Truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn thần (Sơn Tinh), Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), Chử Đồng Tử (Chử Đạo tổ), và Liễu Hạnh Công chúa (Đệ nhất Thánh mẫu Liễu Hạnh).
Theo truyền thuyết vào thời Hùng Vương thứ 18 ở làng Chử Xá, phủ Khoái Châu có một người là Chử Cù Vân cùng vợ là Bùi Thị Gia, ăn ở nhân đức, sinh được người con trai rất khôi ngô đặt tên là Chử Đồng Tử. Năm Đồng Tử 13 tuổi, mẹ mất, nhà lại gặp hỏa hoạn nên gia tài khánh kiệt, chỉ còn một cái khố vải, khi có việc ra ngoài cha con thay nhau dung. Chẳng bao lâu Cù Vân bị bệnh, lúc hấp hối dặn lại con rằng: “ Cha chết đi, con giữ lại cái khố mà che than, cho thiên hạ khỏi chê cười. Con cứ tang trần cho cha cũng được”. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần, lấy khố niệm cho cha. Từ đó, Đồng Tử không có gì che than, ngày ngày lúc vắng ra song kiếm cá, có người qua lại thì ngâm mình xuống nước.
Tiên Dung, con gái vua Hùng đã đến tuổi cập kê nhưng nàng khước từ nhiều lạc tướng, lạc hầu tới cầu hôn, chỉ thích đi đây đó chu du. Năm nào cũng vậy, khi mùa xuân đến, nàng thường đi thuyền dong chơi dọc sông Nhị Hà ra biển. Lần ấy, thuyền đến bãi cát ven sông, thấy cảnh đẹp, Tiên Dung bèn cho dừng thuyền vây màn trướng tắm, đúng nơi Chử Đồng Tử ở truồng đang nấp dưới lớp cát. Cho là Nguyệt lão xe duyên,Tiên Dung bèn cùng Chử Đồng Tử kết duyên vợ chồng.
Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn, nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy sợ không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử, mở bến chợ, lập phố xá. Chỗ ấy trở thành một nơi đô hội, phú thương ngoại quốc tới buôn bán tấp nập. Được một thời gian, hai người bỏ hết giàu sang đến bộ Hoài Hoan theo học đạo với cao sĩ Phật Quang, lên núi lập am Quỳnh, quyết chí tu hành. Phàm nơi nào dân chúng đói khổ, bệnh tật, hai người đều tìm đến giúp đỡ. Sau Chử Đồng Tử có thêm người vợ thứ là Tây Nương. Tiếng đồn về lòng nhân đức, sự giàu sang của vợ chồng Chử Đồng Tử- Tiên Dung- Tây Nương tới tai vua Hùng. Vua cho là họ có mưu đồ làm phản, sai quân tới đánh. Chử Đồng Tử- Tiên Dung không dám chống cự, chờ chịu tội. Nửa đêm, bỗng nhiên gió nổi sấm rền, cả nhà cửa và người, vật trong chốc lát cùng bay lên trời, để lại một khoảng đầm rộng.
Người đời sau gọi bãi cát Chử Đồng Tử vùi thân là bãi Tự Nhiên, đầm nước nơi vốn là lâu đài của Chử Đồng Tử - Tiên Dung “hóa” về trời là đầm Nhất Dạ, chợ Đồng Tử - Tiên Dung lập là chợ Thám ( hay chợ Hà Lương). Dân chúng lập đền thờ Đồng Tử ở nhiều nơi, xưng tụng là Chử Tiên hoặc Chử Đạo Tổ. Đền thờ chính đặt tại thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu. Hàng năm, từ ngày 10 đến 16 tháng 3 âm lịch ( nay đổi từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch) là ngày hội dâng hương, khách thập phương tới lễ bái rất đông. Lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch là lễ hội tình yêu dân gian độc đáo của nước ta.
Lễ hội tại Đền Hóa Dạ Trạch
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Gắn với thiên tình sử lãng mạn của một trong 'tứ bất tử' của thần linh đất Việt, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước gắn với huyền thoại đẹp về tình yêu bất tử giữa công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo họ Chử.
Cách thủ đô khoảng 20 km nếu đi xuôi dòng sông Hồng và xa thêm dăm cây số nữa nếu đi theo đường đê, đền Chử Đồng Tử hay đền Đa Hòa ở xã Bình Minh, Khoái Châu (Hưng Yên) là một trong 2 ngôi đền diễn ra lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, được tổ chức 3 năm một lần.
