Quán xóm Lài Cài ở trong địa phận thôn Phú Đa 1 có tuổi thọ hơn một trăm năm, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người dân xóm từ trước đến nay. Người dân ở quanh khu vực này không nắm được quán thờ cụ thể một nhân vật nào.
So với các quán thờ trong xã Cần Kiệm, quá xóm Lài Cài có khuôn viên rộng rãi và được xây dựng trên nền địa hình cao ráo. Sân vườn được quét dọn sạch sẽ, cây xanh được chăm tỉa cẩn thận. Không gian của quan được phân chia rõ rệt ở khu vực bên ngoài đến cổng tam quan trên bậc tam cấp so với mặt đường và vào phía trong là một khoảng sân rộng. Khu thờ của quán xóm Lài Cài lại được đặt trên bậc tam cấp so với mặt sân trước.
Quán Núi Vải (thôn Yên Lạc 2)
Giới thiệu di tích
Quán núi Vải nằm ở địa phận thôn Yên Lạc 2, khu vực có địa hình cao nhất xã Cần Kiệm và tọa lạc trong 1 ngõ hẹp, khó xác định vị trí khi đi trên đường lớn. Quán có tuổi thọ hơn một trăm năm, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người dân địa phương từ trước đến nay. Người dân ở quanh khu vực này không nắm được quán thờ cụ thể một nhân vật nào.
Mô tả di tích
Đường tiếp cận vào quán không có chỗ để xe, buộc phải đi bộ mới vào được. Hiện trạng hội quán là một gian nhà lâu năm, có diện tích chừng 12m2. Quán núi Vải được cho là rất linh thiêng, người dân cầu gì được nấy, khi nhóm khảo sát tìm đến thì người dân khu vực rất nhiệt tình đi cùng để chỉ đường, dặn dò cẩn thận về các phong tục riêng khi vào Quán. Hiện Quán đang được cải tạo phần cảnh quan mặt tiền từ nguồn vốn xã hội hóa từ nhân dân địa phương.
Quán Núi Đỏ (thôn Yên Lạc 3)
Giới thiệu di tích
Quán núi Đỏ nằm trên đỉnh núi Đỏ thuộc địa phận thôn Yên Lạc 3, nơi có địa hình cao nhất xã Cần Kiệm. Quán có tuổi thọ hơn một trăm năm, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người dân địa phương từ trước đến nay. Người dân ở quanh khu vực này không nắm được quán thờ cụ thể một nhân vật nào.
Mô tả di tích
Hiện trạng quán chỉ là gian nhà nhỏ chừng 12-15m2, có thiết kế tương đồng với các hội quán khác trong khu vực. Nhu cầu sử dụng của nhà thờ chính của quán không cao mà người dân chủ yếu tụ tập tại sân rộng dưới chân núi. Hiện tại quán đang được xây dựng thêm 1 gian nhà rộng khoảng 30m2 đối diện với kì vọng sẽ là nơi người dân tổ chức các câu lạc bộ làm thơ, ca hát.
Quán Mối (thôn Yên lạc 3)
Giới thiệu di tích
Quán có tuổi thọ hơn một trăm năm, nằm ở địa phận thôn Yên Lạc 3, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người dân địa phương từ trước đến nay. Người dân ở quanh khu vực này không nắm được quán thờ cụ thể một nhân vật nào.
Mô tả di tích
Quán Mối nằm sâu phía sau lưng khu dân cư, trong đường ngõ lắt léo, muốn vào quán phải có người địa phương dẫn vào. Hiện trạng quán Mối hiện nay có một gian thờ nhỏ đã xuống cấp, có mái ngói đầu đao. Hiện tại việc trông coi quán được giao cho một hộ gia đình sống ở gần đó quản lý. Người dân khu vực hiện đang rất kì vọng hội quán Mối sẽ được quan tâm đúng mực.
Văn chỉ và quán thôn Phú Lễ (thôn Phú Lễ)
Giới thiệu di tích
Quán xóm Phú Lễ nằm trên đại bàn thôn Phú Lễ ở phía Tây Nam địa bàn xã Cần Kiệm sát với con sông Tích, là niềm tự hào và là nơi sinh hoạt cộng đồng tâm linh của thôn xóm.
Mô tả di tích
Khuôn viên của quán có diện tích gần 800m2 là nơi thờ ba vị tướng quan thời Hậu Lê. Theo người quản lý thì khu du tích có từ khoảng năm 1690 và hiện tại lưu giữ hai bia đá cổ được coi là văn bia Khổng Từ của thôn Phú Lễ tổng Cần Kiệm trước đây. Thậm chí xưa kia người làng đã phải ra Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội để cầu cúng. Hai bia đá này của làng một thời gian đã bị mất sau đó đã được tìm thấy và hiện đang thờ tại quán Phú Lê. Hiện nay toàn bộ các công trình ở khu di tích này đang được xây dựng lại theo nguyên mẫu bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Quán Ất Mùi (thôn Yên Lạc 2)
Giới thiệu di tích
Quán Ất Mùi nằm ở địa phận thôn Yên Lạc 2 ở phía Tây của xã Cần Kiệm. Quán có tuổi trọ lâu năm, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và cộng đồng của người dân địa phương. Những người xung quanh quán từ trước đến này không biết rõ thờ nhân vật cụ thể nào.
