Thống kê di sản kiến trúc làng Đại Bái
STT
|
Tên di tích
|
Vị trí
|
Xếp loại
|
1
|
Đình Văn Lãng
|
xóm Xôn Chùa
|
|
2
|
Đình Diên Lộc
|
xóm Xôn Chùa
|
|
3
|
Chùa Diên Phúc
|
xóm Tây Giữa
|
|
4
|
Lăng mộ tổ sư nghề đúc Nguyễn Công Truyền
|
xóm Trại
|
|
Sơ đồ vị trí các di tích làng Đại Bái
Chùa Diên Phúc hay chùa Đại Bái
Chùa được trùng tu vào đời vua Lê Thần Tông (1646 – 1647). Chùa dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc, có nhà thập điện, lầu chuông hai tầng, có nhà Tả vu, Hữu vu mỗi bên đến mười gian.
Chùa Diên Phúc hay chùa Đại Bái
Đình Diên Lộc và đình Văn Lãng
Đình Diên Lộc đang trong quá trình trùng tu xây dựng mới
Đình Văn Lãng
Đình Đại Bái hay có tên khác là đình Diên Lộc. Theo các cụ cao nhân trong làng kể lại, xưa kia, làng Đại Bái có 2 đình gồm: Đình trong có tên "Văn Lãng" thờ Thành Hoàng làng và đình ngoài có tên "Diên Lộc" thờ Tổ nghề đồng. Cả 2 đình đều dựng vào thời Lê với quy mô rất lớn. Đình Văn Lãng dựng trên khu đất nay đặt đình thờ tổ, nơi thờ Lạc Long Quân - Thành Hoàng của làng và Á thần Nguyễn Công Hiệp. Đình thờ tổ, tức đình Diên Lộc dựng liền kề phía Đông đình Văn Lãng - nơi thờ Tổ sư dạy nghề Nguyễn Công Truyền và các vị hậu tiên sư. Tháng 6/1947, đình Diên Lộc bị thực dân Pháp đốt phá. Sau đó, tháng 8/1948, đình Văn Lãng cũng bị chúng đốt phá nốt. Hòa bình lập lại, năm 1954, dân làng đã tận dụng những phế liệu của 2 ngôi đình cũ, dồn lại để dựng nên tòa đình hiện nay. Dân làng đã chọn tên đình Diên Lộc đặt tên cho ngôi đình này và làm nơi thờ Tổ sư dạy nghề cùng các hậu tiên sư là chính. Ngoài ra, đình còn sử dụng làm nơi thờ Thành Hoàng làng là Lạc Long Quần và Á thần - đại vương Nguyễn Công Hiệp.
Trong đình gồm những sản phẩm đồ thờ do chính người thợ khéo léo
của làng nghề truyền thống Đại Bái làm ra.
Đình Diên Lộc nằm giữa 2 xóm: Xóm Xôn và xóm Tây của làng, ngay sát chợ Đại Bái. Đình nhìn hướng Bắc. Các công trình kiến trúc, tính từ phía trước vào, gồm có: Cổng tam môn, sân đình, nhà tiền tế, đại đình. Nhà tiền tế gồm 5 gian, kiến trúc theo kiểu quá giang kèo kìm. Tòa tiền tế dài 11,6 m, rộng 6,8 m. Đại Đình - thực ra đây là tòa nhà nhỏ, gồm 3 gian, kiến trúc theo kiểu quá giang kèo kìm, 4 mái, để làm nơi thờ cúng. Tòa này có kích thước: dài 7,7 m, rộng 6m. Toàn bộ khu đình được giới hạn bởi tường vây - chiều dài 23,5m, rộng 17m.
Pho tượng Tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền được làm bằng đồng do chính những người thợ Đại Bái đúc vào thời Nguyễn. Tượng đặt trong khám thờ, giáp tường sau, gian giữa của đình (trên ban thờ) Tổ sư Nguyễn Công Truyền được đúc ở tư thế ngồi, 2 tay đặt trên 2 đầu gối: bàn tay phải ngửa lên, bàn tay trái xuôi xuống; đầu đội mũ, chân đi hài, mình mặc áo cẩm bào, trên áo có đúc nổi hình rồng, phượng và một số nét mây. Tai tượng chảy dài, mắt nhìn thẳng. Toàn bộ tượng cao 106 cm, vai rộng 41cm. Tượng Tổ sư Nguyễn Công Truyền là tượng chân dung, toát lên dáng vẻ một người tầm thước, khỏe mạnh, có tâm hồn trong sáng. Đúc pho tượng này, những người thợ Đại Bái đã thể hiện sinh động tài năng đúc đồng của mình - một tài năng mà ít người và ít khi được nhắc tới.
Ngoài ra, trong khu đình còn lưu giữ rất nhiều đồ thờ cúng có giá trị, đặc biệt đó là những đồ thờ được làm từ chính những người thợ đúc đồng khéo léo, giỏi nhất của làng qua các thế hệ như: Bức đại tự, hương án, đôi hạc đồng, câu đối đồng....
Hàng năm, tất cả những người đàn ông của làng ở tuổi 49 đều được giao trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích rất nghiêm ngặt. Đã thành truyền thống, tất cả dân làng, dù ở xa hay gần, mỗi khi sáng tạo được những sản phẩm mới, phù hợp với việc bài trí trong di tích, đều tự nguyện đóng góp vào di tích. Họ coi đó là hành động biểu hiện sâu sắc tinh thần "uống nước nhớ nguồn". Do vậy, cụm di tích không những được gìn giữ chu đáo, mà còn ngày càng thêm phong phú về nội dung, ý nghĩa.
Với những giá trị quý báu của cụm di tích, đình Đại Bái, chùa Diên Lộc và khu Lăng mộ Tổ sư nghề gò đồng đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia, nơi thờ phụng tôn nghiêm, niềm tự hào của người dân Đại Bái.
Lăng mộ tổ sư nghề đúc Nguyễn Công Truyền
Chợ Đại Bái
Chợ Đại Bái
Miếu nhỏ ven đường