Nếu đền Đa Hòa là nơi mở đầu cho thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam giữa công chúa Tiên Dung đài các và chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử, thì ngôi đền Hóa ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) theo truyền thuyết là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân “hóa”, tức bay về trời. Đền Đa Hòa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962, còn đền Hóa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1988.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức theo quy mô hàng tổng (3 năm một lần) với sự tham gia của 9 làng trong Tổng Mễ xưa, nay là các xã Bình Minh, Dạ Trạch huyện Khoái Châu và xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Đội hình rước kiệu Thành Hoàng các làng về đền Đa Hòa dự lễ hội; dâng hương tế lễ Thánh. Đặc sắc nhất là lễ rước nước trên sông Hồng.
Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ, thể thao như cờ tướng, bơi chải, hát ca trù, hát chèo, múa rồng…
Lễ Hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Ẩn sau câu chuyện, còn là lời răn về lòng hiếu thảo, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc, gắn liền với sự di cư của cư dân từ vùng núi cao xuống khẩn hoang đất đai vùng châu thổ đồng bằng, là quá trình manh nha cho một nghề mới của người dân: nghề đi buôn...
Nhưng trước hết, các nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, thể hiện đậm nét về mảnh đất, con người Hưng Yên.
Múa Rồng
Hội Đền hóa Dạ Trạch từ xa xưa đến bây giờ, bao giờ cũng có múa rồng. Về ý nghĩa, dân làng giải thích rằng tục múa rồng liên quan đến tích Chử Đồng Tử cưỡi rồng giáng trần trao cho Triệu Quang Phục một chiếc vuốt rồng và phán rằng “Gắn vuốt rồng lên đỉnh mũ đầu mâu”. Sau đó, Triệu Quang Phục đánh đâu thắng đấy, giành được độc lập cho dân tộc.
Hình ảnh múa rồng được nhân dân Dạ Trạch tái hiện như một sự ton vinh tưởng nhớ dâng trình đất trời. Múa rồng là loại múa nghệ thuật, đòi hỏi người múa cần phải có sức khỏe, sự luyện tập kỳ công. Dẫn đầu đội múa rồng bao giờ cũng có người rung ngọc, rồng đuổi ngọc. Trong múa rồng thường có hai chú hề dẹp đường, một người mặc quần áo lốt hổ, đeo mặt nạ hổ rất dữ dằn, tay cầm đuôi hổ dài lê thê. Tất cả thành viên trong đội mua đều mặc đồng phục, nai nịt như võ sỹ, quần áo màu đỏ sọc trắng hoặc vàng, thắt lưng nhiều màu, đầu quấn khăn, chân quấn sà cạp vằn vện như tay rồng vuốt hổ. Thành viên trong đội múa sẽ múa theo tiếng trống, vì vậy người đánh trống trong đội hình thường rất quan trọng. Trống mau múa mau, trống khoan múa khoan, làm rộn rã lòng người như thúc giục, kéo khách thập phương mau mau đến hội.
Trống Tế
Đền Hóa Dạ Trạch hiện nay có hai đội tế, bao gồm đội tế nam và nữ.
Vào những ngày hội hè, những cụ già của Xã sẽ đánh trống tế để tổ chức lễ hội. Trống Tế tại đền Hóa Dạ Trạch rất hay và là niềm tự hào của người dân nơi đây. Người đánh trống tế gần như thuộc văn tế, tiếng trống có thể cầm chịch, nhắc người tế đến đoạn nào (nếu người tế quên). Điều này thể hiện sự ăn nhịp giữa tiếng trống và lời tế. Tiếng trống đanh, chắc, đúng nhịp, dứt khoát và có thần, toát lên sự uy nghiêm và kính cẩn.
Hiện nay số người còn đánh được trống tế hay của đền Dạ Trạch chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Hát trống quân
Hát trống quân là loại hình dân ca thi tài đối đáp thông qua những câu hát giao duyên có nội dung trao đổi về kinh nghiệm sống giữa nam, nữ thanh niên, rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam. Nghệ thuật Trống Quân phát triển nhất ở Hưng Yên đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Về hát trống quân ở Dạ Trạch, một “canh hát” trống quân thường có đủ bốn đôi nam nữ, có thể diễn ra vài đêm và gồm các trường đoạn: hát chào, hát mời trầu, hát giao duyên, hát họa (hát đố), hát thách cưới, hát chia tay. Đáng chú ý là nhiều câu hát đối đáp, sáng tác ứng phó tại chỗ nên khá sinh động, hấp dẫn. Điệu hát thường gần với nói lối, ngâm thơ, hát ru theo vần điệu lục bát. Ngày nay, đôi khi nghệ nhân còn đệm thêm các điệu Cò lả, Sa mạc để cho làn điệu thêm mượt mà. Có lúc, họ sử dụng kỹ thuật đảo câu chữ, luyến láy độc đáo của riêng cách hát trống quân Dạ Trạch.