Mô tả di tích
Quán Ất Mùi có khuôn viên khá rộng. Phần cổng quán được cải tạo lại năm 1915. Quán có kiến trúc cũng tương đồng một số quán khác trong xã nhưng lối vào quán lại được nâng cốt nền khoảng 2 mét. Không gian bên trong cây cỏ mọc hoang dại nhiều, ít được người dân quan tâm.
Chùa Cực Lạc (thôn Phú Đa 2)
Giới thiệu di tích
Chùa Cực Lạc nằm ở thôn Phú Đa 1 được coi là công trình tôn giáo quan trọng nhất của xã Cần Kiệm và luôn được những người hành hương coi là một phần không thể thiếu của cụm di tích tôn giáo chùa Tây Phương và Cực Lạc mặc dù hai chùa này nằm ở hai xã khác nhau theo địa giới hành chính hiện hành.
Mô tả di tích
Tại xã Cần Kiệm có ba chùa quan trọng thuộc địa phận và trách nhiệm chăm sóc của các thôn là chùa Kim Long của thôn Phú Đa, chùa Sùng Phúc của thôn Yên Lạc, chùa Nghiêm Quang của thôn Phú Lễ. Chùa Cực Lạc được coi là chùa chung của cả ba thôn và có vai trò quan trọng không chỉ trong xã Cần Kiệm mà còn là một thành phần không thể tách rời của tuyến tham quan chùa Tây Phương – Cực Lạc.
Theo truyền thuyết, đây chính là nơi thờ Phật Địa Mẫu, ngày kỵ là mồng 1 tháng 4 âm lịch. Mẹ đất đã dạy dân nghề làm ruộng, trồng dâu, và chăm lo cứu khổ chúng sinh. Đời sau suy tôn là Địa mẫu Chân Tiên. Chùa Cực Lạc đã có từ hàng trăm năm trước, nhưng do bị chiến tranh tàn phá nên đến những năm 90 của thế kỷ trước, ngôi chùa này hầu như không còn vết tích gì. Chùa cũng không còn tấm bia nào ghi lại lịch sử khởi dựng từ thuở ban đầu. Nhờ sự vận động của Trụ trì Thích Đàm Tường, nhân dân địa phương cùng những vị khách hảo tâm ở mọi miền Tổ quốc đã công đức tiền của, công sức để xây lại ngôi chùa
Chùa được xây trên nền ngôi chùa cũ đã bị tàn phá qua thời gian và chiến tranh. Theo kiểu chữ “Công”, có kết cấu tường, cột hoàn toàn bằng đá xanh Ninh Bình. Các chi tiết kiến trúc khác cũng chế tác chủ yếu từ đá như bậc thềm đá, cột trụ đá, đèn đá, lan can đá tạc hình rồng cuốn thủy. Sau chùa có ngọn tháp cao 5 tầng và một nhà bia hình bát giác tượng trưng cho bát quái trấn giữ nơi địa linh.
Gian giữa nhà tiền đường có tòa cửu long bằng đá. Ở vị trí chính điện đặt tượng một vị thần đầu đội mũ bình thiên, ngồi trên long ngai (trang phục hoàng đế). Các vị thần trong tín ngưỡng người Việt thường là nhân thần, có công với dân với nước.
Tòa hậu điện thờ Phật, gian giữa có tượng phật A Di Đà khá lớn, hiện thân của cõi cực lạc và bộ tượng Tam Thế ngồi tòa sen, trên bệ cao tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Toàn bộ tượng và đồ thờ đều bằng đá khối. Trong khuôn viên chùa còn có khu riêng thờ Thần Nông, khu vườn tháp… và vườn đá với nhiều chim thú được ghép từ đá tự nhiên rất sinh động. Các công trình điêu khắc đá này do các thợ đá lành nghề thực hiện.
Việc bố trí thờ cúng ở chùa Cực Lạc theo tín ngưỡng của người Việt là “Tiền thần hậu Phật”, nên ngay trước cổng chùa là tượng của 8 vị thần bằng đá xanh rất đồ sộ, cao trên 2m, cầm binh khí, lệnh bài. Điều đặc biệt là hoa văn cách điệu trên tượng thần đều được trang trí bằng đá dăm và sỏi đa sắc, trông rất lạ mắt.
Đình Phú Đa (thôn Phú Đa 2)
Giới thiệu di tích
Tên thường gọi là đình Phú Đa, thuộc thôn Phú Đa 2 phía Tây Nam xã Cần Kiệm, nhìn ra con sông Tích trước mặt. Thôn Phú Đa tên Nôm là làng Gia, một làng nổi tiếng nghệ thuật múa rối nước, xưa kia năm nào cũng biểu diễn rối nước ở hội chùa Thầy. Từ trung tâm thành phố Hà Nội theo đường 21A tới thị trấn Quốc Oai đi khoảng 3 km đến UBND xã Bình Phú, có đường liên thôn rẽ vào di tích khoảng 500m.
