Hưng Yên - Phố Hiến có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú với Nguyệt Hồ thơ mộng vang bóng một thời, ôm trong lòng và bao quanh nó là một mạng lưới dày đặc các phố cổ và làng cổ của xứ nhãn lồng, có truyền thống đánh giặc của du kích Hoàng Ngân và truyền thống văn hoá của Phố Hiến xưa - “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Đây thật là một vùng quê sơn thuỷ hữu tình, địa linh nhân kiệt.
Về thăm Phù Ủng - quê hương của Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Người dân Phï ñng đ· gửi gắm ước mơ, khát vọng của mình vào hình tượng Phạm Ngũ Lão - một chàng trai có sức khỏe phi thường, nghị lực về quê ngày đêm luyện tập võ nghệ chờ ngày triều đình tuyển chọn quân cấm vệ. Chuyện kể rằng: Từ sáng sớm tinh mơ cho tới khuya, trên bãi cỏ ven làng không mấy lúc vắng mặt Phạm Ngũ Lão. Từ môn cưỡi ngựa bắn cung đến côn, quyền, roi, kiếm, Phạm Ngũ Lão đều thành thạo điêu luyện. Chỉ duy nhất môn cắp giáo nhảy qua tường hào, Phạm Ngũ Lão luyện mãi vẫn chưa vừa lòng. Được dân làng giúp sức, Phạm Ngũ Lão đắp một cái gò đất ở ven làng để tập nhảy. Riêng việc đắp gò cũng là một việc để Phạm Ngũ Lão tập mang nặng. Cứ ba sọt đất đầy ăm ắp, Phạm Ngũ Lão nhấc bổng lên vai bước thoăn thoắt từ thùng đầu lên đỉnh gò, trong lúc các bạn khác, người khỏe nhất cũng chỉ mang được hai sọt. Vài ngày sau, một gò đất lớn đã nổi lên lù lù ở ven làng. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, Phạm Ngũ Lão đã có mặt ở chân gò, từ từ chạy lên đỉnh rồi lại nhảy xuống, hoặc chống sào nhảy qua gò. Sau mấy ngày luyện tập Phạm Ngũ Lão đã nhảy qua gò một cách dễ dàng. Nhưng không dừng lại ở đó, Phạm Ngũ Lão mặc quần dài rồi cho đất vào ống quần buộc túm lại để tập nhảy. Trong mấy ngày đầu, đôi chân của Phạm Ngũ Lão như bị gắn chặt xuống đất. Nhưng gian khổ không đẩy lùi được quyết tâm của Phạm Ngũ Lão. Từ bỡ ngỡ, khó khăn đến quen thuộc, lượng đất tăng dần cho đến ngày hai ống quần căng đầy, và khi đó gò đất cũng mòn vì gót chân của Phạm Ngũ Lão. Đến khi bỏ đất ra, Phạm Ngũ Lão cũng cảm thấy người lâng lâng nhẹ nhàng, nhảy qua gò như phượng hoàng nhảy qua đỉnh núi. Lúc này bức tường thành sừng sững trong sân trường Giảng Võ không có gì đáng sợ với Phạm Ngũ Lão nữa.
Ngày nay, xung quanh làng vẫn còn dấu vết của những gò đất gọi là mô Đai, mô Quả Thừng, mô Thần Đồng... là kết quả khổ luyện “đắp gò tập nhảy” của chàng trai họ Phạm. Đồng thời, những mô đất đó cũng là công lao đắp đê ngăn sông, đắp đất lập làng của người anh hùng Phạm Ngũ Lão và dân làng Phù Ủng. Cuộc đấu tranh với thiên nhiên diễn ra liên tục, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã tôi luyện nên phẩm chất tốt đẹp cho con người Phù Ủng đức tính cần cù, chịu khó giàu nghị lực, thông minh, sáng tạo, lòng yêu quê hương đất nước, mà hình tượng Phạm Ngũ Lão là biểu tượng cho con người Phù Ủng.