Hát Trống Quân
Dạ Trạch hiện nay đã có Câu Lạc Bộ hát trống quân được những người hát giỏi tự nguyện thành lập. Họ góp phần đào tạo thế hệ trẻ nối nghề hát. Trong xã có 6 nghệ nhân ưu tú và họ là những người tham gia giảng dạy làn điệu trống quân cho nhiều trường học ở tỉnh Hưng Yên. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, hát trống quân Dạ Trạch có phần biến đổi, cải biên và giao hòa với các làn điệu dân ca Bắc bộ khác. Chính các điệu hát mộc mạc, trữ tình này như nguồn gen quý hiếm để bảo tồn văn hóa của người Việt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà điệu hát này được xếp hạng “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.
Ẩm thực, sản vật đặc thù: Là yếu tố quan trọng (Chợ, phỏng vấn)
Cuốn tôm
Trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình ở thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu không thể thiếu món tôm cuốn. Đây là món ăn độc đáo, dân dã, đậm đà hương vị quê hương trong những ngày đầu xuân năm mới.
Tôm cuốn Yên Vĩnh là món ăn tổng hợp nhiều nguyên liệu, đều là những loại nông sản, thủy sản dễ tìm và gần gũi ở các vùng quê. Nguyên liệu chính là tôm đồng được đánh bắt từ sông Hồng.
Tôm phải tuơi, được làm sạch sau đó cho vào chảo đảo chín cùng nước mắm, dầu ăn, hành phi. Ngoài tôm, món ăn này còn phải có bún, giò lụa, đậu phụ rán thái kiểu con chì, rau cần chần qua và nhiều loại rau thơm như: mùi, xà lách, răm, húng…
Cách làm món tôm cuốn không khó nhưng yêu cầu người đầu bếp phải khéo léo, tỉ mỉ đặc biệt là trong lúc cuốn tôm sao cho vừa chặt, gọn gàng lại vừa vặn một miếng ăn. Tôm được cuốn cùng rau sống, bún, giò đậu rồi dùng sợi rau cần buộc chặt. Sau khi cuốn giống như một miếng nem nhỏ trông rất đẹp mắt.
Món cuốn tôm đặc sắc ở thôn Yên Vĩnh, Dạ Trạch
Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo - một giống gà quý nuôi cổ truyền ở xã Đông Tảo (Khoái Châu) và là một đặc sản tiến Vua nổi tiếng của Hưng Yên được cả nước biết đến.
Một bữa ăn ngon bổ được chế biến từ gà Đông Tảo vô cùng hấp dẫn, với thực đơn gà 7 món: Chân gà hầm thuốc Bắc, đùi gà hấp lá chanh, thịt gà lọc hấp với xôi sen, da gà bóp thính, thịt ức xào lăn, gà xào miến... Điều đặc biệt, với đôi chân gà khá to của giống gà quý hiếm này còn có thể được đem ngâm rượu để ngắm.
Gà Đông Tảo Hưng Yên
Bên cạnh đó, một món ăn mang đậm hồn quê ở Khoái Châu đó là Chả gà Tiểu Quan. Món chả được chế biến kỹ lưỡng từ thịt gà trống tơ, mang lại hương vị ngon ngậy nổi tiếng ở xã Phùng Hưng. Khác với chả cá, chả mực, chả gà Tiểu Quan có màu vàng óng, vị thơm của thịt gà, lại thoang thoảng mùi vỏ quýt, hạt tiêu, đây là món ăn quyến rũ thực khách khi đến Khoái Châu.
Mâm cỗ đặc sản thôn Yên Vịnh, xã Dạ Trạch
Mâm cỗ đặc sản Dạ Trạch
Một mâm cỗ thể hiện đầy đủ các món ăn đặc sản của xã Dạ Trạch bao gồm: món cuốn tôm, món canh láo nháo, gà Đông Đảo, rau sống...Các món ăn với nguồn nguyên liệu địa phương, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ nhưng hương vị lại rất dân dã, trong lành. Để chuẩn bị một mâm cỗ như vậy đòi hỏi người nấu phải mất rất nhiều thời gian, họ có thể phải dậy từ sớm để mua nguyên liệu cho tươi ngon, công đoạn nấu và sắp xếp món ăn lên mâm cũng đòi hỏi sự khéo léo và tập trung.