Mô tả di tích
Khuôn viên đình Phú Đa được thiết kế theo phong cách điển hình của đình chùa truyền thống bao gồm gian nhà chính diện, nhà tả và hữu hai bên. Chính giữa là sân rộng, phần cổng gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ hai bên có thiết kế tương đồng với các loại cổng thường thấy của các hội quán, đình, chùa trong khu vực. Đình kiến trúc kiểu diện ngang chữ nhất gồm 5 gian 2 dĩ, xung quanh bưng tường xây nâng 4 mái, góc mái cong nét đao, tầu hiên võng như mạn cột con thuyền. Kết câu 7 bộ vì làm theo kiểu thượng giường hạ bẩy, bốn cột làm gian giữa đường kính 50 cm, đỉnh trên có đấu vuông, tảng đá kê chân cột 80 x 80cm. mặt trên tròn đường kính 55cm. Thân cột đục lỗ ghép sàn. Hai vì gian dĩ cấu trúc kiểu chồng rường giá chiêng, có chạm khắc rồng nổi, hình người cưỡi ngựa, hai thiếu nữ hát mừng hội làng là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVIII. Đồ thờ ở đình khá phong phú mang dấu ấn nghệ thuật của thời Lê và thời Nguyễn là ngai thờ, kiệu song loan thời Lê, hương án, quán tấy, đại tự, câu đối thời Nguyễn… Đáng lưu ý là bộ tượng rối nước cổ, xưa thường xuyên đi múa thờ ở chùa Thầy. Trong đình còn có một bàn thờ Tổ nghề múa hát, tục gọi Đức Thánh Nhà Trò, trên có hoành phi đề 3 chữ Hán “Lễ lạc tông” chứng minh cho truyền thống múa rối nước của làng. Đình Phú Đa nơi thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng tên là Đào Khang. Tương truyền Ông đã giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Tô Định, góp phần giành độc lập cho dân tộc. Đào Khang đã đóng đồn binh lập trang trại ở thôn Phú Đa, dậy dân trồng cấy, khơi mương, đào ngòi trở thành phúc thần của làng Phú Đa. Hàng năm hội làng mở vào ngày 3 tháng 4 (Âm lịch) có tế lễ, diễn xướng tưởng nhớ công trạng của tướng Đào Khang, tổ chức trò múa gậy trên cạn, và múa rối nước ở ao trước cửa đình làm không khí ngày hội thực sự là buổi sinh hoạt văn hoá của toàn dân.
Đình Phú Lễ (thôn Phú Lễ)
Giới thiệu di tích
Đình Phú Lễ nằm trong địa phận thôn Phú Lễ ở phía Tây Nam xã Cần Kiệm, khu vực có địa hình thấp nhất xã và dốc thoải về phía sông Tích. Tương truyền thành hoàng làng có 3 vị thần là 3 tướng quân: thôn Phú Đa thờ em út, đình Phú Lễ thờ người em giữa và đình Yên Lạc thờ người anh cả.
Mô tả di tích
Đình Phú Lễ có phong cách kiến trúc gần tương tự với đình Phú Đa do có tương đồng về lịch sử khởi dựng. Từ quy hoạch tổng thể đến các chi tiết cổng, hoa văn mái gian nhà chính đều có sự tương đồng với đình Phú Đa. Điều đặc biệt là cụm tổ hợp đình – chùa – cây đa – bến nước ở không gian cộng đồng thôn Phú Lễ gắn với cảnh quan thiên nhiên của con sống Tích. Trước mặt đình Phú Lễ là một khoảng sân rộng nhìn ra bến thuyền sông Tích và phía bên trái là chùa Nghiêm Quang cũng gắn chặt với bến thuyền sông Tích về mặt cuộc sống và tâm linh.
Thôn Phú Lễ có truyền thống văn hóa phong phú với tục ăn trầu đã trở thành một trong những bản sắc văn hóa của địa phương nhiều đời nay và được nâng tầm thành một nghệ thuật sinh hoạt của người dân. Người làng có tục lệ cho đàn ông muốn lấy vợ thì phải có mấy ngàn quả cao để đi hỏi cưới. Vào ngày 3/8 và 8/8 Âm lịch hàng năm, con gái đã đi lấy chồng phải làm mâm cỗ báo hiếu bố mẹ có thủ lợn hoặc con gà.
Đình làng Yên Lạc (thôn Yên Lạc 1)
Giới thiệu di tích
Đình thôn Yên Lạc nằm ở địa phận thôn Yên Lạc 1 xã Cần Kiệm. Thôn Yên Lạc có tên nôm là Gượm. Đình nằm trên một gò đất cao hình hàm hổ, trông ra sông Tích tạo thành một cụm tổ hợp không gian kiến trúc cảnh quan làng xã truyền thống đặc sắc với sân đình – cây đa 9 gốc lâu năm – bến nước.