Danh nhân: Trong các Đình, chùa/ Cán bộ Văn hóa xã
Phù Ủng không chỉ là đất võ mà còn là đất văn. Trong làng còn lưu giữ 4 tấm bia đá lớn ghi tên tuổi và sự nghiệp những bậc đỗ đại khoa trong làng từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Vũ Vinh Tiến: sinh năm Canh Thân, Vĩnh Tộ thứ 2 (1620) đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640) khi mới 21 tuổi, làm quan đến chức Tự khanh, tước Bá, khi mất được truy tặng tước Tử. Khoa này có 6000 sĩ tử dự thi, chỉ lấy đỗ 22 tiến sĩ , nghĩa là 273 người dự thi thì mới lấy đỗ 1 người, nhưng Vinh Tiến vẫn trúng tuyển.
Phạm Trứ: sinh năm Giáp Dần, Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), đỗ Đình Nguyên khoa Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832). Khoa này lấy đỗ 8 tiến sĩ, 3 phó bảng, do không lấy Tam Khôi, nên Phạm Trứ tuy đỗ đầu nhưng chỉ được xếp ở hàng Hoàng Giáp, thế cũng là một vinh dự cho truyền thống hiếu học của một làng quê.
Lễ hội
Đời sống văn hoá dân gian của dân làng Phù Ủng tương đối phong phú. Đó là hệ thống ca dao, tục ngữ nói về cuộc sống lao động sản xuất, về tình làng nghĩa xóm, về cảnh sắc quê hương ...
“Yêu nhau từ thủa bện thừng
Trăm chắp ngàn mối xin đừng quên nhau”...
Đặc biệt trong làng Phù Ủng còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Phạm Ngũ Lão, một vị tướng tài ba dưới đời Trần, một vị thánh trong lòng nhân dân. Thời Nguyễn có cử nhân Vũ Huy Thịnh biên soạn cuốn Ngọc phả của Trần triều Điện soái Phạm Ngũ Lão được phong là Phúc thần Chiêu cảm đại vương dựa theo truyền thuyết trong vùng. Cuốn Ngọc phả này hiện được lưu giữ tại đền thờ Phạm Ngũ Lão ở Phù Ủng - Ân Thi - Hưng Yên và được Thư viện Hán Nôm dịch.
Lễ hội đền Phù Ủng làng hoạt động lễ hội lớn nhất trong năm trong làng Phù Ủng. Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức hàng năm để tưởng niệm người anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão. Ngoài ra còn có lễ Kỳ An (Kỳ Yên) mà người dân làng Phù Ủng quen gọi là Kỳ Anh. Các cụ trong làng cho biết: Lễ này được thực hiện ở chùa làng nhằm mục đích cầu mong sự bình yên cho dân, làng Phù Ủng và đồng thời thực hiện một phần ở đình để tế thánh và chúc thọ các bậc cao niên trong làng.
Ẩm thực, sản vật đặc thù
Là một làng cổ nằm trong vùng văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, làng Phù Ủng có những nét sinh hoạt văn hoá vật chất tương đồng với nhiều làng quê khác trên mảnh đất Ân Thi, Hưng Yên nói riêng, đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Điều đó được biểu hiện qua nếp ăn, ở, mặc, đi lại...
Do điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất quy định bữa ăn của người dân làng Phù Ủng cũng như bữa ăn truyền thống của dân tộc “Cơm + Rau + Cá”. Hưng Yên là tỉnh duy nhất ở đồng bằng Bắc Bộ không có núi, không có biển, do đó yếu tố “rừng”, “biển” rất mờ nhạt trong cơ cấu bữa ăn của người dân. Ngược lại, yếu tố “vườn”, ao hồ sông nước lại thể hiện rất rõ. Người dân bổ sung nguồn đạm từ các vật nuôi như: Gà, lợn, vịt, ngan...; các thuỷ sản như: Tôm, cua, cá...
