Xã Thúc Kháng là xã nằm ở phía tây nam của huyện Bình Giang, giáp với tỉnh Hưng Yên, với diện tích tự nhiên là 815,28 ha.
- Phía Tây giáp với xã Phù Ủng, huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên;
- Phía Bắc giáp xã Tráng Liệt;
- Phía Đông giáp với xã Tân Hồng, nơi có làng tiến sĩ Mộ Trạch;
- Phía Nam giáp xã Thái Dương và Thái Hoà.
Trên địa bàn có sông Cửu An chảy qua. Về giao thông có Tỉnh lộ 394 và Quốc lộ 38 chạy qua là nơi giao lưu kinh tế văn hoá.
Sơ đồ vị trí xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Lịch sử phát triển làng
Châu Khê là một làng cổ ra đời sớm từ thời nhà Lý, thế kỷ XII (1190), do Chu Tam Xương thống lĩnh quân Tam xương tạo lập. Lúc đầu có tên là Chu Xá Trang dân cư thưa thớt, nằm dọc tả sông Cửu An. Thời nhà Trần, làng thuộc Hồng Lộ. Thời Lê, Nguyễn là một xã của Tổng Tông Chanh, huyện Đường An. Nay là một trong 7 làng (thôn) thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo văn bia “Trùng tuyên duyên khánh đường bi” dựng năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) tại sân đình làng Châu Khê nói về chuyện khắc lại tấm bia của Trần Nguyên Đán (Đại tư đồ quan bi) có nhắc đến hành trạng vị Chỉ huy sứ quân, Chu Tam Sương (nay viết Xương) người lập lên trang Chu Xá đời Lý (1009- 1225), sau này là làng Châu Khê.Văn bia còn tả vẻ đẹp của di tích thắng cảnh Duyên khánh đường. Sách “Châu Khê thần tích sự trạng” viết chữ Hán Nôm, dày 46 trang, soạn năm 1572, tái bản năm 1736, địa phương sao chép năm Thành Thái 12 (1900), viết về danh tướng Phạm Sỹ thời Trần, được dân làng suy tôn làm Thành hoàng làng.
Theo thần phả, thời Trần làng Châu Khê có tên trang Chu Xá, huyện Đường An phủ Thượng Hồng. Thời Nguyễn, Châu Khê thuộc tổng Thị Tranh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng Châu Khê có địa thế “huyệt chân long nổi lên uốn khúc hình con rắn. Thế đất như 2 con mắt rồng cùng mở… dân ở tựa vào thân rồng. Phía Nam ngựa hướng chiếu vào, phía Bắc phượng hoàng múa cánh, địa thế xung quanh bằng phẳng”. Tác giả viết thần tích Thành hoàng làng Châu Khê kết luận “quả là một quý địa”. Đó là cách nhìn của phong thuỷ học về những giá trị đất làng Châu Khê. Đứng ở cổng làng Châu Khê (cổng chữ Môn), 2 tầng, có biển ghi "Làng văn hoá Châu Khê" nhìn chếch về hướng Nam, mé bên kia sông Cửu An là đền thờ Phạm Ngũ Lão.
Dân số của làng năm 1890 là 600 người, điều tra dân số năm 1989 là 900 người/175 hộ, dân số năm 1998 là 1020 người/220 hộ, tỷ lệ tăng dân số: 1,01% năm 2000 và 0,9% năm 2008.
Làng có nghề kim hoàn từ thế kỷ 15. Nơi đây là quê hương của những nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng cả nước.
Hiện nay làng Châu Khê là 1 trong 7 thôn của xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang.
Cơ cấu làng xã, thôn
Xã Thúc Kháng có 7 thôn gồm: Lương Ngọc, Ngọc Cục, Tào Khê, Ngọc Tân, Châu Khê, Tranh Trong, Tranh Ngoài. Trong đó, có 02 làng nghề kim hoàn là Châu Khê và Lương Ngọc.