Mô tả di tích
Trước cửa đình có đôi voi phục chầu vào nhà thánh, làm bằng đá ong một vật liệu sẵn có ở huyện Thạch Thất. Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm ở địa phương, ít gặp ở các địa phương khác. Khu di tích kiến trúc kiểu chữ nhị, gồm nhà Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ với 6 hàng vì, 2 tầng 8 mái. Vì kèo làm kiểu chồng giường con tiện và kẻ bẩy. Lối kiến trúc này tránh sự nặng nề, tạo cho công trình dáng vóc thanh thoát. Nghệ thuật điêu khắc ở Đại bái đình Yên Lạc đậm chủ đề tứ linh, tứ quý mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hậu cung kiểu chữ nhất, nằm song song với Đại bái, bên trong đặt khám thờ, phía trên treo tấm hoành phi lớn có hàng chữ sơn son thiếp vàng: “Thượng đẳng tối linh từ”, chứng tỏ đình Yên Lạc là một quần thể đình và đền kề liền nhau. Khám thờ đặt ba bài vị Thành hoàng của làng, chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Ngoài ra đình Yên Lạc còn giữ nhiều đồ thờ tạo tác ở thời Nguyễn, như 4 bộ kiệu rước, 2 hương án thờ kép và đơn.
Đình Yên Lạc thờ vì anh cả trong 3 vị Thành hoàng làng là Trung Công, Hoằng Công và Dũng Công. Trung Công, Hoằng Công là anh em ruột, Dũng Công là em họ vốn quê ở vùng Thiên Trường (Nam Định), đến ngụ cư ở làng Yên Lạc. Lớn lên văn võ song toàn, ba anh em trở thành vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh, giúp vua Hùng đời thứ 18 chống giặc bảo vệ bờ cõi đất Văn Lang. Đình còn phụng thờ Nguyễn Kính một danh thần nổi tiếng ở nhà Mạc, quê ở xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.
Hội làng Yên Lạc mở vào ngày 12 tháng giêng. Dân thôn có tổ chức vật và múa gậy thờ Thành hoàng làng. Với vị trí sát con sông Tích, đình Yên Lạc là một điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đặc sắc và là một thành tố không thể thiếu trong cụm không gian cảnh quan làng xã truyền thống với cây đa 9 gốc có tuổi đời được ước tính hơn 500 năm tuổi và bến nước sông Tích xanh trong. Dưới gốc đa chính hiện người dân lập một miếu thờ nhỏ, cùng tấm bảng sơn màu xanh, trên đó ghi rõ: “Năm Hồng Đức nguyên niên (1469) đình Yên Lạc được xây dựng lại to rộng trên mảnh đất này. Cây đa được trồng trước cửa sân đình…”.
Người dân làng kể lại ông nghe kể lại rằng, ngày xưa, lúc dựng xong đình Yên Lạc thì trời có một trận mưa lớn khiến dòng sông Tích trước mặt nước dềnh lên. Khi nước rút đi, thì để lại một cây đa nhỏ. Sau đó, cây đa cứ lớn dần rồi cứ thế thả dễ hình thành 9 nhánh như hiện nay. Dòng sông Tích còn chứng kiến nhiều câu chuyện được lưu truyền ly kỳ như chuyện “cây gỗ biết đi” ở bến sông Tích đình Yên Lạc trải qua bao biến cố thiên nhiên và lịch sử nhưng vẫn tồn tại vững vàng ở bến sông như một linh vật linh thiêng với dân làng.
Các cụ cao niên ở làng Yên Lạc còn kể rằng, suốt những năm chống Pháp, đình làng bị máy bay bắn phá dữ dội nhưng vẫn chẳng hề gì. Cột đình được làm toàn bộ bằng gỗ lim, một người ôm không hết. Trong đình Yên Lạc ngày trước có một quả chuông đồng rất to, cao gần 2 mét. Trên thân chuông có khắc những hình long phượng và rất nhiều hoa văn đẹp mắt. Đặc biệt, nó còn khắc tên của làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm. Trong làng Yên Lạc, người dân vẫn lan truyền câu chuyện đúc chuông đồng này qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay trong đình Yên Lạc còn chứa nhiều sắc phong di tích có giá trị từ thời vua Tự Đức.
Chùa Nghiêm Quang (thôn Phú Lễ)
Giới thiệu di tích
Chùa Nghiêm Quang là một trong bốn chùa ở xã Cần Kiệm và nằm trong địa phần thôn Phú Lễ. Chùa ở bên trái đình Phú Lễ và nằm sát con sông Tích, cũng được coi là thành tố không gian quan trọng của tổ hợp kiến trúc cảnh quan đình – chùa – cây đa – bến nước.
Mô tả di tích
Chùa Nghiêm Quang nằm ẩn mình dưới một gốc đa lâu năm rợp bóng ven sông Tích. Chùa có lối vào hướng ra không gian cộng đồng phía đình Phú Lễ và một mặt bên của chùa giáp với sông Tích. Đi qua cổng tam quan là vào nhà tam bảo, không có tả vu hữu vu. Lối nhỏ cạnh chính diện dẫn vào khuôn viên bên trong gồm 3 gian nhà sinh hoạt cho tăng ni. Sân chính của chùa nằm bên hông nhà tam bảo và nhìn ra sông Tích. Hiện tại chùa có chủ trì mới về tiếp quản được 6 tháng, đang có một số hoạt động cải tạo nhỏ (các băng rôn, bảng hiệu và giàn mái che năng khung thép mái tôn...). Chùa Nghiêm Quang thường được Phật tử nhiều nơi về lễ bái và còn có hoạt động thả hoa đăng xuống sông Tích vào đêm Rằm tháng Giêng và tháng Bảy Âm lịch.
