Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Ninh Hải (Ninh Bình) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG NINH HẢI

 

 

Ninh Hải là xã trong phạm vi ranh giới Quần thể danh thắng  Tam Cốc - Bích Động đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2014.

Tính đến năm 2010, Ninh Hải là xã có 3 di tích cấp quốc gia là Tam Cốc, chùa Bích Động, đền Thái Vi. Cả ba di tích này tạo nên khu du lịch Tam Cốc - Bích Động.

Sơ đồ vị trí các di sản: Di tích, dấu ấn lịch sử văn hóa

 

Sơ đồ vị trí các di sản ở Ninh Hải

 

Công trình kiến trúc di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc truyền thống, dâu ấn lịch sử 

Công trình di tích, tín ngưỡng

   -  Đền Thái Vi

Đền Thái Vi thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện hoa Lư, Ninh Bình. Đền Thái Vi là ngôi đền có từ lâu đời, là nơi thờ các vị vua triều Trần. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông.

 

Bên ngôi đền là dòng Ngô Giang, bên trái có núi Cối Lĩnh, được mệnh danh là Vịnh Hạ Long cạn

Thiết kế của đề chính gồm: Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung”, bái đường thờ công đồng trên bệ đá. Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi long vân. Qua Trung đường vào năm gian chính tẩm có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ. 

 

 Toàn cảnh ngôi đền thiêng Thái Vi.

Điều độc đáo ở đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng các tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển, tao nhã như chạm gỗ. Phía sau đền Thái Vi nguy nga, trầm mặc là hai mắt rồng ở hai bên. Tương truyền, đây là hai hố sâu đổ đất đá vào cho đầy, một thời gian sau đất lại trũng xuống không bao giờ bằng mặt đất.

 

Gác chuông làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài được xây dựng 1689

 

Đền Thái Vi có cấu trúc độc đáo nhà lộn thềm mà ít nơi có

    -  Chùa Bích Động

Chùa Bích Động xây dựng trên sườn núi Bích Động thuộc thôn Đàm Khê, xã Ninh Hảỉ, huyện Hoa Lư. Bích Động là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình được mệnh danh là "Nam Thiên đệ nhị động", có nghĩa là động đẹp thứ nhì của trời Nam, sau động Hương Tích ở Hà Tây.

 

 

Đường vào chùa Bích Động

 

Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.

Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hoà nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoại mục. Toàn cảnh như một bức tranh núi rừng hùng tráng, dát lên một phù điêu gồm 3 ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa đã gọi là ''Bích sơn bát cảnh'', ba chùa lại được xây trên sườn núi cao, dưới gầm lại có động Xuyên Thuỷ.

 

Chùa Hạ

 

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc cũng bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái. Các cột đá ở chùa hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, làm được những cột đá thư thế là một kỳ công.

 

Chùa Trung

 

Chùa Trung, kiến trúc bán mái phía ngoài. Đây là một chùa rất độc đáo, ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục.

 

 

Chùa Thượng

   -  Chùa Sở

Chùa Sở ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư do vua Trần Thái Tông về đây lập Hành cung Vũ Lâm đã cho xây dựng.

   -  Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc có từ triều vua Trần Thánh Tông. Chùa quay hướng tây, phía trước là một cánh đồng nước, sân chùa rộng ở ngay chân núi, hai bên sân có nhà thờ tổ. 

 

Chùa Linh Cốc

 

Làng Việt Cổ (Cố Viên Lầu)

Làng Việt cổ Cố Viên Lầu được phục dựng từ năm 1990, tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nằm trong vùng đệm của Quần thể danh thắng Tràng An. Khu đất xây làng xưa kia là ngôi làng cổ Vụng Chùa cách đây hơn 1.000 năm thời Đinh - Lê, do chiến tranh bị mai một.

 

Sơ đồ Làng Việt Cổ (Cố Viên Lầu) ở thôn Văn Lâm

 

Toàn bộ làng nằm trên diện tích 22.000m2, phía Đông giáp đường vào đền Thái Vi, phía Tây giáp sông Ngô Đồng, phía Nam giáp bến thuyền Tam Cốc, phía Bắc giáp thung lũng núi Cửa Quen.

Làng Việt Cổ là nơi bảo tồn và trưng bày hơn 20 nếp nhà cổ, thuộc nền văn hoá vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng, có niên đại từ thế kỷ XVIII – XX được làm từ các loại gỗ quý, với những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sống động, mang đầy màu sắc nghệ thuật và văn hoá truyền thống của dân tộc.

 

Làng Việt cổ sử tầm hơn 20 ngôi nhà cổ từ nhiều nơi thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ

 

Các ngôi nhà cổ nằm san sát nhau, được phân thành hai kiểu nhà là khu nhà giàu và khu nhà nghèo nằm san sát nhau. Khu nhà giàu đại diện cho tầng lớp quý tộc như: Tránh tổng, Lý trưởng, Tránh phó... Khu nhà nghèo thuộc tầng lớp bần cố nông, là những người phục vụ hỗ trợ cho lớp nhà giàu.

 

 

Đình làng nằm ở vị trí giữa làng trên khu đất rộng hàng nghìn mét vuông. Theo chủ nhân của làng Việt cổ Cố Viên Lầu, đây là ngôi đình của một ngôi làng ở Thanh Liêm (Hà Nam) có tuổi đời hơn 150 năm, được đưa về Cố Viên Lầu hơn chục năm qua. Đình làng với mái cong vút, có 7 gian với hàng chục cây cột.

 

Đình làng cổ ở Cố Viên Lầu

 

Ngôi đình được xây dựng có hiên tiền xung quanh. Đình Thanh Liên gồm các hạng mục chính như: Đình làng, Tả môn, Hữu môn, có sân đình rất rộng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân xưa kia. Đây là ngôi đình hầu như được giữ nguyên bản trước khi đưa về trưng bày, lưu giữ tại Cố Viên Lầu.

 

Khuôn viên sân đình ở Cố Viên Lầu

Gần 30 năm tồn tại, Cố Viên Lâu từ lâu là địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình được nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Nơi đây, cũng là phim trường từng quay rất nhiều bộ phim nổi tiếng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội như: Long Thành cầm giả ca; Đường đến thành Thăng Long; hay những bộ phim khác như Vợ Ba...

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332