Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Huệ Lai (Hưng Yên) - GIỚI THIỆU CHUNG LÀNG HUỆ LAI

Vị trí
Phù Ủng là một làng cổ nằm ở phía bắc của mảnh đất Hưng Yên ngàn năm văn hiến. Xã Phù Ủng thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. 
Vị trí tiếp giáp của xã Phù Ủng hiện nay: phía đông nam dựa mình vào bờ sông Cửu Yên (sông này phân nhánh từ sông Kinh Thầy chảy qua hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, hoà vào sông Luộc và sông Thái Bình); phía bắc giáp xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào; phía Nam giáp xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi; phía tây giáp với xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; phía đông giáp với xã Huỳnh Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Làng Phù Ủng nằm ở ngã 3 đường về Hưng Yên, Hải Dương và quốc lộ 5A. Hướng tiếp cận xã Phù Ủng từ trung tâm thành phố Hà Nội có thể di chuyển theo 3 tuyến đường cơ bản: Hướng thứ 1 từ Hà Nội đi Phố Nối 14 km qua Thị trấn Ân Thi rẽ trái đi thêm 8 km. Hướng thứ 2 từ trung tâm Thị xã Hưng Yên ngược đường 39A về Trương Xá (Kim Động) rẽ phải đi 4 km qua Thị trấn Ân Thi đi thêm 8 km. Hướng thứ 3 từ quốc lộ 5A đến Quán Gỏi (Hải Dương) đi tiếp 3 km. 
 

Lịch sử phát triển làng

Theo các tài liệu thư tịch cổ, bia ký, sắc phong, tục lệ, địa bạ và các tài liệu lịch sử liên quan thì Phù Ủng xưa là một thôn lớn đứng đầu hàng xã, hàng tổng. Với vị trị địa lý quan trọng, từ lâu trong lịch sử, Phù Ủng đã là vùng đất giao thương buôn bán tấp nập, trung chuyển văn hoá giữa các vùng miền.
Lịch sử đảng bộ huyện Ân Thi tập 1 (1930 - 1954) có viết: “Ân Thi có lịch sử từ lâu đời. Con người về đây sinh cơ lập nhiệp sớm có một nền văn hóa lâu đời. Quá trình dựng nước và giữ nước, những cư dân ở đây đã khai phá đất đai tạo dựng nên quê hương giàu đẹp như ngày nay. Thời cổ xưa, mảnh đất này là đất của Lạc Long Quân, thời Bắc thuộc mảnh đất này thuộc quận Giao Chỉ, Giao Châu, Đằng Châu...”. Những tên làng của huyện Ân Thi còn đến ngày nay như: Chu xá, Đào xá, Ngô xá, Lưu xá, Đỗ xá, Lã xá, Đặng xá, An Trạch... cũng cho thấy Ân Thi là mảnh đất có lịch sử - văn hóa lâu đời.
“Phù Ủng cũng là một làng quê cổ của vùng đất Ân Thi, Hưng Yên. Căn cứ vào thần tích các làng, xã cho thấy từ thời Hùng Vương dân cư vùng này đã khá đông đúc, là nơi cung cấp nhân lực và vật lực cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và chiến tranh bộ tộc” .
Tên hương Phù Ủng đã có từ thời Ngô Quyền (939 - 944) và thời loạn 12 sứ quân (945 - 967). Bấy giờ ông Ngô Quyền đem binh từ Thanh Hóa ra Cổ Loa giết tên phản quốc Kiều Công Tiễn, đánh đuổi bọn quân Nam Hán (năm 938) và phá tan đoàn thuyền của tướng giặc Hoằng Tháo xâm lược bằng trận hải chiến ở sông Bạch Đằng giang. Trên đường đi ra đánh giặc ở cửa sông Bạch Đằng, ông Ngô Quyền có đi qua vùng Đường Hào mộ thêm quân. Ông được trai tráng vùng Chiêu Lai, Phù Vệ (là hai tổng về sau) đã tuân lệnh, bảo nhau phù trợ (phò tá, giúp sức) theo đại quân của danh tướng họ Ngô đi diệt quân thù thành công. Sau Ngô Quyền lên ngôi năm 939, thưởng công cho cư dân ở huyện Đường Hào theo ông đi đánh giặc mang tên là Chiêu Lai (chiêu mộ quân theo đến) và Phù Vệ (giúp sức bảo vệ đất nước). Đến triều Lý, Trần đã trở thành hai đại trang ấp rộng lớn. Vào thời loạn 12 sứ quân, ở đây đã có nhiều nghĩa sĩ chống lại Dương Tam Kha, cậu ruột của vua Ngô Xương Ngập (con vua Ngô Quyền), đoạt ngôi báu và xưng là Dương Bình Vương (943 - 950). cùng lúc, các anh hùng, võ tướng khác cũng nổi lên xưng hùng xưng bá là Ming Công, chia đất đặt căn cứ chống Bình Vương, thành đại loạn 12 sứ quân. Sau đó chính họ lại đánh lẫn nhau, ở vùng Đường Hào, Tế Giang thuở ấy, có sứ quân Lã Đường, xưng là Lữ Tá Công chiếm đóng, ủng hộ Hậu Ngô Vương là Nam tân vương thành công, lên ngôi (950 - 963) đã thưởng công cho dân quân ở Chiêu Lai, Phù Vệ. Họ Lữ cho lập một ấp mới, đặt tên là ấp Phù Ủng. Đến nhà Lý thế kỷ XII, mới đổi thành xã Phù Ủng.
Trải qua sự thăng trầm của lịch sử dân tộc, đơn vị hành chính Phù Ủng cũng thay đổi.
Thời Lý, Phù Ủng là một xã của huyện Đường Hào, Lộ Hồng. “Lộ Hồng thời Lý thì tương đương với châu Thượng Hồng và châu Hạ Hồng đời Trần. Sang thời Trần, huyện Đường Hào thuộc châu Thượng Hồng, lộ Lạng Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Huyện Đường Hào: Từ đời Trần trở về trước đã có tên huyện; thời thuộc Minh cũng theo như thế, thuộc châu Thượng Hồng”. Cũng theo Đại Nam nhất thống chí: “Năm Vĩnh Lạc thứ 5 mới đặt phủ Lang Giang, có 3 châu và 15 huyện: châu Thượng Hồng lãnh 3 huyện Đường Hào, Đường Yên và Đa Cẩm”. Nghĩa là năm Vĩnh Lạc thứ 5, huyện Đường Hào thuộc châu Thượng Hồng, phủ Lạng Giang. Đời Lê Quang Thuận lại tách làm huyện lệ vào phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (sau đó gọi là trấn Hải Dương). Bản triều đời Gia Long vẫn theo như thế. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) đổi Thượng Hồng làm phủ Bình Giang, trấn Hải Dương. Theo Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Phù Ủng thuộc tổng Chiêu Lai, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương. Cuối thời Nguyễn, Phù Ủng thuộc tổng Huệ Lai, huyện Ân Thi, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Ngày nay, làng Phù Ủng thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tên làng Phù Ủng từ khi được thành lập đến nay không thay đổi, còn tên xã Phù Ủng, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay đã có nhiều lần thay đổi để phù hợp với sự quản lý hành chính địa phương. Năm 1945, xã Phù Ủng đổi thành xã Thành Thái. Năm 1947, xã Thành Thái đổi thành xã Hoàng Hữu Nam. Năm 1954, xã Hoàng Hữu Nam đổi thành xã Đô Lương.
Năm 1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra quyết định số 344/NQ-TVQH hợp nhất 2 Tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, đồng thời hợp nhất 10 huyện và thị xã của Hưng Yên thành 4 huyện và 1 thị xã của tỉnh Hải Hưng, thì huyện Ân Thi và Kim Động của Hưng Yên được hợp nhất thành huyện Kim Thi của tỉnh Hải Hưng (1979). Và trong thời gian này, xã Đô Lương đổi thành xã Phù Ủng, huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng. Đến năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Nhằm hoàn chỉnh các đơn vị hành chính và theo đề nghị của hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 27/1/1996, Chính phủ ra quyết định số 05/CP tách huyện Kim Thi thành hai huyện: Ân Thi và Kim Động. Từ đó cho đến nay làng Phù Ủng thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
 
