Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Đông Hồ (Bắc Ninh) - VĂN HÓA NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀNG ĐÔNG HỒ

Nghề tranh dân gian Đông Hồ có lịch sử phát triển lâu đời. Giống như bao làng quê khác ở Việt Nam, xưa kia Đông Hồ cũng là một làng quê nghèo, giao thông không thuận tiện, cuộc sống chật vật, bấp bênh, đất chật người dông lại hay bị lụt lội vì ở ven sông. Trong hoàn cảnh ruộng ít, người đông, buộc người nông dân phải tìm cách khác để kiếm sống. Đây chính là nguyên cớ để các nghề phụ ra đời, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nghề làm tranh khắc gỗ dân gian rất độc đáo, rất nghệ thuật; tiếp đến là nghề làm mã, đồ gõ, nhuộm giấy ...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nghề phụ, trong đó có nghề tranh, đã trải bao phen “gặp vận thì thịnh, gặp hạn thì suy“.
“Tranh dân gian Đông Hồ” là nghệ thuật hội họa dân gian hiếm hoi còn được bảo tồn của vùng đồng bằng Sông Hồng nói riêng và trong cả nước nói chung. Bên cạnh những dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Làng Sình (Huế), tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ), tranh thờ Đạo Giáo (miền núi phía Bắc) đã bị thất truyền hoặc ngừng hoạt động.
Những người già trong làng Đông Hồ kể, từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời kì hưng thịnh nhất của làng tranh. Trước đây, hàng năm, từ tháng Ba đến tháng Bảy cả làng làm hàng mã, sang tháng Tám đến tháng Chạp, cả làng lại tất bật mùa tranh Tết. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì cả 17 dòng họ đều làm tranh, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, nhộn nhịp nhất là các phiên chợ tranh vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26 tháng Chạp. Trong mỗi phiên chợ, lái buôn đến lấy hàng nghìn, hàng vạn bức tranh các loại, hoặc cũng có các gia đình mua lẻ về làm tranh treo Tết để cầu mong phú quý, vinh hoa và trang hoàng nhà cửa. Phiên chợ tranh Đông Hồ tấp nập một phần còn do có sự đổi chác giữa dân làng này với các phường buôn bán của những làng khác từ xa tới. Các lái buôn thường mang điệp, thuốc lào, nước mắm, cá khô…, đến đổi lấy tranh hoặc buôn tranh đem về địa phương mình bán. Sau phiên chợ tranh cuối cùng vào ngày 26 tháng 12 Âm lịch, những tranh còn lại được các gia đình bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau mang ra chợ bán. Vào ngày hội làng Hồ (rằm tháng Ba Âm lịch), người dân trong làng còn tổ chức nhiều nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ…
Năm 1967, nhận thấy dân làng có nguy cơ bỏ nghề làm tranh, chính quyền địa phương đã giao trọng trách cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đứng ra tập hợp 50 nghệ nhân có tâm huyết, tay nghề cao trong làng thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Đây là thời kỳ tranh Đông Hồ hồi sinh, phát triển sôi động trở lại. Từ năm 1970 đến năm 1985, hàng loạt sản phẩm tranh Đông Hồ đã được xuất khẩu sang một số nước xã hội chủ nghĩa. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, do tác động của nền kinh tế thị trường và việc thay đổi cơ chế chính trị ở các nước Đông Âu, việc xuất khẩu tranh Đông Hồ gặp nhiều khó khăn, Hợp tác xã sản xuất tranh bị giải tán vì in tranh nhưng không có đầu ra. Giai đoạn đất nước đổi mới bước vào nền kinh tế thị trường, thú chơi tranh dân gian Đông Hồ ngày Tết đã bị quên lãng, dẫn đến nghề tranh dần mai một vì tranh làm ra nhưng không bán được. Hơn 90% hộ gia đình từ bỏ ván khắc, chuyển sang hoạt động nghề khác có thu nhập cao hơn như làm đồ vàng mã hoặc sản xuất, buôn bán hàng hóa khác.
Tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Đây không phải là những bức tranh được vẽ theo cảm hứng nhưng được in lại qua những bản khắc, và để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao. Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.
Khi xưa, người buôn bán tranh tấp nập trên bến dưới thuyền. Tết đến, nhà nào cũng nhất định phải mua bằng được ít nhất một bức tranh Đông Hồ về treo cho nhà cửa thêm màu sắc và không khí Tết. Hiện tại, tranh Đông Hồ được biến thể thành nhiều loại hình khác nhau, như sổ tay, lịch treo tường,... Giá của tranh cũng không bán được cao, chỉ 30.000 đồng 1 tấm, bức to hơn có giá 100.000 đồng. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ không nhiều, chủ yếu làm sản phẩm lưu niệm, tặng phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước.
“Tranh dân gian Đông Hồ” đã được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia” tháng 12/2012. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ, nhà nước đã đầu tư xây dựng tái tạo lại khu chợ Tranh cạnh đình Tranh (đình làng Hồ). Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ tạo thành một điểm nhấn văn hóa, du lịch độc đáo của huyện Thuận Thành và tỉnh Bắc Ninh.
Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332