Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Di sản làng Việt là tiềm năng văn hóa to lớn. Cần biến tiềm năng đó thành nguồn lực để phát triển nông thôn Việt Nam bền vững và giàu bản sắc.

Làng Nôm (Hưng Yên) - CÔNG TRÌNH DI SẢN TRUYỀN THỐNG LÀNG NÔM

 

Chùa Nôm

Di tích chùa Nôm (linh thông cổ tự)

Chùa làng Nôm nằm ngoài ranh giới làng Nôm với khuôn viên rất rộng khoảng 15ha và đối diện với chợ Nôm là trung tâm buôn bán của nhiều làng. 

Cùng với các ngôi chùa khác ở huyện Văn Lâm, “Linh Thông cổ tự” được khởi dựng khá sớm có thể vào những thế kỉ đầu công nguyên. Thời Bắc thuộc, đức thánh Tam Giang được thờ ở am nhỏ trên đồi cao trong rừng, đến thời Lý được xây dựng lại thành một ngôi chùa tên chữ là “Linh Thông cổ tự” dân gian vẫn gọi là chùa Nôm. Khi đó ngôi chùa được khởi dựng giữa rừng, phía Đông Bắc thôn Đại Đồng, gần với trung tâm Phật giáo vùng Kinh Bắc là “Luy Lâu” thời đó. “Linh Thông cổ tự”, đọc theo âm Nôm, “Thông” có nghĩa là cây tùng, cây thông, vì thế có truyền thuyết cho rằng chùa Nôm được dựng giữa rừng thông. Chắc vào thời đó, nơi đây cũng là vùng sông nước, ao hồ, rừng rậm bạt ngàn… Chữ “Thông” ở đây theo âm Hán Việt còn được đọc là “Xuân” và “Thung” , “Xuân” có nghĩa là cây Xuân. Theo Trang Tử vào thời xưa có cây  xuân lớn, lấy tám nghìn năm làm một mùa Xuân, tám nghìn năm làm một mùa Thu. Vì thế người ta hay dùng chữ xuân để chúc thọ. Nay ta gọi là “xuân đình” cũng theo ý ấy, ở đây nếu đọc theo âm Hán Việt “Linh Xuân cổ tự” thì có hàm ý là ngôi cổ tự như cây xuân, thọ tới vạn năm. 

Cấu trúc tổ hợp không gian chùa Nôm khá rộng rãi thoáng đãng do có vị trí ở ngoài khuôn viên làng. Mặt bằng tổng thể của chùa 

Trải qua thời gian, chùa Nôm được trùng tu xây dựng vào thế kỷ thứ XVII. Chùa Nôm còn lưu lại trên 10 tấm bia đá và chuông cổ. Bia có tấm hai mặt, có tấm bốn mặt, gồm bia hậu, bia trùng tu, bia tháp mộ, bia cây hương. Từ trong văn bia các nhà nghiên cứu tìm thấy niên đại những năm trùng tu, xây dựng nhà tiền đường, thiêu hương, hậu đường, hành lang, tam quan… của ngôi chùa.

Đình Nôm (đình Tam Giang)

Di tích đình Nôm (đình Tam Giang)

Đình Nôm nằm ở xóm đình ở phía đầu làng Nôm gần cổng làng mới được phục dựng theo phong cách cũ. Cụm không gian xung quanh đình Nôm bao gồm một khoảng sân rộng, ao lớn kéo dài dọc làng, một vài cây đa cổ thụ nhiều gốc và đặc biệt có một giếng nước được người dân làng bảo vệ một cách tôn trọng. 

Đình Đại Đồng được xây dựng theo hướng Đông Nam, với kiến trúc hình chữ Quốc bao gồm các hạng mục: Đại bái, Phương đình, Hậu cung và hai dãy giải vũ. Tòa đại bái gồm 5 gian, các bộ vì làm kiểu chồng rường. Kế tiếp là Phương đình có cấu tạo hình vuông theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng. Phía bên trong là gian Hậu cung gồm 3 gian, kiến trúc chồng rường đấu sen.

Kiến trúc bên ngoài chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phúc Kiến (Trung Quốc), có bốn hàng cột đá xanh đỡ mái. Đình được xây theo lối nội công ngoại quốc cổ truyền gồm đình trong, đình giữa và đình ngoài. Điều khác biệt nhất của đình làng Nôm so với các đình làng đồng bằng Bắc Bộ là đình ngoài chủ yếu được làm bằng chất liệu đá. Mái thì được lợp bằng ngói ống, trên đắp nổi hình cá chép chầu nậm rượu. Trên các cột đá xanh chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý và những câu đối ca ngợi thắng tích. Theo lời người cao tuổi trong làng thì từ xa xưa con trai trong làng cứ đến 18 tuổi là phải tập trung ra kéo gỗ, kéo đã làm đình.