Chùa Kim Long (thôn Phú Đa 1)
Giới thiệu di tích
Chùa Kim Long thuộc địa phận thôn Phú Đa 1, ở một khu đồi thấp phía Đông xã Cần Kiệm, có vị trí ngoài khu vực cư trú và hẻo lánh.
Mô tả di tích
Ngôi chùa đã lâu năm không có sư thầy trụ trì, nhưng được Phật tử địa phương tôn quý, kính ngưỡng, bảo vệ và thường xuyên về đấy tu tập, sinh hoạt tín ngưỡng. Ngôi chùa nằm trên địa hình rất đẹp, là hình ảnh con Rồng chúa nằm há miệng ngậm viên ngọc lớn và trải dài theo sau là hình ảnh 9 con rồng con nằm tiếp nối. Được biết diện tích đất chùa rộng đến hơn 7 hecta. Ngoài ngôi bảo điện nho nhỏ, đơn sơ là trải dài bởi các hàng cây xanh mát và hình ảnh hai hồ nước lớn bao quanh, trông rất hài hòa, tạo thành một hình ảnh thiên nhiên rất tuyệt sắc. Ngôi chùa còn được nằm gần chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc, như tái hiện lại cảnh giới Tây phương Cực Lạc, thích hợp cho đông đảo Phật tử về chuyên tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ cũng như là tạo cảnh giới Tịnh Độ hiện tiền.
Nhà lưu niệm Bác Hồ
Giới thiệu di tích
Nhà lưu niệm Bác Hồ nằm ở địa phận thôn Phú Đa 1, gần quán xóm Lài Cài. Nhà lưu niệm đã được công nhận là di tích cách mạng và là niềm tự hào của người dân Cần Kiệm về truyền thống yêu nước và kháng chiến bảo vệ đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác đã nhiều lần về thăm, về ở và làm việc tại nhiều địa điểm thuộc tỉnh Hà Tây cũ, trong đó có 19 ngày đêm Bác ở và làm việc tại xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất từ ngày 13-1 đến ngày 2-2-1947 trong một lần rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Bác ở và làm việc trong ngôi nhà lá của cụ Nguyễn Đình Khuê (hay còn gọi là cụ Qụy Khuể) ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm. Toàn bộ căn nhà được làm bằng tường tre, lợp mái cọ. Ngôi nhà khi đó đang được làm dở, nền đất cũng chưa được đập kỹ và chưa có người ở. Đây là ngôi nhà được cụ Khuê dựng để cho các con của mình và cũng không có đồ dùng gì đặc biệt.
Mô tả di tích
Nhà lưu niệm Bác Hồ năm trong 1 ngõ sâu khoảng 80-100m, không khó vào nhưng không có chỗ để xe và ít biển chỉ dẫn. Khuôn viên bên trong khu nhà khoảng 300m2, gian nhà tranh đơn sơ, cổng gỗ đá ong lợp rơm. Bên trong các gian nhà là không gian trưng bày các ảnh, hiện vật về quá trình hoạt động, cư trú ngày xưa của Bác Hồ trong khu vực. Chiến tranh đã lùi xa, ngôi Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm hiện nay vẫn được giữ nguyên trạng so với trước kia, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan có thể thắp hương tưởng niệm Người. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu, kỷ vật lúc Bác đã từng ở, những bức ảnh chụp… Ngày 13-5-1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp bằng công nhận Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm là di tích lịch sử cách mạng. Hiện Nhà lưu niệm Bác Hồ vẫn được bảo tồn để phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi Tết đến hoặc kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Đây là một niềm tự hào của người dân Cần Kiệm với du khách thập phương về truyền thống yêu nước và giữ nước được truyền qua nhiều thế hệ.
Đài tưởng niệm liệt sĩ đồi núi Nứa (thôn Phú Đa 1)
Giới thiệu di tích
Được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia, đài tưởng niệm liệt sỹ chống Pháp đồi núi Nứa, Xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất được xây dựng đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1983 và khánh thành công trình nhân kỷ niệm 54 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam (03/2/1984). Công trình ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ của quê hương Cần Kiệm đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu chống càn của thực dân Pháp ngày 11 tháng 3 năm 1954.