Trong các ngày Tết thì món ăn phong phú hơn. Cũng như các làng quê khác ở đồng bằng Bắc Bộ, trên mâm cỗ thờ cúng tổ tiên bầy biện các món như: Giò lụa, gà luộc, xôi... và bao giờ cũng có bánh chưng - món ăn truyền thống của dân tộc, gợi nhớ về tổ tiên.
Nghệ thuật biểu diễn
Các loại hình diễn xướng dân gian phong phú với nhiều thể loại: hát chèo, hát trống quân... vừa làm sinh động thêm cuộc sống thường ngày của người dân vừa là phần không thể thiếu trong phần hội của hội làng.
Trong đó, hát trống quân là một sinh hoạt văn hóa dân gian của Làng.
Các phong tục, tập quán tiêu biểu (cưới hỏi, lễ hội, hương ước, quan hệ dòng tộc, láng giềng...)
Các loại hình diễn xướng dân gian phong phú với nhiều thể loại: hát chèo, hát trống quân... vừa làm sinh động thêm cuộc sống thường ngày của người dân vừa là phần không thể thiếu trong phần hội của hội làng.
Đời sống văn hoá tâm linh của người làng Phù Ủng cũng khá phong phú, phức tạp. Tại đây ngoài tín ngưỡng thờ gia tiên (đạo ông bà), người dân còn thờ Phật, thờ Thần, thờ Mẫu, thờ Thành Hoàng Làng tại đền, chùa, điện. Tín ngưỡng thờ gia tiên được thể hiện trong mỗi gia đình đều có bàn thờ ông bà tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất, sạch sẽ nhất, thường ở gian chính giữa. Ngoài ra, tín ngưỡng thờ gia tiên còn được thể hiện rõ nét trong việc thờ gia đình Phạm Ngũ Lão trong khu di tích đền Phù Ủng. Tại gian hậu cung đền thờ công chúa Tĩnh Huệ (con gái Phạm Ngũ Lão) đặt khám thờ và tượng Trần triều Hưng Đạo Vương (bố vợ Phạm Ngũ Lão). Hai bên tả hữu là khám thờ và tượng quận chúa Anh Nguyên (vợ của Phạm Ngũ Lão) cùng công chúa Thiên Thành (hoàng hậu vua Trần Nhân Tông). Trong làng có chùa Cảm Ân (hay chùa Bảo Sơn) là nơi thờ Phật. Bên hữu chùa Cảm Ân là phủ điện thờ Mẫu. Nằm ở vị trí trung tâm của làng là ngôi đền thờ Điện suý thượng Tướng quân Phạm Ngũ Lão, được coi là vị Thành Hoàng làng, Đức Thánh Phạm của cộng đồng.
Điều đặc biệt ở đây là phong tục tập quán của người làng Phù Ủng vừa mang đậm nét văn hoá của các làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng cũng có những nét riêng tạo nên những giá trị văn hoá độc đáo của làng Phù Ủng.
Về tục trọng lão: Cũng như bao làng quê thuần nông khác ở đồng bằng Bắc Bộ, kính trọng người già ở làng Phù Ủng đã trở thành nếp sống đạo đức, tinh thần, thành văn hoá ứng xử mang tính nhân văn sâu sắc, thành truyền thống đáng tự hào của dân làng. Ở đây, người gia được tôn trọng một mặt vì thuần phong mỹ tục “Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ”. Mặt khác, những người già trong làng chính là kho kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống về cách ứng xử giữa cá nhân với cộng đồng, về kỹ thuật canh tác... truyền dạy những bài học quý giá đối với các thế hệ con cháu hôm nay.
Văn bản cổ, thư tịch, sắc phong, ghi chép trên bia đá, chữ trên cổng nhà, cổng làng
Di sản Hán Nôm: các công trình cổ của làng Phù Ủng đều có minh văn bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đây là di sản bởi nó là những trang sử chân thực, những lời chân thành và xúc động của người xưa ca ngợi di tích và nhân danh ở đây.