Vị trí
Xã Dạ Trạch nằm ở phía Bắc huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), cách Hà Nội hơn 20km về phía đông và cách trung tâm TP. Hưng Yên khoảng 35km về phía tây bắc và có vị trí địa lý như sau:
Phía Bắc giáp xã Đông Tảo và Bình Minh;
Phía Nam giáp xã Hàm Tử;
Phía Đông và Đông Nam giáp xã Tân Dân, Ông Đình, Phú Yên, Yên Hòa huyện Yên Mỹ;
Phía Tây giáp sông Hồng.
Về giao thông, để tiếp cận Xã Dạ Trạch có thể đi theo hai đường: Theo đường thủy, từ bến Chương Dương Độ (42 Chương Dương Độ, Hà Nội), theo tàu thủy xuôi dòng sông Hồng về phía đông khoảng hơn 2 tiếng sẽ đến bến Bình Minh (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), sau đó kết hợp đi đường bộ khoảng 3km đến Xã Dạ Trạch. Mặc dù về địa thế Xã Dạ Trạch phía Tây giáp sông Hồng tuy nhiên khu vực xã Dạ Trạch không được UBND tỉnh cấp phép du lịch bến thủy nên tuyến đường thủy du lịch nội địa sẽ dừng lại tại xã Bình Minh. Hoặc theo đường bộ, từ Hà Nội, đi theo tuyến đường ven đê sông Hồng dài hơn 20km sẽ đến xã Bình Minh, đi tiếp khoảng 3km theo trục đường này sẽ đến Xã Dạ Trạch.
Dạ Trạch là một xã đồng màu với địa hình tự nhiên bằng phẳng; có diện tích đất tự nhiên: 373,26 ha; trong đó: có 257,55 ha đất nông nghiệp, 115,71 ha đất phi nông nghiệp. Toàn xã có 1953 hộ với 6270 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 02 thôn: Thôn Yên Vĩnh và thôn Đức Nhuận. [UBND Xã Dạ Trạch, Số:35/BC-UBND]
Lịch sử phát triển
Theo phát biểu của cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, mặc dù vùng đất Dạ Trạch là một địa phương nhỏ bé nhưng lại gắn liền với hai di tích thuộc hai thời kỳ lịch sử khác nhau. Một truyền thuyết có liên quan đến thời đại của các vua Hùng. Truyền thuyết với các vị thánh trong đó có một vị thuộc tứ bất tử - Chử Đồng Tử với Tiên Dung công chúa. Bên cạnh đó vùng Dạ Trạch Yên Vĩnh còn có một di tích quan trọng không kém là Đầm Dạ Trạch là căn cứ của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) suốt từ năm 548 đến năm 555, ở thế kỷ thứ 6.
Địa danh gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Tên xã lấy từ tên của đầm Dạ Trạch, xuất phát từ điển tích đầm một đêm (Nhất Dạ Trạch) của truyền thuyết Tiên Dung-Chử Đồng Tử trong dân gian.
“Về ý nghĩa, bãi Dạ Trạch trước đây liên quan từ bên Khoái Châu sang đến bãi Hồng Châu, và ở bên Thường Tín. Nhân dân ta đã đặt tên cho bãi ngoài sông Hồng này là bãi Tự Nhiên. Bãi Tự Nhiên là bãi do thiên nhiên tạo lập, và cũng ở bên bãi Tự Nhiên đó, thì hai bên trai tài gái sắc cũng tất là tự nhiên gặp nhau và đã kết duyên đôi lứa. Vượt qua tất cả sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Sự gặp gỡ giữa Chử Đồng Tử là con một người đánh cá nghèo, với Tiên Dung công chưa là con vua Hùng, đó là sự gặp gỡ rất tự nhiên, giữa đôi trai gái thanh lịch.” (Trích lời GS. Trần Quốc Vượng).