Cơ cấu làng, xã, thôn
Xã Phù Ủng hiện nay có 8 thôn, bao gồm: thôn Phù Ủng, thôn Huệ Lai, thôn Sa Lung, thôn Phương La, thôn La Mát, thôn Đồng Mái, thôn Hồng Lương và thôn Kim Lũ.
Đặc điểm kinh tế, xã hội chung của xã
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của Huyện Ủy – TT HĐND – UBND huyện Ân Thi và các ban ngành của huyện, sự chỉ đạo của Đảng Ủy, sự giám sát của HĐND, sự điều hành của UBND và sự phấn đấu của cán bộ và nhân dân toàn xã, tình hình kinh tế, xã hội chung của xã phát triển khá nhanh. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của xã Phù Ủng đã đạt được những thành tựu cụ thể như:
- Giá trị sản xuất nông nghiệp giảm 2,5% so với cùng kỳ (KH tăng 3%)
- Giá trị sản xuất TTCN + XD tăng 4,5 % so với cùng kỳ (KH 3,5%)
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 4,5% so với cùng kỳ (KH tăng 3,8%).
- Cơ cấu kinh tế NN, CN 26,5% - TTCN, XD 38,0 % - DV,TM 35,5%: (KH,NN,CN 29% - TTCN, XD 37% - DV,TM 34%).
- Thu nhập bình quân đầu người 38,5 triệu đồng (KH 38 triệu đồng).
- Doanh thu trên 1 ha canh tác 80 triệu (KH 95 – 100 triệu).
- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1% (KH dưới 1%).
- Tỷ lệ hộ nghèo 3,8%, hộ cận nghèo 2,7%.
- Tạo thêm việc làm cho 700 lao động, kế hoạch là 600.

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332