GIỚI THIỆU CHUNG
Vị trí
Làng (xã) Phù Đổng nay thuộc huyện Gia Lâm, về phía đông thành phố Hà Nội, xưa thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh , bên sông Đuống (Thiên Đức), quê hương của Thánh Gióng.
Xã Phù Đổng , một trong 31 xã thuộc huyện Gia Lâm.
+ Phía đông giáp xã Trung Mầu, Lệ Chi.
+ Phía nam giáp xã Cổ Bi, Đặng Xá, Kim Sơn và Phú Thị.
+ Phía tây và phía bắc giáp ba xã Dương Hà, Đình Xuyên và Ninh Hiệp; góc đông bắc giáp xã Phù Chẩn huyện Tiên Sơn tỉnh Hà Bắc.
Lịch sử phát triển làng
Phù Đổng là địa bàn sinh tụ sớm của người Việt Cổ, từ thời Hùng Vương. Cuối thời Lê đầu thời Nguyễn là một xã độc lập, cũng là xã đứng đầu tổng Phù Đổng, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 là tỉnh Bắc Ninh). Từ tháng 5 - 1961, xã Phù Đổng được cắt về huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Trong kháng chiến chống Pháp, làng Phù Đổng nằm trong xã Toàn Thắng của huyện Gia Lâm. Sau Cải cách ruộng đất, xã Toàn Thắng chia nhỏ thành 11 xã, trong đó có xã Phù Đổng. Phù Đổng là mảnh đất không rộng chỉ với diện tích 1.165 ha, trên 12.000 dân với trên 3.000 hộ gia đình sinh sống tại 6 thôn: Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Dực 1, Phù Dực 2, và thôn Đổng Viên.
Phù Đổng xưa còn có tên là Gióng ( làng Gióng, tổng Gióng). Theo truyền thuyết chính nơi đây là quê hương đã sinh ra và nuôi dưỡng cậu bé anh hùng lên ba đánh tan giặc Ân phương Bắc thời vua Hùng Vương thứ 6. Vua Hùng Vương đã phong người anh hùng cậu bé làng Góng là Phù Đổng Thiên Vương. Nhân dân Việt Nam nói chung và Phù Đổng nói riêng đã tôn vinh là Thánh Gióng – một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết Thánh Gióng và câu chuyện về người anh hùng bất tử ấy là biểu tượng về ý chí và sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong lịch sử, là bản trường ca bất tận của nhân dân Phù Đổng về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Phù Đổng về truyền thống văn hoá quê hương. Người dân Phù Đổng vinh dự và tự hào được mang tên của người anh hùng đã trở thành huyền-thoại-bất-tử-ấy
Sau hàng nghìn năm vùng đất nằm bên tả ngạn dòng sông Đuống vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ, nhiều di tích lịch sử văn hoá lâu đời trong đó có quần thể di tích lịch sử Đền Gióng ( đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia). Quần thể di tích đền Gióng bao gồm nhiều công trình đền chùa lớn nhỏ nằm rải rác khắp các thôn xóm của xã Phù Đổng và chứa đựng những giá trị văn hoá khác nhau liên quan đến truyền thuyết Thánh Gióng và các triều đại phong kiến Việt Nam cùng những danh nhân văn hoá của quê hương.
Chính tinh thần Thánh Gióng đã thôi thúc các thế hệ cháu con Phù Đổng bước tiếp bước theo nhau kế tục duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Hơn 30 năm sau chiến tranh, quê hương Phù Đổng đã thay da đổi thịt. Với truyền thống quê hương và từ đôi bàn tay cần cù lao động sáng tạo người dân Phù Đổng đã làm thay đổi diện mạo làng quê. Làng quê nghèo bên kia bờ sông Đuống hôm nay đã thực sự đổi mới , đời sống nhân dân được nâng cao, trẻ em được nuôi dưỡng quan tâm chăm sóc.