Làng Chuông có lịch sử hơn 1000 năm với nhiều biến động thăng trầm nên có một quỹ di sản phong phú với nhiều loại hình như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ giáo xứ, giếng cổ và hộ gia đình làm nghề truyền thống. Những di sản được liệt kê dưới đây là những công trình nhóm khảo sát đã trực tiếp quan sát và phỏng vấn cán bộ chính quyền, đại diện cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Đình làng Chuông trong ngày lễ hội (nguồn: internet)
Chợ Chuông
Chợ Chuông là chợ lớn trong vùng, không chỉ có người dân làng Chuông đi chợ mà còn chia sẻ với một số xã lân cận như Văn La, Cao Dương, Kim Thư. Chợ có các phiên chính vào ngày mồng 4, 10, 14, 20, 24, 30 và phiên phụ và mồng 1, 3, 6, 8, 11, 13. Hội chợ làng Chuông tổ chức vào ngày mồng mười tháng giêng là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ. Sự khao khát muốn đi chợ Chuông của cô con gái được bà mẹ cảm thông đồng tình, thể hiện qua đoạn ca dao lưu truyền phổ biến trong vùng:
"Mồng Chín ta chả đi đâu
Ở nhà têm trầu, mồng Mười chợ Chuông
Bố đánh thì mẹ lại nuông
Dẫu sao chớ bỏ chợ Chuông mồng Mười”
Chợ làng Chuông nhìn từ chùa (nguồn internet)
|
Không gian mua bán nguyên liệu nghề nón trong chợ làng Chuông
(nguồn: internet)
|
Hội chợ Chuông thực chất là ngày hội sinh hoạt văn hóa nông nghiệp của một vùng đất. Văn hóa làng nghề cũng nhân dịp này thể hiện trong ngày hội chợ.
Đền (quán) Thượng thôn Quang Trung
Đền Thường là nơi thờ người anh hùng dân tộc Phùng Hưng dân ngưỡng kính gọi là Bố Cái Đại vương. Phùng Hưng dẫn binh sĩ từ quê hương ông ở Đường Lâm theo dòng sông Đáy xuống tới trang Thời Trung (tên xưa của làng Chuông) thì đóng đồn binh luyện quân sĩ ở đó.
Cảnh quan khu vực đền (quán) Thượng thờ Phùng Hưng
Đền (quán) Ông thôn Mã Kiều
Đền (quán) Ông thuộc thôn Mã Kiều thờ sáu vị thành hoàng làng có công lập làng được lưu giữ tên tuổi trong lịch sử của làng cho đến ngày nay.
Đền (quán) Trung thôn Tây Sơn
Đền (quán) Trung thuộc thôn Tây Sơn thờ danh tướng Nguyễn Xí tại rìa làng thuộc thôn Tây Sơn. Trong khu vực đền Trung cũng có một giếng lớn với đường kính khoảng 15-17m.
Nhà thờ họ
Làng Chuông có một số dòng họ chiếm số đông và lâu đời trong làng là họ Phạm, họ Lê, họ Hoàn. Cũng giống như nhiều làng xã truyền thống khác, sự cư trú của các thôn trong làng dựa vào quan hệ huyết thống dòng họ. Nhóm khảo sát đã ghi nhận được hai nhà thờ họ Lê Đình thuộc thôn Chung Chính và họ Phạm thuộc thôn Tây Sơn.
Nhà thờ họ Lê Đình thôn Chung Chính
Khuôn viên nhà thờ họ Lê Đình thôn Chung Chính
Nhà thờ họ Phạm thôn Tây Sơn
Nhà ở truyền thống lâu năm có giá trị
Số lượng nhà truyền thống năm có giá trị ở làng Chuông còn khoảng gần 20 nhà. Hầu hết các ngôi nhà đều có kết cấu tường gạch và khung gỗ quý với tuổi đời từ 70 đến 100 năm tuổi. Các nhà truyền thống có giá trị tập trung ở thôn Quang Trung, nơi trước đây tập trung một số người có chức sắc trong chính quyền khu vực.
Nhà ông Lê Văn Trường (thôn Quang Trung)
Nhà ông Lê Văn Trường ở thôn Quang Trung được xem là ngôi nhà kết cấu truyền thống được bảo tồn và chăm sóc cẩn thận nhất với lòng tự hào và sự kính trọng di sản mà ông cha đã để lại.
Nhà ông Phạm Văn Hòa ở thôn Mã Kiều được xây cất từ cách đây khoảng 80 năm (theo gia chủ ghi nhận thời vua Bảo Đại) có khuôn viên đan xen với hoạt động làm nghề mộc của con trai. Kết cấu nhà 5 gian chính với quy mô nhỏ và các cấu kiện có mức độ chế tác đơn giản và không được giữ gìn sạch đẹp ngăn nắp.
Nhà ông Lê Đình Giao (thôn Chung Chính)
Nhà ông Lê Đình Giao (thôn Chung Chính)
Nhà ông Phạm Văn Bảo (thôn Quang Trung)
Một số di tích khác
Điếm Ngõa Kiều
Bia đá tổng đốc Hoàng Trọng Phu
Vào những năm thập kỷ 30 và 40 thế kỷ trước, người làng Chuông thấy mình không thể sống dựa vào nghề nón được nữa nên bỏ đến làng khác sinh sống nhiều. Trong lúc đó Tổng đốc Hà Đông là Hoàng Trọng Phu đã đưa vào làng Chuông một nghề mới là nghề dệt và cải tiến nghề làm nón bằng cách đưa một số thanh niên vào Ba Đồn (Quảng Bình) để học nghề. Người làng Chuông làm bia đá tri ân Hoàng Trọng Phu ở khu vực trường Tiểu học Phương Trung ven đê sông Đáy.