Mô tả di tích
Tượng đài núi Nứa được xây dựng trên đồi thông cao, địa thế đẹp, cây cối quanh năm xanh tốt, cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, giao thông thuận lợi, lại nằm trong cụm di tích chùa Tây Phương nổi tiếng, nhà lưu niệm Bác Hồ, chùa Cực lạc, là một điểm nhấn trong quần thể du lịch văn hoá – lịch sử cách mạng của huyện Thạch Thất và khu vực, thu hút khách tham quan, du lịch ngày càng nhiều. Địa danh núi Nứa là địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng sâu sắc, tinh thần đoàn kết, dũng cảm chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc cho các thế hệ mai sau. Cùng với địa danh “Cẩm Bào mồ chôn giặc Pháp”; “Hạ Bằng quật khởi”; “Núi Nứa anh hùng” đã tô đậm thêm truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc của quê hương Thạch Thất, góp phần trực tiếp xây dựng thành tích để huyện Thạch Thất trở thành đơn vị anh hùng lực lương vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Đài tưởng niệm liệt sĩ nằm trên đồi núi Nứa là nơi có cốt nền cao nhất (khoảng 320m) ở huyện Thạch Thất xung quanh là đồi thông có cảnh quan và điểm nhìn bao quát một không gian rộng lớn xung quanh. Trên đồi có nhiều cây thông tự nhiên và nhiều thảm thực vật đa dạng và phong phú. Nằm ở phía bên trái của đài tưởng niệm là khu du lịch sinh thái Quang Huy đã được công ty du lịch Quang Huy xây dựng cách đây gần 20 năm phục vụ các hoạt động lễ hội, gặp gỡ, nghỉ dưỡng và chụp ảnh cưới. Doanh nghiệp Quang Huy đã thực hiện nhiều công tác cải tạo địa hình và kiến trúc cảnh quan tạo nên một khu du lịch văn hoá có thẩm mỹ và tiện nghi. Hàng năm, cứ đến ngày11 tháng 3 dương lịch, ngày thương binh liệt sỹ 27/7 và các ngày lễ Tết, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện lại về tượng đài thắp hương, dâng lễ để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì quê hương, vì độc lập tự do của tổ quốc. Đây cũng là nét đẹp trong truyền thống văn hoá của quê hương Thạch Thất anh hùng.
Đền thờ chúa Giê-su (thôn Yên Lạc 3)
Mô tả di tích
Trước đây người dân xóm đạo chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Nhưng trong những năm gần đây, cùng với đà tiến của Xã hội, thanh niên trong làng từ chỗ phải phiêu bạt khắp nơi kiếm sống, hôm nay với nghề thợ mộc trong tay, tuy đơn sơ vất vả nhưng đã làm cho bộ mặt của xóm đạo đã được đổi thay. Hầu như các gia đình đều xây dựng cho mình một xưởng nhỏ để xản xuất. Vì thế đời sống bà con giáo dân mỗi ngày được đổi mới. Từ những ngôi nhà tranh vách đất, nay được thay dần bằng những ngôi nhà cao tầng và trong nhà có thêm những tiện nghi hiện đại. Từ con đường đất đỏ dính chân nay đã được bê tông hóa tới từng ngõ nhỏ.
Giáo xứ Cần Kiệm (thôn Yên Lạc 3)
Giới thiệu di tích
Giáo xứ Cần Kiệm ở trên vùng đất bán sơn địa phía Đông Bắc xã Cần Kiệm, thuộc xóm Liên Kết, thôn Yên Lạc 3. Đây là nhà thờ Công giáo được cây dựng vào năm 1813 và thuộc sự quản lý của Giáo hạt Sơn Tây. Theo truyền thống kể lại: sở dĩ họ giáo được đón nhận Tin Mừng là do sự giúp đỡ của ông Tứ người họ giáo Chàng Sơn vào bẫy chim gáy. Ban đầu họ giáo có 6 gia đình với 15 khẩu, là các thành phần trưởng tộc của 5 họ: họ Nguyễn, họ Kiều, họ Lê, họ Đỗ, họ Phí từ bên lương dân được cử sang đây để chiếm giữ đất đai. Giáo xứ Cần Kiệm có số giáo dân là 1576 người. Mảnh đất này là của gia đình bà cố Nghiêu trong địa phương dâng hiến cho cộng đồng giáo dân.
Mô tả di tích
Qua một quá trình dài với nhiều thăng trầm của thiên nhiên và xã hội, khuôn viên giáo xues Cần Kiệm đã được cải tạo 4 lần từ năm 1813. Ban đầu kết cấu nhà thờ bằng rơm, sau đó được xây dựng lại bằng bên tông cốt thép. Cấu trúc công trình nhà thờ hiện nay có từ đợt xây dựng lần thứ 4 vào năm 1993 với diện tích sử dụng là 612 m2.
Khuôn viên giáo xứ Cần Kiệm nằm trên một khu vực cao ráo và có tầm nhìn đẹp ra tứ phía của xã Cần Kiệm. Xung quanh công trình nhà thờ là nhiều cây xanh và tầm quan sát thoáng đãng.
Miếu Ngoài Chui
Giới thiệu di tích
Miếu ngoài Chui nằm ở thôn Yên Lạc 3 phía Bắc của xã Cần Kiệm. Người dân địa phương không biết cụ thể nhân vật nào được thờ ở miến này.
Mô tả di tích
Miếu ngoài Chui nằm trên con đường làng nhỏ nhưng khuôn viên lại khá là rộng lớn và khang trang. Được sửa sang và trùng tu vào năm 2015 Xuân Giáp Ngọ. Miếu ở phía rìa làng nên nhìn ra một khoảng không rộng lớn đồng ruộng thoáng đãng. Công trình thờ cúng hiện nay mới được sửa sang và trùng tu nên không có nhiều giá trị về vật thể mà chỉ có giá trị tinh thần đối với người dân thôn xóm do được xây dựng trên nền miếu cũ.