Cho đến nay đình làng Nôm vẫn là niềm tự hào của người dân làng Nôm về di sản văn hóa lâu đời và luôn là một không gian công cộng quan trọng cho các hoạt động lễ hội và thường ngày của người dân. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương mà còn là điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng năm, vào mùng 10 tháng 8 âm lịch lễ hội kỷ niệm ngày mất của Thánh Tam Giang được diễn ra rất trang trọng. Từ những giá trị trên đình Đại Đồng đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1994 về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Nhà thờ họ

Hai bên ao trung tâm của làng Nôm còn 7 khu nhà thờ họ của các dòng họ lớn trong làng như họ Tạ, họ Lê, họ Phùng, họ Nguyễn, họ Đan, họ Đỗ. Các nhà thờ họ nằm san sát mật độ cao ở dọc ao làng với mỗi chi trong một họ là một nhà thờ. Dãy nhà thờ họ phía đông của ao làng bao gồm nhà thờ của họ Phùng chi 3, nhà thờ họ Tạ, họ Nguyễn, họ Lê, họ Phùng chi cả, chi 2 còn dãy nhà thờ họ phía tây của ao làng bao gồm nhà thờ họ Đan và họ Đỗ. Theo gia phả, nhà thờ họ được xây dựng cách đây lâu nhất khoảng trên một trăm năm và có một số nhà thợ họ đã từng là nhà ở của một trưởng họ tộc trước đây và về sau được chuyển đổi thành nhà thợ họ tộc. Vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, cả làng tổ chức giỗ họ và hiếm có làng nào có được một ngày trong n ăm tưng bừng hội tụ đông đúc đến thế. 

Trong quỹ di sản kiến trúc công trình quý giá của làng Nôm hiện nay thì không thể không kể đến sự đóng góp quan trọng các nhà thờ họ tọa lạc ở hai bên ao trung tâm làng cùng với các yếu tố cảnh quan như mặt nước, cây xanh đã tạo nên những ấn tượng về hình ảnh đặc trưng về một làng cổ có bề dày văn hóa lâu đời. 

Nhà thờ họ Phùng chi 1

Nhà cổ

Hiện nay tại làng Nôm có một số nhà cổ vẫn còn nguyên cấu trúc gốc, có những nhà có tuổi đời gần 200 năm, hơn 100 năm. Theo người làng nói thì những ngôi nhà cổ có giá trị cao thời đó chính là thành quả kinh tế từ nghề buôn đồng nát phát triển của dân làng khi đó. Cũng có những ngôi nhà được xây cất bằng cách mua nguyên vẹn một ngôi nhà của một gia đình nào đó ở địa phương khác và được vận chuyển về nhà mình dựng lại. 

Trong số nhưng ngôi nhà cổ có giá trị về niên đại và kiến trúc thì nổi bật phải kể đến nhà ông Phùng Văn Long ở xóm chùa được xây dựng từ năm 1825 với cấu trúc 5 gian có các cột làm bằng gỗ lim còn nguyên cấu trúc gốc và các chi tiết. Hiện nay, nhà ông Long vẫn được con cháu, chắt giữ gìn cẩn thận làm nơi thờ cúng. Cách tổ chức không gian trong khuôn viên nhà ông Long cũng thể hiện những kiến thức tinh hoa của người dân nông thôn trước đây. Lối vào nhà theo hướng cạnh bên và được phủ bởi nhiều cây cảnh có giá trị trang trí và bóng mát như hoa hiên, hoa dâm bụt, nhãn và hướng Đông trồng rau quả, cau trầu có giá trị về cảnh quan và vi khí hậu. Khu vườn sau nhà trồng cây ăn quả như chuối có tác dụng che chắn gió lạnh mùa đông bắc. 

Nhà ông Phùng Văn Long (xóm chùa)

Cầu đá

Cầu Nôm là cây cầu đá bắc ngang dòng sông Nguyệt Đức, là điểm nhấn độc đáo mang lại sức hút đặc biệt đặc trưng cảnh quan làng Nôm. Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, chiếc cầu đá cổ gần 200 năm tuổi của làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.     

Cầu đá gần 200 tuổi làng Nôm 

Giếng cổ

 

Cổng làng và cổng nhà

Làng Nôm vẫn còn giữ được hai cổng đầu làng và cuối làng. Cổng đầu làng ở xóm đình gần đình Giang mới được phục dựng lại theo nguyên mẫu chưa lâu. Còn cổng ở xóm chùa vẫn được giữ nguyên bản. 

Theo người làng, cổng làng xóm chùa với kết cấu bát trụ (tám cột) có tuổi đời làng Nôm là niềm tự hào của mọi người dân làng Nôm với tám trụ và họa tiết trang trí tinh xảo. Cổng chính của làng có lối lên nóc đồng thời là điểm quan sát bao quát toàn bộ không gian làng. Trước đây cổng làng có hai cánh cửa kiên cố làm bằng gỗ lim với chức năng bảo vệ nhưng do nhu cầu bối cảnh thời hòa bình và nhu cầu đi lại hiện nay nên người dân đã tháo cánh cổng. 

Cổng làng và cổng nhà (xóm chùa)

Lác đác trong làng có một số cổng nhà có tuổi đời khoảng 70-80 năm vẫn được người dân giữ lại như một sự trân trọng với lịch sử của làng. Hầu hết cổng nhà cũng được xây bằng gạch, có kích thước cân đối và có một số chi tiết kiến trúc ảnh hưởng của kiến trúc Pháp thuộc địa. 

Một cổng nhà lâu năm còn lại đến hiện nay

 

Cổng bát trụ làng Nôm (xóm chùa)

 

 

Liên hệ trao đổi và chia sẻ
0913 542 332
phcuong39@gmail.com

DI SẢN LÀNG VIỆT

Assoc. Prof. Dr. PHAM HUNG CUONG
Head of Urban and Regional Planning Department
Address: 55 Giai Phong Road, Hai Ba Trung District, Hanoi, Vietnam
Email: cuongph@huce.edu.vn/ phcuong39@gmail.com

Mobile: 0913542332