Sự gặp gỡ giữa đôi nam nữ giàu nghèo khác nhau mở đường cho một lối sống tự do phóng khoáng trong hôn nhân và chuyện tình cảm, sau khi kết hợp với nhau đã phát triển nghề buôn bán ra biển, làm giàu cho đất nước, nâng cao đời sống của người dân trong thời kỳ vua Hùng bắt đầu mở nước.
Dấu ấn lịch sử
Hưng Yên - một vùng quê hưng thịnh và yên bình với bề dày lịch sử lâu đời và là mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Vùng đất địa linh đã hun đúc lên nhiều thế hệ người Hưng Yên, hoà cùng với truyền thống Việt, là tinh thần yêu nước, yêu quê hương, anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, xây dựng quê hương.
Từ vùng đầm lầy Dạ Trạch (nay thuộc xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), nơi đây từng là căn cứ kháng chiến của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) chống là quân nhà Lương do Trần Bá Tiên thế kỷ thứ VI và cũng là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Bãi Sậy trong thế kỷ thứ XIX.
Căn cứ kháng chiến của Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục):
Tháng 6 năm 545, Lương Vũ Đế sai quân xâm lược nhà nước Vạn Xuân non trẻ.
Năm 546, vua Lý Nam Đế thua trận phải lui về động Khuất Lão, đã ủy thác cho Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Trần Bá Tiên của nhà Lương.
Năm 547, tháng giêng, Triệu Quang Phục lui về giữ đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đầm Dạ Trạch rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được. Với địa thế hiểm trở này, Triệu Quang Phục huộc rõ đường đi lối lại, đem hơn hai vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm lầy để phòng thủ và chống lại quân giặc bằng chiến thuật du kích, ban ngày dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên. Người trong nước gọi ông là Dạ Trạch Vương. Bãi ấy gọi là "bãi Tự Nhiên", đầm ấy là "đầm Nhất Dạ", ngày nay vẫn còn tên gọi cũ.
Tháng 3 năm 548, nghe tin Lý Nam Đế mất trong động Khuất Lão, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương. Không lâu sau, nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên rút quân về. Nhân đó, Triệu Việt vương mang quân ra đánh quân Lương tan vỡ chạy về Bắc, lấy lại được nước Vạn Xuân, đóng đô ở thành Long Biên.
Căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Bãi Sậy:
Sau khi hạ thành Nam Định, quân Pháp cho một toán quân nhỏ uy hiếp thành Hưng Yên. Quan quân Nam triều kinh hoảng bỏ chạy, để quân Pháp dễ dàng chiếm được thành mà không phải nổ một phát súng. Đinh Gia Quế bấy giờ đang giữ một chức quan nhỏ, phẫn nộ, bỏ về quê ở xã Thọ Bình (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Ông tự xưng là "Đổng Quân vụ" nên còn được gọi là Đổng Quế. Bấy giờ, đê Văn Giang nhiều bị vỡ, cả một vùng rộng lớn Khoái Châu, Văn Giang, một phần Yên Mỹ, một phần Mỹ Hào (trong đó có cả Dạ Trạch), nước ngập mênh mông, đồng ruộng phì nhiêu thành bãi lau sậy, có chỗ cao tới ba thước, nên có tên gọi là Bãi Sậy. Nghĩa quân dưới quyền của Đổng Quế lấy vùng Bãi Sậy làm căn cứ, các thủ lĩnh chỉ huy vẫn đóng rải rác khắp các làng trong vùng. Nghĩa quân cũng xây đồn Thọ Bình, nối đường hầm thông ra đền Hóa Dạ Trạch làm nơi họp bàn của các thủ lĩnh nghĩa quân.
Sau khi Đổng Quế qua đời, Nguyễn Thiện Thuật về tiếp quản chức thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Bãi Sậy. Nghĩa quân phát triển thêm căn cứ Trại Sơn, tiếp duy trì phong trào cho đến tận năm 1892.