Giếng cây đa 9 gốc thôn Yên Lạc 1
Giới thiệu di tích
Giếng thôn Yên Lạc nằm ngay tại sân trước đình Yên Lạc và bên cạnh cây đa 9 gốc hơn 500 năm tuổi. Theo người làng thì tuổi thọ của giếng này cũng hàng trăm năm và rất có ý nghĩa tinh thần đối với người dân thôn Yên Lạc.
Mô tả di tích
Gần đây, có một người dân địa phương có chuyên môn ngành kiến trúc – xây dựng đã hỗ trợ việc tôn tạo bảo tồn hình thái của giếng và đậy nắp giếng bằng một tấm kính cường lực để bảo vệ an toàn cho người dân. Cụm tổ hợp đình làng – cây đa – giếng nước – bến nước ở khu vực trung tâm thôn Yên Lạc 1 có nhiều giá trị cao về mặt kiến trúc cảnh quan làng xã truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nhà truyền thống lâu năm của bà Đỗ Thị Cẩm (thôn Phú Lễ)
Giới thiệu di tích
Trong xã Cần Kiệm còn một số ít nhà truyền thống lâu năm với cấu trúc khung gỗ quý (đinh, lim) và mái ngói có tuổi đời hàng trăm năm. Trong đó nhà bà Đỗ Thị Cẩm (94 tuổi) người dân thôn Phú Lễ vẫn giữ được kết cấu nguyên bản.
Mô tả di tích
Nhà bà Đỗ Thị Cẩm nằm ở một ngõ nhỏ trong thôn Phú Lễ đã được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Nhà bà có khuôn viên khoảng hơn 400m2 với một gian nhà chính theo phong cách kiến trúc truyền thống gồm có 3 gian và 2 chái. Căn nhà này hiện nay do chủ nhà là bà Cẩm đang sinh sống và trông nom. Kết cấu và diện mạo của nhà hầu như không thay đổi so với nguyên bản, chỉ có mái ngói thì được thay mới theo định kỳ do tác động phá hủy của khí hậu. Bên trong nhà thì gian chính giữa được sử dụng làm bàn thờ gia tiên và người thân đã mất. Bên phải của tòa nhà chính có một gian nhà mà gia chủ dành cho con cháu khi cần thì sử dụng. Bên trái của gian nhà chính là nhà bếp đang được gia chủ sử dụng thường xuyên. Trước mặt nhà chính là một khoảng sân rộng và nhà bà Cẩm còn có một giếng nước khoan đã lâu không sử dụng và cạnh đó là một mảnh vườn nhỏ.
Nhà bà Đỗ Thị Cẩm
Sử dụng vật liệu, phương thức xây dựng truyền thống
Huyện Thạch Thất là địa phương có nhiều đá ong nhất xứ Đoài do có đặc trưng ở vùng bán sơn địa nên người dân từ xa xưa đã sử dụng vật liệu địa phương là đá ong để xây dựng nhà cửa và các công trình công cộng như đình, đền, chùa, miếu, cổng, giếng... vì thuận tiện cho việc vận chuyển và giá thành thấp. Ngoài ra, vật liệu đá ong có những ưu điểm là có đồ bền cao lên đến hàng trăm năm, điều phối nhiệt tốt, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hàng chục năm trước nghề đào đá ong rất phổ biến để phục vụ nhu cầu xây dựng nội bộ làng xã và thậm chí còn bán ra ngoài. Ngoài việc sử dụng đá ong cho những công trình phổ biến là nhà dân và công trình công cộng, đá ong còn được nâng tầm giá trị với một tác phẩm mỹ nghệ điêu khắc.
Đá xuất hiện khắp mọi nơi, có khi ở dạng lộ thiên, cũng có khi nằm sâu dưới các lớp đất. Trong lòng đất thì đá mềm dẻo nhưng đào lên gặp ánh nắng mặt trời, dầm sương dãi gió đá càng cứng chắc với thời gian. Việc sản xuất đá ong là công việc năng nhọc, hoàn toàn làm thủ công, chỉ với cái thuổng, cái mai nhỏ bằng thép, người thợ sẽ thuốn định hình viên đá tùy theo kích cỡ của mình. Đá ong khi khai thác được chia làm ba loại: lớp đầu tiên là đá sản, kế đó là lớp thân và cuối cùng là đá chân. Trong đó đá thân là loại có khả năng chịu lực tốt nhất. Quá trình “ong hóa” đã làm cho đá khi thành viên có hoa văn trên bề mặt. Khi sử dụng đá ong để xây dựng, người ta không cần trát vữa lên bề mặt đá mà cứ để nguyên bề mặt thô mộc, xù xì, thô ráp, vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong tạo nên vẻ đẹp bí ẩn, trầm mặc cho những công trình xây dựng bằng đá ong.
Ngày nay do công việc khai thác và chế tác đá ong hết sức vất vả và thu nhập không nhiều nên không còn nhiều người làm nghề này nữa. Thay vào đó, người dân xây nhà bằng vật liệu gạch nung và bê tông cốt thép với sự hỗ trợ của công nghệ xây dựng nên tốc độ hoàn thiện nhanh.
