Ngày 19/01/2016, Nghề gốm Phù Lãng xã Phù Lãng huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Danh nhân
Phù Lãng là quê hương của đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Lễ hội
Những lễ hội truyền thống đó là sinh hoạt văn hóa, là những phong tục tập quán không thể thiếu trong đời sống. Hiện nay, nguồn tài nguyên này đã và đang được khai thác ở những mức độ khác nhau để phục vụ cho phát triển du lịch.
Như mọi làng quê khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, làng Phù Lãng cũng có chùa thờ Phật, đình, đền thờ Thành hoàng làng, cũng có sự lệ, đình đám, lễ hội với nhiều nghi thức trang nghiêm trọng thể, cùng nhiều sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú hấp dẫn khác.
Phù Lãng có hội lớn nhất là hội đình được tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng Giêng hàng năm. Trước đây khi chưa có đình thì làng làm lễ tế thành hoàng ở đền với quy mô nhỏ hơn. Đình làng Phù Lãng có sắc phong vào thời Nguyễn. Cả ba ngôi đình của ba thôn (thượng, trung, hạ) chỉ có được một hòm sắc, nên lệ làng chia ra mỗi thôn được giữ hòm sắc một năm. Khi làng vào hội, hòm sắc lại được rước từ đình thôn nọ sang đình thôn kia. Việc rước hòm sắc cứ thế quay vòng. Ngày rước hòm sắc được các vị cao niên, chức sắc của làng chọn, thường trong khoảng từ 10 đến 12 tháng Giêng.
Trước ngày vào hội, làng cũng có những cuộc tập dượt, chuẩn bị chu đáo, trong đó ngày mùng 8 – ngày làm lễ rước nước từ sông Cầu về đình được xem là vui và long trọng nhất. Vào ngày này, làng chọn mười cô gái đẹp, bơi thuyền rồng ra giữa dòng sông, lấy đầy nước vào một chóe cổ, trên miệng có phủ vải điều. Khi thuyền ghé vào bờ, họ đặt chóe nước lên trên chiếc kiệu sơn son thiếp vàng rồi rước về đình. Nước này dùng để làm lễ “mộc dục” (tắm tượng) và để làm đồ lễ cúng thần quanh năm. Ngày mùng 10 là ngày tế thần. Trong số các vật phẩm dâng cúng, ngoài xôi, gà, oản, hoa quả, rượu thịt, có hai đặc sản quê hương thường chỉ được làm vào dịp hội làng là chè kho và bánh dày.
Trong suốt 10 ngày hội, ngày nào tại sân đình cũng có các trò vui chơi như: đánh vật, đánh cờ, đánh đu…, ban đêm thì có hát chèo, hát chầu văn, hát trống quân. Người dân Phù Lãng vào ngày hội như quên mình để sống với văn hóa tâm linh, tìm lại về nguồn cội xa xưa. Du khách đến Phù Lãng vào những ngày hội trong tháng Giêng cũng cảm nhận được không khí trang nghiêm của buổi hành lễ nhưng ấm áp tình người.
Ngoài ra, Phù Lãng cho đến năm 1945 vẫn còn gìn giữ được tín ngưỡng cầu mưa được tổ chức vào tháng ba âm lịch hàng năm tại chùa Cao. Lễ cầu mưa bắt đầu từ cuộc rước nước dưới sông Cầu lên đỉnh núi Cáng (chùa Cao nằm trên đỉnh núi Cáng, có chiều cao so với mặt bằng khoảng 100m). Nước được đựng trong một chóe (hoặc một be sành) phủ vải điều. Các bô lão trong làng với trang phục khăn xếp, áo thụng, thân hành rước nước lên gò. Đi kèm cuộc rước nước này có cờ, quạt, trống ầm ĩ, kéo dài cho tới khi người hành lễ đọc văn cầu đảo. Từ sau năm 1951, khi chùa Cao bị tàn phá, lễ cầu mưa này chỉ còn được lưu truyền trong các câu chuyện kể của người dân cho thế hệ con cháu đời sau.
Tục thờ tổ nghề
Làng Phù Lãng có phong tục thờ tổ nghề gốm và tôn thờ sư tổ. Lễ sư tổ gốm ở Phù Lãng được những gia đình làm thợ tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng với nghi thức đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình. Thông thường mỗi nhà làm mâm cỗ dâng cúng tổ nghề phù hộ cho họ một năm làm ăn may mắn và gặp nhiều thuận lợi. Vào ngày đốt lò đầu tiên trong năm (thường là sau ngày lễ sư tổ), gia đình người thợ nào cũng sửa soạn một mâm lễ đặt lên trên “đậu lò” (ống khói) để cầu khấn một năm đốt lò thuận lợi, làm ăn phát đạt, có nhiều mẻ gốm đẹp.
Âm thực, sản vật đặc thù
Có hai đặc sản quê hương thường chỉ được làm vào dịp hội làng là chè kho và bánh dày.
Tập quán ca hát
Phù Lãng không phải là làng quan họ gốc, quan họ cổ nhưng là một phần máu thịt của Bắc Ninh nên những làn điệu quan họ đã đi vào đời sống tâm hồn của mỗi người dân nơi đây. Từ những câu hò bên nôi đến những câu hát mời nhau nơi đầu làng cuối thôn đã trở thành niềm tự hào trong tâm thức mỗi con người.