Là một làng truyền thống có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, làng Chuông có nhiều di sản phi vật thể có giá trị cao như nghề truyền thống làm nón lá, về ẩm thực, lễ hội, thơ ca… và gắn bó mật thiết với các hoạt động lễ hội cũng như thường ngày của dân làng.
Danh nhân, người có công với làng
Phùng Hưng: danh tướng xuất thân từ làng cổ Đường Lâm (Tây Sơn) trên đường đi đánh giặc qua Trang Thời Trung thì tế cờ xuất quân ở đây. Trong số nhiều đền thờ Phùng Hưng thì quán Thượng là một trong những đền thờ danh tướng này. Hiện nay ông được thờ ở Đình làng Chuông và được coi như một trong những vị thành hoàng làng ở đây.
Lễ hội và nghệ thuật biểu diễn
Theo đại diện Ban khánh tiết và người cao tuổi trong làng thì lễ hội hàng năm quan trọng nhất của làng Chuông là lễ hội ngày 10 tháng Ba Âm lịch. Đợt lễ hội này kéo dài trong ba ngày từ mùng 9 đến 11 tháng Ba. Theo quy ước của dân làng thì cứ 5 năm một lần sẽ có lễ rước từ đầu làng đến cuối làng.
Dân chúng đã giải thích tính chất hội ở chợ làng Chuông bằng một câu ca dao rất ngắn gọn:
“Mồng mười đi chợ Chuông chơi
Xem đánh cờ người xem thổi cơm thi”
Rõ ràng câu ca dao trên đã phản ánh chợ Chuông mồng 10 chỉ là nơi để du khách “chơi”. Điều người ta quan tâm là đến chợ để xem hai trò diễn mang tính văn hóa độc đáo là đánh cờ và thổi cơm thi.
Đánh cờ người ở chợ làng Chuông được tổ chức ngay trước cửa đình trên khu đất họp chợ. Đánh cờ người là cuộc đấu trí giàu tình văn hóa giữa hai đối thủ trên một bàn cờ tướng mà các quân cờ đều bằng người thật. Một bên 16 quân cờ là nam giới ăn mặc sang trọng, phía trước áo in chữ Hán thể hiện chức năng của quân cờ đó. Bên kia, 16 quân cờ do nữ sắm vai. Riêng tướng sĩ ông và tướng sĩ bà của hai bên được ngồi trên ghế có lọng che, người sắm vai quân cờ khác phải đứng. Tục truyền người làm tướng ông, tướng bà ngồi trên ghế ở bàn cờ được làng chọn lựa rất kỹ càng, vừa đẹp về hình thức lại ăn ở phúc đức, trong năm gia tộc không có vận áo xám (việc tang). Sau cuộc thi đánh cờ người, các vị tướng ông, tướng bà sẽ mời quân cờ về nhà mở tiệc trầu cau chè nước. Gia chủ hãnh diện được làng chọn vào vị trí tướng cờ năm đó.
Ẩm thực, sản vật đặc thù:
Làng Chuông có món bánh cuốn ngon nổi tiếng trong vùng. Theo bà Phạm Thị Dung, phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phương Trung, thì món bánh cuốn làng Chuông được nhiều người dân trong ngoài làng cũng như du khách ưa thích. Ngoài ra ở chợ Chuông còn có món bánh đúc lạc cũng được bày bán thường xuyên trong các phiên chợ và là một món ăn dân dã gắn bó với cuộc sống người nông dân.
Các phong tục, tập quán tiêu biểu
Ở làng Chuông có một số họ phổ biến là họ Phạm và họ Lê (đặc biệt là họ Lê Đình) với số lượng lớn các gia đình mang quan hệ huyết thống với nhau và thường tập trung ở thôn Quang Trung.
Lễ hội lớn nhất hàng năm của làng Chuông diễn ra vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. Ban khánh tiết người dân dành nhiều tuần trước đó để chuẩn bị cho các hoạt động lễ và hội trong sự kiện hàng năm này. Theo lãnh đạo xã và người dân thì cứ năm năm lại có một lần rước lễ từ đầu làng đến cuối làng.
Theo ghi nhận từ những người cao tuổi ở làng thì trong lễ hội làng có những hoạt động sôi nổi như hát dô, hát quan họ, chọi gà đặc biệt là trò chơi nấu cơm thi. Các đội thi (mỗi đội ba người) có 20 phút để nấu chín cơm. Sau khi vo gạo, một người vừa đi vừa gánh hai niêu và hai người đốt lửa theo sao cho cơm chín đòi hỏi sự khéo léo của người chơi.
Ca dao, tục ngữ, câu chuyện truyền miệng về lịch sử phát triển...
Là một làng xã truyền thống có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, người dân làng Chuông có nhiều câu ca dao đã trở thành quen thuộc nói về các hoạt động lễ hội, nghề làm nón. Tất cả các thơ và ca dao đều toát lên tình cảm yêu mến và tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương.
Câu ca dao “Nón Chuông, khua lụa, quai thao làng Đơ” nói về sự tâm huyết yêu nghề của những người thợ làm nón và những sản phẩm phụ trợ làm nón của vùng Thanh Oai.
“Mồng mười đi chợ Chuông chơi
Xem đánh cờ người xem thổi cơm thi.”
Hoặc:
“Mồng Chín ta chả đi đâu
Ở nhà têm trầu, mồng Mười chợ Chuông
Bố đánh thì mẹ lại nuông
Dẫu sao chớ bỏ chợ Chuông mồng Mười”
Hoặc những câu ca dao về nghề làm nón lá truyền thống:
“Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”
Câu thơ của Hoàng Cẩm Thạch về nón làng Chuông:
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng xuống chợ tới trường vào thơ
Dịu dàng che nắng che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”
Theo người dân làng Chuông kể lại thì ở đình làng còn lưu giữ một số sắc phong chủ yếu từ các vua Nguyễn cho làng về việc cho phép và duy trì thờ phụng những vị thành hoàng làng ở trong đình.
Các cổng làng không còn dấu vết nên di sản về chữ Hán Nôm trong làng chỉ còn lại phần lớn trong các nhà ở truyền thống trên các hoành phi câu đối và cấu kiện gỗ tại gian thờ của gia đình. Nội dung chính của phần lớn các bộ chữ Hán Nôm trong nhà ở truyền thống là thể hiện niên đại xây dựng ngôi nhà, mong ước của gia chủ về sự phát triển nhân văn và thịnh vượng của làng và gia đình mình.
Giải nghĩa nội dung chữ Hán Nôm
(Người dịch và giải nghĩa: TS. Trần Xuân Hiếu- Trường Đại học Xây Dựng)
|
|
(礼毛)地廟 LỄ ĐỊA MIẾU (chữ trong ngoặc là do chữ Nôm viết gộp 2 chữ Hán này thành 2 bộ cạnh nhau, không có font)
|
昌其世 XƯƠNG KỲ THẾ = Thịnh vượng cho muôn đời
|
|
|
家世其 GIA THẾ KỲ=Dòng dõi cao quý
|
雨梅亭 VŨ MAI ĐÌNH
|
|
|
謀厥貽 MƯU QUYẾT DI = toan tính, kế hoạch / …/để lại, di sản
|
主會英耆 CHỦ HỘI ANH KỲ=hội đủ phúc tài
|
|
|
THÂN XÍCH TỬ 親赤子=Người trong 1 nhà (Vua gọi: xích tử=con đỏ=nhân dân, Thân=thân thích)
|
HÀO NHÂN LƯU PHONG 豪人流風=Người hào hoa phong lưu
|