Ngoài việc xây dựng nhà ở bằng vật liệu đá ong thì, Cần Kiệm cũng có nhiều người nghề làm mộc tập trung nhiều ở thôn Yên Lạc. Một số công trình tôn giáo và nhà ở truyền thống vẫn giữ kết cấu chịu lực bằng gỗ nguyên bản từ khi mới xây dựng.
Xã Cần Kiệm có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, địa hình – địa mạo, hệ sinh thái tự nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời nên diện mạo cảnh quan rất phong phú và hấp dẫn. Sự phân bố của các khu vực cư trú của người dân có sự phân tán giữa 3 khu vực chính là thôn Phú Đa, thôn Yên Lạc và thôn Phú Lễ dựa trên sự thích nghi với điều kiện địa hình tự nhiên và sự gắn kết chặt chẽ với yếu tố sông ngòi là một yếu tố then chốt mang lại bản sắc cho không gian cảnh quan đặc sắc của Cần Kiệm. Các khu vực cư trú được chọn đều là những khu vực có địa hình cao ráo, có tầm nhìn tốt và gắn với các tuyến được liên xã chính. Nằm giữa các khu vực dân cư là các mảng xanh và sông ngòi được hình thành nên từ chính kinh nghiệm xây dựng môi trường cư trú thích ứng với điều kiện tự nhiên. Chính nền tảng văn hóa tạo lập môi trường cư trú này theo thời gian đã góp phần đem lại cho không gian cảnh quan xã Cần Kiệm một cấu trúc và diện mạo rất riêng và có giá trị đặc sắc.
Không gian cảnh quan ở Cần Kiệm có những đặc trưng chính là cảnh quan khu vực có đồi núi, cảnh quan khu vực ven sông và cảnh quan đồng ruộng. Những khu vực đồi núi thường được bố trí các công trình có ý nghĩa tôn giáo hoặc tâm linh như đình, chùa, miếu, quán, nhà thờ hoặc đài tưởng niệm liệt sĩ. Các công trình được bố trí trên những điểm cao nhất của đồi hoặc gò, có lối lên được xây dựng theo thực tế địa hình. Hệ thực vật trên vùng bán sơn địa khá phong phú với những cây xanh đặc trưng ở các tầm cao khác nhau như thông, bạch đàn, dương xỉ, đa, si... Tại Cần Kiệm, những khu vực có cảnh quan đặc trưng đồi núi là thôn Phú Đa 1, thôn Yên Lạc 2 và 3 với mật độ dày đặc các công trình tôn giáo, tâm linh được xây dựng theo các điểm cao nhất tại các thôn xóm.
Những khu vực cảnh quan ven sông thường là nơi cư trú của người dân với ưu thế thuận lợi giao thông đi lại và gắn chặt với mặt nước phụ vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp và xây dựng. Tại Cần Kiệm, các thôn có đặc trưng cảnh quan ven sông là thôn Phú Đa 2, thôn Phú Lễ và thôn Yên Lạc 1. Cảnh quan khu vực ven sông là sự hòa quyện của hệ thống công trình tôn giáo, công trình nhà ở, không gian cây xanh và không gian mặt nước tạo thành đặc trưng cảnh quan điển hình của làng xã truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng. Các thành tố cảnh quan cơ bản được người dân nhiều đời nay dựa trên đặc điểm địa hình và quan niệm tâm linh tổ hợp một cách tự nhiên và linh hoạt như tổ hợp cây đa – bến nước – sân đình.
Khu vực đồng ruộng ở xã Cần Kiệm là những nơi có địa hình bằng phẳng giữa xen kẽ các đồi núi chủ yếu ở phía Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc gắn với dòng sông Tích. Một phần đồng ruộng len lỏi giữa các khu vực cư trú có địa hình cao.
Cần Kiệm có điều kiện địa lý với các ưu thế về địa hình, địa mạo bán sơn địa nên cảnh quan trong đó có hệ thống cây xanh mang đặc trưng riêng. Như đã trình bày ở mục 4.1 về không gian cảnh quan, Cần Kiệm có ba hình thái cảnh quan đặc trưng là cảnh quan đồi núi, cảnh quan ven sông và cảnh quan ruộng đồng. Với những hình thái cảnh quan đó thì hệ thống cây xanh cũng có nhưng giống loài và sự sinh trường cũng như diện mạo tương ứng.
Những cây xanh đặc trưng ở Cần Kiệm là cây thông, cây dương xỉ trên đồi gò, cây tre trúc, cây mít, cây đa, cây ngọc lan, cây liễu... ở khu vực bằng phẳng hơn. Các cây xanh đều được người dân lựa chọn phù hợp với vị trí trồng và đặc tính sinh trưởng của chúng. Ngoài ra, các cây xanh được chọn lọc và sử dụng trong các cụm công trình văn hóa và tôn giáo còn phải mang ý nghĩa nhất định.
Ở thôn Yên Lạc 1, cây đa 9 gốc có tuổi đời hơn 500 năm đã trở thành một niềm tự hào lớn đối với người dân Cân Kiệm vì sự lâu đời và sự đóng góp của cây đa này vào đặc trưng cảnh quan truyền thống của làng trong suốt một chiều dài lịch sử.