanh Hà. Cổng xây gạch cậy, cạnh đó là cây đa to .
- Cổng Tây Xuyên: Sở dĩ có tên Tây Xuyên vì xưa kia cửa Đình không cho phép đi qua, nên làng cho chuyển cổng Đình xuyên về phía Tây, nơi đó gần Lăng Khuê Vân Các, nên có tên cổng Tây Xuyên.
Cổng vào làng sau có thay đổi thành 6 cổng: cổng Bến giờ là của ngõ chính, sau đến cổng Đình, cổng xóm mới mả nghè cũ, cổng giữa, cổng Lăng, cổng Chùa. Đến nay, chỉ còn cổng Bến được xây dựng mới lại ngày 30/11/1998, các cổng khác chỉ còn lối đi, chưa được phục dựng xây lại. 
Cổng Bến
Hai cái giếng làng
Ở hai đầu làng có hai giếng nước ăn hinh tròn, rộng khoảng 1 sào, xây tường cao, có bậc xuống gánh nước. Theo Bia kí ghi lại hai giếng được hoàn thành ngày 29 tháng Giêng nămNhâm Thân (1944). Nhờ có hai giếng quanh năm trong mát, là nguồn nước sạch cung cấp cho cả làng thời đó. Hiện nay, hai giếng này còn giữ được nguyên vẹn.
 

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332